Những điều cần biết về Đền Hùng khi tới dâng hương vào kỳ nghỉ lễ sắp tới

Vũ.,
Chia sẻ

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, người dân khắp nơi lại nô nức kéo nhau về miền Đất Tổ, dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng.

"Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quay về Đất Tổ.

Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ Mồ ông".

- Câu đối trước cổng chính Đền Hùng. 

Những điều cần biết về Đền Hùng khi tới dâng hương vào kỳ nghỉ lễ sắp tới - Ảnh 1.

Chốn linh thiêng thờ tổ tiên chung của người Việt

Nằm trên núi Hùng, khu di tích Đền Hùng thuộc đất Phong Châu cổ đã, đang và sẽ cất giữ bản sắc dân tộc ta, là nơi tưởng nhớ và khắc ghi công lao dựng nước của Thủy tổ người Việt. 

Núi Hùng, còn được gọi là núi Nghĩa Lĩnh, núi Cả thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, Phú Thọ. Nơi đây cao 175m so với mực nước biển, quanh năm bốn mùa xanh ngắt thâm u với hơn 400 loài cây cỏ. 

Vùng núi Hùng xưa (Ảnh tư liệu).

Trong cuốn Giới thiệu Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, tác giả Vũ Kim Biên có miêu tả rõ nét về vị trí đắc địa, tốt lành của vùng núi Hùng. 

"Người xưa nói: Núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình uốn khúc thành dãy núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo ở phía sau. Từ núi Hùng nhìn ra: Phía trước, ngã ba Việt Trì có hàng chục quả đồi thấp (giống như đàn rùa bò từ ao nước lên). Phía sau là mảnh đất làng Hy Sơn (Tiên Kiên) là hình một con phượng cặp thư. Phía bên phải, quả đồi Khang Phụ (Chu Hoá) là hình một con hổ phục. Phía bên trái, quả đồi An Thượng (Phượng Lâu) hình vị tướng quân bắn nỏ. Làng Cổ Tích bên chân núi, nằm trên lưng một con ngựa ghì cương. Dãy đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình là 99 con voi chầu về đất Tổ.

Xa xa phía Tây là dòng sông Thao nước đỏ, phía Đông là dòng sông Lô nước xanh, như hai dải lụa màu viền làm ranh giới của cố đô xưa. Không khí trên núi thoáng đãng, mát dịu và quanh năm thoang thoảng hương thơm. Tương truyền vua Hùng đi khắp đất nước, cuối cùng mới chọn được vùng sơn thuỷ hữu tình này làm đất đóng đô".

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Bá Khiêm, đã gần cả đời người gắn bó với mảnh đất thiêng Phong Châu cổ, cũng nói chi tiết về vị trí đắc địa phong thủy của Đền Hùng trong cuốn Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng:

"Khu vực Đền Hùng là vùng đất bán sơn địa, đột ngột có vài ngọn núi vượt vút lên làm cao điểm. Núi Hùng còn có tên gọi là Nghĩa Lĩnh, núi Cả, là ngọn núi có độ cao nhất vùng, cùng với núi Trọc lớn (có tài liệu gọi là núi Nỏn), núi Vặn đều có độ cao trên 100m, là ba ngọn tổ sơn được người dân địa phương truyền ngôn là "Tam sơn cấm địa" (3 ngọn núi cấm, núi thiêng).

Cảnh thế trông ngoạn mục, hùng vĩ, có nước, có non, có thấp, có cao, đất đầy khí thiêng của sông núi".

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương có từ bao giờ?

Về với Đền Hùng, mỗi người con đất Việt đều cảm nhận được từng nét xưa cũ thời ông cha được hiện diện ngay tại mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Thay vì tan vào hư vô và cát bụi, minh chứng sự tồn tại của Đền Hùng khảm sâu trong tâm thức mỗi người đều tự hào mình là nòi giống con Rồng, cháu Tiên.

