Những "chủ hàng" nhí bán hoa đăng ở phố Hội

Bình Dương,
Chia sẻ

Đêm ven dòng sông Hoài (Hội An) như thơ mộng, lãng mạn hơn bởi những ánh hoa đăng le lói. Lọt thỏm giữa những chòm nến ấy là những “chủ cửa hàng” đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhẹ nhàng mời khách mua hoa đăng.

Những “chủ hàng” nhí trên cung đường hoa đăng

Phố, đất và cả con người Hội An đều mang một vẻ đẹp trầm mặc và hoài cổ. Lẫn với dòng người lặng lẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc trưng của phố Hội là những cụ già, trẻ nhỏ người địa phương lầm lũi mưu sinh. Những bóng dáng ấy gắn liền với vẻ đẹp thơ mộng của phố. Cái lạ nhất ở Hội An là gắn bó với nghề chèo ghe chỉ toàn các cụ già từ 60 tuổi trở lên, còn các “chủ hàng” bán hoa đăng chỉ rặt trẻ em chừng 10 tuổi đổ lại.

Những ánh hoa đăng le lói như tô thêm vẻ lãng mạn, thơ mộng cho đêm trên sông Hoài. Thả hoa đăng trên sông Hoài đã trở thành niềm vui, một nét văn hóa của những du khách đến với Hội An tự bao giờ, để những ước mong, kỳ vọng trong cuộc sống, cả những lời cầu nguyện của du khách sẽ theo hoa đăng trôi ra biển. Cùng với những chiếc đèn lồng, ánh sáng nến từ những đóa hoa đăng lập lờ trôi làm sáng rực cả dòng sông Hoài êm ả.

Những
Cung đường hoa đăng ven sông Hoài, Hội An.

Ven đường, giữa những đóa hoa đăng chưa được thả là những đứa trẻ với nụ cười thân thiện và hồn nhiên của cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Chúng tôi thực sự bất ngờ vì chúng chính là chủ nhân của những gian hàng hoa đăng lưu động. “Chú ơi, cô ơi, mua hoa đăng giúp con đi!”… - những lời mời gọi hồn nhiên của những đứa trẻ bán hoa đăng làm nhộn nhịp cả một góc ven sông Hoài. 

Những
Các chủ gian hàng hoa đăng thường là các em nhỏ.

Ghé lại một gian hàng trên đường Bạch Đằng, thấy cách chào hàng dễ thương, chúng tôi mua một chiếc hoa đăng với giá 3.000 đồng. Chủ cửa hàng, em Nguyễn Tuấn (10 tuổi) – một bé trai khôi ngô với nụ cười rạng rỡ - lanh lẹ giới thiệu: “Việc tạo ra những đóa hoa đăng như thế này cũng nhẹ nhàng thôi ạ chỉ cần vài tờ giấy màu và cây nến. Cái khó nhất là mình khéo léo trong cách gấp, cắt và sáng tạo hoa đăng cho bắt mắt, quan trọng là không bị lật khi thả trên sông là được ạ”.

Những
Một du khách nhí thả hoa đăng với ước nguyện cuộc sống an lành.

Có lẽ, vì công việc này đơn giản nên trẻ em ở đây kiếm thêm bằng nghề kinh doanh hoa đăng rất đông. Ở lứa tuổi hồn nhiên, các em cũng rất dễ gây thiện cảm cho du khách. Chỉ cần câu chào hỏi, tiếng cười cũng đủ gây chú ý cho những du khách đang rảo bước trên bờ sông thơ mộng này.

Đặc biệt, những “chủ cửa hàng” rất lịch sự, không chèo kéo khách mà chào hỏi rất lịch sự. Khi giao tiếp với người nước ngoài, các em nói khá tốt những câu chào hỏi, mặc cả đơn giản bằng tiếng Anh như: “Hello” (Xin chào), “Wish you happy” (Chúc ông/bà hạnh phúc), “One dollar” (Một đô la) ... khiến không ít du khách ngỡ ngàng.

Những
Dòng sông Hoài lãng mạn, hiền hòa…

Những
… rực ánh nến hoa đăng.

Để giao tiếp với người nước ngoài, tụi em học thêm tiếng Anh ở lớp và nghe lỏm các cô chú bán hàng ở đây, dần dần rồi thành quen. Có lúc “bí” từ, em nói bằng tiếng Việt, khách Tây cứ đứng đơ ra” – em Hà (9 tuổi), một cô bé bán hoa đăng vừa nói vừa nở nụ cười trong sáng, rạng rỡ.

