Những câu chuyện cảm xúc nào đang được trông đợi sẽ xuất hiện trong top đề cử Nhân vật truyền cảm hứng của Wechoice Awards 2018?
Trong suốt năm qua, những con người ấy đã lan truyền nguồn cảm hứng tích cực đến với chúng ta bằng nghị lực, sự cống hiến cùng những hành động tử tế của mình. Trước thềm Wechoice Awards 2018 với thông điệp "Mặt trời ẩn trong tim", liệu họ có trở thành những đại sứ truyền cảm hứng mới?
Sau thời gian mở cổng gửi đề cử, những nhân vật, những câu chuyện truyền cảm hứng đã được độc giả khắp nơi gửi tới cho Wechoice Awards 2018. Họ chính là những người đã lan tỏa tình yêu cuộc sống, sự nhân văn, suy nghĩ dám khác biệt để thành công và cả nỗ lực bền bỉ để vượt qua thử thách.
Mỗi người trong họ với một dấu ấn riêng, một câu chuyện riêng, thế nhưng đều gửi đi niềm cảm hứng mạnh mẽ nhất đến với cộng đồng. Những cái tên như thiên sứ Hải An, HLV Park Hang-seo hay "người cha" đặc biệt Tống Phước Phúc, họ có trở thành Top 20 những đại sứ truyền cảm hứng năm nay?
Đôi mắt Hải An và hành trình lan tỏa niềm tin
Hải An chỉ mới 7 tuổi khi quyết định hiến giác mạc. Em biết mình sẽ không qua khỏi bởi căn bệnh ung thư thế nên đã đem ánh sáng từ đôi mắt mình truyền sang 2 người khác - 2 người xa lạ, trước đó An chưa hề gặp mặt.
Bé Hải An cùng đôi mắt sáng long lanh, lanh lợi
Căn bệnh ung thư thần kinh đệm cầu não có thể giết chết An, nhưng không thể làm mờ đi những điều tuyệt vời em để lại. Đó là niềm vui sướng, sự may mắn tột cùng của người đàn ông 42 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác di truyền và cụ bà 73 tuổi bị bệnh sẹo đục giác mạc. Suốt nhiều năm qua không tìm được ánh sáng, nhờ đôi mắt của An, họ tìm lại được niềm vui sống trong những năm tháng phía trước.
2 người nhận giác mạc từ Hải An thắp hương cho em trong buổi gặp gỡ đầu tiên.
Sau nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An, số người đăng ký hiến tạng tính đến ngày 6/3/2018 đã tăng gấp 100 lần. Một con số kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn, bằng cả nửa năm đi vận động, nói chuyện hiến tặng mô tạng ở nhiều địa phương của cán bộ Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia. Từ những bạn trẻ tới cụ bà gần 70 tuổi đều đã tìm đến Trung tâm để đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, tiếp nối sự sống cho nhiều người khác. Hiến tạng được hiểu đơn giản, cho đi là sẽ còn mãi.
Với những người đăng ký hiến tạng, họ hạnh phúc vì không chỉ nắm trong tay cơ hội sẽ trao lại sự sống cho bất kỳ một người nào đó ngay khi họ qua đời, mà họ hạnh phúc trong chính giây phút hiện tại. Họ đã vượt qua sự sợ hãi về cái chết để đối diện với nó. Trong họ lúc đó chỉ còn lại niềm vui và hạnh phúc lan toả.
Hải An sẽ mãi lan truyền sự tử tế của mình cho cộng đồng.
Cuộc sống luôn mang đến cho ta những điều kì diệu. Hiện tại dẫu buồn bã, bi đát đến đâu, chỉ cần vững tin, yêu thương, suy nghĩ tích cực, bạn cũng sẽ vượt qua. Ánh sáng trong đôi mắt, câu chuyện của An sẽ cùng sưởi ấm trái tim bạn, lan toả sự lạc quan và niềm hy vọng.
HLV Park Hang-seo - Thay đổi diện mạo của bóng đá Việt Nam, khơi lại niềm tự hào ngủ yên
Những ngày vừa qua, cổ động viên cả nước ngập tràn trong niềm hạnh phúc và tự hào khi Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã chính thức lên ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2018. Một đội tuyển kiên cường dưới sự chỉ đạo xuất sắc của HLV Park Hang-seo đã làm cho người hâm mộ có những đêm không ngủ.
