Những câu nói nổi tiếng của "ông đồ gàn" Văn Như Cương
Nhà giáo Văn Như Cương, người sáng lập trường Lương Thế Vinh năm 1989, cũng là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục ngoài công lập của Việt Nam. Gần 2 năm giã từ cõi tạm, những câu nói, lời dạy học sinh của thầy vẫn vẹn nguyên giá trị.
Để tưởng nhớ người thầy vĩ đại của nhiều thế hệ học sinh Lương Thế Vinh, ngày 1/10 nhiều nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt nhiều thế hệ giáo viên, học sinh đã tham gia buổi hội thảo với chủ đề: Thầy Văn Như Cương - Người mở đường.
Nhà Văn Hóa Nguyễn Khắc Phi nhớ lại, khi thành lập trường thầy Cương không thích khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn” vì “lễ” và “văn” là 2 yếu tố đó cần song hành chứ không có “tiên – hậu”. Ông cho rằng, “Có chí thì nên” phù hợp hơn nên đã lấy để làm triết lý giáo dục học sinh và triết lý này được duy trì cho đến ngày nay.
Nhiều ý kiến đánh giá, thầy Văn Như Cương là người thầy lớn, người anh cả, người ông, người cha, người bạn của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh. Trọn vẹn cuộc đời thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm những thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, vừa có kiến thức tốt vừa có nhân cách tốt.
Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu và đầy lòng vị tha.
Vì thế, dù người thầy giáo già đã giã từ nhân thế nhưng gần 2 năm qua, học sinh trường Lương thế Vinh vẫn có nhiều hoạt động tưởng nhớ như: xếp hạc giấy, làm phim, quyên góp từ thiện trẻ vùng cao như di nguyện của thầy...
Năm 1989, thầy Cương thành lập Trường Lương Thế Vinh, được coi là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục cũng từng là học trò của thầy Cương chia sẻ, từng là học trò, đồng nghiệp của thầy Cương, bà học hỏi được nhiều điều từ người thầy đáng kính.
Khi hướng dẫn bà làm nghiên cứu khoa học thầy nói, đừng nặng nề chuyện nghiên cứu mà phải làm bằng niềm say mê vì không có say mê sẽ bóp nghẹt chúng ta. “Điều đó làm thay đổi tôi rất nhiều, tôi nghiên cứu không phải để lấy giải thưởng mà vì tính hiệu quả của các đề tài”, bà Thơ nói.
Cũng theo bà Thơ, khi bà về giảng dạy tại trường Lương Thế Vinh, đây cũng là ngôi trường đầu tiên mà học sinh ở trường được quan tâm đến chuyện hướng nghiệp. Thầy Văn Như Cương đã nói với giáo viên, hãy nói cho học sinh rằng, vào ĐH không phải là con đường duy nhất. Nhà giáo Văn Như Cương đã lựa chọn triết lý giáo dục có chí thì nên. Hành trình phát triển của trường Lương hay bất kì một học sinh nào của nhà trường cũng có thể được coi là một ví dụ điển hình minh họa cho triết lí đó.
Đến hôm nay, gần 2 năm ngày mất của thầy giáo Văn Như Cương, những câu nói, lời dạy học sinh của thầy vẫn nguyên giá trị.
Chính vì thế, ông Nguyễn Khắc Phê cho rằng, khi còn sống, người ta nói thầy Cương là "Ông đồ gàn” xứ Nghệ. Riêng tôi nhận định: “Nhà giáo Văn Như Cương là ông đồ gàn độc đáo, riêng biệt và tài hoa”.