Cứ như vậy, định lệ Giỗ tổ Hùng Vương đã có từ thời nhà Nguyễn. 

"Bộ lễ chuẩn nghị hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng 3, Nhà nước định nhật kỳ ngày quốc tế về tu lễ theo tục lệ của dân sở tại. Tu lễ tại Công quán, làm lễ cúng tế tại Đền Thượng vào giờ Tỵ. Lễ vật là tam sinh (trâu, dê, lợn) do ông phủ đường quan Thượng thư sắp lễ tại xã - Quan tỉnh duyệt lễ trước ngày mùng 9 tháng 3. Tiền sắm lễ mỗi năm Nhà nước cấp 100 đồng bạc, còn lại Hội đồng trích từ tiền hoa lợi ruộng tại phủ Lâm Thao 25 mẫu 8 sào 22 tấc 4 thước, làm lễ cúng tại Đền", phỏng theo Hùng miếu điển lệ bia Khải Định năm thứ 8.

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 16.

Năm 1917, Nhà nước định lệ chính thức Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh cho người lao động được nghỉ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. 

Ngày 6/12/2012, Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể (UNESCO) đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam" là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thăm Đền Hùng, như giọt máu trên đường trở về tim... Chẳng thế mà từ những câu đối đến nhiều bài thơ đều ca ngợi vẻ đẹp của Đền Hùng, đất nước khi ấy mang vẻ tú lệ khó quên "Rồng Tiên họp tú khí, núi thì đẹp sông thì thiêng".

Lễ hội Đền Hùng xưa. Ảnh tư liệu.

Nói về vẻ đẹp non nước hữu tình của Đền Hùng đất Phong Châu cổ, vua Lê Hiển Tông xưa cũng từng xướng thơ:

"Nước mở Văn Lang xưa

Dòng vua đầu viết sử

Mười tám đời nối nhau

Ba sông đẹp như vẽ

Mộ cũ ở lưng đồi

Đền thờ trên sườn núi

Muôn dân đến phụng thờ

Khói hương còn mãi mãi".

Cuộc sống hiện đại đưa con người vào những thử thách bận rộn và áp lực khác nhau, khiến cho họ thường xuyên phải tất tả tìm cách để đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống. Nhưng đến ngày đặc biệt, ngày mùng 10 tháng 3, như một lời nhắc nhở về cội nguồn, tất cả mọi người đều nhớ đến câu ca đầy ý nghĩa:

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm".

Đền Hùng có gì?

Khi xưa, các Vua Hùng đã tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cổ xưa trên vùng núi Hùng, như thờ Núi, Trời, Thần Lúa,... Những dấu ấn văn hóa đó đã khắc sâu và dần hình thành nên một Đền Hùng đậm đà bản sắc dân tộc.

Cho đến nay, sự phong phú ấy vẫn còn hiện diện tại núi Hùng, thể hiện qua kiến trúc và tín ngưỡng còn tồn tại ở Đền Hùng. 

Cổng Đền

Cổng chính Đền Hùng được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng được xây kiểu vòm cuốn cao gần 9m, có hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống. Phía dưới có một cửa vòm cuốn lớn, 4 góc tầng mái trang trí họa tiết rồng, đắp nổi hai con nghê. 

Hai bên cột trụ cổng có phù điêu đắp nổi hai võ sĩ, một người cầm giáo, một người cầm rìu, ngực có trang trí hổ phù, là người canh gác cổng.

Trên tầng 1 cổng có bức đại tự đề "Cao Sơn cảnh hành" (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng có đắp hai con hổ tượng trưng cho hiện thân thần bảo vệ cổng. 

Những điều cần biết về Đền Hùng khi tới dâng hương vào kỳ nghỉ lễ sắp tới - Ảnh 6.

Giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng xưa. Ảnh tư liệu.

