Những loại thực phẩm có thể làm thay đổi màu sắc của nước tiểu

Nhung Mai,
Chia sẻ

Màu sắc của nước tiểu có thể thay đổi tùy thuộc lượng nước uống mỗi ngày, loại thực phẩm tiêu thụ hoặc thậm chí là tác dụng phụ của thuốc.

Nước tiểu có thể mang nhiều màu sắc khác nhau từ đỏ hồng, nâu sẫm, cam nhạt đến vàng tươi và thậm chí xanh lam. Trên thực tế, thay đổi màu sắc nước tiểu chủ yếu là do chế độ ăn uống nên thường vô hại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. 

Dưới đây là tổng hợp một số loại thực phẩm làm thay đổi màu sắc nước tiểu bạn cần lưu ý:

Củ dền

Những loại thực phẩm có thể làm thay đổi màu sắc của nước tiểu - Ảnh 1.

Không ít người cảm thấy hoảng hốt khi phát hiện nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng sau khi ăn củ dền.

Theo thông tin đăng trên Tạp chí StatPearls vào 6/2020, nước tiểu có màu đỏ sau khi ăn củ dền là hiện tượng khá phổ biến, ảnh hưởng tới 10-14% dân số. Taylor Wallace, tiến sĩ, người điều hành Tổ chức Think Healthy kiêm giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng và Nghiên cứu Thực phẩm trực thuộc Đại học George Mason giải thích, sắc tố thực vật và các hợp chất khác trong củ dền hoặc quả mâm xôi đen có thể ảnh hưởng đến màu của nước tiểu.

Đại hoàng

Tiêu thụ một lượng lớn đại hoàng cũng có khả năng biến nước tiểu thành màu hồng hoặc đỏ. Nguyên nhân là do anthocyanins, những hợp chất tạo ra màu hồng rực rỡ cho loại thực phẩm này.

Theo Viện Mayo, lạm dụng đại hoàng thậm chí có thể khiến nước tiểu chuyển màu nâu sẫm.

Vitamin B

Những loại thực phẩm có thể làm thay đổi màu sắc của nước tiểu - Ảnh 2.

Vitamin B có mặt trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là thịt nạc, rau xanh, ngũ cốc và bánh mì. Trên thực tế, hiện nay có tới tám loại vitamin B khác nhau.

Theo Viện Cleveland, mặc dù tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa vitamin B có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu vàng sáng hoặc màu cam, tình trạng này thường xuất hiện khi dùng thực phẩm bổ sung liều cao. Trong đó, màu sắc nước tiểu có xu hướng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi hấp thụ vitamin B phức hợp, một loại vitamin tổng hợp bao gồm nhiều vitamin B, riboflavin (B2) và vitamin B12.

Ngoài ra, ít người biết tới bổ sung vitamin B6 cũng có thể làm thay đổi mùi của nước tiểu.

Chất tạo màu thực phẩm

Mặc dù không mang lại công dụng nào khác ngoài tạo màu, các chất nhuộm thực phẩm lại được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp chúng trong những chai nước ngọt, đồ ăn vặt và món ăn chế biến sẵn. Theo Viện Mayo, một số chất tạo màu thực phẩm có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu xanh lá cây.

Cà rốt

Những loại thực phẩm có thể làm thay đổi màu sắc của nước tiểu - Ảnh 3.

Giảm lượng cà rốt tiêu thụ là cách đơn giản nhất để đưa nước tiểu trở lại màu sắc bình thường.

Bạn đã bao giờ nghe tới lời đồn ăn cà rốt có thể khiến làn da chuyển sang màu vàng cam chưa? Đây là sự thật vì beta-carotene tạo ra màu sắc cho loại thực phẩm này và cũng có thể ảnh hưởng tới cơ thể nếu bạn hấp thụ quá nhiều.

Theo Viện Cleveland, da chuyển sang màu cam, hơi rám nắng, thường xuất hiện ở lòng bàn tay và bàn chân là dấu hiệu cho thấy bạn đang tiêu thụ quá nhiều cà rốt. Do đó, nước tiểu chuyển sang màu cam nhạt cũng là điều dễ hiểu đối với những người ưa thích loại thực phẩm này. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì hiện tượng này khá vô hại.

Vitamin C

Những loại thực phẩm có thể làm thay đổi màu sắc của nước tiểu - Ảnh 4.

Lượng vitamin C các chuyên gia khuyến nghị nên hấp thụ mỗi ngày là 75-90 miligam, tương đương với nửa bát ớt chuông hoặc 3/4 cốc nước cam.

Theo tiến sĩ Taylor, một số loại thực phẩm bổ sung chứa vitamin C liều cao sẽ làm nước tiểu chuyển sang màu vàng sáng hoặc màu cam. Điều này xảy ra do vitamin C là một chất tan trong nước nên nếu hấp thụ quá nhiều, lượng dư thừa sẽ được loại bỏ thông qua đường tiểu. Những loại thực phẩm sở hữu nhiều vitamin C bao gồm kiwi, ớt chuông và dâu tây.

Trái lại, bổ sung một lượng vitamin C vừa đủ, đặc biệt là từ thực phẩm, lại rất tốt cho sức khỏe đường tiết niệu. Theo Tạp chí Maturitas, những người hấp thụ vitamin C từ thực phẩm ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB).

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Mặc dù sự thường là hiện tượng vô hại, đôi khi thay đổi màu sắc nước tiểu có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang gặp vấn đề. Nếu lo lắng, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để xác định đây có phải là tình trạng nghiêm trọng hay không.

Nước tiểu chuyển màu vàng sẫm và màu nâu thường là triệu chứng của mất nước. Tiến sĩ Taylor cho biết, uống đủ nước để ngăn ngừa sỏi thận và các tác hại khác đối với sức khỏe là điều rất quan trọng. Vàng nhạt là màu sắc lý tưởng nhất của nước tiểu, cho thấy bạn không bị mất nước.

Nếu nước tiểu liên tục có màu vàng sẫm hoặc màu da cam, bạn nên đến gặp bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan hoặc mật. Trong khi đó, nước tiểu màu xanh lá cây có khả năng bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng. Màu hồng hoặc đỏ là dấu hiệu của máu. Màu nâu có thể là tiêu cơ vân, tình trạng sức khỏe làm phá vỡ các mô cơ.

(Nguồn: Livestrong)

Chia sẻ