Chưa bao giờ người dân Việt Nam lại "cháy" hết mình vì bóng đá đến thế.
Thầy Park Hang-seo đã "truyền lửa" đến những cầu thủ, còn câu chuyện của thầy trò Park Hang-seo lại "truyền lửa" đến tất cả cổ động viên Việt Nam. Sau thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 Châu Á rồi ASIAD 18 và đến giờ là AFF Cup, cổ động viên Việt Nam đã có những ngày sống trong niềm hân hoan và vui sướng, đó không chỉ đơn thuần là tình yêu bóng đá, thể thao mà thực sự còn là niềm tự hào dân tộc.
HLV Park Hang-seo luôn đặt tay lên trái tim mỗi khi Quốc ca Việt Nam vang lên. Ảnh: Hiếu Lương
Cái đầu lạnh nhưng trái tim nóng khiến ông luôn quan tâm, động viên các học trò của mình đúng lúc
Hiếm có HLV nào có được tình cảm yêu mến từ học trò như HLV Park Hang-seo.
Có lẽ hiếm có một HLV nào như thầy Park Hang-seo khi còn chăm lo cho các cầu thủ từ tận bữa ăn, giấc ngủ cho đến các sinh hoạt đời thường. Đó không chỉ là câu chuyện của một huấn luyện viên với các học trò, mà giống như hành động của một người cha đối với các con. Cũng chính vì vậy, đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo luôn thể hiện sự gắn kết với một tinh thần thi đấu kiên cường.
Chúng ta sẽ không thể quên được hình ảnh thầy Park Hang-seo đặt tay lên ngực và hát theo quốc ca Việt Nam hay hình ảnh người HLV thường xuyên lo lắng căng thẳng trong trận đấu cũng phải nhảy lên vui sướng khi các cầu thủ ghi bàn thắng.
HLV Park luôn đặt tay lên ngực khi cùng học trò hát quốc ca Việt Nam.
Nhà báo Phạm Tấn đã có những chia sẻ về HLV Park Hang-seo: "Chưa từng có HLV ngoại nào đến Việt Nam mà đặt tay lên ngực lúc quốc ca Việt Nam như thế dù không thiếu người coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Đó không phải là sự Việt hóa đánh mất đi những cái tôi của một HLV ngoại. Nó là sự tinh tế trong quản trị một đội tuyển ở một nền bóng đá có nhiều thách thức hơn tiềm năng ở một nền bóng đá như Việt Nam".
Anh Nghĩa Phạm và "cậu bé xếp dép" Thành Đạt: Phép nhiệm màu từ trái tim lặng lẽ
Đó là vào ngày 4/3/2017. Mạng xã hội khi ấy xôn xao bức ảnh cậu bé 5 tuổi xếp dép gọn gàng cho các bé mầm non khác đi dã ngoại. Bé mang chiếc áo xám nhàu nát, đôi dép to quá khổ, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai. Thay vì đi học, em theo mẹ đi lượm ve chai kiếm sống khắp nẻo đường, phố nhỏ Sài Gòn.
Từ ngày đó, mọi người gọi nhóc là "cậu bé xếp dép", hay "cậu bé ve chai". Ít ai biết được, em tên Nguyễn Danh Thành Đạt, còn mẹ là chị Nguyễn Thị Phương Linh (26 tuổi, Quảng Ngãi).
Còn nhớ, anh Nghĩa Phạm - người chụp và đăng tải hình ảnh mẹ con bé Đạt lên mạng xã hội, ban đầu không muốn công khai danh tính của mình. Và đơn giản khi chia sẻ câu chuyện của Đạt, bản thân anh Nghĩa cũng không lường trước việc, mạng xã hội dậy sóng đến như thế. Rất may, là theo một chiều hướng tích cực và kéo theo loạt hiệu ứng nhân ái khác xoay quanh hành động ngây thơ đẹp đẽ của em bé.
Khi ấy, anh Nghĩa và vợ băn khoăn, liệu có con đường nào tốt nhất, thuận lợi nhất để bé đón nhận được một sự giáo dục tốt nhất. Và lộ trình cho bé đi học, mẹ đi làm của anh Nghĩa ra đời. Với anh, thương Đạt, thương mẹ Linh trước hết xuất phát từ sự đồng cảm, sau là một cái duyên.
Anh Nghĩa Phạm - cha nuôi của bé Đạt.
