Những đứa trẻ thường xuyên được "tẩy não" sẽ có thay đổi đáng kinh ngạc về não bộ: Ngay cả chuyên gia cũng thường xuyên áp dụng
Chuyên gia tâm lý với kinh nghiệm 18 năm khuyên cha mẹ nên dùng!
Những lời nói tích cực có thể mang lại những gợi ý tích cực cho trẻ. Bạn càng tin tưởng vào khả năng của con thì con sẽ càng xuất sắc.
Ma thuật "tẩy não"
Liu Aimin, một nhà Tâm lý học Trung Quốc 18 năm kinh nghiệm, giúp hàng nghìn học sinh được nhận vào các trường đại học thuộc 985 và 211 (nhóm trường top ở Trung Quốc), đã chia sẻ một trường hợp.
Một người mẹ đến nhờ anh giúp đỡ vì con trai liên tục trượt tất cả các kỳ thi. Ông không tìm hiểu ngay nguyên nhân khiến cậu bé học kém, cũng như không trực tiếp dạy cậu cách học. Thay vào đó, ông khẳng định với cậu bé trước: "Con biết không? Thực tế con có rất nhiều lợi thế trong học tập".
Thấy cậu bé bối rối, ông bắt đầu đặt một loạt câu hỏi: "Con có thể hiểu Vật lý? Có thể hiểu Hóa học? Còn tiếng Anh thì sao..." - "Không, con không hiểu gì cả" - Cậu bé ôm đầu trả lời.
"Con đã vượt qua kỳ thi chưa?" - "Không". Cậu bé nặng nề cúi đầu.
"Có ai trêu chọc hay chế giễu con không?" - "Thật quá đáng. Không chỉ mẹ mà cả thầy cô, các bạn trong lớp đều chế nhạo con". Lúc này, Liu Aimin thay đổi chủ đề và nghiêm túc nói:
"Nhìn xem, không phải tiết nào con cũng hiểu, nhưng con ngồi trong lớp nghe từng tiết. Theo thời gian, điều này sẽ rèn luyện ý chí kiên cường của con. Con đã nhiều lần thất bại trong các kỳ thi, nhưng vẫn kiên trì tham gia. Quá trình rèn luyện lâu dài này là khả năng chống lại thất bại siêu phàm của con. Con bị chê cười đã lâu, nhưng không để trong lòng, gặp được người lớn vẫn chào hỏi. Điều này chẳng phải phản ánh tâm hồn thuần khiết, nhân hậu của con sao?
Con biết không? Đời người có ba khả năng quan trọng nhất: Ý chí kiên cường, khả năng chống lại thất bại cao và đầu óc rộng mở. Nếu con có những thứ này, thất bại ngắn hạn có ý nghĩa gì? Con sớm hay muộn sẽ thành công".
Nghe nói xong, ánh mắt cậu bé sáng lên, trên mặt tràn đầy tự tin. Sau này, khi gặp lại, người mẹ cảm ơn chuyên gia và tò mò nói: "Thầy chỉ nói chuyện với con tôi một lần, sự tự tin của nó đã được cải thiện, điểm số cũng tốt hơn. Thầy đã sử dụng phương pháp nào?".
Liu Aimin sau đó tiết lộ rằng ông không hề sử dụng bất kỳ phương pháp nào mà chỉ "tẩy não" bọn trẻ.
"Tẩy não" là gì?
Nói một cách đơn giản, đó là sử dụng nguyên tắc "ngôn ngữ thay đổi não bộ" do Giáo sư Hồng Lan (Trung Quốc), một nhà khoa học não bộ dạy để gán cho trẻ một nhãn hiệu tích cực. Giáo sư Hồng Lan đã phát hiện trong quá trình nghiên cứu rằng bộ não sẽ liên tục thay đổi sự phân bố mạng lưới thần kinh do nhu cầu bên ngoài.
Khi cha mẹ nói với con một cách chắc chắn rằng con là người xuất sắc, chăm học, siêng năng, tập trung, có kỷ luật tự giác…, bộ não của trẻ sẽ tự động nhập liệu và sử dụng hành vi một cách vô thức để chứng minh sự mong đợi này.
