Những kiểu đi bar "hết hồn" của dân chơi thời 2017
Bài viết này không phải để nói xấu dân chơi, mà chỉ vui vui kể chuyện hầu độc giả, phần nào hiểu thêm về thế giới night life nó chẳng bóng bẩy, mượt mà như ta thường thấy.
Với sự hiểu biết còn hạn hẹp, tôi không dám nhận mình là người hiểu sâu về giới ăn chơi hoa lệ. Nhưng với bản tính tò mò, và một vài sự quen biết đủ để hiểu rằng văn hóa đi chơi, nó cũng lắm thầy nhiều thợ, lắm ma nhiều quỷ như giới kinh doanh, giới showbiz vậy, đại khái là độ chất thì có đấy, mà show off thì lắm vô kể. Trong giới hạn của bài viết này, tôi xin mạn phép hầu bạn đọc một vài câu chuyện vui, ta hãy nghĩ đơn giản là đọc cho vui thôi nhé, về cái sự đi chơi rất buồn cười của các "dân chơi" (cho ngoặc kép) bây giờ. Để thấy rằng nền văn hóa phông bạt giờ đã phát triển tới mức nào.
Dân chơi nợ bill
Mới cách đây 1 tuần, anh bạn làm quản lý một bar có tiếng ngoài Hà Nội, hớt hải gọi cho tôi than khổ: "Em ơi, chắc anh tháng này không vào thăm cô được rồi. Anh mới bị khách nợ bill, nó mà không trả thì anh phải bù lương vào ý!". Thôi tạm gác lại cái chuyện thăm thú nhau, tôi ngạc nhiên hỏi "Ơ, chỗ của anh cũng có khách nợ bill hả?". Một câu hỏi chứng tỏ ngay là mình chả hiểu gì về "độ chơi" của khách ăn chơi bây giờ rồi. Thật ra, tôi cứ tưởng cảnh nợ bill nó chỉ tồn tại ở thời xưa, nơi mấy cái sàn cũ rích, hơi quê và hơi… xa ấy. Chứ đường hoàng một chốn ăn chơi bậc nhất Hà thành, toàn các khách nam thanh nữ tú sang chảnh, mà cái sự chầy bửa ấy vẫn diễn ra như thường thì kể cũng lạ thật.
Đấy còn chưa phải nỗi thống khổ duy nhất của anh bạn tôi. Rất nhiều lần, bạn tôi phải lên "Phây búc", thống thiết kêu khách thanh toán bill đi, toàn các nhân viên làm công ăn lương lấy đâu ra tiền để gánh các cuộc vui của khách. Cuối cùng đòi được khoảng 7/10 khách, còn lại thì è nhau ra mà trả hộ. Tôi hay đùa đùa bạn, hay là bỏ nghề này anh đi làm thu hộ đi, cũng kinh nghiệm đòi nợ phết!
Cái đám mới nhất nợ bill quán bạn tôi làm, cũng là dân chơi nức tiếng Hà Nội, mà lại còn dân chơi già đời cơ. Kéo nhau 1 lô lốc lên, đứng bàn Vip nhất, gọi rượu Chivas sang chảnh mà lại không quên thổi mấy chục lượt bóng cho cuộc vui trọn vẹn. Cái bill xấp xỉ 15 triệu. Thế rồi lúc thanh toán thì cứ người này về người kia té, và chính chủ thì mặt đỏ lên (vì say hay giả vờ say?), khoác vai quản lý nhỏ nhẹ "Cho anh ký bill nhé, say quá!".
Hay thật, vì say mà được uống rượu không mất tiền, tôi thật, có mà tôi say cả đời!
Chuyện đi chơi bar cũng có lắm thứ để nói. Đằng sau những ly champagne sang chảnh này là gì? (Ảnh minh hoạ).
Khách phải thân thiết, phải có quan hệ, hoặc là dân máu mặt thì mới được nợ bill chứ một ông trời ơi đất hỡi ở đẩu đâu ra lấy đâu ra. Nhưng mà càng quen càng lèn cho đau, bạn tôi gọi hết cuộc điện thoại này đến tin nhắn nọ, cực chẳng đã phải mang cả lên mạng xã hội mà réo, dân chơi vẫn bặt vô âm tín.
Làm nghề dịch vụ, khốn khổ nhất là gặp những quả khách như thế này. Cái kiểu khách cậy quan hệ, cậy quen chủ đến bar chơi coi mình như bố đời, quậy phá đã đành, còn cậy quan hệ quen biết để nợ bill thì phải nói là chối thật sự. Bạn tôi cười mà như mếu, kể rằng có khách phải nửa năm mới đòi được bill, "anh vui thì anh trả, anh có vay tiền mày đâu mà mày đòi tao như chủ nợ thế!", đấy, rõ ràng là muốn hoành tráng ăn chơi nhưng tiền thì khi vui mới trả cơ!
Lương bạn tôi khoảng 10 triệu, 1 tháng mà nó gặp khoảng 3 ông khách như thế này thì đúng là dịch vụ cho vay lãi sẽ phát triển rất tốt ngoài Hà Nội đấy. Chả vay lãi thì tiền đâu mà bù cho thượng đế?
