Những cô gái trẻ có tới 2 căn nhà: Tiết kiệm không phải điều quan trọng nhất
Nhiều người trẻ mua được 2 căn nhà từ sớm nhờ kế hoạch kiếm tiền - tiêu tiền thông minh.
Đứng tên trên một bất động sản đã là thành tựu đáng nhớ. Thế nhưng, vẫn có nhiều người trẻ mua được 2 căn nhà nhờ chăm chỉ làm việc và có kế hoạch chi tiêu thông minh. Cùng gặp những cô gái dưới đây và tìm hiểu bí quyết tài chính để họ tậu được nhiều tài sản như vậy.
29 tuổi sở hữu 2 căn hộ: Không ngại vay nợ để mua nhà
Năm 2022, vợ chồng Quỳnh Thư (30 tuổi, TP.HCM) đã mua được căn nhà thứ hai, diện tích 58m2. Được biết, trước đó, cặp đôi đã sở hữu căn hộ riêng nhưng giờ được tận dụng làm nơi cho thuê.
Điều thôi thúc vợ chồng Quỳnh Thư mua nhà là muốn có chất lượng sống tốt hơn. Cách đây 3 năm, vợ chồng cô tậu căn nhà đầu tiên vì muốn an cư lạc nghiệp. Bởi tài chính khi đó còn eo hẹp, họ chấp nhận mua nhà ở xa, có 1 phòng ngủ nên chỉ đủ sinh hoạt cho 2 người.
"Căn nhà cũ ở vị trí khá xa. Vợ chồng ở đó được hơn nửa năm thì mình quyết định chuyển công tác. Hàng ngày mình mất hơn 1 tiếng để đi làm. Mỗi ngày đến gần hơn 7 - 8 giờ tối, mình mới về đến nhà, mệt mỏi vì phải đi xa.
Do vậy, mình đã quyết định chuyển về gần công ty sống để tiện đi làm và cho thuê lại nhà của mình. Lấy tiền thuê đó bù lại chi phí mua nhà mới và đổi lại được vị trí tốt hơn. Như vậy mỗi ngày mình chỉ mất 5-10 phút đi làm, tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển và cả xăng xe nữa. Sau gần 1 năm ở thì nó không phù hợp với nhu cầu sử dụng nên bọn mình quyết định cố gắng và mua căn thứ 2 này", Quỳnh Thư tâm sự.
Căn nhà thứ hai của vợ chồng Quỳnh Thư
Nói về bí quyết mua được hai căn nhà khi tuổi còn trẻ, Quỳnh Thư rút ra những kinh nghiệm sau:
- Thứ nhất, do từng học về tài chính nên họ nhận thức được đồng tiền có giá trị theo thời gian. Do đó, vợ chồng Quỳnh Thư chọn sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách tận dụng vay ngân hàng để mua nhà. Dĩ nhiên, giá trị vay phải nằm trong khả năng chi trả.
Cụ thể hơn, họ nói giá trị căn hộ là yếu tố quan trọng trước khi cặp đôi quyết định "xuống tiền" mua bất động sản. Họ áp dụng nguyên tắc: Số tiền mua nhà hiện có (tiền mặt) bằng tối thiểu 40%-50% giá trị của căn nhà. Và số tiền trả góp căn nhà hàng tháng bằng tối đa 50% thu nhập cố định của gia đình. Sau cùng, họ thấy cần mua nhà có 2 phòng ngủ nên sau khi cân đối mọi thứ, vợ chồng Quỳnh Thư quyết định chọn căn hộ có giá từ 2,5 đến 3 tỷ đồng.
- Thứ hai, họ lập kế hoạch bản thân cần tối thiểu bao nhiêu tiền mặt để trả phần gốc theo yêu cầu của ngân hàng. Ứng với số tiền đó, vợ chồng Quỳnh Thư lên kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu mỗi tháng cho phù hợp.
Ban đầu, cặp đôi trích ít nhất 10% - 20% thu nhập mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm và tuyệt đối tuân thủ tỷ lệ đó. Nếu có các khoản thu nhập khác, họ cũng chuyển tiền vào tài khoản này. Ngoài ra, vợ chồng Quỳnh Thư còn cố gắng nhận thêm các công việc khác để tăng thêm thu nhập như làm trợ giảng, hỗ trợ tư vấn tài chính...