Sau sự giúp đỡ của anh Nghĩa, cuộc đời 2 mẹ con chị Linh, bé Đạt đã sang một trang mới. Đạt thôi không khóc vì tủi thân, em được đi học tử tế. Mẹ em cũng có công việc đàng hoàng, đủ để cho em tiếp tục lớn lên, ngoan ngoãn và đáng yêu như bây giờ.
Cậu bé xếp dép ngày nào đã chính thức vào lớp 1.
Mẹ con bé Đạt có cuộc sống mới sau khi nhận được sự giúp đỡ của cả cộng đồng.
Trong một năm qua anh Nghĩa đã luôn âm thầm dõi theo từng bước đi của Đạt, bởi giờ đây không chỉ dừng lại ở việc cảm thương với một đứa trẻ kém may mắn, mà đó còn là trách nhiệm của một người cha, một người luôn hy vọng cậu nhóc sẽ trưởng thành như chính cái tên mà nó được mang - Nguyễn Danh Thành Đạt.
Làm thiện nguyện dễ mà khó, khó mà dễ. Chẳng ai nói rằng bạn không thể làm một việc tốt. Chẳng ai nói rằng, bạn phải trở nên vĩ đại mới có thể làm những việc có ích cho cuộc đời này, hay thậm chí là - thay đổi cuộc sống của một ai đó. Bạn có thể là chính bạn thôi, nhưng khi bạn và hàng triệu những con người nữa cùng đập một nhịp đập, cùng mang trong lòng một tình yêu thương và hướng tới một mảnh đời, một hoàn cảnh - thì sự thay đổi là có thật, và nó sẽ diễn ra.
Nụ cười hồn nhiên của Đạt.
Thầy giáo Đặng Văn Cương và học trò tí hon Đinh Văn K'rể: Chuyện cổ tích của tình yêu thương
Từ ngày mới sinh ra, em Đinh Văn K-rể (thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã mắc một hội chứng rất hiếm gặp là Seckel (người lùn, đầu chim). Căn bệnh lạ chỉ mới ghi nhận được 10 trường hợp trên thế giới khiến cậu bé dù đã 9 tuổi nhưng chỉ nặng chưa đầy 4 kg, cao vừa 60 cm.
Có lẽ cậu bé ấy sẽ chẳng được đến lớp, chẳng được vui chơi cùng bạn bè cho đến khi em gặp được thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba. Thầy gặp K-rể cách đây 5 năm trong 1 lần tới thôn Gò Da vận động học trò đến trường, từ đó thầy Cương và K-rể đã viết lên câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò nơi rẻo cao.
"Cậu bé tí hon" Đinh Văn K-rể tại trường học của thầy Cương.
Năm 2012, thầy Đặng Văn Cương đến thôn Gò Da vận động trẻ em đến trường học tập. Tại đây, thầy phát hiện một cậu bé mắc chứng bệnh lạ, dáng người nhỏ thó được mẹ đặt gọn trong chiếc bị. Qua trò chuyện, thầy nói với gia đình cậu bé rằng hãy cứ nuôi đi, đến khi bé đủ tuổi đi học hãy đưa đến trường của thầy, nếu bé ở với thầy được một ngày thầy sẽ nuôi.
Câu chuyện cổ tích của thầy Cương và K-rể đã bắt đầu như thế. Và rồi 4 năm sau đó (vào năm 2016), K-rể đã được bố mẹ đưa đến Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba cùng thầy Cương. Tại trường, K-rể được thầy dạy dỗ, chăm sóc, dạy cho em từng con chữ đến kỹ năng sinh hoạt.
Thầy Đặng Văn Cương
Thầy Cương bón ăn cho cậu học trò nhỏ
Thầy Cương hướng dẫn cho K-rể những kỹ năng trong sinh hoạt thường ngày
K-rể dù đã 9 tuổi nhưng vì căn bệnh của mình, hiện em đang theo học lớp Một tại Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba. Với thầy Cương, trong 2 năm K-rể ở đây, sự tiến bộ của em thầy không đong đếm bằng học lực mà bằng sự hòa nhập cùng những kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.
Thầy Cương kể thêm, trong 2 năm K-rể ở cùng thầy, cuối tuần em không về nhà cùng gia đình thầy đều đưa em về nhà thầy cùng vợ con. Vợ và con của thầy Cương tiếp xúc nhiều với K-rể cũng rất quý mến em, đã từ lâu coi em như một người trong gia đình.
