Những cô gái ế chồng vì... nghề nghiệp
Họ có thể là nữ VĐV thể hình hay người mẫu khỏa thân. Nghề nghiệp tuy khác nhau nhưng giống nhau ở một điểm: cô đơn trong tình yêu.
"Các con ra về vui vẻ nhé!" Hòa nhoẻn miệng cười tươi để chào tạm biệt những học trò nhỏ. Khi đứa trẻ cuối cùng đã được cha mẹ đón, Hòa ngồi bệt xuống sàn phòng học lẩm bẩm: “Đã hơn bảy giờ tối rồi, tối nay không có tiết học, mình làm gì nhỉ?”. Ngày nào cũng thế, sau thời gian trả trẻ, cô giáo nguyễn Thị Hòa, 28 tuổi, công tác tại một trường mầm non quốc tế ở Q.3, TP. HCM, lại chẳng biết làm gì để giết thời gian.
Sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng mẫu giáo Trung ương III, Hòa ở lại TP. HCM để đi dạy. Thời gian còn đi học, Hòa không nghĩ tới chuyện yêu ai vì chú tâm vào bài vở. Thế nhưng ra trường rồi, cô cũng không thể yêu vì… không biết yêu ai.
Ngoại hình đặc biệt cũng khó... tìm duyên
Khác với những cô giáo mầm non, những bạn gái là vận động viên thể hình không thiếu cơ hội tiếp xúc nhưng lại khó đến với tình yêu vì sở hữu một ngoại hình đặc biệt.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Thị Thu Hiền, 29 tuổi, không có nhiều cơ hội để học tập. Vốn thích thể hình từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hiền vừa đi làm vừa theo lớp thể hình như một cách giải khuây. Càng tập càng thích, Hiền ngày càng đam mê hơn. Với tố chất sẵn có và sự khổ luyện miệt mài, chỉ sau năm tháng tập luyện, Thu Hiền đã dành ngay huy chương vàng của tỉnh nhà. Đến nay, bộ sưu tập huy chương của cô đã gần 20 chiếc.
Trên sân đấu, mỗi khi xuất hiện, Thu Hiền luôn tạo ấn tượng đặc biệt cho ban giám khảo và người hâm mộ bằng khuôn mặt xinh đẹp, ánh mắt trong sáng, nụ cười rạng rỡ cùng đường nét hình thể hoàn hảo. Thế nhưng, ít ai biết phía sau giây phút huy hoàng ấy là mồ hôi, nước mắt và cả sự hi sinh, thiệt thòi của người phụ nữ khi chơi thể hình. Hiền chia sẻ: “Trước khi cơ bắp hiện rõ, tôi có yêu một anh chàng là nhân viên công nghệ thông tin. Khi biết tôi theo đuổi con đường vận động viên thể hình, anh ấy cứ khuyên tôi bỏ nghề”.
“Tôi yêu anh ấy nhiều nhưng cũng yêu nghề nữa. Chuyện anh ấy buộc tôi phải chọn một trong hai làm tôi rất đau khổ, chưa kể đến việc bạn bè trêu chọc”. “Cuối cùng, anh ấy ra đi vì tôi nhất định không bỏ nghề. Sau này nghĩ lại, tôi nhận thấy nếu người ta không thông cảm hoặc yêu mình bằng vẻ bề ngoài, tình yêu ấy không thể hạnh phúc lâu dài được”.
Cuộc sống của Hiền hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng cô rất lạc quan và luôn truyền niềm say mê của mình cho người khác. Cô đang tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh cao mới trong bộ môn thể hình. “Tôi biết mình phải đánh đổi nhiều thứ, có khi trả giá đắt nhưng chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc. Tôi biết nhiều đồng nghiệp cũng rơi vào cảnh lẻ bóng, như đội tuyển của tôi chẳng hạn, có mười người thì chỉ có hai người có bạn trai”. “Dù buồn nhưng tôi tin trong tương lai, mọi người sẽ có cái nhìn thông cảm hơn với nữ vận động viên thể hình để chúng tôi dễ chạm đến hạnh phúc hơn”.
