Những gã tồi mang mặt nạ lowkey trong tình yêu
Muốn "mạo hiểm" để trải hết những hỉ nộ ái ố, hoá ra lại trở thành nạn nhân của một gã tồi vẫn là chuyện có thể né tránh được, nếu bạn biết đủ, nhận thức đủ và hành động đủ.
Ai cũng đã nghe đến mức phát chán những câu khuyên bảo hãy thận trọng khi yêu. Nhưng có vẻ, sự thận trọng ấy không bao giờ là thừa. Hàng ngày, trên MXH hay đời thực, vẫn là những lời trải lòng, kể nhiều câu chuyện "chấn động" kèm cái kết đắng. Phản ứng người nghe cũng chỉ là tiếng thở dài.
Đồng ý là tình yêu thời nay đã khác đi nhiều. Không còn là sự gạn lọc kỹ lưỡng và quá trình tìm hiểu dài lâu vì không phải ai cũng muốn, cũng cần yêu nghiêm túc, và đạt được một "đích đến" hoàn hảo.
Không ít người suy nghĩ thế này: "Chuyện này thường thôi, không định ở đời với nhau thì đừng suy nghĩ nhiều quá!". Kéo theo việc gật đầu đồng ý trước những bước tiến xa hơn trong tình cảm, phớt lờ dấu hiệu cảnh báo và nghe theo những lời mật ngọt, vì đã chọn con tim thay vì nghe lý trí.
Dẫu vậy, không yêu nghiêm túc thì cũng xin đừng nới lỏng sự đầu tư tìm hiểu đối phương, và cũng đừng xén bớt thời gian cân đo đong đếm những quyết định và lựa chọn yêu đương của mình!
Một cư dân mạng bình luận: "Một dòng tin nhắn, một cái biệt danh khiến bạn mất 3 năm chữa lành". Nói vui là thế, nhưng đó là sự thật về một hệ luỵ tự hoại bản thân: Hành động vì niềm vui nhất thời, hậu quả thì cứ kéo dài mãi về sau.
Thời thế càng sinh ra nhiều những "kẻ phản diện" trong tình yêu?
Có thật là người ta đang dần nới lỏng và thay đổi tiêu chí chọn người yêu? Một phần nào đó, điều này là đúng.
"Red flag nhưng mà mê quá, giờ sao?" - Không khó để thấy những điều phân vân như thế này gắn với cụm từ "cờ đỏ." Tôi gọi đây là thứ rào cản lý trí mà con người đang dần gỡ bỏ khi muốn bắt đầu một mối quan hệ yêu đương. Lý trí thì lúc nào cũng gào thét hãy chọn người tốt với mình, chọn người đối xử với mình dịu dàng, chọn người không khiến mình cảm thấy bất an, và rời đi ngay khi bản thân bị thương tổn. Hành động và cảm xúc thực sự, lắm khi trái ngược lại hoàn toàn, mà người ta lại dễ khuất phục trước cảm xúc.
Một người tốt và chân thật luôn "lật bài ngửa" khi đến với bạn: Thừa nhận những cảm xúc của bản thân, đôi khi là trân quý và quan tâm quá dồn dập vì muốn đem đến cảm giác an toàn cho đối phương. Một chàng trai tốt thì luôn muốn làm điều đúng đắn, điều dễ đoán, điều hiển nhiên.
Một đối tượng đáng "chọn mặt gửi vàng" bây giờ, đôi khi, tiêu chí xét chọn chỉ dừng lại ở thế này: Là người gợi sự ghen tị, thần tượng trong mắt những người xung quanh. Một chàng nghệ sĩ nhiều lần va vấp với tình yêu, một thiếu gia sành sỏi được nhiều cô gái mong muốn…
Cảm giác thắng lợi, cảm giác chiếm hữu khi thiết lập mối quan hệ, hi vọng mình sẽ là người cuối cùng và mình có thể cảm hóa được đối phương... dễ khiến chúng ta chọn nhầm người.
Cạnh đó, có một "phương châm" tình yêu không mới nhưng lần nào nó được nhắc, khẳng định mấy tầng cảm xúc yêu đương đúng là phức tạp: "Trai hư thì không tốt, trai tốt thì lại không vui."
