Những đứa trẻ như này khiến cha mẹ khó chịu nhưng thực tế lại có tương lai triển vọng nhất!
Cha mẹ không nên nóng vội mà cần bình tĩnh để có cách nuôi dạy con đúng đắn.
Một bà mẹ luôn đau đầu mỗi khi nói về con trai của mình. Cô vất vả lắm mới tìm được một giáo viên dạy piano nổi tiếng cho con, nhưng con trai lại chê học piano chán và muốn học trống jazz sôi động. Khi đi mua sắm, con trai không thích bất kỳ chiếc áo nào mẹ chọn và nằng nặc đòi mua đồ theo ý thích.
Cô ấy thấy con loay hoay mãi không ghép được đồ chơi biến hình, muốn giúp thì con lại trách "mẹ làm phiền". Khi cô ấy bảo con rằng Sprite và Coke pha cùng nhau rất ngon, con lại muốn thử pha Sprite với nước cam.
Người mẹ bảo con: "Ở trường phải khiêm tốn một chút". Con lại phản đối: "Nếu con không thể hiện ra, làm sao người khác biết con giỏi thế nào".
"Tôi không sinh con trai mà sinh ra kẻ đối đầu với mình", bà mẹ này than thở.
Thực tế Mạc Ngôn - nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc từng đạt giải Nobel Văn học từng chia sẻ: "Tôi ngưỡng mộ những đứa trẻ dám phản kháng cha mẹ. Tôi cũng rất ngưỡng mộ bạn khi có một đứa con đầy tinh thần phản kháng". Còn nhà tâm lý học Elaine Aronson thì cho hay: "Những đứa trẻ dám phản kháng thường tự tin và có lòng tự trọng cao, điều này rất hữu ích cho sự thành công sau này".
Một đứa trẻ có tinh thần phản kháng ẩn chứa những tài năng vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta.
Tinh thần phản kháng và sự hình thành cái tôi mạnh mẽ
Một cư dân mạng chia sẻ nỗi lo lắng về cậu con trai út 7 tuổi của mình. Cậu bé có tính cách nhút nhát, dễ bảo. Dù ai yêu cầu gì, cậu bé cũng dễ dàng đồng ý. Ngay cả khi bị cướp mất đồ chơi yêu thích, cậu bé cũng không phản kháng mà chỉ biết chạy về ôm mẹ khóc. Ở nhà, cậu bé suốt ngày bị anh trai sai vặt và chưa bao giờ dám phản kháng.
Ở trường, bạn bè lấy trộm hộp bút sáp màu mới mua của cậu bé, thậm chí còn yêu cầu em làm bài tập hộ.
Cư dân mạng này ban đầu nghĩ con mình hiền lành, nhưng gần đây cô phát hiện con luôn mệt mỏi khi về nhà, không hứng thú với bất kỳ điều gì, hoàn toàn không có vẻ vui tươi của một đứa trẻ 7 tuổi. Điều làm cô lo lắng nhất là con thường gặp ác mộng khi ngủ, có khi thét lên trong giấc mơ, có khi khóc, ôm chặt bản thân, nói những điều không rõ ràng.
Cô còn phát hiện con mình có thói quen cắn móng tay đến mức chảy máu. Cuối cùng, cô phải đưa con đi tư vấn tâm lý. Bác sĩ nói: "Đây là biểu hiện của sự kìm nén bên trong. Có thể con bạn không phải là đứa trẻ hiểu chuyện như bạn nghĩ mà là không dám nói "không", không dám từ chối và không dám bày tỏ ý kiến thực sự của mình".
Nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget từng nói: "Trẻ từ 2 tuổi đã bắt đầu xác lập ý thức tự ngã. Khi ý thức tự ngã thức tỉnh, trẻ sẽ bày tỏ ý muốn bằng cách kháng cự và từ chối. Điều này biểu hiện qua việc không nghe theo lời khuyên và chỉ thị của cha mẹ, thích làm theo ý mình, bướng bỉnh và thậm chí phản kháng".
Có thể nói, kháng cự là bản tính tự nhiên của trẻ, là con đường trẻ khám phá và xác lập cái tôi. Một đứa trẻ luôn ngoan ngoãn, không kháng cự, không từ chối, không gây rắc rối không phải là điều tốt mà ngược lại dễ dẫn đến những vấn đề tâm lý.
Giống như nhân vật Viên Ngọ trong phim "Đứa Trẻ Biến Mất", từ nhỏ, cậu luôn sống theo ý mẹ. Mẹ không cho kết bạn, cậu chỉ biết học, không có bạn bè. Trường đại học và ngành học do mẹ chọn. Quan hệ với thầy cô và bạn bè do mẹ sắp xếp. Khi đi xem mắt, tình huống và lời thoại đã được mẹ tập trước. Cậu như một con rối, hoàn toàn nghe theo mẹ, không có chút chủ kiến nào. Kết quả, khi mẹ gặp chuyện, thế giới của cậu sụp đổ, thất nghiệp, nghiện cờ bạc, sống như một xác sống.
Ông Vương Chiếm Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Trí tuệ Trung Quốc, từng nói: "Trẻ nghe lời là dấu hiệu của sự thất bại trong giáo dục. Đứa trẻ như vậy chỉ có thể trải qua cuộc đời một cách kìm nén và tầm thường".
Vì vậy, muốn con sau này thành đạt, nhất định phải giúp con rèn luyện một cái tôi mạnh mẽ. Chỉ khi ý thức tự ngã phát triển tốt, con mới có đủ tự trọng và tự tin, mới có dũng khí và sức mạnh để phát triển hoàn thiện bản thân, trở nên khỏe mạnh và xuất sắc hơn.
