Những độc dược hại chết Micheal Jackson

,
Chia sẻ

Ngày 28 vừa qua, cảnh sát Mỹ đã đưa ra kết luận nguyên nhân gây ra cái chết cho ông hoàng nhạc Pop Micheal Jackson là một dược phẩm có tên propofol.

Vậy đây là thuốc gì? Và có tác dụng thế nào trên cơ thể người? Ngoài propofol, còn có những dược phẩm nào hủy hoại cơ thể thiên tài âm nhạc tuổi 50?

Propofol

Propofol (2,6-diisopropylphenol) có các biệt dược: anepol inj; diprivan; lipuro là một dược phẩm thuộc nhóm thuốc gây tê, mê là một thuốc gây mê tác dụng ngắn với khởi phát tác dụng nhanh khoảng 30 giây. Tuy cơ chế tác dụng của thuốc còn ít được biết đến nhưng do propofol hấp thu rất nhanh sau khi vào tĩnh mạch (chỉ 2-4 phút thuốc đã phân bố tới các mô) nhưng cũng thải trừ rất nhanh sau khi ngưng truyền thuốc. Thời gian bán thải là 30 - 60 phút. Đặc điểm này của propofol giúp các bệnh nhân hồi tỉnh nhanh và nhẹ nhõm, với rất ít các trường hợp đau đầu, buồn nôn và nôn sau phẫu thuật.

Chỉ định: Thuốc thường được sử dụng làm chất tiền mê và duy trì mê phục vụ cho các cuộc phẫu thuật, chẩn đoán. Propofol cũng có thể được dùng để gây ngủ ở bệnh nhân đang được thông khí hỗ trợ trong đơn vị săn sóc đặc biệt.

Tác dụng phụ: Tụt huyết áp động mạch trung bình và thay đổi nhẹ nhịp tim được ghi nhận khi dùng propofol dẫn mê và duy trì mê. Tuy nhiên, các thông số huyết động học thường ở mức tương đối ổn định trong quá trình duy trì mê và các trường hợp thay đổi bất lợi huyết động học có tỷ lệ thấp. Mặc dù sự ức chế thông khí có thể xảy ra sau khi dùng propofol, nhưng bất kỳ ảnh hưởng nào cũng đều tương tự về tính chất như với các loại thuốc mê đường tĩnh mạch khác và đều có thể xử trí dễ dàng trên thực hành lâm sàng. Propofol làm giảm lưu lượng máu não, áp lực nội sọ và chuyển hóa ở não. Giảm áp lực nội sọ thì xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân có tăng áp lực nội sọ trước đó. Rất hiếm trường hợp nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân, tăng kali huyết và/hoặc suy tim, trong vài trường hợp có thể gây tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh nặng đang dùng propofol để gây ngủ tại phòng chăm sóc đặc biệt. Nhu cầu cần bổ sung kẽm nên được xem xét khi dùng lâu dài propofol, đặc biệt đối với bệnh nhân có khuynh hướng thiếu kẽm, như bệnh nhân bị bỏng, tiêu chảy và/hoặc nhiễm khuẩn nặng.

Chống chỉ định sử dụng propofol ở bệnh nhân dị ứng với propofol, trẻ em dưới 3 tuổi, trẻ bị bạch hầu hoặc viêm nắp thanh quản đang được chăm sóc đặc biệt, phụ nữ có thai, cho con bú.

Yêu cầu đặc biệt: Propofol phải được dùng bởi những người đã được huấn luyện về gây mê (hoặc ở nơi thích hợp, bởi các bác sĩ đã được huấn luyện về chăm sóc bệnh nhân ở khoa hồi sức). Bệnh nhân nên được theo dõi liên tục kỹ lưỡng và nên có sẵn các phương tiện để giữ thông đường thở, máy thở, ôxy và các thiết bị hồi sức khác. Khi dùng propofol để an thần gây ngủ cho thủ thuật ngoại khoa và chẩn đoán, bệnh nhân cần được theo dõi liên tục các dấu hiệu sớm của hạ huyết áp, tắc nghẽn đường hô hấp và mất bão hòa ôxy.

Các thận trọng khác: Propofol không chứa các chất bảo quản kháng khuẩn và hỗ trợ sự phát triển của vi sinh vật. Khi bơm rút propofol, phải lấy thuốc ra một cách vô trùng vào một ống tiêm vô trùng hoặc vào bộ đồ truyền ngay sau khi mở ống tiêm hoặc bẻ gãy dấu niêm phong của lọ thuốc. Phải dùng liền, không chậm trễ. Sự vô trùng phải được duy trì cho cả propofol lẫn bộ dụng cụ để truyền trong suốt quá trình truyền. Bất kỳ dịch truyền nào thêm vào đường truyền propofol phải được tiến hành gần chỗ vị trí ống cannula. Không nên truyền propofol qua màng lọc vi sinh.