Có những người đã thử qua những mối quan hệ nghiêm túc, nhưng êm đẹp quá lại phát chán. Họ muốn được cảm nhận điều gì đó thăng trầm hơn, hay bùng nổ hơn chẳng hạn.
Yêu người với những biểu hiện, với những chiến lược "thả mồi câu", lúc thì lạnh nhạt, lúc thì nồng nhiệt để thử thách sự tin tưởng của bạn, rõ ràng là gợi sự tò mò và hưng phấn hơn hẳn, có chút gì đó gọi là vượt qua khó khăn, hoài nghi để cảm thấy thứ tình cảm mình có được đáng đồng tiền bát gạo hơn.
Tự đưa mình vào trong phạm vi của những người mình hoàn toàn biết sẽ đem đến những cảm xúc tiêu cực, lại đang là xu thế để cảm nhận "niềm vui" khi yêu.
Không phải tự nhiên mà nổi lên trong chủ đề yêu đương dạo gần đây là cụm từ "mập mờ", ý chỉ đối phương mà mình đang tìm hiểu. Sở dĩ không gọi thẳng ra là "người đang tìm hiểu" mà là "mập mờ", tức không rõ ràng, khó biết rõ, hiểu rõ là như thế nào đã phần nào phản ánh được xu thế yêu đương hiện tại như đóng mở công tắc: Phải có ngờ vực, có nghi hoặc, có khóc lóc, có bất an thì tình yêu mới thêm nhiều phần thú vị.
"Thì ai bảo người nào không thích, lại thích trai hư làm gì"
Để đánh giá những người có xu hướng mang đến cho bạn những cảm xúc tiêu cực - tích cực đan xen là đúng hay sai, tôi nghĩ mình phải giữ quan điểm trung lập. Tình yêu là một thứ trang phục may đo theo nhu cầu, chỉ cần bạn cảm thấy nó vừa vặn với bản thân, thì bạn trưng diện.
Tôi chỉ có thể nhắn nhỏ với bạn thế này: Khi vào phạm vi của những "gã tồi", hãy hiểu rằng xung quanh họ có thể có những mặt tối khác, những cái bẫy ẩn dật mà bạn không thể lường trước, hoàn toàn xấu xí và chết người hơn những chuyện đơn giản để tìm kiếm thêm sự phấn khích trong cảm xúc như bị "ghost", như những trò kéo - đẩy thông thường.
Và nếu tôi và bạn có học được gì từ chuyện thích "trai hư", thì chắc là có hai hệ quả chính: (1) Hoặc là bạn tổn thương, (2) Hoặc là bạn có quyền năng cảm hóa. Chuyện số 2 lúc nào cũng hiếm hoi hơn số 1.
Quen nhau rồi mới biết, những lời mật ngọt từng lấy lòng mình… hoá ra được nói với vài ba cô gái khác cùng lúc, và chuyện đó vẫn tiếp diễn khi cả hai đã thành đôi. Cái sự kín đáo, "lowkey" trong tình yêu từng khiến bạn có cảm giác mình là người đặc biệt, là người mà đối phương muốn thận trọng trước khi công khai, hoá ra cũng chỉ là vỏ bọc để qua lại với nhiều người cùng lúc.
Quen nhau rồi mới biết, cái sự tự tin, chơi bời và sành sỏi đội lốt mác "ngầu", "chất" được thần tượng hoá cũng chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân, là sự phủi bỏ trách nhiệm khi người yêu gặp sự cố. Là lợi dụng về thể xác mà không có tình cảm, là phó mặc sức khoẻ tinh thần lẫn cơ thể của chính mình và đối phương trước những khoái cảm nhất thời. Là sâu trong đó cái tư duy đặt tình cảm bằng những cuộc trao đổi chóng vánh, rất dễ mua được từ cái mã ngoài.
Quen nhau rồi mới biết, mình là "rebound", là một bến đậu, nhận được sự ngọt ngào vì là người thay thế. Bạn làm gì có quyền năng cảm hoá, và cũng chẳng phải là người chiếm hữu đặc biệt. Bạn chỉ là một trong số những nạn nhân của một kẻ thích chơi đùa tình cảm, vậy thôi.
Quen nhau cũng mới thấu được, tài sản tình yêu của những gã tồi là lời nói, và ngoài ra, chẳng còn một sự đầu tư nào khác cả. Không trách nhiệm, không kế hoạch, không tôn trọng.