Có một thí nghiệm nổi tiếng trong tâm lý học - thí nghiệm nói dối có thẩm quyền.
Robert Rosenthal – nhà Tâm lý học nổi tiếng người Mỹ có lần đến một trường cấp hai bình thường, ngẫu nhiên rút ra 18 cái tên cuối cùng rồi trịnh trọng nói với các giáo viên: "18 em này đều được chọn là những học sinh có triển vọng nhất, thông qua quá trình kiểm tra khoa học nghiêm ngặt".
Tám tháng sau, ông lại đến trường và phát hiện: 18 học sinh này đã có tiến bộ rõ rệt về điểm số, thái độ học tập cũng được cải thiện rất nhiều, tính cách cũng trở nên vui vẻ, tự tin hơn. Những học sinh này đã chấp nhận tẩy não về "Tôi có tương lai", từ đó nỗ lực tiến gần hơn đến hình ảnh "Tôi có tương lai", kích thích tiềm năng của các em về mọi mặt.
Đây chính là ma thuật "tẩy não"!
Lời nói của cha mẹ chính là những "lời tiên tri" cho tương lai của con cái
Trẻ em tin vào những gì cha mẹ nói với chúng về bản thân và coi đó là tương lai của mình. Vì vậy, muốn con mình giỏi hơn, bạn phải học cách "tẩy não" con. Lời nói của cha mẹ chính là những "lời tiên tri" cho tương lai của con cái.
Nghiên cứu khoa học thần kinh cho thấy độ tuổi từ 0-12 là thời kỳ vàng khi não bộ có độ dẻo dai nhất. Sự kích thích bằng lời nói lặp đi lặp lại dần dần hình thành các đường dẫn thần kinh ổn định trong não trẻ. Nói cách khác, bạn "tẩy não" con cái càng sớm thì hiệu quả càng tốt.
Dưới đây là 3 "công thức vàng" giúp cha mẹ nuôi dạy con xuất sắc:
1. Công thức mô tả: "I saw" (Bố mẹ thấy) + mô tả cụ thể sự việc, bạn chắc chắn đến mức nào
Một người kể: "Khi con gái tôi mới bắt đầu tập nhảy dây, con thất bại liên tiếp. Chồng tôi rất bực bội, liên tục mắng: "Tư thế của con không đúng"; "Con nhìn thật ngốc ngếch, bao giờ mới nhảy được". Kết quả là chỉ trong vòng vài phút, con gái tôi đã vứt sợi dây đi và ngừng tập.
Sau đó, tôi bắt đầu khen ngợi con: "Mẹ thấy con có thể học được, lần này nhất định có thể vượt qua khó khăn!"; "Nhìn xem, con đã có thể nhảy hai lần liên tiếp rồi, ngày mai nhất định có thể lên nhiều lần hơn"; "Thật tuyệt vời. Con thực sự đã kiên trì luyện tập trong nửa giờ. Với tinh thần chăm chỉ và siêng năng của mình, con chắc chắn sẽ thành công trong mọi việc trong tương lai!".
Ngày qua ngày, con gái tôi ngày càng năng động hơn. Sau một tháng, cháu có thể nhảy năm mươi hoặc sáu mươi lượt một lần. Điều quan trọng nhất là con có sự tự tin rất lớn và cảm thấy chỉ cần muốn học thì không có gì là không thể học được.
Khác với những lời khen ngợi quá đáng và sáo rỗng, "tẩy não" là sự khẳng định dựa trên thực tế, giúp trẻ thực sự biết mình đã làm tốt những gì và có những phẩm chất gì. Bằng cách này, sự khẳng định bên ngoài sẽ dần chuyển hóa thành bản sắc bên trong của trẻ, giúp trẻ từng bước trở nên tự tin và nổi bật.