Có những “cô chủ” nhí tự biết trang bị cho mình bộ trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba để thu hút du khách. Bóng dáng nhỏ nhắn, xinh xinh của các em trong bộ đồ truyền thống dân tộc cũng gây được thiện cảm lớn cho lữ khách tham quan Hội An.

Những
Cách tiếp thị tươi vui và hồn nhiên của "cô chủ" nhí bán hoa đăng.

Nhiều du khách chia sẻ, họ cảm thấy hài lòng và vui vẻ vì cách tiếp thị hoa đăng của các em. Anh Thế Nhân (du khách Đà Nẵng cho biết): “Trẻ em ở Hội An rất ngoan, các em rất thú vị và hiếu khách, đặc biệt là cách giao tiếp với người nước ngoài, nửa tiếng Anh, nửa tiếng ta, rất thú vị!”.

Tuổi thơ bươn chải cùng nghề truyền thống

Mỗi chiếc hoa đăng được bán rất rẻ, chỉ 3.000 đồng nhưng cũng phần nào đem lại nguồn thu nhập cho các em nhỏ, phần nào phụ giúp ba mẹ các em trang trải cuộc sống. Em Tuấn tâm sự: “Những người bán hoa đăng ở đây hầu hết đều ở độ tuổi như em, cũng có các cô chú, cụ già nhưng ít hơn. Ngoài giờ học, em đi bán hàng, vừa để học lỏm thêm ít tiếng Anh, học cách giao tiếp và kiếm được ít thu nhập để mua sách vở đi học”.

Việc bán hoa đăng của các cô, cậu nhỏ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều đêm vắng khách, các em phải chạy đi khắp con đường, ngả phố để mời khách. Những đêm mưa, các em lại chạy đôn, chạy đáo mang những nia hoa đăng, đứng nép vào sân nhà ai đó để trú, chờ khi trời tạnh lại ra bán tiếp.

Việc bán hoa đăng cũng chỉ thuận lợi nhất vào các dịp lễ, Tết, ngày rằm, là khi khách du lịch đổ về Hội An nhiều. Đó là cơ hội để các em có một ngày mưu sinh mua may, bán đắt, có thêm đồng tiền giúp mẹ cha.

Em Quyên (8 tuổi) kể: “Mỗi đêm em chỉ bán được 5 - 7 cái thôi. Công việc này nhẹ nhàng nên em cố gắng để kiếm tiền. Nhà em nghèo lắm, ba lại hay ốm đau nữa. Hôm nào vắng khách quá, thì em bưng nia đi rong quanh bờ sông để nhờ người ta mua giúp. Nhiều cô chú thấy thương cũng mua cho em”.

Những
Đôi vợ chồng sắp cưới thả hoa đăng với ước nguyện hạnh phúc.

Các em cho biết, nhiều hôm vừa tan học trên lớp, các em về nhà lót dạ vài miếng cơm nguội rồi bưng vội nia hoa đăng ra sông Hoài để mưu sinh. Vẻ hồn nhiên, trong sáng của các em lẫn cả nỗi lo cơm áo. Với các em, việc bán hoa đăng còn đem lại nhiều niềm vui, vui vì có chút tiền, vì được gặp gỡ bạn bè và cả một chút tự hào của những đứa trẻ chưa lớn nhưng đã có thể giúp đỡ cha mẹ. “Bán hoa đăng vui lắm, phụ giúp được bố mẹ mà lại được gặp bạn, nói chuyện với các cô chú nước ngoài nữa. Bỏ một buổi là em thấy thiếu thiếu liền à!” - Hà (9 tuổi) hồ hởi chia sẻ.

Những
Vẻ đẹp tinh khôi của hai chị em mặc trang phục truyền thống để bán hoa đăng.

Ngồi cạnh con gái, chị Nguyễn Thị Yến (45 tuổi) tâm sự: “Gia cảnh khó khăn, tôi bán tò he, còn bé Lan (10 tuổi, con gái chị Yến - PV) tranh thủ bán hoa đăng buổi tối phụ tôi kiếm tiền. Dù nhọc nhằn nhưng hai mẹ con luôn có gắng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.

Những
Các em còn rất nhỏ nhưng đã biết cách phụ ba mẹ kiếm tiền.

Ven dòng sông Hoài, những đứa trẻ ngồi lọt thỏm sau những nia hoa đăng cùng với câu chào ú ớ nửa Tây, nửa ta đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều du khách đến Hội An. Gánh nặng mưu sinh không làm tắt đi nụ cười rạng rỡ và hồn nhiên của các em, bởi có lúc, say sưa kể về cuộc sống, về ý nghĩa của việc thả hoa đăng với du khách, các em quên bẵng luôn việc buôn bán của mình.

Chia sẻ