Mấy ai thông cảm chuyện nghề
Cũng không được thần Cupid đoái hoài đến vì đặc trưng nghề nghiệp, chị Lê Thị Mỹ Liên, 30 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, lại có những nỗi niềm khó nói khác.
“Quê tôi vốn ở Tiền Giang. Năm 18 tuổi, tôi thi trượt đại học nên lên Sài Gòn phụ buôn bán. Trong thời gian này, tôi được một người hàng xóm, vốn là họa sĩ kiêm giảng viên của một trường đại học, nhận vào xưởng làm việc”. Vào xưởng, chị Liên cùng ba cô gái nữa được chia thành nhóm để làm người mẫu khỏa thân cho học trò vẽ. Hai tháng đầu làm việc, chị chỉ dám ngồi 60 phút một buổi.
Dần dần chị ngồi được vài ba giờ rồi ngồi nguyên buổi. Khi đã quen, chị đâm yêu công việc lúc nào chẳng biết. “Khi có người yêu, tôi thành thật kể chuyện nghề nghiệp thì tình cảm cũng mất luôn. Vài ba mối tình cứ đi qua như thế. Tôi nghĩ họ không thông cảm với mình nên đành chịu vậy. Cứ như thế tôi cô đơn đến giờ”. “Lễ tình nhân hay ngày 8/3, nhìn người ta có đôi, tôi buồn đến không ngủ được. Nhiều lúc không biết mình có sai lầm khi chọn nghề không”, chị Liên bộc bạch.
Có thể nói, những phụ nữ như chị Liên, Thu Hiền hay cô giáo Hòa đã hy sinh niềm vui của mình để mang đến niềm vui cho người khác nhưng họ lại chẳng có niềm vui cho riêng mình. Con đường tình yêu “đóng băng” mỗi lúc một dày nhưng họ chỉ biết bất lực chờ đợi.
Yêu và được yêu là nhu cầu của con người, đặc biệt là những cô gái trẻ. Tuy nhiên, với các phụ nữ trót đam mê nghề nghiệp đặc trưng, họ gần như bị tước đoạt đi nhu cầu này nên đành tìm niềm vui trong công việc.
Cánh cửa mở....
Tìm tình duyên không quá khó! Nói như thế không có nghĩa những cô gái náy phải cam tâm sống lẻ loi cho đến cuối đời. Duyên tuy khó đến nhưng nếu biết cách tìm duyên, bạn có thể gõ được cánh cưả tình yêu. Hãy tham khảo những lời khuyên sau để mau chóng bắt được mũi tên của thần Cupid nhé:
- Cân nhắc về công việc: Nếu cảm thấy chuyện tình cảm lứa đôi quan trọng với bạn hơn bất cứ điều gì khác, hãy cân nhắc giải pháp đổi việc. Đổi việc không đồng nghĩa với đánh đổi đam mê. Bạn vẫn có thể làm công việc mình yêu thích theo cách khác.
Như trường hợp của cô giáo Hòa, chị có thể từ chối giữ trẻ ngoài giờ để có thêm thời gian tiếp xúc với môi trường khác. Chị Liên có thể chuyển sang làm người mẫu chân dung thay vì khỏa thân.
- Tự tạo cơ hội: Ngoài việc tham gia các khóa học hay hoạt động cộng đồng để mở rộng quan hệ, bạn cũng nên chú trọng tạo sự đồng cảm ở người khác phái. Phạm vi tìm duyên trước hết là những người đồng nghiệp vì họ dễ thông cảm với bạn hơn. Với những chàng trai khác, hãy giải thích cho họ hiểu về nghề nghiệp của bạn.
Cuối cùng, hãy luôn vui vẻ và yêu đời để tạo ấn tượng tốt trên hành trình tìm tình yêu nhé!
Theo Tiếp thị Gia đình