Những cuộc bàn luận “thị phi” và toxic tại công ty đôi lúc vẫn dạy cho ta không ít bài học ứng phó trong môi trường công sở

Bích Loan,
Chia sẻ

Nếu xui rủi vào làm ở một công ty nhiều yếu tố "độc hại", làm gì để bảo vệ bản thân?

"Chắc cố làm hết cuối năm này để nhận được tháng lương thứ 13 rồi nghỉ thôi, mỗi ngày đi làm như đeo mặt nạ trên người thật sự là một cực hình. Mình hoàn toàn kiểm soát được áp lực công việc, nhưng không thể dửng dưng với những ánh mắt soi mói của đồng nghiệp, miệng thì nói không quan tâm nhưng trong lòng mình luôn đau đáu những lời đánh giá sai đúng của họ." - Chị Thanh Ngân.

Đặt bút kí hợp đồng lao động, ai cũng mong muốn được làm việc trong một môi trường công sở "hoà bình", tức là đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, sếp biết lắng nghe, cơ hội thăng tiến rõ ràng mà cơ hội cạnh tranh cũng lành mạnh. Thế nhưng nhờ mạng xã hội nêu bật đặt tên, điểm tiêu cực trong môi trường công sở mới được chỉ ra rõ ràng - mà phần lớn đến từ chính nội bộ nhân sự. 

Những lời than vãn về công ty "toxic", đồng nghiệp "toxic" dần trở thành một tính từ thịnh hành trong công sở Việt. Chính xác cụm từ "toxic" trong giới công sở được định nghĩa đại khái là những tấn công tiêu cực lẫn nhau giữa đồng nghiệp, cạnh tranh đấu đá không dựa trên năng lực mà lập bè phái, săm soi xỉa xói để tấn công một cá nhân, hạ bệ người khác và gây ra "vùng đen" trong tâm lý một hoặc nhiều người.

Một công ty mà đến bữa trưa cũng tạo thị phi sẽ "dạy" cho dân văn phòng bài học gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

Ngọn nguồn bắt đầu từ "Nghe nói..."

Không cần phải lập mưu hay lôi kéo tạo dựng bè phái như các bộ phim cung đấu, dân công sở ngày nay có khi vô tình hình thành thói quen xấu vỏn vẹn bằng câu mở đầu "Nghe nói...". Tức là bắt nguồn bằng tính cách tò mò, ưa tán gẫu bình thường, nhưng khi truyền tai một câu chuyện chưa chính xác về người khác, hay đơn giản kể cho mọi người nghe một nội dung thông tin không liên quan đến mình, đã đặt nền móng cho sự vụ "toxic".

Một công ty mà đến bữa trưa cũng tạo thị phi sẽ "dạy" cho dân văn phòng bài học gì? - Ảnh 2.

Anh Thanh Sơn

Chị Tường Vy, đang làm nhân viên văn phòng tại một công ty Quận 7, TP.HCM chia sẻ: "Công ty mình có một chị đồng nghiệp, được đặt biệt danh là "loa phát thanh phường", mọi thông tin đều nhờ chị thông báo cho. Từ số ngày nghỉ phép cho kì lễ một tháng nữa mới tới, sắp có người thuyên chuyển bộ phận, chị trưởng phòng vừa chia tay người yêu cho đến cặp đôi nào trong công ty đang mập mờ lén lút.

Ban đầu mình cảm thấy thói quen "cập nhật" thông tin của chị khá tốt, giúp mọi người nắm bắt nhanh tin tức mà không cần lội đọc từ trên xuống dưới hàng trăm tin nhắn trong chục nhóm chat, nhưng giờ thì... nói thật mình hơi sợ. 

Mỗi lần chị ào tới dãy bàn làm việc của bộ phận mình, mở miệng bảo "Ê nghe nói..." là mình thấy có điềm vì biết đầu mình vô tình vào chung hội tọc mạch người khác."

Anh Thanh Sơn cũng nói về điểm chung này: "Thực ra thói quen thích chia sẻ câu chuyện mình vừa biết cho mọi người xung quanh là chuyện bình thường, mình thấy các chị em Bộ phận Nhân sự của nơi mình làm cũng vậy. Đa phần là do mọi người đều quen biết chung một người nào đó trong công ty, nên khi có thông tin gì mới về người đó sẽ kể cho nhau nghe, như một chủ đề chung trong cuộc trò chuyện. 

Cá nhân mình không thấy thiện cảm về việc đem vấn đề của người khác ra mổ xẻ, bàn nhau đúng sai, đưa ra đánh giá. Vì nếu không có mặt "nhân vật chính" ở đó, thì sự quan tâm vô bổ này trở thành điều độc hại."

