Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc

MINH HẠNH,
Chia sẻ

Tại phiên điều trần phê chuẩn vị trí Bộ trưởng Quốc phòng cách đây ba tháng, ứng viên Kim Yong-hyun bác bỏ cáo buộc từ phe đối lập rằng ông muốn áp đặt thiết quân luật. Nhưng khi căng thẳng giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và các đối thủ chính trị lên đến đỉnh điểm vào tuần này, thì chính ông Kim - một người bạn lâu năm của ông Yoon - lại đề xuất áp lệnh thiết quân luật.

Vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đề xuất ý tưởng này vì ông tin rằng "phe đối lập đã đẩy Tổng thống Yoon đến bờ vực", nguồn tin quân sự cho biết, đồng thời phủ nhận cáo buộc việc lập kế hoạch thiết quân luật này đã được tiến hành từ trước phiên điều trần phê chuẩn cách đây ba tháng.

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun. (Ảnh: Reuters)

Động thái gây sốc của Tổng thống Yoon hôm 3/12 đã gây chia rẽ trong nội các và đảng Sức mạnh Quốc dân cầm quyền, dẫn đến sáu giờ hỗn loạn chính trị ở Hàn Quốc. Tuyên bố thiết quân luật được phát sóng lúc đêm khuya của ông đã đẩy một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á vào khủng hoảng, đồng thời huỷ hoại danh tiếng của Hàn Quốc - vốn được coi là một câu chuyện thành công về dân chủ vào những năm 1980.

Vào thời điểm ông Yoon (63 tuổi) bãi bỏ lệnh thiết quân luật lúc sáng sớm 4/12, sinh mệnh chính trị và quyền kiểm soát đất nước của ông gần như đã sụp đổ.

Nhiều giờ sau đó, các đồng minh lần lượt rời bỏ ông Yoon, và sự ủng hộ đối với đề xuất luận tội, cách chức tổng thống không ngừng tăng lên. Hiện tại, ông Yoon đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu luận tội mà phe đối lập tìm cách thúc đẩy trong tuần này.

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 2.

Tổng thống Yoon phát biểu ban bố tình trạng thiết quân luật. (Ảnh: Yonhap)

Hãng tin Reuters đã dựng lại những mốc thời gian chính dẫn đến quyết định thiết quân luật của Tổng thống Yoon và hậu quả của nó dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn một chục viên chức, nghị sĩ, nhân viên.

Bốn người trong số đó đã nêu bật vai trò quan trọng của Bộ trưởng Quốc phòng Kim, một người bạn thời trung học của Tổng thống Yoon, trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho lệnh thiết quân luật.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không đưa ra bình luận nào về những câu hỏi chi tiết mà Reuters đặt ra về sự liên quan của ông Kim trong việc lập kế hoạch ban hành sắc lệnh.

Ông Kim ngày 4/12 tuyên bố chịu trách nhiệm về “về mọi hỗn loạn do lệnh thiết quân luật khẩn cấp gây ra” và xin từ chức .

Một quan chức cấp cao của văn phòng tổng thống tuyên bố rằng hành động của ông Yoon được thực hiện để "bảo vệ trật tự hiến pháp chống lại các nhóm quyết tâm phá hoại" chính phủ.

"Tất cả các hành động đó đều được thực hiện theo Hiến pháp Hàn Quốc", quan chức này nói với Yonhap .

Cuộc họp nội các chớp nhoáng

Việc những bất đồng âm ỉ giữa chính phủ và phe đối lập bùng phát thành một cuộc đối đầu tối 3/12 đã khiến người dân Hàn Quốc và các đồng minh của nước này choáng váng.

Nó cũng khiến đảng cầm quyền bất ngờ. Người đứng đầu đảng này - Han Dong-hoon - nói với các phóng viên rằng văn phòng tổng thống đã không tham vấn với ông về quyết định thiết quân luật. Ông là một trong những người đã kêu gọi ông Yoon huỷ sắc lệnh.

Khoảng bốn giờ trước khi ban bố thiết quân luật lúc 22h23, văn phòng của Tổng thống Yoon đã yêu cầu cảnh sát trưởng quốc gia vào vị trí sẵn sàng, một viên chức cảnh sát nói với Reuters .

Lúc 21h, ông Yoon triệu tập một cuộc họp nội các.

Theo ba quan chức chính phủ, tại cuộc họp này, "hầu hết" các thành viên nội các đều phản đối kế hoạch thiết quân luật. Nhưng ông Yoon vẫn kiên quyết tiến hành.

Trong số những người phản đối có Thủ tướng Han Duck-soo, Bộ trưởng Ngoại giao Cho Tae-yul và Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok, một nguồn tin cho biết.

Ông Yoon đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục sau nhiều vụ bê bối, và đã bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng đối với các động thái của phe đối lập nhằm kiểm soát ngân sách của chính phủ.

“Có một nhóm gọi là Chungam, gồm những người học cùng trường với tổng thống. Nhóm này đã được giao những vị trí có thẩm quyền về thiết quân luật”, Kim Min-seok, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập, người đã chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun tại phiên điều trần vào tháng 9, cho biết. Chungam là tên trường trung học mà Tổng thống Yoon từng theo học cùng ông Kim Yong-hyun.

