Những đứa trẻ từ nhỏ có 4 đặc điểm này lớn lên rất dễ trở thành “cái gai” trong mắt người khác, bố mẹ uốn nắn ngay còn kịp
Nếu ngay từ nhỏ, trẻ đã có những tính cách xấu, khi không được kịp thời uốn nắn và sửa chữa, sẽ ảnh hưởng đến tâm tính của chúng sau này.
Mỗi hành vi của một đứa trẻ đều nói lên được tính cách, và cơ bản sẽ dễ dàng thấy được phần nào tương lai của chúng. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ đã có những tính cách xấu, khi không được kịp thời uốn nắn và sửa chữa, sẽ ảnh hưởng đến tâm tính của chúng sau này.
Những đứa trẻ từ nhỏ có 4 đặc điểm này lớn lên rất dễ trở thành "cái gai" trong mắt người khác, bố mẹ cần phát hiện và kịp thời uốn nắn:
1. Những người con không biết cảm ơn cha mẹ
Về khía cạnh này, các bậc cha mẹ nên quan tâm hơn đến hành vi của chính mình. Ngày nay, nhiều gia đình chỉ có một con, mọi người đều bảo vệ, phục vụ và cố gắng đáp ứng mọi mong muốn của con cái. Hạn chế lớn nhất của việc này là khiến đứa trẻ cảm thấy người khác nên đối xử tốt với mình, không cần báo đáp cha mẹ và người thân. Theo thời gian, đứa trẻ trở thành một người ích kỉ, chỉ nghĩ tới bản thân mình.
Một đặc điểm rõ ràng khác của loại trẻ em này là tính lười biếng. Nó quen với việc được người khác phục vụ, khi ra đời tất yếu không thể thích ứng với xã hội. Không ai thích kết thân với những đứa trẻ như vậy, ngược lại họ sẽ cố gắng hết sức để tránh xa những "cái gai" khó chịu.
Muốn tránh trường hợp như vậy trước hết cha mẹ không nên chiều chuộng con cái quá mức. Nên cho trẻ làm những việc trong khả năng của mình. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần là tấm gương về đối nhân xử thế với những người lớn tuổi trong gia đình.
2. Những đứa trẻ không kiểm soát được cảm xúc của mình
Quản lý cảm xúc là kỹ năng cần thiết cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta thường thấy những đứa trẻ lăn lộn trong siêu thị để cha mẹ sẽ thỏa hiệp và mua đồ chơi hoặc thức ăn. Đối với một đứa trẻ ngoan ngoãn và nhạy cảm, không thể mua những thứ này không phải là vấn đề lớn, chúng hiểu rằng không phải mọi thứ đều có thể như ý muốn.
Những đứa trẻ bướng bỉnh, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, dễ dẫn đến thiếu kiềm chế trong hành động, trong ứng xử với mọi người xung quanh. Khi nhu cầu, sở thích... của trẻ không được đáp ứng, thì những hành vi nóng nảy, thiếu hợp tác với người lớn, không kiểm soát... xuất hiện ở trẻ.
Cha mẹ nên thường xuyên đặt câu hỏi, đại loại như: Hôm nay con đi học có gì vui không? Con chơi với bạn nào, chơi trò gì và có vui không?... để nắm bắt tình hình. Thông thường trẻ sẽ kể hết cho cha mẹ nghe, nếu phát hiện có “vấn đề” gì đó, dù nhỏ cũng cần tìm hiểu nguyên nhân, phân tích và quy trách nhiệm bé nào đúng, bé nào sai và những ứng xử nào đúng hoặc sai để con mình hiểu. Đồng thời, cha mẹ cần khuyến khích con nếu thấy đúng và định hướng cách ứng xử trong trường hợp bé sai, chẳng hạn như xin lỗi bạn, hay hướng con vào việc không tái phạm nữa...
Cha mẹ có thể dạy cho con khả năng tự kiểm soát qua những thói quen hằng ngày như chờ cơm, chơi cờ, chờ đến lượt khi xếp hàng, hoàn thành bài tập hoặc việc nhà mới được giải trí. Bên cạnh đó, cha mẹ giúp con trẻ tránh khỏi tình trạng “lệch chuẩn” kéo dài trong ứng xử, bởi điều đó dễ hình thành thói quen xấu rất khó sửa ở con mình.
3. Những đứa trẻ chưa đủ kỷ luật với bản thân
Một số người cho rằng kỷ luật bản thân là một cảm xúc mà người lớn nên có, nhưng những người này quên rằng một số thói quen được hình thành từ khi còn nhỏ, và kỷ luật bản thân cũng vậy. Những người tự kỷ luật thường có thể sắp xếp công việc của mình một cách hợp lý. Thông thường, những người tự kỷ luật sẽ dẫn đến thành công.
Nếu một đứa trẻ nghĩ ra ngoài để chơi khi đang học, và vẫn lén lút nghịch điện thoại trong khi ngủ, lúc này, cha mẹ nên hạn chế cho con chơi và lên kế hoạch khi nào chơi, khi nào học. Theo thời gian, trẻ cũng sẽ biết cách sắp xếp cuộc sống của mình.
4. Những đứa trẻ không chịu được khó khăn
Điều kiện gia đình hiện nay đang dần được cải thiện, con cái cũng được hưởng những điều kiện vật chất tốt hơn, nhiều cha mẹ cũng đáp ứng mọi nhu cầu của con, không để con thiếu thốn, cực khổ. Hậu quả của cách nuôi dạy bao bọc, can thiệp quá mức là sự ra đời của thế hệ yếu ớt, phụ thuộc cả về thể chất lẫn tinh thần, không có kỹ năng xử lý các tình huống khó khăn của đời sống.
Tiến sĩ Karen Able, một nhà tâm lý học cho rằng: Khi đứa trẻ không được trao cơ hội để vật lộn với các khó khăn thì chúng sẽ không học được cách giải quyết vấn đề. Chúng không học được cách tự tin với khả năng của chính mình và điều đó có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn của trẻ. Một vấn đề khác là nếu trẻ chỉ bước đi trên một con đường trải hoa hồng thì chúng sẽ có thể sợ hãi hoặc không dám đối mặt với khó khăn. Tự ti và sợ thất bại đều dẫn đến cảm giác thất bại và lo lắng là những tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.
Con cái là hình ảnh mẫu mực của cha mẹ, vì vậy lời nói và việc làm của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ muốn giáo dục con cái tốt thì không nên quá chiều con, đây là điều không tốt cho sự trưởng thành của trẻ, để khi lớn lên sẽ bị mọi người chê bai. Phải giáo dục đứa trẻ ngay từ nhỏ để từ cây non vươn cao thành ngọn cây cao chót vót.