Những chi phí tưởng không đáng là bao nhưng lại khiến dân văn phòng nghèo đi
Nếu không sớm hạn chế bớt các khoản chi tiêu này, họ càng khó tiết kiệm.
"Tại sao lương mình cũng ổn mà cuối tháng không để dư được nhiều tiền?", là nỗi lòng mà nhiều dân văn phòng nào cũng tự hỏi mình đôi ba lần. Nguyên nhân có lẽ tương đối đơn giản, đó là bạn chi nhiều hơn mức bản thân dự kiến.
Đặc biệt, dân văn phòng nào càng nhiều chi phí chìm (những khoản chi tưởng nhỏ, nhưng gộp dần theo thời gian sẽ thành con số khổng lồ) thì càng khó tiết kiệm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến bạn không thể "mang tiền về nhà".
Ngày nào cũng đặt đồ ăn bên ngoài
Giang Lê (23 tuổi) chia sẻ, cô từng không chịu được nếu trong lúc làm việc không có đồ uống. Thế nên hầu như ngày nào cô nàng cũng phải đặt giao hàng nước uống từ bên ngoài, hôm thì trà sữa, hôm thì cafe, sữa chua uống, hoặc các loại nước giải khát có vị. Bên cạnh đó, cô nàng còn rất ít khi nấu ăn ở nhà do vừa sợ mất thời gian chuẩn bị vừa ngại lúc đi làm phải tay xách nách mang nhiều đồ đạc. Vì thế, hầu như bữa trưa nào cô cũng chọn ăn ngoài.
Thói quen đặt đồ ăn bên ngoài tốt cho dạ dày của Giang Lê, nhưng ví tiền thì không. "Tính ra lương 5 triệu, nhưng 1 ngày mình phải tiêu từ 100-150 ngàn/ngày cho đồ ăn đấy chứ. Vì tính cả ăn sáng, ăn trưa và đồ uống nữa" , Giang Lê chia sẻ. Song, để có thể chi tiêu như vậy bởi vì cô bạn 23 tuổi không chỉ có thu nhập 1 nguồn, mà còn nguồn thụ động khác ngoài công việc chính nên khoản chi này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ảnh minh hoạ
Tốn kém vì chi phí phát sinh cho công việc
Hương (21 tuổi) trở thành nhân viên thực tập tại một công ty có văn phòng thuộc hàng xịn xò bậc nhất Quận 1. Song đánh đổi cơ hội thăng tiến và trau dồi bản thân là những khoản chi phí phát sinh khi đi làm.
“Chi phí xăng xe từ Quận Gò Vấp đã tốn khoản 400 nghìn đồng/ tháng, mình cũng hay đặt trà sữa với nhóm đồng nghiệp cùng công ty, mỗi tuần từ 100-150 nghìn đồng. Nhưng khoản tiền cao nhất với mình chắc có lẽ là chi phí đặt đồ ăn ngoài, dù có cố gắng tìm hàng quán rẻ, chịu khó đi xa hay săn mã giảm giá, mỗi bữa trưa mình vẫn tốn ít nhất 45-50 nghìn đồng", Hương than thở.
Đồng cảnh ngộ, Ngọc (trưởng phòng Marketing, quận 1) cho hay cô chi tiêu nhiều hơn mỗi tháng chỉ để đi làm.
“Mọi người nghĩ đi làm văn phòng quần áo xúng xính thì ai không thích, nhưng mà vì lẽ đó nên mình phải sắm đồ thường xuyên, váy áo văn phòng, đầm dự tiệc thôi cũng bay của mình luôn 5 triệu mỗi tháng, phí gặp đối tác mời cả nhóm đi ăn 5 triệu nữa, tổng hơn 10 triệu” - cô vừa cười vừa giải thích. “Vì mình là bộ mặt của công ty, vì vậy nên cũng ăn mặc chỉn chu, nhưng để có được hình ảnh đẹp đó phải đầu tư một khoản không hề nhỏ.”
Ảnh minh hoạ
Chi bộn tiền cho đồ làm đẹp
Đây là thói quen của Thuỳ Chi (26 tuổi) trong khoảng 1 năm nay. Cô cho hay, vào buổi tối rảnh rỗi, thay vì xem phim và đọc sách, cô nàng lại thích theo dõi các kênh dạy makeup. Cứ khi nào thấy đồ làm đẹp hay ho, có công dụng tốt thì Thuỳ Chi lại muốn mua về.
Với cô nàng, thói quen này có tính 2 mặt. Chúng vừa giúp Thuỳ Chi trở nên xinh đẹp hơn nhờ trình độ makeup tăng cao, song ở diễn biến ngược lại cũng khiến cô tốn bộn tiền lương. Bởi tháng nào Thuỳ Chi cũng dành ít nhất 5 triệu đồng cho tiền mua mỹ phẩm và chăm sóc da mặt. Với người làm vừa bị cắt giảm lương như Thuỳ Chi, con số chi cho đồ làm đẹp "đáng báo động".
Làm sao để cải thiện tình trạng bội chi?
Thuỳ Chi chia sẻ, để cắt giảm một khoản chi vốn đã là sở thích của bản thân tương đối khó khăn. Song, động lực lớn nhất để cô từ bỏ thói quen tiêu dùng là nhìn vào thực tế mức lương hàng tháng nhận được không còn cao, từ đó phải học cách sống tiết kiệm và chi tiêu trong khả năng tài chính.
Cô nàng cho hay: "Mình bắt đầu 'cai nghiện' mua sắm bằng cách đặt ra 1 tháng chỉ được phép tiêu bao nhiêu tiền cho mỹ phẩm và chăm sóc da. Thời gian đầu tương đối khó khăn vì mình đã quen vung tiền quá tay, tuy nhiên giờ tình hình tài chính giờ đã bắt đầu đi theo kế hoạch đề ra.
Công tâm mà nói, số tiền đầu tư cho mỹ phẩm và đồ skincare trước đó với mình là cần thiết. Tuy nhiên, mình chỉ được phép dành số tiền lớn như vậy cho mỹ phẩm khi tiền lương đã tăng cao, chứ không phải ở thời điểm lương thấp như hiện tại".
Ảnh minh hoạ
Còn về phía Giang Lê sau những ngày chi tiêu rất nhiều cho ăn vặt, cô cũng bắt đầu có ý thức hơn trong chuyện tiết kiệm.
Giang Lê bày tỏ: "Với mình, đặt ra rằng 1 tháng nên chi tiêu bao nhiêu cho bữa xế là rất khó vì mình khá lười theo dõi ngân sách. Song, mình nhận ra hạn chế 1 ngày chi tiêu bao tiền cho ăn vặt khá hiệu quả với mình. Chẳng hạn, mình chỉ chi 30k/ ngày cho bữa xế, vậy nếu mình uống 1 cốc trà sữa 60k hôm nay, ngày mai đi làm mình sẽ không tiêu cho ăn vặt nữa".
Cô bạn 23 tuổi cũng nhấn mạnh rằng không cần phải ngại khi nói "không" với đồng nghiệp. Hơn thế nữa, hãy tự động gửi tiền vào tiết kiệm hoặc đầu tư ngay khi có lương hoặc những nguồn thu nhập khác để tránh cho những lần chi tiêu mất kiểm soát cho các bữa xế.