Những giả thiết xung quanh sự ra đi đột ngột của Công nương Diana đúng 20 năm về trước
Đã gần 20 năm kể từ khi Công nương Diana qua đời, thế nhưng các giả thiết liên quan tới cái chết của bà vẫn là một đề tài khiến truyền thông nước Anh phải tốn nhiều giấy mực.
Vụ tai nạn xảy ra vào tối ngày 31/08/1997 tại hầm đường bộ Pont de l'Alma, thủ đô Paris, Pháp đã cướp đi sinh mạng của Công nương Diana, khi đó 36 tuổi và người tình Dodi Fayed, 42 tuổi.
Tài xế điều khiển chiếc xe là Henri Paul cũng tử vong ngay sau đó. Đồng thời, khám nghiệm pháp y cho thấy nồng độ cồn trong máu của người này vượt gấp hai lần mức giới hạn cho phép khi tham gia giao thông.
Công nương Diana là một thành viên Hoàng gia được yêu quý nhất nước Anh.
Một cuộc điều tra quy mô lớn do chính quyền nước Pháp thực hiện đã kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do "lỗi tắc trách" của tài xế Henri và những tay săn ảnh từng bám riết chiếc Mercedes trên xe gắn máy trước thời điểm xảy ra thảm kịch.
Tuy nhiên, cho đến tận ngày nay, dư luận vẫn không ngừng đặt ra các câu hỏi liên quan tới cái chết của một trong những thành viên Hoàng gia được yêu quý nhất: Liệu đó có phải là một vụ mưu sát hay còn do nguyên nhân nào khác?
1. Âm mưu ám sát của lực lượng biệt kích Quân đội Hoàng gia Anh
Một trong những thuyết âm mưu nổi bật và thu hút được nhiều sự chú ý xoay quanh cái chết của Công nương Diana chính là: Tất cả đều do lực lượng biệt kích Quân đội Hoàng gia Anh SAS dàn dựng.
Giả thiết này từng khiến dư luận hoang mang sau khi cơ quan cảnh sát Anh nhận được lời khai từ vợ của một cựu sĩ quan quân đội đã từng phục vụ cho lực lượng này.
Tài xế Henri Paul và vệ sĩ Trevor Rees trên chiếc xe Mercedes ngay trước khi xảy ra tai nạn.
Cụ thể, vào năm 2011, cựu sĩ quan này cùng một đồng đội khác đã bị đưa ra tòa án binh về hành vi sở hữu súng đạn trái phép. Cũng vào thời điểm này, lực lượng cảnh sát còn thẩm vấn vợ của cựu sĩ quan và thu được những lời khai có liên quan tới vụ tai nạn của Công nương Diana.
Cô này nói chồng mình từng tiết lộ rằng: "Biệt đội SAS được cử tới thủ đô Paris để thực hiện âm mưu ám sát vị Vương phi xứ Wales.
Họ sử dụng loại vũ khí chống khủng bố thế hệ mới với khả năng phóng ra chùm tia sáng quang học cường độ cao làm vô hiệu hóa tạm thời khả năng thị giác của mục tiêu.
Dưới tác động của thiết bị ấy, tài xế Henri Paul không thể nào nhìn thấy đường đi và khiến chiếc xe hơi Mercedes tông thẳng vào trụ đỡ ngay dưới hầm đường bộ".
Tới tháng 07/2013, những thông tin tuyệt mật mới được chuyển tới cơ quan cảnh sát dân sự Anh với hồ sơ do Sở Cảnh sát Thủ đô London tiếp nhận. Cuối năm đó, họ đã ra thông cáo nhằm phủ nhận toàn bộ cáo buộc trên vì "không có đủ chứng cứ xác thực".
2. Những cáo buộc của ông Mohamed Al-Fayed
Bên cạnh Công nương Diana thì một trong những nạn nhân khác của vụ tai nạn bên trong hầm đường bộ Pont de l'Alma chính là anh Dodi Fayed, con trai ruột của nhà tỷ phú Mohamed Al-Fayed.
