Những lưu ý đặc biệt khi niềng răng để khỏi 'tiền mất tật mang'

BSNT. Trịnh Thị Hồng Gấm - Bệnh viện Bạch Mai,
Chia sẻ

Niềng răng là một phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay giúp dịch chuyển răng mang lại một hàm răng đều đặn, hài hòa về thẩm mỹ và chức năng. Quá trình niềng răng của mỗi bệnh nhân có thể kéo dài 1-3 năm thậm chí lâu hơn tùy theo mức độ lệch lạc của răng hàm và kế hoạch chỉnh nha mà bác sĩ và bệnh nhân đã lựa chọn.

Khi niềng răng , răng thường dễ bám thức ăn và mảng bám hơn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi . Chăm sóc răng miệng khi niềng răng là rất quan trọng để kết quả điều trị chỉnh nha được tối ưu nhất. Chính vì vậy, việc vệ sinh răng miệng và ăn gì khi niềng răng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Những lưu ý đặc biệt khi niềng răng để khỏi 'tiền mất tật mang' - Ảnh 1.

Chăm sóc răng miệng khi niềng răng là rất quan trọng để kết quả điều trị chỉnh nha được tối ưu nhất. Ảnh minh họa: Internet

Để có sức khỏe răng miệng tốt khi niềng răng, bạn nên thực hiện nghiêm túc các bước sau:

Chải răng đúng cách

Bạn nên chọn loại bàn chải lông mềm, có kích thước vừa với miệng, đầu bàn chải thuôn. Chải răng theo chiều từ trên xuống hoặc xoay tròn trên tất cả các bề mặt răng: mặt trong, mặt ngoài, mặt nhai. Đối với phần mắc cài, chải cả phần trên, phần dưới mắc cài. Sử dụng bàn chải kẽ với động tác đưa lên, đưa xuống để chải mặt bên mắc cài.

Sử dụng chỉ nha khoa với một đoạn khoảng 20 - 25 cm, luồn sợi chỉ qua dây cung, thực hiện động tác kéo ra, kéo vào, hất lên, hất xuống để làm sạch kẽ răng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng bàn chải chuyên dụng cho răng mang niềng. Loại bàn chải này có thiết kế đặc biệt, thích hợp với kẽ răng khi có gắn mắc cài, đầu bàn chải nhỏ dễ dàng len lỏi và làm sạch cặn thức ăn.

Nên sử dụng kem đánh răng có chứa thành phần fluoride. Fluoride là khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo men và ngà răng, có tác dụng bảo vệ men răng, phòng ngừa sâu răng.

Đánh răng 2- 3 lần/ ngày và không quên làm sạch lưỡi bằng bàn chải để loại bỏ 70% vi khuẩn tập trung ở lưỡi.

Sử dụng máy tăm nước

Máy tăm nước là dụng cụ làm sạch răng bằng nước đặc biệt hữu ích đối với những người đang niềng răng. Máy sử dụng tia nước với cường độ cao, giúp đi sâu vào các kẽ răng, làm sạch dây cung, mắc cài một cách tối ưu nhất.

Những lưu ý đặc biệt khi niềng răng để khỏi 'tiền mất tật mang' - Ảnh 2.

Cảm giác cộm và đau nhức khi mới niềng răng có thể xảy ra. Lúc này, bạn chỉ nên ăn đồ ăn mềm như cháo, súp, cơm, sinh tố, nước ép,…Ảnh minh họa: Internet

Chế độ ăn uống khi niềng răng

Một số điều cần lưu ý khi ăn uống trong thời gian niềng răng:

Cảm giác cộm và đau nhức khi mới niềng răng có thể xảy ra. Lúc này, bạn chỉ nên ăn đồ ăn mềm như cháo, súp, cơm, sinh tố, nước ép,…

Luôn cắt thức ăn thành miếng nhỏ để dễ nhai và nuốt, không tạo nhiều áp lực lên răng.

Tránh các loại đồ ăn quá cứng, đồ ăn dính như bỏng ngô, kẹo, sườn, chân gà,… vì có thể làm ảnh hưởng đến mô nha chu xung quanh răng, làm bong mắc cài ảnh hưởng đến thời gian điều trị.

Hạn chế đồ ăn dính như kẹo dừa, kẹo cao su,… bởi khi dính vào răng hoặc mắc cài sẽ gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng.

Ngoài việc quan tâm đến ăn gì khi niềng răng thì bạn còn phải cần chú ý việc ăn vào thời gian nào. Đặc biệt bạn cần lưu ý không nên ăn đồ có nhiều đường trước giờ đi ngủ mà không chải lại răng.

Trên đây là những thông tin liên quan đến các cách chăm sóc răng miệng khi niềng răng. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn sẽ biết thêm được nhiều cách vệ sinh răng miệng hiệu quả để áp dụng khi niềng răng.

Những lưu ý đặc biệt khi niềng răng để khỏi 'tiền mất tật mang' - Ảnh 3.