Sau 2 năm ở cùng thầy Cương, K-rể đã hòa nhập hơn cùng với bạn bè
Tống Phước Phúc - "người cha" nghèo 14 năm chôn cất 20 nghìn hài nhi, cưu mang hàng trăm đứa bé mồ côi ở Nha Trang
Từ năm 2004, 14 năm đã trôi qua là 14 năm "người cha" đặc biệt Tống Phước Phúc cần mẫn làm việc thiện. Trong tên của ông, chữ "Phúc" có nghĩa là may mắn, "Phước" là những điều tốt lành mà trời Phật ban cho người làm việc nhân đức. Ông Phúc không chỉ sống đúng với cái tên của mình mà còn làm nó thêm đẹp khi hơn 1 thập kỷ qua, ông đã chôn cất hàng chục nghìn thai nhi kém may mắn, cưu mang hàng trăm trẻ em mồ côi và phụ nữ mang thai ngoài ý muốn ở Nha Trang, Khánh Hòa.
Người cha" Tống Phước Phúc thường xuyên đi thu lượm thai nhi bị nạo bỏ tại các bệnh viện trong tỉnh. Ông kể, năm 2001, ông đưa vợ đi sinh tại bệnh viện tình cờ gặp thai nhi bị bỏ rơi bên gốc cây đa, xung quanh nhang khói nghi ngút nên ông mang về chôn cất. Nghĩ đến hoàn cảnh tội nghiệp của các sinh linh bé nhỏ, ông quyết tâm thực hiện ước nguyện làm việc thiện.
Dù rất muốn làm điều gì đó cho các thai nhi bị bỏ rơi, thế nhưng điều kiện kinh tế của vợ chồng ông Phúc thời bấy giờ không đủ để có thể xây dựng phần mộ cho tất cả các thai nhi trong bệnh viện. Mãi cho đến tháng 7/2004, sau khi dành dụm được một khoản tiền mua mảnh đất trên núi Hòn Thơm (thành phố Nha Trang), ông Phúc mới bắt đầu nhận hài nhi từ các bệnh viện trong thành phố đem về chôn cất. Nghĩa trang chôn cất hàng chục ngàn thai nhi kém may mắn được ông đặt tên là Đồng Nhi. Tại đây, các bé chủ yếu độ 3 tháng tuổi trong bụng mẹ.
Nghĩa trang chôn cất hàng ngàn thai nhi xấu số trên núi Hòn Thơm.
Không chỉ xây nghĩa trang chôn cất những hài nhi xấu số, ông Phúc còn thành lập trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi và phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Mái ấm mang tên chính "người cha" này đến nay đã cưu mang hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ bị cha mẹ chối bỏ cho đến những cô gái trẻ lầm lỡ mang thai. Từ người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ, cô sinh viên trẻ người non dạ đến cô công nhân nghèo, tiếp viên ở cà phê và cả người bán vé số, người kiếm sống ngoài bãi rác… những ai có ý định bỏ thai đều được ông ân cần khuyên nhủ, thuyết phục họ về sống trong mái ấm, chăm lo chu đáo cho tới lúc khai hoa nở nhụy.
Ông Phúc cần mẫn chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ tại trung tâm.
Ông Phúc chia sẻ về tâm nguyện của mình, rằng sớm thôi ông sẽ "thất nghiệp", sẽ không còn thai nhi nào xấu số bị bỏ rơi để ông chôn cất nữa. Đối với những đứa trẻ ông đang chăm sóc, dạy dỗ mỗi ngày, ông luôn mong các con sẽ tìm được cho mình 1 mái ấm hạnh phúc. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức, hiện tại ông Phúc đã giúp được 4 cháu tìm được gia đình mới định cư bên Mỹ.
WeChoice Awards - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Mặt trời ẩn trong tim.
Đó là những người có xuất phát điểm như bất kỳ ai, đến từ bất cứ nơi nào trong xã hội nhưng họ mang trong mình trái tim như mặt trời, âm thầm lan tỏa hơi ấm của mình, truyền cảm hứng và lòng tin giúp chúng ta mỉm cười giữa những mịt mù cuộc sống.
Hãy cùng Ban tổ chức tôn vinh những câu chuyện và nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2018 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.
Thời gian bình chọn từ ngày 20/12/2018 đến ngày 02/01/2019. Truy cập wechoice.vn để lan tỏa niềm cảm hứng ngay hôm nay.