Ngay sau đó, ông Al-Fayed đã cho rằng đây chính là âm mưu do chính quyền Anh lập ra nhằm ngăn cản việc người Hồi giáo như anh Fayed kết hôn với vị Vương phi xinh đẹp và dám "chen chân" vào gia đình Hoàng gia.
"Cho tới tận bây giờ, nhà tỷ phú gốc Ai Cập vẫn tin chắc con trai yêu quý bị sát hại bởi lực lượng bí mật dưới sự chỉ đạo của chính quyền Anh.
Theo ông ấy thì những nhóm có quyền thế theo đường lối bảo thủ sẽ không bao giờ để một người Hồi giáo bước chân vào gia đình Hoàng gia thông qua quan hệ hôn nhân, đặc biệt là khi hai con trai của Công nương Diana rất có thể sẽ kế thừa ngai vàng trong tương lai. Họ càng khó chấp nhận việc vị vua Quốc dân gọi một người Hồi giáo là cha", bạn chí cốt của ông Al-Fayed nói.
Nhà tỷ phú gốc Ai Cập vẫn tin rằng Công nương Diana và con trai mình bị sát hại bởi lực lượng bí mật dưới sự chỉ đạo của chính quyền Anh.
Theo ông Al-Fayed, một chiếc xe hơi khác đã xuất hiện bên trong hầm đường bộ Pont de l'Alma nhằm tiến hành chặn đầu chiếc Mercedes chở Công nương Diana. Nhằm tránh va chạm, tài xế Henri Paul buộc phải bẻ lái gấp khiến vụ tai nạn thảm khốc xảy ra.
"Nhóm thợ săn ảnh có mặt tại hiện trường cũng hợp tác với Cơ quan Tình báo Anh MI6, thực hiện nhiệm vụ đuổi sát chiếc Mercedes chở Công nương Diana khiến tài xế phải duy trì tốc độ cao trước thời điểm tiến vào hầm đường bộ Pont de l'Alma.
Tôi nhất định sẽ tìm ra sự thật", ông Al-Fayed khẳng định.
Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát của Anh và Pháp đều lên tiếng phản đối những cáo buộc của ông Al-Fayed và cho rằng chúng hoàn toàn vô căn cứ.
3. Phanh của chiếc Mercedes chở Công nương Diana đã bị "động tay động chân"
Đầu thập niên 1990, cuộc hôn nhân giữa Công nương Diana và Thái tử Charles bắt đầu có những dấu hiệu tan vỡ. Hai vợ chồng từng sống ly thân trước khi chính thức hoàn thành các thủ tục ly hôn vào ngày 28/08/1996.
Tình nhân của công nương diana khi đó của là ông Dodi Fayed, 42 tuổi cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn thảm khốc.
Gần hai năm trước khi gặp nạn thì vị Vương phi xứ Wales đã nhiều lần chia sẻ với người thân cận về việc bộ phận phanh trên xe hơi của cô bị phá hoại gần hết.
Mặc dù xác nhận thông tin trên là đúng sự thật, song cơ quan cảnh sát Anh lại khẳng định họ hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào cho thấy chiếc Mercedes chở Công nương Diana vào đêm xảy ra tai nạn bị kẻ khác "động tay động chân".
4. Chiếc xe Fiat Uno màu trắng bí ẩn
Sau khi Công nương Diana qua đời, nhiều người đã khẳng định chiếc Mercedes gặp tai nạn bên trong hầm đường bộ Pont de l'Alma là do bị ảnh hưởng từ cú va chạm mạnh với một chiếc xe hơi Fiat màu trắng bí ẩn.
"Chúng tôi nghĩ đó là một chiếc xe Fiat Uno màu trắng được sản xuất trong khoảng thời gian 1983 - 1989. Điều này khiến dư luận đổ dồn sự nghi ngờ vào tay săn ảnh chuyên nghiệp nười Pháp James Anderson - người cũng sở hữu một chiếc xe tương tự", cảnh sát Pháp cho biết.