Hạn chế đồ ăn dính như kẹo dừa, kẹo cao su,… bởi khi dính vào răng hoặc mắc cài sẽ gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Ảnh minh họa: Internet


Những người không nên niềng răng

Mặc dù niềng răng được coi là một phương pháp hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe răng lợi và sự đều đẹp của răng, nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này. Có những người không nên niềng răng bởi đó là đối tượng không được khuyến khích, có nguy cơ gặp phải hệ lụy không tốt khi niềng răng, điển hình là các trường hợp sau:

Phụ nữ mang thai: Cơ thể thai phụ sẽ trải qua nhiều thay đổi trong suốt thai kỳ. Lực tạo ra từ quá trình chỉnh nha có thể khiến thai phụ mệt mỏi hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Không những thế, sự thay đổi ở lợi trong thời gian niềng răng làm tăng nguy cơ sưng, viêm lợi.

Vì thế, niềng răng không được khuyến khích cho thai phụ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ bầu và thai nhi. Nếu cần chỉnh nha thì nên chờ đến sau khi sinh xong hãy thực hiện quy trình này.

Người có bệnh lý nha chu nghiêm trọng

Viêm nha chu xảy ra khi vi khuẩn tấn công vào lợi và gây sưng viêm. Ban đầu chỉ là viêm nướu nhưng sau đó sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Lúc này, các tổ chức bị tổn thương gồm: xương hàm, lợi, nướu, dây chằng xung quanh răng,... làm cho răng mất khả năng nâng đỡ nên ngày càng suy yếu.

Người bị viêm nha chu thuộc nhóm những người không nên niềng răng vì lực tác động trong quá trình chỉnh nha làm dịch chuyển răng sẽ gia tăng mức độ đau đớn, răng bị lung lay và thậm chí còn có thể mất răng.

Vì thế, trước khi quyết định niềng răng, nếu đang bị bệnh nha chu thì nên trao đổi với bác sĩ nha khoa để điều trị dứt điểm bệnh lý này rồi mới bắt đầu quá trình chỉnh nha. Đây là cách tốt nhất để tránh những rủi ro không mong muốn xảy ra cho sức khỏe răng lợi.

Người có vấn đề về xương hàm

Nếu có vấn đề về xương hàm, như kích thước không phù hợp, xương hàm quá chật thì việc niềng răng có thể gặp rất nhiều khó khăn. Với trường hợp này, có thể bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật chỉnh hình xương hàm trước sau đó mới xem xét đến khả năng niềng răng.

Với trường hợp xương hàm yếu, nếu niềng răng thì hàm sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu di chuyển theo lực của mắc cài. Khi đó, việc gắn mắc cài và tác động từ lực siết sẽ vô tình tạo ra áp lực lớn cho xương hàm và răng. Nếu răng di chuyển được thì kết quả niềng răng cũng rất khó bảo tồn, nguy cơ áp lực từ việc nhai khiến răng bị xô lệch về vị trí cũ là rất cao.

Ngoài ra, nếu không giải quyết vấn đề xương hàm trước khi niềng răng thì chẳng những hiệu quả chỉnh nha không đạt được mà cấu trúc xương hàm còn dễ bị tác động tiêu cực, về lâu về dài sẽ làm suy yếu răng.

Vì thế, những người có vấn đề về xương hàm cũng thuộc diện những người không nên niềng răng để đảm bảo an toàn sức khỏe răng lợi.

Người có vấn đề về khớp hàm

Các vấn đề về khớp hàm, như thoái hóa khớp, có thể làm tăng rủi ro cho sức khỏe răng lợi khi niềng răng. Áp lực từ quá trình chỉnh nha có thể ảnh hưởng đến khớp hàm, gây đau và khó chịu cho người niềng răng. Trong những trường hợp này, cần phải tìm phương pháp điều trị khác phù hợp với tình trạng của khớp hàm.

Người mắc phải một số bệnh lý toàn thân

Có các bệnh lý toàn thân như động kinh, tâm thần, tim mạch, bệnh tiểu đường, ung thư máu,… cũng được xếp vào nhóm người không nên niềng răng. Khi mắc các bệnh lý này, khả năng miễn dịch của cơ thể người bệnh rất kém. Trong khi đó, việc xử lý các vấn đề ở răng có tạo ra vết thương khó lành, dễ gây nhiễm trùng.

Đặc biệt, người bị bệnh tim mạch, tâm thần,… nếu niềng răng thường cảm thấy rất căng thẳng, khó chịu nên dễ tái phát bệnh, thậm chí có trường hợp còn nguy hiểm đến tính mạng.

Người có phản ứng dị ứng với vật liệu chỉnh nha

Những người có tiền sử cơ địa dị ứng rất dễ gặp phản ứng dị ứng với vật liệu chỉnh nha. Trong trường hợp này, việc niềng răng có thể gây kích ứng và khiến họ gặp các vấn đề sức khỏe. Do đó, người có tiền sử dị ứng cũng được khuyến nghị không nên niềng răng.

Đối với những người không nên niềng răng nếu vẫn lựa chọn phương pháp chỉnh nha này thì những rủi ro về sức khỏe có thể nảy sinh. Trước khi quyết định niềng răng, tốt nhất bạn nên thảo luận với bác sĩ nha khoa để được đánh giá toàn diện về tình trạng sức khỏe, để xác định phương pháp điều trị an toàn cho sức khỏe mà vẫn đạt được hiệu quả chỉnh nha lâu dài.

Chia sẻ