2. Phóng đại: "I saw" (Bố mẹ thấy) + phóng to những điểm nổi bật của trẻ
Con gái của nhà giáo dục Chu Hồng (Trung Quốc) bị điếc cả hai tai từ khi còn nhỏ. Cô đã nhiều lần đi khám nhưng không khỏi. Để khiến con gái tin rằng con không khác gì người bình thường, mỗi khi thấy điều gì con gái làm tốt, ông đều không tiếc công khen ngợi và đánh giá cao.
Khi con gái nói được một lời, ông đã ôm cô thật chặt, giơ ngón tay cái lên và khen ngợi sự tuyệt vời của cô. Khi con gái ông chỉ trả lời đúng một trong 10 câu hỏi, ông đánh dấu lớn vào đúng chỗ và nói: "Con thật tuyệt vời. Bố già hơn con mà thậm chí còn không hiểu được câu hỏi". Khi con gái ông viết không hay trong bài luận, ông đã cẩn thận khoanh tròn những câu hay và vui vẻ vỗ tay khen ngợi cô.
Dưới sự đánh giá cao, con gái ông đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết giả tưởng dài 60.000 từ khi mới 10 tuổi. Năm 11 tuổi, cô được vinh danh là một trong "Mười thanh thiếu niên hàng đầu cả nước", năm 17 tuổi đã có bài phát biểu tại một sự kiện quan trọng, bắt đầu đi du học để lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ ở tuổi 20.
Mỗi đứa trẻ có thể có khuyết điểm này hay khuyết điểm khác, nhưng cũng phải có những ưu điểm. Những "điểm sáng" này giống như những tia lửa chỉ cần chúng ta khuếch đại chúng bằng trái tim mình, chúng sẽ soi sáng những vùng tối của con.
3. Trao quyền: Bố mẹ tin + khuyến khích con bằng kỳ vọng đúng mức
Một nhà giáo dục từng nói: "Hãy nhớ rằng hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng không phải bởi kinh nghiệm mà bởi những kỳ vọng". Nếu cha mẹ có những mong đợi tích cực về những gì con cái họ có thể trở thành, thì đó chính là những gì con họ có thể trở thành trong tương lai.
Nhưng tốt nhất không nên kỳ vọng quá cao, nếu không nó không những không là động lực cho con cái mà còn có thể trở thành áp lực cho chúng. Những kỳ vọng tốt nhất nên tuân theo "nguyên tắc sơ bộ" trong tâm lý học, đó là khuyến khích trẻ thử những việc vượt quá khả năng của mình một chút. Nó giống như một đứa trẻ không thể hái táo khi đứng nhón chân nhưng có thể làm được khi nhảy. Khuyến khích trẻ "nhảy" là điều chúng ta phải làm.
Một cư dân mạng từng chia sẻ rằng anh có khả năng học tập kém từ khi còn nhỏ, anh học mọi thứ rất chậm và khả năng hiểu cũng không tốt lắm. Nhưng mẹ không mắng anh, thay vào đó bà luôn tin rằng anh chỉ chưa hiểu tạm thời, và sẽ làm tốt hơn những người khác sau khi "ngộ" ra.
Để khiến con tin rằng mình có thể làm được, người mẹ thường đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau: Cố gắng đạt điểm "tốt" trong bài tập về nhà, đạt thêm hai điểm trong kỳ thi và cố gắng thăng một bậc trong kỳ thi xếp hạng... Bằng cách này, điểm số của anh thực sự được cải thiện từng chút một và cuối cùng vào được trường cấp 2 tốt.
Trẻ em sẽ vô thức hành động theo mong đợi của cha mẹ và cuối cùng biến lời dự đoán trở thành hiện thực. Đây là một "lời tiên tri tự ứng nghiệm" trong tâm lý học. Bởi vì chúng tin tưởng vào cha mẹ nên những kỳ vọng tích cực và niềm tin vững chắc của cha mẹ đã trở thành động lực lớn nhất để con cái tiến về phía trước.
Hãy tin rằng những lời nói tích cực, ánh mắt tin tưởng và sự đánh giá chân thành của bạn sẽ trở thành sức mạnh cho sự trưởng thành của con, giúp con dần trở thành những gì bạn mong đợi.