Những điểm tương đồng giữa hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 tại Ethiopia và Indonesia

Nguyễn Quỳnh,
Chia sẻ

Có sự giống nhau nhất định giữa thảm hoạ của Ethiopian Airlines hôm 10/3 với vụ rơi máy bay Lion Air của Indonesia hồi tháng 10/2018, FAA cho biết.

Những điểm tương đồng giữa hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 tại Ethiopia và Indonesia - Ảnh 1.

Hiện trường vụ rơi máy bay ở Ethiopia ngày 10/3 (trái) và mảnh vỡ máy bay Indonesia tháng 10/2018. Ảnh: Reuters.

Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), dữ liệu mới từ “hình ảnh vệ tinh theo dõi đường bay” cho thấy có sự giống nhau nhất định giữa hai vụ tai nạn ở Ethiopia và Indonesia. FAA nhấn mạnh trong báo cáo rằng những phát hiện này “giúp cho cuộc điều tra về nguyên nhân chung dẫn tới cả hai vụ tai nạn”.

Cùng loại máy bay

Một máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã gặp trục trặc và rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh sáng nay(10/3), khiến toàn bộ 157 người trên khoang thiệt mạng.

Không lâu sau vụ việc, người ta xác định chiếc máy bay xấu số là Boeing 737 800 MAX hay Boeing 737 MAX 8, cùng loại với chiếc thực hiện chuyến bay JT 610 gặp nạn hồi tháng 10/2018 ở Indonesia làm 189 người thiệt mạng.

Ethiopian Airlines đã đặt hàng 30 chiếc 737 MAX 8 từ Boeing và hiện đã được giao 5 chiếc, tức là chiếc gặp nạn chỉ vừa đi vào hoạt động thời gian ngắn.

Trong vụ rơi máy bay của hãng Lion Air của Indonesia, chiếc Boeing 737 MAX 8 cũng chỉ vừa hoạt động chưa đầy 2 tháng và thực hiện chưa đầy 1.000 giờ bay.

Cả hai vụ rơi đều xảy ra khi máy bay mới cất cánh

Những điểm tương đồng giữa hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 tại Ethiopia và Indonesia - Ảnh 2.

Máy bay Boeing 737 MAX 8. Ảnh: Getty

Chuyến bay 610 của Lion Air khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, Indonesia, lúc 6h20 sáng 29/10/2018 trong hành trình đến Pangkal Pinang. Chỉ 12 phút sau khi cất cánh, nó rơi ở ngoài khơi Java. Chuyến bay 302 của hãng hàng không Ethiopian rời Addis Ababa, Ethiopia, lúc 8h38 ngày 10/3 trên đường đến Nairobi. Nó mất liên lạc với kiểm soát không lưu khoảng 6 phút sau và rơi xuống gần Bishoftu.

Trong cả hai vụ tai nạn, thời tiết đều không phải là tác nhân. Các nhà khí tượng học Indonesia cho biết trời quang, gió nhẹ và tầm nhìn tốt trong khu vực máy bay Lion Air rơi. Trong vụ Ethiopia, báo cáo khí tượng của sân bay Addis Ababa cũng nói rằng trời có gió nhẹ, tầm nhìn tốt, theo Washington.

Đường bay không ổn định

Cả hai chuyến bay gặp nạn của Ethiopia và Indonesia dường như đều xảy ra do lỗi kĩ thuật, với việc đường bay của cả hai chiếc Boeing 737 MAX 8 không ổn định sau khi cất cánh.

Trong vụ rơi máy bay Indonesia, chiếc phi cơ thay đổi độ cao liên tục trước khi rơi. Ở thời điểm chạm vào mặt nước biển, chiếc Boeing đạt vận tốc khoảng 1.000km. Các nhân chứng nói rằng họ đã nghe thấy tiếng nổ lớn vào thời điểm thảm kịch xảy ra.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ trang theo dõi hàng không Flightradar24, tốc độ của chiếc Boeing 737 của hãng Ethiopian Airlines cũng không ổn định sau khi nó cất cánh. Vào thời điểm chạm đất, máy bay gây tiếng nổ lớn, chứng tỏ nó đã lao xuống đất với độ chúc mũi lớn.

"Tiếng nổ rất mạnh và đám cháy rất lớn đến nỗi chúng tôi không thể lại gần. Mọi thứ đều cháy rụi. Ai mà có thể sống sót chứ", ông Bekele Gutema, một nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ rơi thông báo.

Bản đồ thể hiện tốc độ và độ cao của máy bay JT 610 khi gặp nạn (trên) và trong một chuyến bay thông thường. Ảnh: Flightradar24

 

Trong quá trình chế tạo 737 Max, Boeing đã bổ sung hệ thống MCAS để khắc phục tình trạng máy bay ngóc mũi lên trong hành trình, gây ra nguy cơ thất tốc và rơi. MCAS sẽ tự động kích hoạt khi nhận được dữ liệu cảnh báo từ cảm biến, chứ không cần sự can thiệp của phi công. Tuy nhiên, các phi công than phiền rằng Boeing đã không giới thiệu về tính năng điều khiển tự động này trong chương trình huấn luyện máy bay mới của họ, khiến nhiều người không biết về cách xử lý trong tình huống khẩn cấp.


Giới chuyên gia nghi ngờ MCAS cũng là yếu tố gây ra vụ rơi máy bay Ethiopia. FAA tuần này ban hành những quy trình mới hướng dẫn phi công ngắt các hệ thống tự động trên máy bay, nếu họ có lý do tin rằng dữ liệu sai lệch do cảm biến cung cấp đang khiến hệ thống tự động chúi mũi máy bay xuống đất.

Tuy nhiên, cuộc điều tra vụ rơi máy bay Ethiopia vẫn đang diễn ra và giới chức chưa kết luận thực sự có liên quan giữa hai tai nạn. "Nhiều người chú ý đến nét tương đồng giữa hai sự cố", nhà phân tích John Strickland từ công ty tư vấn JLS Consulting nói. "Tuy nhiên, cần phải mất nhiều thời gian xem xét để đưa ra được kết luận về nguyên nhân".

Chia sẻ