Những lá thư không gửi - Phép nhiệm màu của hạnh phúc

Tiểu Phương,
Chia sẻ

Không còn bốn bức tường xám xịt, không còn nỗi cô độc phủ vây. Cuộc sống bên ngoài có chó, có mèo, có tiếng chim kêu và tiếng trẻ con nô đùa nghịch ngợm…

 
Những lá thư không gửi
 
Tác giả: Susie Morgenstern
 
Người dịch: Ngân Hà
 
NXB Thế giới


Cậu bé bước đi chậm rãi về phía căn nhà, mắt không hề nhìn ngó xung quanh. Vẫn con đường ấy. Vẫn bên vỉa hè ấy. Cậu đi thẳng một mạch từ nhà đến trường, rồi lại từ trường về nhà. Không vội vàng, không gấp gáp… Suốt 10 năm.

“Những lá thư không gửi” đã mở đầu bằng khung cảnh ấy - trên cái nền tẻ nhạt của cuộc đời là một cậu bé cô đơn. Tuổi thơ ấy “nặng nề leo hết 57 bậc cầu thang lên tới gác ba”. Cái tuổi mà những đứa trẻ khác líu lo cùng mẹ cha, tung tăng nhảy chân sáo thì đối với Ernest “không việc gì phải vội, cứ từ từ mà leo từng bước một”… Hình ảnh cậu bé trong những trang đầu tiên cứ ám ảnh trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ về cuốn sách ấy. Tôi hiểu ra cái giá của những tháng năm sống bơ vơ không kí ức. Kí ức tuổi thơ là quãng đời khắc sâu - dù hạnh phúc hay bất hạnh, nó vẫn tồn tại như những trang lưu bút của cuộc đời. Vậy mà chỉ một niềm vui nhỏ nhoi ấy thôi, Ernest cũng không có. 10 năm trôi qua cuộc đời cậu là chuỗi ngày xám xịt, vô vị, không buồn, không vui.


Ngay khi cất tiếng khóc chào đời, ngay khi thế giới này đón chào một sinh linh bé bỏng thì cũng là lúc mẹ cậu trở về với cát bụi. Nỗi đau khổ và mất mát lớn lao khiến người cha bỏ đi không một lời từ biệt. Ernest sống với bà nội cùng những quy tắc bất di bất dịch: ăn cơm, đi học, làm bài tập, ăn cơm, đi ngủ… Trống rỗng và buồn chán! Có lẽ vì thế mà một nụ cười trên môi cậu là điều vô cùng khan hiếm. Phải, Ernest không cười đùa, không vui chơi, không ti vi và cũng chẳng bạn bè. Thứ an ủi duy nhất và cũng mỏng manh nhất đối với cậu là lá thư mà ông nội gửi về từ hồi chiến tranh, lá thư ấy chưa một ai đọc qua - một lá thư bí ẩn.

Susie Morgenstern dẫn dắt câu chuyện một cách rất nhẹ nhàng, rất từ tốn, giống như nhịp sống của chính nhân vật trong trang sách. Ta có thể đọc được niềm cảm thông của nhà văn dành cho cậu bé đáng thương. Có lẽ bà đã chắt chiu lắm từng câu chữ để vẽ nên bức tranh Ernest - đứa trẻ ít nói cười và mải sống với cô đơn.


Rồi cuộc đời nhiệm màu đưa Victoire đến. Cô bé là làn gió, là hơi thở của mùa xuân trong sáng, hồn nhiên. Victoire quả thật rất đáng yêu - trong lòng Ernest và trong cả chính tôi! Nhờ cô bé, mọi thứ xung quanh Ernest bỗng trở nên gần gũi lạ thường. Không còn bốn bức tường xám xịt, không còn nỗi cô độc phủ vây, cuộc sống bên ngoài - cách nhà cậu 300 mét thôi, có chó, có mèo, có tiếng chim kêu và những đứa trẻ nô đùa nghịch ngợm… Nếu trước kia, cặp mắt đen láy của Ernest chỉ biết “nhìn xuống đất, hướng lên trời hay căm cụi vào tập vở” thì giờ đây, cậu bé nhận ra có cả một vườn hồng ngát hương trải khắp lối về nhà, ngọt ngào và thoang thoảng…

Đọc đến đây, tôi có cảm giác như hương hoa ấy cũng nhẹ nhàng từ trang sách lan tỏa đến mình. Cảm ơn Victoire, cô bé không những làm đổi thay cuộc đời Ernest mà còn khiến cho chính tôi - cảm thấy mình đã từng thờ ơ với những gì đang tồn tại. Thì ra cuộc sống vẫn chảy trôi, bốn mùa qua đi, hoa vẫn nở ngọt ngào mà đôi khi ta vô tình hờ hững. Không cầu kì, trau chuốt hay quá đỗi màu mè cho những gì được xem là lãng mạn, tác giả dắt ta đến vào một thế giới khác, thế giới trẻ thơ khác xa với những lo toan, bộn bề và hối hả thường nhật. Ngòi bút nhà văn như chắp cánh bay lên và đậu xuống đôi vai của những mảnh đời từng-bất-hạnh.


Từ giây phút Ernest cảm thấy tim mình rung động, cậu bé đã dần dần bước vào cuộc sống với đúng nghĩa của nó. Cuộc sống cần những con người “bạo dạn”, dám sống, dám đối mặt, dám vấp ngã và cũng dám vượt qua. Ernest dần dần khám phá ra những bí mật - “những bí mật ẩn sau vết mực nhem nhuốc trên bức thư nhàu nát”. Cậu tìm được tuổi thơ đã mất và người cha thân yêu đã biệt tích thuở nào.

Đã từng có một thời Ernest giấu mình vào thế giới cô đơn. Đã từng có một thời cậu bé không khóc, không cười, không bao giờ phát biểu nếu thầy không gọi đích danh. Cậu bé lầm lũi đến mức “tất cả các cô bạn đều mơ ước chạm vào người cậu, được nắm bắt lấy cậu hay ít ra chỉ đổi lấy một ánh nhìn”. Vậy mà hiện tại đã đổi thay, nhờ Victoire mà Ernest và cả người đọc nhận ra không có gì hoàn toàn là bi kịch. Ẩn chứa trong nỗi bất hạnh của cuộc đời vẫn tồn tại niềm tin, chỉ cần ta biết sống, biết yêu thương và hy vọng… 


Gói gọn trong cuốn sách mỏng của Susie Morgenstern là đầy ắp những câu chuyện về tình cha con, tình bạn và tình yêu cuộc sống. Những câu chuyện cảm động lòng người bởi mạch văn giản dị, chân thực và sống động lạ kỳ. Tôi đã rưng rưng khi đọc dòng tâm sự: “Con, con ở đó và ta là cha của con. Cha luôn nghĩ rằng cha là người mạnh mẽ… nhưng tháng ngày buồn chán đã không cho cha cơ hội va chạm với thực tế khắc nghiệt. Cha đã chạy trốn - dù biết rằng, mãi mãi người ta không thể chạy trốn khỏi bản thân mình”.

“Những lá thư không gửi” đã giành được 28 giải thưởng văn học, được dịch ra nhiều thứ tiếng để đến tay bạn đọc trên toàn thế giới. Người ta nâng niu cuốn tiểu thuyết ấy như “một câu chuyện bổ ích, hấp dẫn và tràn đầy hy vọng”. Tôi tin rằng, những ai đã và đang tìm đến đến cuốn sách này sẽ cảm thấy nâng niu và trân trọng hơn những phút giây hạnh phúc giản dị của đời mình…
Chia sẻ