Tìm đủ mọi cách để không phải trả tiền
Nhân tiện có vụ anh dân chơi nợ bill, tôi lại mạn phép kể thêm vài chuyện được nghe chính từ những người làm nghề dịch vụ. Xin được kể một cách chân thực nhất, phần đánh giá, đành nhường bạn đọc vậy.
Các cô gái đi bar, xúng xính váy vóc sang chảnh rồi rủ nhau check in khoe cuộc sống night life hấp dẫn, có biết đâu rằng cái anh chàng mời cả nhóm mình lên ấy, cũng đau đầu trăn trở lắm. Mời gái đi chơi, tất nhiên là phải sĩ diện, phải thể hiện rồi, và một trong những cách thể hiện nhất là rút tiền bo nhân viên.
Máy đếm bóng cười trong 1 quán bar tại Tp.HCM để tránh cảnh tính nhầm bóng cho khách.
Tiền tip vốn thể hiện sự văn minh, lịch sự và là luật bất thành văn (mặc dù chả ai ép) mỗi khi chúng ta sử dụng dịch vụ ở ngoài. Văn hóa boa tiền chẳng có khuôn khổ, giới hạn nào sất, chỉ là thương các em nhân viên, cả tối chạy đi chạy lại rót rượu, thay shisha, hầu hạ khách tận răng chỉ việc đưa cốc rượu lên mà cụng cho oách thôi. Thế mà cũng có các anh đồ hiệu cả cành, đi cùng dăm bảy cô gái xinh như mộng, rút tiền bo cho nhân viên 50-100k, lúc thanh toán thì ra rỉ tai nhân viên "Tiền lúc nãy là cộng vào bill thanh toán nhé, không phải cho riêng đâu".
Tôi có thể tưởng tượng ra gương mặt ái ngại của các em nhân viên bar lúc ấy. Cái cảnh móc túi, trả lại tiền tip mặc dù mình không làm gì sai trái, chỉ vì cả tối phục vụ cho cơn sĩ diện của dân chơi đồ hiệu, ra vẻ boa tiền xong đòi lại…, giá mà có phép độn thổ trong Harry Porter thì tôi cá rằng các em ấy phải độn thổ trước, chứ dân chơi kia chắc gì đã thấy ngượng!
Để tránh việc tính bóng cười gian lận, các quán bar ở Sài Gòn đã sử dụng máy đếm bóng, còn ở Hà Nội có tick thẻ để tính tiền một cách trung thực nhất. Nhưng quán có trung thực, mà khách cố chầy bửa để "bớt đồng nào hay đồng ấy" thì lại là chuyện khác hẳn.
10 dân chơi, lên một quán bar hot nhất khu vực phố cổ ở Hà Nội, hút hết 200 quả bóng và nhất định không chịu thanh toán vì cho rằng bar tính láo. Quản lý không còn cách nào khác, giơ thẻ tick đếm bóng không chịu, đành mời khách lên check camera.
Quan sát camera khoảng 2 tiếng và nhận ra lượng bóng bàn mình "nhập" vào đúng là tới 200 quả thật, chuẩn bị rút ví ra thanh toán thì một dân chơi lên tiếng "Sao lại đưa bóng cho cái đứa nào đứng ở bàn mình, nó có phải bạn tôi đâu!?", trong khi nhìn camera thì cả bàn cùng cười nói với nhau. Thế đấy, giờ nhân viên ngoài việc rót rượu, phục vụ bàn, còn thêm chức năng check xem ai là bạn của chủ xị để lúc tính tiền đỡ bị hớ?
Đấy là còn chưa tính đến các thượng đế lúc gọi hàng trăm quả bóng thì vui vẻ nhảy nhót, thi nhau chụp ảnh check in. Nhưng khi tính bill, lần lưniợt đổ tại bóng chán, bóng cười mà hút chả thấy cười nên miễn trả tiền. Đến lúc này, cả chủ lẫn quản lý chỉ còn cách mời khách ngồi ngay ngắn để… vái.
Hoá ra, truyền thuyết đi chơi mà không muốn trả tiền là có thật các bạn ạ!
Kết
Hôm trước, tôi đi siêu thị chứng kiến một cảnh dạy con rất hay. Đứa trẻ đâu tầm 5 tuổi, nhìn mãi một món đồ chơi của Nhật khá mắc, tầm 1 triệu. Mẹ bé nhìn giá rồi nói "Tháng này mẹ chưa lĩnh lương, mẹ chưa mua được cho Bi rồi". Cậu bé hơi buồn xíu, nhưng rất nhanh bảo lại mẹ "Thế thì con chơi đồ chơi cũ cũng được. Vậy thì cuối tuần này mình ở nhà làm sinh nhật con, đừng đi biển, khi nào có tiền đi cũng được mẹ ơi".
Câu nói của đứa trẻ 5 tuổi khiến không chỉ tôi mà những người quanh đó đều thấy may mắn cho mẹ cháu. "Không có tiền thì ở nhà", một chân lý mà trẻ nhỏ cũng thấu hiểu, thật kỳ lạ là nhiều người trẻ khi ra đường thể hiện lại chưa chịu thấm hay sao…