Có nhiều sự bất an với người cư ngụ khi sống trong ngôi nhà được thiết kế, trang bị không đúng cách. Những mối nguy rình rập này, hầu hết phải khi nhà hoàn thiện xong và đưa vào sử dụng, thậm chí gặp nạn rồi, chủ nhà mới phát hiện.
Ông Sáu Tô ở quận 10, TP HCM phải bóp thuốc một tuần vì trượt chân ngã, lưng đập vào thành bồn cầu trong toilet. Nguyên nhân là khi ốp lát lại toàn bộ nhà vệ sinh đã xuống cấp, ông Tô bảo thợ phải chọn mua loại gạch màu sáng vì toilet không được rộng lắm. Tiện gạch men trắng bóng loáng, thay vì phải chọn loại sứa dọc ngang để bám chân, thợ lát luôn xuống sàn và hậu quả là chủ nhà... ngã. Ông Tô "giờ phải để sẵn đôi dép Lào trong nhà vệ sinh, cao su gặp nước nó rít".
Độ thông thủy - khoảng cách chiều cao ở buồng cầu thang đi lên các tầng lầu không đúng chuẩn sẽ là nguyên nhân gây... u đầu. Nhất là những đà bê tông “gánh” các mâm chiếu nghỉ lộ ra gây vướng khi lưu thông thang. Đã nhiều căn nhà phải sử dụng dịch vụ khoan cắt bê tông vạt bớt cạnh đà, có nơi đắp vào “chỗ nguy” đó một cục vải để hạn chế... sưng tấy đầu, có nơi viết tấm bảng “coi chừng chạm đầu”. Tương tự với những đà vắt ngang cửa xuống tầng hầm. Theo các kỹ sư xây dựng, tất cả đều có thể tính toán và thiết kế để “giấu” những đà đó trong tường, trong sàn. Để lộ ra vừa mất thẩm mỹ vừa choán không gian sinh hoạt và đi lại.
Hiểm họa đến từ những chiếc dầm nằm quá thấp... |
|
hay từ những cánh cửa thiết kế không đúng cách |
Sử dụng kính làm cửa, vách ngăn ngày càng trở nên thông dụng trong kết cấu nhà ở, vừa lấy tốt nguồn sáng trời, vừa cản bớt được tiếng ồn, bụi bặm. Tuy nhiên ứng dụng không đúng chủng loại sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Hai đứa trẻ ở quận Tân Bình trong khi nghịch ngợm lấy bóng đánh golf ném nhau đã làm vỡ cửa kính phòng. Một đứa bị kính chém toác chân phải đi khâu. Do loại kính dùng không phải là kính cường lực hay kính dán hai lớp (khi vỡ sẽ rơi ra từng hạt nhỏ hay chỉ thấy rạn nứt chứ không bung từng mảng để có thể chém vào người) đã gây ra tình trạng trên.
Trường hợp khác, một gia chủ ở quận 3, tối đến khi chuẩn bị đi ngủ mới phát hiện mất hai cánh cửa sổ gỗ bên hông nhà tầng một. Nguyên nhân là bản lề bắt chỉ xuôi theo một chiều nên những tay đạo chích dễ dàng nhấc đi. Nếu bản lề, cái gài xuôi, cái gài ngược thì không thể nhấc lấy gọn như vậy, muốn gỡ phải dùng vít mở hay cạy mới có thể mang đi được.
Cửa kính rất tiện dụng nhưng cũng rất nguy hiểm nếu sử dụng kính chất lượng thấp
Đã có không ít trường hợp gây chết người vì bình nước nóng. Việc sử dụng nguồn điện làm nóng nước trong môi trường ẩm ướt là mối nguy cao, mặc dù những sản phẩm này đều có cầu dao chống rò điện. Khi có sự cố rò điện, cầu dao này tự động ngắt điện nguồn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chắc ăn hơn cả là hứng lấy nước nóng trước rồi tắt máy mới tắm. Mối nguy càng cao hơn khi cho con trẻ một mình vào phòng tắm tự tung sử dụng những thiết bị điện này. Để có độ an toàn cao, nên sử dụng loại máy tắm nước nóng gián tiếp, sau khi nước đã được nấu trong bồn chứa, tắt máy rồi hòa với nước lạnh để dùng. Vững tâm hơn, có thể lắp đặt hệ thống làm nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Và những chiếc quạt trần thấp như thế này cũng tiềm ẩn hiểm họa
Đó là những mối nguy thực tiễn, còn những âu lo khác do cảm giác mang lại như trần treo, những vật dụng buông từ trên cao xuống nếu thiết kế không khéo sẽ cho ấn tượng nặng nề, cảm giác sẽ bị rơi... KTS Huỳnh Minh Cảnh nhận hợp đồng cho thợ đi tháo mảng trần treo thạch cao trong các phòng ngủ vì “chủ nhà nằm mà cứ sợ mảng trần đó rơi". Cảm giác khi ngủ cần không gian càng nhẹ nhàng càng tốt. Đèn chùm, đèn lồng treo trong phòng khách, trên bàn ăn... cũng là đối tượng gây sự bất an và tâm lý bị đè nặng lên những người ngồi bên dưới. Cần tránh treo các vật dụng đó ngay trên đầu.
Còn biết bao mối lo âu khác trong chỗ an cư, đến nỗi một kiến trúc sư phải thiết kế cho gia chủ của mình một buồng riêng kiên cố vách dày 20 cm ngoài hành lang để chỉ đựng... bình gas. “Như vậy chủ nhà mới an tâm”.
Theo SGTT