Những đứa trẻ thừa ra: Bố mẹ tan vỡ hôn nhân, sao để con phải trả giá?

Phong Linh,
Chia sẻ

Khi bố mẹ còn yêu, những đứa trẻ là thiên thần, là kết tinh tình yêu, là máu thịt gắn bó 2 người từ người dưng thành một gia đình. Khi tan vỡ, chúng là người bị thừa ra. Ở với ba hay với mẹ vẫn cứ là chông chênh.

Ngày 18/5, một vụ việc hy hữu ở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang khiến nhiều người bị sốc, nhất là những ai đang làm cha mẹ: Em bé T.V.L, 4 tuổi bị bố ruột bỏ lại tại Tòa kèm vài dòng: "Tòa giải quyết (ly hôn) đơn phương cho cô Đào Thị Lợi, nay tôi mang đứa con nhờ tòa trả lại cho cô Lợi mẹ nó. Tôi không đẻ, tôi không nuôi".

Những đứa trẻ thừa ra: Bố mẹ tan vỡ hôn nhân, sao để con phải trả giá? - Ảnh 1.

Nguồn cơn sự việc sau đó lộ ra nhiều tình tiết phía sau: Bố mẹ bé L. đến với nhau khi cả hai đã trải qua nhiều tan vỡ và đều có con riêng. Mẹ bé L. để lại con cho bố nuôi từ khi bé 9 tháng tuổi mà không chu cấp hay gặp con. Đến nay, vì kinh tế khó khăn, lại mang bệnh nặng, không thể nuôi nổi 2 đứa con nên người đàn ông này mang L. ra tòa “trả”.

Em bé mới 4 tuổi đầu, cuối cùng đã được chị gái của mẹ nhận về nuôi dưỡng, nhưng thân phận “như quả bóng trên sân cỏ” của L. đã khiến nhiều người xót xa. Có người trách bố mẹ em, cũng có người xót xa bảo, vì ngặt nghèo kinh tế, cực chẳng đã họ mới phải đùn đẩy nhau trách nhiệm nuôi con. Nhưng chẳng phải là, sau những cuộc hôn nhân tan nát, những đứa trẻ luôn là mảnh ghép bị thừa ra sao?

Những đứa trẻ thừa ra sau một cuộc tình tan vỡ

Phương Mai, yêu say đắm rồi vội vã cưới mối tình đầu - một anh chàng giàu có, nhà mặt phố, bố làm to, là doanh nhân trẻ, đi xế hộp hàng chục tỷ. Hồi đám cưới cỡ chục năm về trước, riêng cái váy cô ấy thuê mặc một buổi đã ngốn gần 30 triệu. Trong đám cưới Mai, nhìn cái cách chồng cô nâng váy, dìu đi trong đám cưới, cách anh nắm tay vợ trong bữa ăn ra mắt sau đám cưới, nhiều người không khỏi ghen tị. 

Nhưng mấy tháng sau, khi đang bầu, người ta thấy Mai về nhà đẻ, mắt sưng húp, tay chân có vết bầm, bảo là bị ngã cầu thang. Con được tròn tuổi, Mai xác xơ như người hậu sản, thần sắc xám xịt. Con chưa tròn 3 tuổi, cô dọn về nhà đẻ ở, và làm thủ tục ly hôn, nhưng mất 4 năm sau đó mới trở thành người tự do, chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền nuôi con. 

Những đứa trẻ thừa ra: Bố mẹ tan vỡ hôn nhân, sao để con phải trả giá? - Ảnh 2.

Mẹ chồng cũ hồi vợ chồng cô còn dùng dằng khi sang bên ngoại thăm cháu từng tỉ tê khóc: “Thằng cháu đích tôn kiểu gì cũng được hưởng gia sản, của nả nhà này chẳng của chúng nó thì của ai”. Nhưng đến ngày tòa đưa ra quyết định Phương Mai được quyền nuôi con, con trai Mai, đến 3 triệu cam kết trước tòa trợ cấp nuôi con từ bố, cả năm rồi còn chẳng nhận được một xu.

Suốt một thời gian dài làm mẹ đơn thân, Mai ngại hẹn hò, không dám nghĩ đến chuyện đi bước nữa vì còn mặc cảm mình có “file đính kèm”, sợ người sau không yêu thương con mình, sợ sinh thêm con nữa thì thằng bé tủi thân. Họ hàng, láng giềng xì xào, ghé tai cô bảo “trả về cho bố nó nuôi, cứ để ở cổng, kiểu gì bà nó cũng phải dắt vào chứ không dám hành hạ đâu”, “việc gì phải khổ, trả cho nhà nó xong mà đi lấy chồng, đèo bòng thế này hết cả thanh xuân”... 

Hay như chuyện của Tuấn, chia tay vợ khi cô con gái tên Linh đang ở tuổi dậy thì. Con bé ở với mẹ các ngày trong tuần, cuối tuần về với bố. Bố mẹ chia tay vài tháng thì mẹ đẻ em “mới”. Trong tuần, Linh phải giúp mẹ trông đứa em. Còn buổi tối, con bé thường xuyên được mẹ xếp lịch học tiếng Anh, học Toán, học kỹ năng sống… rồi thuê xe ôm đưa đón hoặc “gửi” các cậu đưa về nhà ông bà chơi, để tiện cho bố em bé sang thăm.