Trẻ có tinh thần phản kháng dễ thành công hơn
Nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc Lưu Dũng thường mắng đứa con phản kháng của mình là "đồ hỗn láo". Ông yêu cầu Lưu Huyền học tiếng Trung vào ngày lễ, nhặt quả thông, quét lá cây, dọn máng nước dưới mái hiên khi đi chơi. Lưu Huyền luôn cãi lại, cảm thấy cha đang bày việc. Một lần, Lưu Dũng không thể chịu nổi nữa hỏi: "Sao con luôn cãi lại cha?", Lưu Huyền đáp: "Vì con nghĩ con đã lớn, không nên nghe lời cha mẹ. Cha bảo con đi trái, con đi phải. Con có suy nghĩ riêng, con phải tìm ra mình là ai".
Nhà tâm lý học người Đức Heisser đã theo dõi 100 trẻ có và không có ý thức phản kháng. Khi đến tuổi thiếu niên, ông phát hiện 85% trẻ có tinh thần phản kháng trở thành những người trẻ có ý chí mạnh mẽ và khả năng phán đoán tốt. Chỉ 24% trẻ không có tinh thần phản kháng phát triển được ý chí mạnh mẽ, đa số sống dựa vào người khác.
Nói cách khác, những đứa trẻ dám phản kháng có ý chí mạnh mẽ, dễ thành công hơn trong tương lai. Lưu Huyền đã chứng minh điều đó. Anh học tâm lý học, trở thành nhà tâm lý học nổi tiếng, người sáng tạo quảng cáo nổi tiếng và quán quân toàn quốc của chương trình "Tôi là diễn giả".
Vì vậy, đừng đau đầu vì đứa trẻ phản kháng. Sau sự phản kháng là tinh thần tò mò mạnh mẽ, cái tôi hoàn thiện và khỏe mạnh, tinh thần phiêu lưu quý báu, sự thách thức và đổi mới, và sự kiên cường không dễ bị đánh bại. Chúng sẽ mang lại cho chúng ta những điều bất ngờ trong quá trình khám phá bản thân và thế giới.
Cách ứng phó với sự "phản kháng" của trẻ
Nhà tâm lý học người Mỹ Carl Rogers từng nói: "Cha mẹ nên khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình, thay vì đàn áp cảm xúc và sự phản kháng của chúng".
Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ khó tránh khỏi những lúc không nghe lời, cãi lại hoặc đối nghịch. Cách ứng phó với những thời điểm này chính là thử thách trí tuệ của cha mẹ.
1. Lắng nghe sự phản kháng của trẻ, tôn trọng tính độc lập và tự chủ của trẻ
Một nhà tâm lý học từng giải thích rằng, động cơ tâm lý của trẻ thích "phản kháng" có ba lớp:
Lớp thứ nhất: Trẻ cần nhận thức giá trị của bản thân. Lớp thứ hai: Trẻ mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát và thể hiện tính độc lập. Lớp thứ ba: Trẻ muốn có quyền tự kiểm soát bản thân.
Tất cả những sự phản kháng của trẻ thực chất đều xuất phát từ việc phản đối sự kìm kẹp và giới hạn. Ví dụ: Trẻ muốn ăn món ăn trước mắt, nhưng bạn lại ép trẻ ăn hết tất cả các món trên bàn. Trẻ muốn chơi một lúc rồi mới làm bài tập, nhưng bạn lại bắt trẻ làm bài tập ngay lập tức. Trẻ muốn học nhảy múa, nhưng bạn lại ép trẻ học vẽ.
Ý chí của cha mẹ trở thành sợi dây trói buộc tâm hồn trẻ, và trẻ chỉ có thể vùng vẫy để giành lấy sự tự do mình mong muốn.
Vì vậy, khi trẻ bắt đầu phản kháng, đừng vội vàng áp đặt trẻ một cách thô bạo. Hãy thử ngồi xuống và lắng nghe lý do tại sao trẻ phản kháng, hiểu rõ nhu cầu của trẻ, tôn trọng ý nguyện của trẻ, và cho trẻ một số quyền lựa chọn và quyết định. Sự thù địch của trẻ đối với cha mẹ sẽ tự nhiên tan biến.
2. Chấp nhận sự phản kháng của trẻ, giúp trẻ học cách bày tỏ bản thân một cách tích cực
Người mẹ nọ thường nói với con gái rằng: "Chúng ta là bạn bè". Khi con gái đưa ra yêu cầu, bà không bao giờ từ chối hay đánh giá một cách vô căn cứ. Ngay cả những yêu cầu rất vô lý, bà cũng sẽ cân nhắc cẩn thận và đưa ra phản hồi và thảo luận nghiêm túc.
Bà sẽ tìm ra lý do hợp lý và thuyết phục con gái, giúp con hiểu rõ quan điểm của mình. Khi có bất đồng ý kiến với con, nếu nhận ra mình sai, bà sẵn sàng hạ mình xin lỗi con gái.
Khi gặp những vấn đề cần thiết, bà không dùng giọng điệu ra lệnh mà thay vào đó là "Mẹ hy vọng..." hoặc "Mẹ đề nghị...", để lại không gian tự do cho con gái. Nhờ sự ảnh hưởng của bà, con gái không bao giờ đối kháng bằng cách khóc lóc, la hét, hay cố tình làm trái. Thay vào đó, con gái luôn tích cực bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, thảo luận để giải quyết vấn đề một cách hòa hợp.
Vì vậy, thay vì lo lắng và nổi giận vì sự phản kháng của trẻ, hãy chấp nhận nó, khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình, cùng trẻ tìm ra nguyên nhân vấn đề, giúp trẻ cảm nhận được sự thấu hiểu và quan tâm.
Hãy làm gương để giúp trẻ học cách bày tỏ bản thân một cách tích cực, giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, và từ đó đạt được mục tiêu của mình.