Giống như các hướng dẫn về việc truyền các nhũ tương lipid khác, một lần truyền propofol không nên vượt quá 12 giờ. Sau khi truyền xong hoặc hết hạn 12 giờ, tùy theo điều nào xảy ra trước, cả bình chứa propofol lẫn dây truyền phải bị hủy bỏ và thay thế thích hợp.

Trong trường hợp gây ngủ cho những ca được chăm sóc đặc biệt mà thường là những bệnh nhân trưởng thành sau phẫu thuật được thông khí hỗ trợ trong đơn vị săn sóc đặc biệt, nên truyền propofol liên tục. Vận tốc truyền phải được điều chỉnh theo độ sâu của giấc ngủ cần thiết nhưng vận tốc truyền trong khoảng 0,3 - 4,0mg/kg/giờ thường cho kết quả tốt. Liều này có thể điều chỉnh lên tới 1,5-4,5 mg/kg/giờ. Cùng với truyền tĩnh mạch, tiêm tĩnh mạch 10-20mg mỗi lần có thể được dùng để tăng nhanh độ sâu của giấc ngủ khi thấy cần thiết.

Cách dùng: Propofol có thể được truyền tĩnh mạch nguyên chất qua ống tiêm nhựa hoặc các chai dịch truyền bằng thủy tinh. Khi propofol được dùng nguyên chất để duy trì mê, nên dùng các thiết bị như ống bơm tiêm hoặc bơm truyền theo thể tích để kiểm soát vận tốc truyền. Propofol cũng có thể được dùng pha loãng, chỉ với loại dịch truyền tĩnh mạch dextrose 5%, trong các túi nhựa PVC hoặc chai thủy tinh. Việc pha loãng, không quá 1/5 (2mg propofol /ml), phải được làm một cách vô trùng ngay trước khi truyền. Hỗn hợp ổn định cho tới 6 giờ.

Quá liều:  Do tai biến có thể gây suy hô hấp, tuần hoàn. Phải xử trí tình trạng suy hô hấp bằng thông khí nhân tạo với ôxy. Khi bệnh nhân bị suy tuần hoàn, cần cho bệnh nhân nằm với đầu thấp và bồi hoàn thể tích và các thuốc vận mạch nếu trầm trọng.

Các báo chí của Mỹ đưa tin, Micheal Jackson đã sử dụng propofol một cách thường xuyên để... chữa mất ngủ. Ngay trong đêm 25/5, Micheal Jackson cũng sử dụng loại thuốc này để ngủ. Nếu quả đúng như vậy thì đây có thể coi là một trường hợp sử dụng sai thuốc chứ không đơn giản là lạm dụng nhất là cách dùng thuốc này kéo dài tới 2 năm trước khi ông vua nhạc pop đột tử.

Demerol

Không chỉ có propofol, hai loại độc dược nữa cũng được Mecheal Jackson dùng với mục đích giảm đau là demerol và lidocain. Demerol thực chất là pethidin, dolargan - một chất giảm đau gây nghiện thuộc nhóm thuốc phiện, có tính chất, tác dụng giảm đau bằng 1/10 morfin và độc tính tương tự như morfin nhưng không gây ngủ. Tuy có tác dụng giảm đau rất mạnh, nhanh nhưng cũng gây nghiện nguy hiểm hơn cả morfin. Thuốc được chỉ định điều trị các chứng đau dữ dội như đau do ung thư, phẫu thuật nhưng không dùng quá 7 ngày. Demerol thuộc danh mục các chất gây nghiện. đau dữ dội không chế ngự được bằng các thuốc giảm đau không gây nghiện. Dùng tiền phẫu. Cơn đau quặn mật, cơn đau quặn thận và niệu quản. Hen tim và phù phổi do suy tâm thất trái cấp. đau do u không chế ngự được bằng các thuốc giảm đau nhẹ.

Lidocain

Là một thuốc gây tê phổ biến, lidocain được dùng nhiều trong gây tê bề mặt, gây tê vùng, gây tê ngoài màng cứng hoặc dùng để gây tê tại chỗ dưới dạng thuốc phun mù. Gây tê: gây tê niêm mạc, gây tê tiêm thấm và gây tê dẫn truyền. Chống loạn nhịp tim: loạn nhịp do ngộ độc digitalis, loạn nhịp thất do huyết khối cơ tim, loạn nhịp do thuốc gây mê và ngoại tâm thu. Quá liều gây trụy tim mạch, rung tâm thất, rối loạn nhịp hoặc ngừng tim, ngừng hô hấp, có thể gây tử vong.

Có một điều tai hại là cả 3 loại thuốc này đều độc, nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng xấu trên hệ hô hấp và tim mạch. Việc dùng thuốc kéo dài, thường xuyên, bất chấp các tác dụng phụ và những chống chỉ định trên một cơ thể có quá nhiều bất ổn về các chức năng sống rất có thể chính là nguyên nhân dẫn đến kết cục đau thương và đầy nuối tiếc của một thiên tài ca nhạc.   

Theo ThS. Nam Khánh
SK&DS
Chia sẻ