Một thời gian sau, bố cũng có người mới, cuối tuần còn bận hẹn hò, nên Linh hoặc ngồi nhà lên mạng, chơi điện tử cho hết ngày, hoặc tự bắt xe khách về quê với ông bà nội. Những lần về thăm ông bà, con bé luôn nhận được 1.001 những câu hỏi kiểu như: Con ở với mẹ có khổ không, có phải thay bỉm rửa đít cho em không, em bé giống ai, có gặp bồ của mẹ không, sau này bố lấy vợ, mua nhà khác rồi có về ở với bố không… 

Những đứa trẻ thừa ra: Bố mẹ tan vỡ hôn nhân, sao để con phải trả giá? - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Những đứa trẻ ấy, trước khi cuộc hôn nhân, gia đình chung của bố mẹ chúng tan vỡ, là điều kỳ diệu nhất mà tạo hóa ban cho bố mẹ chúng. Đó là thứ mà người cha và người mẹ hòa chung máu thịt để tạo thành, là thứ kết nối mạnh mẽ, gợi ra ý nghĩa vẹn tròn về 2 tiếng gia đình.

Nhưng khi mối liên kết ấy gãy đổ, người đàn ông và người đàn bà rời nhau ra như hai cá thể độc lập, kết tinh của tình yêu mà người đàn ông và người đàn bà ấy từng dành cho nhau bỗng trở thành kẻ bị thừa ra, chênh vênh bên đời cha mẹ mình, dù nghiêng bên nào cũng xiêu xiêu ngả ngả.  

Con là một món quà, không phải “hàng khuyến mãi”

Không ai dám khẳng định 100% rằng một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khuyết sẽ không hạnh phúc, thành đạt bằng đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đủ đầy cha mẹ. Nhưng có một sự thật là, nhiều đứa trẻ có bố mẹ ly hôn thuộc nhóm có xu hướng dễ bị tổn thương tâm lý hơn. 

Chúng mắc kẹt ở giữa cuộc đời bố mẹ, trở thành trái banh đá qua đá lại trong cuộc tranh chấp, dằn vặt nhau, thậm chí trở thành “con tin” của người nhận nhiệm vụ nuôi dưỡng để làm áp lực với người kia. 

Đối diện với người từng đầu ấp tay gối, nay tan rã lối ai nấy bước đã khó, đối diện với (những) ánh mắt của con trẻ bị bố mẹ rẽ đôi, còn khó gấp bội. Người mẹ hay người cha, khi sống cùng con, dù bù đắp lo lắng mọi nhẽ, yêu chiều đủ thứ, vẫn khó có thể cho con sự tròn vẹn gia đình. Nếu họ chọn bước tiếp, tìm hạnh phúc ở một chân trời không đơn chiếc, mọi việc còn khó hơn nữa.

Những đứa trẻ thừa ra: Bố mẹ tan vỡ hôn nhân, sao để con phải trả giá? - Ảnh 4.

Còn nhớ dạo trước, gia đình ca sĩ Thu Thủy vướng vào vụ lùm xùm gây xôn xao dư luận vì chồng trẻ của cô cấu tay bé Henry khi đang livestream. Người ta mắng Thu Thủy là mẹ mà không biết bảo vệ con, để con bị cha dượng bạo hành mà không biết xót, nhất là khi năm lần bảy lượt cô tỏ ý bênh vực chồng trẻ. 

Rồi lại có những đứa trẻ bị mẹ kế, cha dượng, cha ruột… bạo hành vì “không nghe lời”, “hỗn láo”, vì “không đánh không dạy được” khiến dư luận rúng động. Bé K., 12 tuổi ở Phú Thọ là một ví dụ. Bố mẹ K. ly hôn 7 năm, K. ở với bố, em gái K. ở cùng mẹ. Sau 7 năm K. không được gặp mẹ, lần hội ngộ đầu tiên cũng là khi mẹ em phát hiện nhiều vết sẹo chi chít trên thân thể con. Theo lời K., em bị bố đẻ và mẹ kế phạt bằng những hình thức dã man. Và mới đây nhất, là em bé 4 tuổi bị bố “trả lại” ở Tòa án Bắc Giang.

Những đứa trẻ thừa ra: Bố mẹ tan vỡ hôn nhân, sao để con phải trả giá? - Ảnh 5.

Những câu chuyện như thế vẫn xảy ra trên đời, có khi ầm ĩ, gây chú ý của truyền thông, có khi âm thầm day dứt trong lòng những đứa trẻ và bố mẹ chúng. 

Khó mà trách người đến sau không đủ bao dung, rộng lượng, tử tế khi họ cảm thấy “ngứa mắt” với kết quả của cuộc tình trước, khi họ không yêu thương đứa trẻ ấy bằng con ruột mang dòng máu của mình. Không thể cản những người đã qua giông bão kỳ vọng về bến đỗ bình yên mới của mình và con, bởi khó khăn lắm họ mới tìm được người chấp nhận mình và “file đính kèm”. 

Nhưng yêu thương bao giờ cũng đi cùng trách nhiệm, và trách nhiệm của những người đã tạo ra đứa trẻ, bất chấp việc họ có chồng, có vợ mới hay không, đó là cho con một môi trường sống an toàn về thể chất lẫn tinh thần, cho con sự yên tâm và tự tin rằng chúng vẫn là điều tuyệt vời nhất, là sự ưu tiên trong cuộc đời bố mẹ chúng.

Trước yêu thương vô ngần, thì sau khi ly hôn cũng vẫn cần chăm chút thương yêu, để dù không còn là một gia đình như trước, đứa trẻ cũng không có cảm giác mình là người “thừa ra”, là “file đính kèm” hay là “của nợ” khi bố mẹ chúng sống tiếp đời mình. 

Ngay cả khi không bị đánh đập, làm tổn thương thân thể, để đứa trẻ trong những gia đình khuyết lớn lên với tinh thần lành lặn, đó nhất định phải là nỗ lực của bố mẹ chúng. Nếu bố mẹ biết yêu con đúng cách, dù chẳng còn đi chung đường hôn nhân, lũ trẻ mới có thể trở thành những đứa trẻ hạnh phúc.

Chia sẻ