Những chiêu dọa chồng dại dột

,
Chia sẻ

"Anh ở đâu, về ngay, con mình ngất xỉu, cô giáo mới đưa về nhà. Giờ con thở yếu ớt quá, em không biết nó bị làm sao nữa", anh Nam giật mình khi nhận được tin nhắn của vợ.

Nhiều phụ nữ nghĩ đủ mọi cách để làm chồng sợ: ly hôn, bỏ đi... Thế nhưng, điều ấy sẽ trở nên nhàm chán và các Adam không còn quan tâm.

"Anh ở đâu, về ngay, con mình ngất xỉu, cô giáo mới đưa về nhà. Giờ con thở yếu ớt quá, em không biết nó bị làm sao nữa", anh Nguyễn Văn Nam, ngụ trên đường Cao Thắng Q.3, TP. HCM, giật mình khi nhận được tin nhắn của vợ. Dù đang rất vui vẻ chén chú chén anh với đồng nghiệp, anh cũng phải vội vã cáo lui, chạy một mạch về nhà. 

Vừa tới cổng, anh Nam hết sức ngỡ ngàng khi thấy đứa con trai lên năm đang ngồi tỉnh bơ với đống đồ chơi. Thoáng thấy bóng cha, bé Minh chạy ù ra đón.

Dọa bỏ đi là một trong những "chiêu" những bà vợ hay dọa chồng

Thấy con vui vẻ, bình thường, anh Nam hỏi vợ: "Sao em nói con xỉu, rồi còn bảo là đang nằm thở yếu ớt? Thế này là sao?". Chị Lan, vợ anh Nam, chưa kịp đáp lời, đứa con trai đã lên tiếng: "Con có xỉu hồi nào đâu ba".

"Sao em lại nói dối con bệnh chứ, làm anh lo lắng quá", anh Nam trách móc. Lúc này chị Lan mới lên tiếng: "Em đã nhắc anh mấy lần là phải đưa em đi siêu thị mua thức ăn cho cả tuần tới nhưng anh cứ bảo bận việc. Em biết anh đi nhậu với đồng nghiệp nên phải nghĩ ra cách này thôi".

Trước những lý do của vợ, anh Nam chỉ còn biết lắc đầu: "Tốt nhất lần sau em đừng bao giờ hù dọa anh kiểu này nữa".

Những bà vợ thích dọa

Chúng tôi đã làm một cuộc điều tra nhỏ với 50 phụ nữ đã có gia đình. Câu hỏi được đặt ra: "Bạn có thường hù dọa chồng không và bằng cách nào?".

Không nằm ngoài dự đoán, 100% phụ nữ được hỏi đều trả lời đã từng hù dọa chồng ít nhất một lần. 30% phụ nữ trả lời là trong lúc tức giận, họ đã dọa chồng bằng "bài ca" ly hôn, 20% phụ nữ hù dọa chồng bằng cách xếp quần áo vào va-li để chuẩn bị cho cuộc ra đi và đã từng bỏ nhà đi thật xa, số còn lại thường xuyên hù dọa chồng bằng cách bảo con ốm, con đi lạc, bản thân mình đau, tự tử, nhà có việc gấp...

Khi chồng phớt lờ những nguyện vọng của mình hay xảy ra tranh cãi, phụ nữ thường dùng mọi cách để được  chồng nhượng bộ. Hù dọa là chiêu được họ sử dụng nhiều nhất. 

Dọa mãi hóa lờn

Một vài lần đầu tung "chiêu" hù dọa thành công, phụ nữ cảm thấy đây là cách hiệu quả và cứ thế tiếp tục để đạt được mục đích. Họ không biết rằng càng dọa nhiều sẽ càng nhanh mất tác dụng. 

Những chiêu kiểu: con ốm nặng, về nhà bố mẹ ruột, bỏ đi, mang con theo hay ly hôn, thậm chí có người còn tự hành hạ bản thân, dọa tử tự... được không ít bà vợ sử dụng thường xuyên. 

Chị Lan trong câu chuyện trên đã có rất nhiều cách dọa chồng. Biết anh Nam rất thương con nên mỗi lần vợ chồng lục đục, chị đều dọa đưa con về nhà ông bà ngoại ở. Anh Nam đành phải xuống nước năn nỉ. Thế nhưng, dần dần anh chai sạn trước những lời của vợ như: "Đã như vậy, chúng ta ly hôn đi, tôi nuôi con. Mẹ con tôi chẳng cần anh", hoặc chị đùng đùng dắt con về nhà bố mẹ ruột, không nói không rằng. Lần đầu, anh còn sang đón, lần thứ hai, thứ ba, anh chưa sang đã thấy vợ về nhà từ lúc nào. 

Chị Lan bảo: "Tôi làm mọi cách để lời nói của mình có tác dụng tức thì và khiến chồng phải run sợ!".