"Trai hư thì không tốt, trai tốt thì lại không vui" - Nếu vì dựa trên những niềm vui đó để hẹn hò với những đối phương hấp dẫn nhưng lại khiến bạn có cảm giác bất an, thì sự vô trách nhiệm trước nhất là với bản thân mình. Đó không phải niềm vui, đó là cố gắng tiêm cho mình những liều adrenalin để cảm thấy phấn khích nhất thời mà bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo về lâu về dài.
Kết quả là gì? Cạnh những tổn thương sâu sắc khi phát giác về vị trí thật của bản thân trong lòng đối phương tạm bợ đến vô cùng, cạnh những hậu quả khó nuốt về sức khoẻ, về cái nhìn của người khác dành cho bản thân, nguy hiểm nhất vẫn là sự bóp méo về nhận thức, "nghiện" những mối quan hệ đem đến tổn hại vì không muốn/không biết thế nào là tình cảm thuần túy.
Đấu tố, quy trách nhiệm, cảnh tỉnh…những tiếng nói đòi quyền lợi cho bản thân rồi cũng bị khỏa lấp bằng lời thoá mạ: Thì ai bảo người nào không thích, lại thích "trai hư" làm gì?
Đừng đợi yêu rồi mới học bài học
Khi dần gỡ bỏ những rào cản lý trí, nhưng biết rằng vượt qua nó một cách không thấu đáo sẽ đem lại kết cục xấu, vậy có lẽ cách tốt hơn vẫn là kết hợp cả hai: Yêu, mạo hiểm với những trải nghiệm mới, nhưng vẫn giữ cho mình những rào cản lý trí để lùi vào đó những lúc cảm thấy bất an, bảo vệ mình trước những cái bẫy yêu đương.
Kiến thức đủ, đúng và sự tỉnh táo, lòng khoan dung đặt đúng chỗ sẽ là những tấm ván xây đắp lên hàng rào vững chãi của riêng bạn.
Trang bị đầy đủ hành trang để nhận ra thế nào là dấu hiệu của lạm dụng thể xác, tinh thần và những hệ luỵ của nó. Nhắc nhở bản thân thường xuyên rằng người trước nhất bạn phải chịu trách nhiệm chính là bản thân mình. Bạn phải trả lời và tỉnh táo trước chính những nhu cầu của bản thân: Yêu đương và những khoái cảm nhất thời mà làm ảnh hưởng sức khoẻ, đến tương lai của bạn về sau rõ ràng là một cuộc trao đổi không ngang giá.
Đừng quên dù có là những cuộc vui tạm bợ, vẫn có những hậu quả lâu dài, đơn cử như chuyện tình dục không an toàn. Nếu đối phương liên tục thúc ép, đây là lúc đóng lại cánh cửa hàng rào.
Hiểu, cảm nhận và đong đếm được đầy đủ tình cảm của đối phương, từ đó biết điều chỉnh cách đáp ứng sao cho cân bằng. Yêu và muốn thử những trải nghiệm mới, cũng phải nắm rõ đầy đủ xem liệu mình đã bỏ qua những dấu hiệu nào, cho thấy đây có thể là một mối quan hệ không cân bằng trong quyền lực hay mục đích. Nếu bạn cảm thấy an toàn và tương đồng với đối phương, bạn mạnh dạn tiến tới. Nếu không, hãy nhờ rằng mình không phụ thuộc vào ai, và có những ranh giới của riêng mình.
Như tôi đã luôn khẳng định: Không cần lúc nào cũng phải răm rắp né tránh những dấu hiệu, nhưng nhận thức đầy đủ, và có hành động làm sao để tự tạo sự an tâm, an toàn cho bản thân mới là thứ khiến chuyện yêu đương của bạn thực sự là niềm vui, là những cảm xúc tô vẽ cho cuộc đời thêm hào hứng.
Muốn "mạo hiểm" để trải hết những hỉ nộ ái ố, hoá ra lại trở thành nạn nhân của một gã tồi vẫn là chuyện có thể né tránh được. Giữa thời đại của những câu chuyện cảnh tỉnh về tình yêu, đừng đợi yêu rồi mới học bài học.