Mua 2 căn hộ không cần vay nợ: Tiết kiệm không phải quan trọng nhất
Cách đây không lâu, Phi Linh (33 tuổi) vừa mua đứt căn hộ thứ hai. Căn hộ có diện tích 68m2, có giá trị hơn 3 tỷ và chi phí nội thất khoảng 500 triệu đồng.
Từ thời điểm mới tốt nghiệp đại học, Phi Linh đã bắt đầu tích lũy tài chính để mua nhà. Sau 6 năm cố gắng, cô mua được căn studio đầu tiên, giá hơn 1 tỷ đồng. Để sở hữu nhà riêng, cô vay khoảng 20% giá trị căn hộ, bởi cô muốn dành khoản tiền nhỏ để đầu tư sinh lời. Chỉ 5 năm tiếp theo, Phi Linh đã mua được căn hộ thứ hai mà không cần vay nợ mà vẫn còn dư tiền đầu tư.
"Bỏ tiền ra để mua 1 căn nhà giúp tinh thần tốt hơn, thấy yêu đời hạnh phúc hơn, mình cảm thấy rất xứng đáng. Chưa kể nhà đi thuê thường rất khó để sửa theo ý thích của mình. Có thể nếu không mua nhà, để tiền đầu tư sẽ 'tiền đẻ ra tiền'. Song, trong trường hợp không thuận lợi cũng có thể mất hơn. Với mình, khi ở trong căn nhà của mình được trang trí theo sở thích, tâm trạng sẽ tốt hơn, làm việc cũng tốt hơn mà không quá áp lực về việc vay nợ hay đầu tư", Phi Linh tâm sự.
Hiện nay, có rất nhiều người trẻ chấp nhận vay nợ để mua nhà. Còn với Phi Linh, cô nhấn mạnh rằng nên biết cân bằng trong chuyện vay nợ. Khi không đủ tiền, bạn có thể vay trong khả năng cho phép và để dành 1 phần để đầu tư. Khoản đầu tư này vừa đủ để nếu không sinh ra lợi nhuận hay có mất đi cũng không quá ảnh hưởng đến cuộc sống lẫn tài chính cá nhân.
Bên cạnh đó, trong trường hợp đi vay nợ, bạn cần đặt mục tiêu vay bao nhiêu, hàng tháng có khả năng trả tối đa trả bao nhiêu cả gốc lẫn lãi. Bạn không nên vay quá khả năng dẫn đến việc mỗi tháng phải chi tiêu quá tiết kiệm, áp lực trả nợ mỗi ngày.
"Điều quan trọng vẫn là bạn có mục tiêu và làm việc chăm chỉ để đạt được điều đó. Trong chi tiêu, chỉ nên mua những thứ mình cần chứ đừng sắm những món đồ bản thân muốn", Phi Linh nói.
Căn nhà thứ hai có thiết kế cơ bản, nội thất dễ thương
Để tự mình đứng tên hai căn nhà ở độ tuổi còn trẻ, nhiều người thường phải có kế hoạch tài chính rất chặt chẽ. Nhưng Phi Linh cho hay cô không đặt tiết kiệm lên trên tất cả. Cô nàng vẫn chi tiêu khá thoải mái, thậm chí đi du lịch 5-7 lần hàng năm. Bởi theo Phi Linh, cơ chế hoạt động của bản thân là cần tái tạo năng lượng sau những giờ làm việc căng thẳng, mới có động lực để nỗ lực tăng thu nhập hơn.
"Có lẽ do sống độc thân, không bị áp lực như lập gia đình hay con cái, gần như chỉ chi tiêu cho gia đình nên với nguồn thu nhập của mình, cuộc sống cũng thoải mái hơn. Tuy nhiên, khi lập ngân sách hàng tháng, mình vẫn sẽ bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu sau khi đã dành ra một khoản tiết kiệm. Châm ngôn của mình là muốn chi tiêu nhiều hơn, cần phải cố gắng tăng thu nhập, nỗ lực làm việc", Phi Linh nói.