Những điều nên tránh khi giao tiếp với đồng nghiệp

,
Chia sẻ

Môi trường công sở đòi hỏi bạn phải khéo léo giao tiếp. Đặc biệt là xem xét lại các thói quen của mình, có thể chúng chính là nguyên nhân khiến đồng nghiệp khó chịu và "tẩy chay" bạn.

Chẳng hạn như...

Bạn đưa ra lời khuyên như một nhà tâm lí

Có thể bạn là một chuyên gia tâm lí khi còn là sinh viên nhưng "chức danh" đó không còn phù hợp khi ở công sở. Nếu đồng nghiệp xin ý kiến của bạn và bạn liên tục đưa ra những lời khuyên không liên quan, thậm chí còn mang tính chất dạy bảo, mọi người sẽ coi bạn là "kẻ dở hơi" và dần xa lánh.

Bạn lưu luyến "những ngày xưa cũ"

Bạn chuyển qua nơi làm việc mới, nhưng cứ liên tục than phiền rằng trước kia mình không thực hiện công việc theo cách hiện tại, hoặc cứ kể lể sếp cũ, đồng nghiệp cũ cư xử với bạn tốt ra sao... mọi người sẽ dần mất cảm tình với bạn. Tệ hơn nữa, sếp mới có thể nghĩ rằng bạn không thích làm việc với anh/chị ta và sẽ "mời" bạn ra đi.

Bạn hay chen ngang câu chuyện của đồng nghiệp

Đồng nghiệp sẽ cảm thấy khó chịu nếu họ chưa kết thúc câu chuyện của mình, bạn đã chen vào: "Câu chuyện của tôi còn hay hơn". Cho dù câu chuyện của đồng nghiệp không thú vị, hãy tôn trọng họ bằng cách lắng nghe.

Bạn "nghiện" nước hoa

Dùng quá nhiều nước hoa sẽ khiến đồng nghiệp không thích gần gũi với bạn, chưa kể một số người bị dị ứng sẽ đau đầu, chóng mặt mỗi lần bạn bước qua. Do đó hãy dùng nước hoa "đúng nơi, đúng chỗ", chẳng hạn như khi đi dự tiệc, thay vì dùng khi đi làm.

Đồng nghiệp sẽ cảm thấy khó chịu nếu họ chưa kết thúc câu chuyện của mình, bạn đã chen vào... (Ảnh minh hoạ)

Bạn không chuyên nghiệp khi gửi email

Bạn cho rằng viết toàn bộ nội dung của email vào phần chủ đề sẽ giúp người nhận tiết kiệm thời gian vì không phải mở thư ra. Điều đó không đúng bởi người nhận sẽ cảm thấy khó chịu vì phải liên tục kéo chuột xuống để đọc. Thêm nữa, người ta thường chỉ lướt qua phần chủ đề để xác định độ khẩn cấp của thư, sau đó mới đọc tiếp vào phần nội dung. Nếu thấy phần chủ đề dài trong khi nội dung thư trống rỗng, chắc chắn người đọc sẽ thấy lúng túng.

Ngoài ra, bạn cũng không nên viết hồi âm email quá ngắn gọn, bởi ít ai có cảm tình với email chỉ vỏn vẹn một chữ "Không", "Ok", "Uh"...

Bạn mong ngóng tới lúc tan giờ làm

Việc mong tiếng chuông báo hết giờ làm để ra về là điều bình thường. Tuy nhiên nó sẽ trở nên bất thường nếu bạn tỏ ra sốt ruột một cách thái quá như đứng ngồi không yên, than vãn liên tục, thậm chí còn biểu hiện sự chán nản khi làm việc. Hành động như vậy sẽ khiến mọi người đặt ra nghi vấn về tình yêu công việc của bạn.

Bạn thường xuyên tổ chức liên hoan với đồng nghiệp

Liên hoan với đồng nghiệp có thể là một cách thư giãn mang lại hiệu quả tốt, nhưng khi số bữa tiệc nhiều hơn cả số ngày làm việc trong tuần, mọi người sẽ thấy phiền toái bởi ngoài công việc, ai cũng có cuộc sống riêng và họ không muốn các buổi tiệc tùng ảnh hưởng tới lịch sinh hoạt của họ. Do đó, hãy chỉ tổ chức liên hoan trong những trường hợp đặc biệt và khi mọi người thoải mái về thời gian.

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