Trong khi bộ trưởng quốc phòng đóng vai trò quan trọng, thì Kim Min-seok cho biết ông tin rằng tổng thống mới là người ra quyết định.

Ông Kim Min-seok đã trả lời Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông hôm 4/12. Bên ngoài văn phòng, có thể thấy hành lang của tòa nhà quốc hội vẫn còn dấu vết đổ nát từ các cuộc đụng độ với lực lượng đặc nhiệm vào đêm hôm trước.

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 3.

Cửa kính toà nhà Quốc hội Hàn Quốc bị vỡ trong các cuộc đụng độ đêm 3/12. (Ảnh: Yonhap)

Phiên họp khẩn tại quốc hội

Ông Kim Min-seok nằm trong số 190 nghị sĩ đã vội vã trở lại tòa nhà quốc hội sau bài phát biểu trên truyền hình của ông Yoon.

Nguyên nhân chính khiến nước cờ của ông Yoon thất bại là cuộc bỏ phiếu nhanh chóng và nhất trí cao của các nghị sĩ. Họ đã vượt qua hàng rào cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm bao quanh toà nhà quốc hội để nhóm họp và bỏ phiếu khẩn trương nhằm ngăn chặn sắc lệnh thiết quân luật. Điều khoản đầu tiên trong sắc lệnh có nội dung: “Mọi hoạt động chính trị, bao gồm hoạt động của quốc hội, hội đồng địa phương và các đảng phái chính trị, hiệp hội chính trị, các cuộc mít tinh và biểu tình đều bị cấm”.

Đến 22h50, chỉ 25 phút sau bài phát biểu của ông Yoon, cảnh sát đã chặn lối vào quốc hội. “Cảnh sát có mặt ở tất cả các cửa để ngăn các nghị sĩ và công dân ra vào", một nguồn tin nói.

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 4.

Cảnh sát chặn lối vào toà nhà quốc hội. (Ảnh: Reuters)

Lee Jun-seok, một nghị sĩ của đảng Cải cách mới, cho biết dường như một số cảnh sát không biết phải làm gì. "Tôi tình cờ nghe thấy họ trao đổi qua bộ đàm. Một số người nói 'cho các nghị sĩ vào’, nhưng cũng có người nói 'đừng cho họ vào'", ông Lee kể lại.

Một số nghị sĩ, bao gồm Kim Min-seok và các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng Dân chủ, đã trèo tường để vào toà nhà quốc hội. “Tình hình rất căng thẳng”, một nghị sĩ khác của đảng Dân chủ có tên Kim Nam-geun cho biết.

Lúc khoảng 23h40, quân đội bắt đầu triển khai 230 binh lính đến toà nhà quốc hội trên 24 chuyến bay trực thăng, và 50 người khác tiến vào qua hàng rào.

Quân đội đã cố gắng đột nhập toà nhà chính trong khu phức hợp, nhưng trợ lý của các nghị sĩ và người dân đã giúp họ dựng rào chắn để chặn lối vào. Một số nghị sĩ đã xếp chồng bàn, ghế, chậu hoa và đồ nội thất ở cửa để giữ chân quân đội. Video từ hiện trường cho thấy một số người thậm chí đã dùng bình chữa cháy để đẩy binh sĩ ra xa. Một nguồn tin cho biết, quân đội được trang bị đạn không sát thương.

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 5.

Đồ nội thất được xếp chồng ở cửa để giữ chân quân đội. (Ảnh: CNN)

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 6.

(Ảnh: Reuters)

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 7.

(Ảnh: Reuters)

Một số cuộc ẩu đả đã nổ ra ở cổng toà nhà quốc hội, nhưng không có hành vi bạo lực nghiêm trọng nào xảy ra.

"Thế hệ đã trải qua thiết quân luật thực sự ở Hàn Quốc coi đây là hành vi nghiệp dư, vì quân đội không thể phong tỏa quốc hội, hoặc thậm chí thiếu sự giao tiếp từ bộ chỉ huy", Duyeon Kim, một nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới có trụ sở tại Seoul cho biết.

Cuộc bỏ phiếu lịch sử

Lúc khoảng gần 1h sáng, Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik đã triệu tập một phiên họp. Trong vòng 10 phút, các nghị sĩ đã nhất trí thông qua một nghị quyết kêu gọi ông Yoon dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống phải hủy bỏ lệnh thiết quân luật nếu quốc hội bỏ phiếu phản đối.

Một số thành viên trong đảng cầm quyền của ông Yoon đã có mặt để bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu đã được thông qua với tỷ lệ 190 phiếu thuận, không có phiếu chống.

Những giờ phút rối ren dẫn đến quyết định thiết quân luật ở Hàn Quốc - Ảnh 8.

Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu trong đêm. (Ảnh: Yonhap)

Lúc khoảng 1h10, quân đội bắt đầu rời khỏi tòa nhà quốc hội. Những người cuối cùng đã rời đi vào lúc 2h.

Cuối cùng, lúc 4h30, Tổng thống Yoon đã lùi bước và tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Hàng nghìn người biểu tình tụ tập bên ngoài quốc hội đã ăn mừng.

Theo Reuters
Chia sẻ