Bữa trưa chung - hội nghị đánh giá người vắng mặt

"Miếng trầu là đầu câu chuyện" thời công sở chính ở những bữa ăn trưa. Nhưng bên cạnh cơ hội gắn kết, giao lưu và giải toả áp lực cùng đồng nghiệp, bữa ăn trưa cũng chính là cơ hội phát sinh những cuộc bàn tán nhỏ to, "bắt nạt" đồng nghiệp.

Chị Tường Vy: "Ăn trưa cùng mọi người ở công ty vui thì có vui đấy, nhưng đôi khi đặt khay cơm xuống bàn mà nghe xuất hiện cái tên ai là mình lại cố ăn cho nhanh rồi đi nghỉ trước. Vì thế nào mọi người cũng đem cá nhân đó ra bàn tán, nói xấu, thậm chí là đơm đặt thêm suy đoán để thêm phần "đặc sắc" và đủ luận cứ để bàn.

Nói thật, từ khi đi làm đến nay hơn nửa năm, mình chưa gặp người đồng nghiệp A ở bộ phận đó trong công ty mình bao giờ, nhưng họ xuất hiện trong nhiều cuộc trò chuyện đến nỗi mình tường tận cả tính cách, đời tư, quá khứ của họ, và tất nhiên mọi thông tin đều một chiều."

Một công ty mà đến bữa trưa cũng tạo thị phi sẽ "dạy" cho dân văn phòng bài học gì? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

Dù xuất phát từ mục đích quan tâm nên mới theo dõi người đồng nghiệp trên mạng xã hội, nhưng mang đi kể cho mọi người vẫn là chuyện không hay. Và chêm vài câu nhận xét trong buổi tán gẫu vui, dù không mang tính tiêu cực nhưng chắc gì người được bàn đến trong cuộc hội thoại đã thích.

"Mình cảm giác như bị bắt nạt nơi công sở, theo nghĩa đen. Đôi khi thấy quá oan ức vì không làm gì đụng đến quyền lợi của mọi người nhưng luôn trở thành cái gai trong mắt họ. Không biết cách giả vờ thân thiết, khen nịnh, hay không tham gia những cuộc tụ tập sau giờ làm là vi phạm quy định công ty hay sao, mà mọi người cứ lấy đó làm lí do ghét mình.

Nơi làm việc chỉ nên là chỗ để bàn luận về công việc, từ những ác cảm về tính cách một cá nhân mà công tư không phân minh, hoặc kết quả làm việc tốt mà không được tập thể công nhận làm mình vô cùng chán nản." - Chị Thanh Ngân bức xúc.

Đóng vai "người hướng nội" để bảo vệ bản thân

Thế nhưng đâu phải không vừa ý đồng nghiệp là lại nhảy việc, nếu thế thì con đường thăng tiến sẽ khó khăn mà kinh nghiệm làm việc cũng bị gián đoạn. Do đó dân văn phòng bây giờ có nhiều hướng suy nghĩ, cách thức để tự bảo vệ bản thân mình khỏi những đồng nghiệp "độc hại" này.

Một công ty mà đến bữa trưa cũng tạo thị phi sẽ "dạy" cho dân văn phòng bài học gì? - Ảnh 4.

Chị Tường Vy

Chị Thuý Hằng - Biên tập viên tại một công ty truyền thông chia sẻ: "Cách hữu hiệu nhất là xây dựng hình ảnh một người hướng nội ngay từ đầu, hoặc ban đầu cứ rào trước với mọi người trong công ty rằng mình là người hướng nội, khá khép kín. Nếu thế thì những lần vắng mặt khi tụ tập tiệc tùng, không cởi mở chia sẻ chuyện đời tư, không tham gia "hội bàn tròn" đánh giá người khác... sẽ có lí do được họ "thông cảm". 

Ngoài ra mọi người cũng sẽ loại mình ra khỏi những buổi xì xầm về người khác, vì mặc định mình sẽ không hứng thú và quan tâm."

"Khi còn ở công ty trước mình thẳng tay chặn hết tất cả đồng nghiệp trên mạng xã hội. Bây giờ thì tinh tế hơn, các bài đăng mình sẽ chỉnh chế độ hạn chế đồng nghiệp xem được. Dễ hiểu, mình muốn bảo vệ đời sống cá nhân của mình, và tránh cho gia đình, bạn trai của mình thoát khỏi sự bàn tán.

Không biết lời ra lời vào đó mang nội dung khen hay chê, nhưng tính "nhiều chuyện" mình rất bài trừ." - Chị Tường Vy cho biết.

Nếu không phải làm việc ở cấp bậc quản lý, dân văn phòng sẽ rất khó đứng ra góp ý và nhận được đồng tình, huống hồ khả năng thay đổi tình trạng "độc hại" đang diễn ra hằng hữu trong hầu hết các công ty. Vì vậy tập trung làm tốt việc của mình, tập thói quen không tham gia và "bỏ ngoài tai" là điều bản thân có thể học được để tồn tại trong môi trường công sở độc hại. Nhưng khi cần lên tiếng, hãy lên tiếng.

Chia sẻ