Thế nhưng, ngược lại với suy nghĩ của chị, tinh thần anh ngày càng "thép" hơn, tỷ lệ thuận với số lần bị vợ "ra chiêu".

Chuyện hù dọa chồng của chị Lan lên đến đỉnh điểm khi đầu năm 2009, chị bắt gặp tin nhắn hẹn hò trong điện thoại của chồng. Từ khi biết chồng có ý ngoại tình, chị Lan luôn tìm mọi cách để anh trong tầm kiểm soát và theo đó, số lần hù dọa cũng tăng lên. 

Trong một lần quá giận chồng, chị Lan lại tuyên bố: "Tôi sẽ ly dị anh!". Lần này, anh Nam không còn sợ nữa mà cười khẽ: "Thì cứ viết đơn thử xem, lần nào em cũng dọa anh thôi!". Nói rồi anh nổ máy xe bỏ đi trong tiếng kêu khóc tức tối của vợ. 

Thực tế, những kiểu dọa chồng như thế này chỉ có tác dụng trong một, hai lần đầu. Về lâu dài, anh ấy sẽ mất niềm tin vào bạn. Tai hại hơn, nếu có việc khẩn cấp thật, người vợ có nhắn gọi chồng, các đấng mày râu cũng khó mà phân biệt thật, giả. Chưa kể, thường xuyên bị lừa, nhiều ông chồng cảm thấy ức chế, càng xa lánh vợ hoặc phản ứng ngược cho hả lòng hả dạ. 

Nhiều cặp vợ chồng họ dọa ly hôn dẫn đến ly hôn thật. Đó là hậu quả không mong muốn của một số phụ nữ. Thế nhưng, vì tự ái và không thể rút lại lời tuyên bố, họ đã đánh mất hạnh phúc gia đình của chính mình. 

Đó không phải là cách 

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Nguyên Lệ, hiện công tác tại Trung tâm Tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình TP. HCM, thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nan, dù đàn ông có "yếu bóng vía" hay thỉnh thoảng nghe lời vợ, những lời hù dọa đó chỉ có tác dụng khi các chị em còn ở thế thượng phong. 

Họ không biết rằng đàn ông rất ghét bị hăm dọa, nhất là khi người thích dọa là vợ mình. Họ cảm thấy bị lừa, mất mặt. Lòng tự ái trỗi dậy và họ bắt đầu phản ứng ngược khi vợ áp dụng "chiêu" dọa ở lần kế tiếp. Nhiều hậu quả không mong muốn sẽ xảy ra. 

Chuyện hù dọa chồng bằng nhiều cách chẳng những không mang lại kết quả tích cực, mà còn khiến người bị đe dọa mang tâm lý nặng nề, tiêu cực. 

Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyên Lệ cũng cho rằng việc đem hôn nhân ra đe dọa là điều không nên. Hôn nhân là mối quan hệ được xây dựng dựa trên tình yêu và sự bình đẳng, tự nguyện của cả hai người. Đó là sự gắn kết thiêng liêng nên không phải bạn có thể phá vỡ bất kể lúc nào bạn muốn. Điều này cho thấy bạn không tôn trọng mối quan hệ vợ chồng, không xem hôn nhân là nền tảng của hạnh phúc, từ đó sẽ dẫn đến tan vỡ gia đình. 

Khi tức giận, đàn ông có thể sẵn sàng ký ngay vào đơn ly hôn mà không cần suy nghĩ. 

Vì thế, khi chồng có dấu hiệu thờ ơ với cuộc sống gia đình, bản thân bạn không còn cách thuyết phục, có thể nhờ đến người thân, bạn bè thân thiết của chồng để tìm sự giúp đỡ. Chuyện ly hôn chỉ nên đề cập đến khi mọi chuyện không thể cứu vãn được nữa. 

Đồng thời khi dọa kiểu này, bạn phải chuẩn bị tinh thần, xem xét lại tình cảm của anh ấy dành cho mình như thế nào vì điều đó có thể trở thành sự thật. 

Hãy kéo chồng về phía mình thay vì hù dọa và xua đuổi. Đừng để những lời của mình trở nên vô trọng lượng, nhàm chán. 

Thực tế cho thấy, nhiều người vợ "trói" ông xã bằng sự khéo kéo, mềm mỏng đạt kết quả khả quan hơn rất nhiều. 

Khi ấy, đức lang quan sẽ sẵn sàng làm vui lòng bạn một cách tự nguyện. Hơn nữa, nó còn thể hiện tình yêu của anh ấy chứ không phải theo kiểu miễn cưỡng, gượng ép. Vợ chồng sẽ càng khăng khít, thông cảm và hiểu nhau hơn. 

Chiêu "lạt mềm buộc chặt" không bao giờ cũ và thừa trong mỗi thế hệ, từ xưa đến nay.
 
Theo TTGĐ
Chia sẻ