Đền Hạ

Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ 17-18. Đền gồm 2 tòa Tiền bái và Hậu cung, mỗi tòa 3 gian. Mái lợp ngói mũi (còn được gọi là ngói mũi lợn) - loại ngói được dùng nhiều trong các công trình kiến trúc thời Hậu Lê thường thấy ở Phú Thọ.

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 4.

Tương truyền, khu vực bằng phẳng lưng chừng núi này chính là nơi tổ mẫu Âu Cơ chuyển dạ sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm con trai. Ở bên phải có chùa Sơn cảnh Thừa Long tự (sử cũ viết là Vĩnh Long tự, xây dựng năm Đại Định thứ 5 (1145) đời vua Lý Anh Tông). Đến thời Lê làm lại gọi là Thiên Quang thiền tự. Trước chùa là tháp sư và gác chuông. Trước đền là nhà bia công đức.

Chùa Thiên Quang

Chùa Thiên Quang được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), tên gọi là Viễn Sơn cổ tự. Đến thế kỷ XV, chùa được xây dựng lại và đổi tên là Thiên Quang thiền tự. Đến năm 1850, chùa được xây lại theo kiến trúc "Nội công ngoại quốc" gồm có tiền đường, thiêu hương, tam bảo ở phía trước và dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Năm 1924 chùa được trùng tu lại thêm lần nữa. 

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 6.

Gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng rường kết hợp bẩy kẻ. Bẩy kẻ phía hiên trước được chạm nổi hình mây lửa, đao mác và các chùm hoa văn xoắn mang dáng dấp mỹ thuật thời Lê. Phía đầu dui được đóng đinh đổng hoa, trên vì kèo đốc có trang trí quả găng lồng đèn.

Trên gác chuông có treo quả chuông chỉ ghi "Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng". Qua thông tin này, các nhà sử học đoán định niên đại quả chuông được đúc vào thời Hậu Lê (Quốc hiệu Đại Việt có từ thời Lý đến hết thời Lê).

Nhà bia

Nhà bia được xây dựng năm 1917 theo kiến trúc hình lục giác có 6 mái. Phía trên đỉnh có đắp hình nậm rượu. Nhà bia trước kia là nơi đặt tấm bia ghi việc làm sửa đường lên núi Hùng, hiện nay tấm bia khắc ghi lời căn dặn nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 7.

Trong phóng sự tường thuật sự kiện Chủ tịch về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954, trích từ "Đại đoàn quân Tiên Phong", Bác Hồ có từng nói: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Câu nói này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại đền Hạ. Cây vạn tuế trước chùa bên cạnh đền Hạ được xác định là chỗ cụ ngồi.

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 8.

Ảnh tư liệu xưa.

Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu)

Xưa kia, nơi này là khu vực nghỉ ngơi và ngắm cảnh khi vua lên lễ bái Điện Kính Thiên. Đôi khi còn họp bàn việc nước cơ mật với các Lạc hầu, Lạc tướng. Tương truyền, đây còn là nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày và được vua cha nhường ngôi cho. Sau này, người dân lập miếu thờ các Vua Hùng là "Hùng Vương tổ miếu".

Đền Trung thờ tự giống như đền Hạ, có 4 long ngai và 3 bài vị. Chính giữa để thất sự, hai gian bên để ngũ sự và gian đầu đốc để tam sự. Các đồ thờ tự đều được sơn son thiếp bạc phủ hoàng kim, có niên đại phần lớn vào thời Nguyễn.

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 9.

Đặc biệt, trong đền có 3 bức hoành phi nội dung lần lượt là Hùng Vương Tổ miếu (miếu thờ Tổ Hùng Vương), Hùng Vương linh tích (vết tích linh thiêng của Vua Hùng) và Triệu Tổ Nam Bang (Tổ muôn đời của nước Nam).

Bốn cỗ long ngai trong đền có bài vị của Ất sơn Thánh vương vị, Đột ngột Cao sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh vương vị, Viễn sơn Thánh vương vị. Long ngai thứ 4 không có bài vị, trong văn tế có ghi thờ hai vị công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng thứ 18.