Hầm đường bộ Pont de l'Alma, thủ đô Paris, Pháp.
Dựa vào "bằng chứng" trên, nhà tỷ phú Al-Fayed đã lên tiếng cáo buộc việc ông Anderson hợp tác với cơ quan tình báo MI6 trong âm mưu sát hại con trai của mình cùng Công nương Diana.
Song những phân tích sau đó lại xác định vết sơn trắng lưu lại trên thân chiếc Mercedes không hề trùng khớp với lớp sơn trắng mà chiếc Fiat Uno do tay săn ảnh chuyên nghiệp sở hữu.
Ngoài ra, vợ của ông Anderson cũng khẳng định chồng mình đang ở nhà trong đêm kinh hoàng ấy.
Nhưng chưa đầy ba năm sau thì thi thể của ông này lại được tìm thấy bên trong một chiếc xe hơi BMW đang bốc cháy với vết đạn trên đầu, khiến dư luận tin rằng tay săn ảnh bị MI6 thủ tiêu để bịt miệng.
5. Chớp sáng trắng bí ẩn
Cựu quân nhân từng phục vụ cho lực lượng đặc nhiệm SAS không phải người duy nhất đề cập tới một chùm sáng trắng bất thường bên trong hầm đường bộ Pont de l'Alma ngay trước khi chiếc Mercedes chở Công nương Diana gặp nạn.
Chiếc xe Mercedes biến dạng hoàn toàn sau vụ tai nạn xảy ra vào năm 1997.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Telegraph, một nhân chứng người Pháp tên Francois Levistre cho biết anh đã điểu khiển xe hơi đi ngay phía trước chiếc Mercedes khi vụ việc thảm khốc xảy ra.
"Chiếc xe chở Công nương Diana bị một chiếc xe máy chạy vượt qua ngay trước khi gặp nạn. Chớp sáng trắng chói phát ra như thể bạn bị máy quét của cảnh sát chĩa thẳng vào mặt vậy.
Và rồi chiếc Mercedes bắt đầu mất phương hướng rồi đâm thẳng vào trụ bê-tông bên trong đường hầm", anh Levistre nói.
Giả thiết này cũng được khẳng định bởi ông Richard Tomlinso, một cựu điệp viên từng làm việc cho cơ quan tình báo MI6. Tuy nhiên, không lâu sau đó thì ông Tomlinso đã xin rút lại những gì từng nói.
6. Những giả thiết khác
Ông Stanlee Culbreath, một trong những nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ việc đã lên tiếng phàn nàn về thái độ chậm chạp của đội ngũ cấp cứu, đồng thời cho rằng điều này làm giảm cơ hội sống của Công nương Diana.
Xung quanh cái chết của Công nương Diana vẫn còn nhiều bí ẩn khiến dư luận không ngừng đồn đoán.
Trả lời phỏng vấn tờ The Mirror, ông Culbreath cho hay: "Tôi luôn cảm thấy mọi chuyện thật đáng ngờ, như thể có một bàn tay trong bóng tối thao túng những gì đang xảy ra. Công nương Diana từng nằm trong Hoàng gia Anh và là một nhân vật nổi tiếng rất có tầm ảnh hưởng.
Vậy mà lực lượng cứu hộ phải mất 20 phút mới có mặt tại hiện trường và còn tốn rất nhiều thời gian để đưa cô ấy tới bệnh viện. Chính sự lãng phí thời gian đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới mạng sống của bệnh nhân".
Trong một cuộc điều tra mở rộng vào năm 2007, có thông tin cho thấy lực lượng cứu hộ Pháp phải mất hơn một tiếng để đưa Công nương Diana nhập viện sau khi giải cứu cô khỏi chiếc Mercedes gặp nạn.