Đền Thượng và Lăng Vua Hùng

Đền Thượng là nơi các Vua Hùng lập miếu thờ Trời "Kính thiên lĩnh điện", thờ 3 ngọn núi thiêng là Đột Ngột Cao Sơn (núi Hùng), Áp Sơn (núi Trọc), Viễn Sơn (núi Vặn), thờ Thần Lúa (có mảnh vỏ trấu bằng chiếc thuyền câu, mới mất trong kháng chiến chống Pháp). Tương truyền, khi xưa, Vua Hùng thường lên đỉnh Nghĩa Lĩnh để tiến hành các nghi thức cổ xưa của cư dân nông nghiệp, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi và nhân khang vật thịnh. 

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 10.

Cũng theo tích xưa, Vua Hùng thứ 6, sau khi chống giặc Ân thắng lợi, cảm kích vị anh hùng có công cứu nước đã cho lập miếu thờ Thánh Gióng trên đỉnh núi. Thế kỷ XV, kiến trúc đền, miếu thờ Thần Núi, Hùng Vương được xây dựng lại. Trải qua nhiều cuộc trùng tu, tôn tạo từ thời Nguyễn, kiến trúc được giữ nguyên từ thời đó đến nay.

Cách đó không xa, nằm về phía Đông Đền Thượng, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng nằm ở vị trí đầu đội sơn, chân hướng thuỷ, mặt quay hướng Đông Nam. Tương truyền khi đánh đuổi giặc Ân chiến thắng, người đã cởi áo vắt trên cành kim giao rồi hoá, táng tại đó.

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 11.

Năm 1870, lăng được xây dựng lại. Thời Khải Định được trùng tu lại lần nữa. Lăng có hình vuông, cột liền tường, đao cong 8 góc tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc có 4 rồng từ thế chầu, tầng trên 4 rồng uốn ngược. Trên đỉnh lăng đắp ngọc theo tích "Cửu long tranh châu".

Đến giữa thế kỷ III TCN, Thục Phán được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, bèn lập 2 cột đá thề trên đỉnh núi và làm đền thờ 18 đời Vua Hùng. Tiếp đó còn mời dòng tộc nhà vua đến ở chân núi để trông nom việc thờ cúng.

Từ đời An Dương Vương đến suốt thời Bắc thuộc, người dân vẫn miệt mài thực hiện tín ngưỡng thờ Vua Hùng, tôn các ngài lên là Tổ tiên của dân tộc và việc thờ tự đã được định trở thành Quốc lễ.

Đền Giếng 

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 12.

Nơi đây có giếng Ngọc của hai nàng công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa, con Vua Hùng thứ 18. Tương truyền, hai nàng công chúa thường rửa mặt, chải tóc và chít khăn ở giếng này. Đền thờ hai công chúa được xây dựng trùm lên giếng.

Đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo kiểu chữ Công (I), năm 1922 được trùng tu lại và được đại trùng tu vào năm 1998.

Đền Quốc Mẫu Âu Cơ và đền Quốc Tổ Lạc Long Quân

Đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng năm 2001, khánh thành vào mùa đông năm 2004 trên núi Ốc Sơn (núi Vặn). Đền Lạc Long Quân được xây tại đồi Sim, cách núi Hùng khoảng 1km, cũng là nơi "sơn chầu thuỷ tụ". Đền được đưa vào sử dụng vào năm 2009.

Về với Đền Hùng, về với cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi - nơi thờ tự "Thánh vương ngàn đời của người Việt" - Ảnh 14.

Tương truyền, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 con trai. Vì gây dựng giang sơn mà 49 người con theo cha xuống biển, 50 người con cùng mẹ lên núi, để lại người con trai trưởng nối ngôi. Ấy là Vua Hùng, quốc hiệu nước là Văn Lang.

Chia sẻ