Những căn nhà "chuồng cọp, lồng chim" - mối nguy hiểm không lối thoát giăng khắp Thủ đô
Từ những cái chết thương tâm của nhiều nạn nhân, trong đó có bé gái mới 11 và 13 tuổi chỉ vì lối thoát hiểm ban công bị rào kiểu chuồng cọp, người dân mới giật mình nhìn lại: Có những ngôi nhà "chuồng cọp, lồng chim" ở Thủ đô, không hề có lối thoát hiểm an toàn nếu sự cố xảy ra.
Những cái chết thương tâm bắt nguồn từ các kiểu chuồng cọp không lối thoát
Rạng sáng 25/9, một nhà dân tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bất ngờ cháy lớn, ngọn lửa bùng phát từ tầng 1 rồi bao trùm toàn bộ cửa chính. Phát hiện hỏa hoạn, chủ nhà vội lao ra ban công tầng 3 nhưng bị kẹt lại bởi lan can đã bị quây kín bằng chuồng cọp kiên cố.
Nhờ sự hợp sức của người dân, tổ công tác đã phá được 1 góc chuồng cọp trong thời gian nhanh nhất, tạo thành 1 lỗ hổng vừa 1 người chui để cứu người bị kẹt. Đã có 5 người trong ngôi nhà được lực lượng CSGT cứu kịp thời, an toàn. Tuy nhiên, do đám cháy lớn khiến 2 bé gái sinh năm 2003 và 2006 (con gái chủ nhà) tử vong. Đến 4h30 sáng, thi thể hai nạn nhân xấu số được đưa ra ngoài.
Ngôi nhà tại huyện Chương Mỹ nơi xảy ra vụ cháy. Ảnh: Định Nguyễn
Trước đó sáng sớm ngày 19/7, tại số nhà 48 ngõ 41, phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngọn lửa bùng cháy trong đêm đã khiến hai mẹ con tử vong thương tâm. Nhiều người dân vẫn chưa thể quên được hình ảnh cánh tay chới với ngoài khung chuồng cọp cùng tiếng kêu cứu yếu ớt đầy khắc khoải.
Ngôi nhà có 4 tầng thì các tầng 2, 3, 4 đều "gắn" chuồng cọp được hàn bằng sắt kiên cố, vô hình chung đã bịt kín các lối thoát hiểm phía ban công. Chỉ khi lực lượng chức năng tiến hành cắt lớp rào sắt tại 2 ngôi nhà kế bên, nạn nhân thứ 3 mới may mắn được cứu sống.
Lực lượng cảnh sát PCCC cắt chuồng cọp đưa nạn nhân ra ngoài. Ảnh: Phương Thảo
Sau những sự việc như này, người ta mới giật mình nhận ra rằng, ở Hà Nội mối nguy hại xuất phát từ những lồng sắt luôn hiện hữu... Chúng càng được gia công kiên cố để tăng diện tích nhà ở, chống trộm, đảm bảo an ninh bao nhiêu thì vô tình lại "bịt kín" đường thoát thân của người dân bấy nhiêu.
Những căn nhà "chuồng cọp - lồng chim" lơ lửng ở hà Nội
Lạc giữa Hà Nội, nhan nhản những khu chung cư, tập thể cũ hay nhà cao tầng "gồng mình" đeo chuồng cọp - những chiếc lồng bằng khung sắt khoảng 10-15 m2 gắn ngoài trời, xung quanh các căn hộ để tăng diện tích sinh hoạt.
Chuồng cọp đã tồn tại trong một giai đoạn lịch sử mang yếu tố đặc thù của đất nước, đến tận bây giờ những "công trình" này không những giảm đi mà tăng lên theo cấp số nhân, treo lô nhô khắp nẻo đường.
Ngày xưa các hộ dân thường gia công lắp ráp lồng sắt bao quanh ban công không cầu kỳ, không cần phải đục tường vách. Nhưng lâu dần, người dân bỏ hẳn lan can của ban công, làm những chuồng cọp "khổng lồ" vươn ra ngoài. Với những căn hộ ở tầng trên cùng của nhà tập thể có mái bằng, người ta còn làm chuồng cọp ngay trên nóc nhà.
Việc thiết kế xây dựng chuồng cọp, lồng chim không hề theo một tiêu chuẩn nào, vật liệu hết sức đa dạng như: inox, sắt, tôn, nhựa, tre,... Đủ kích thước cái to, cái nhỏ, cái cao, cái thấp khác nhau lô nhô cộng thêm nhiều màu sắc vô tình phá vỡ cảnh quan chung trước đó của toàn bộ khu vực.
Ở những "căn hộ balo", người dân cố gắng tận dụng phần diện tích dôi ra để phơi quần áo, trồng cây cảnh, làm nhà kho, nhà bếp,... Các hộ tầng thấp cho rằng việc bịt kín phía ban công bằng những thanh sắt là để chống trộm, những hộ tầng cao thì biện bạch xây lồng chim lơ lửng để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.
"Nhà mình ở khu chung cư cũ, cũng có xây 1 chuồng cọp kéo dài từ phòng ngủ dọc nhà bếp, nhà tắm để tăng thêm diện tích sử dụng. Vì nhà không có ban công nên thú thực muốn phơi quần áo hay chén bát mình chỉ còn cách là nhờ đến chuồng cọp. Đôi khi có vật dụng không dùng đến, mình cũng có thể cất vào đó, khá tiện ích", chị Thuận (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Không chỉ riêng chung cư, người dân sống ở các nhà kiểu ống độc lập cũng hay cho xây rào sắt dọc ban công từ tầng 2 trở lên. Với thiết kế kiểu này mục đích không phải để mở rộng "đất" sinh hoạt mà chủ yếu để chống trộm. Thường ở những khu dân cư, các căn nhà ống dựng "lồng chim" sát kề nhau, nhà này nằm cạnh nhà kia, đâu đâu cũng chỉ thấy rào sắt che kín.
"Bây giờ đề phòng kẻ gian thì phải xây thêm khung bảo vệ bên ngoài như thế. Nhà này bảo nhà kia nên thành ra cả dãy phố đều rào sắt, cứ phải an toàn cái đã rồi tính gì thì tính", một người dân sống tại 1 khu tập thể quận Ba Đình cho biết.
Những căn nhà ống độc lập cũng cho rào lồng chim ở các tầng lầu.
Lợi bất cập hại từ những chuồng cọp, lồng chim
Phải công nhận rằng chuồng cọp, lồng chim giúp dân chống trộm hiệu quả, cơ nới thêm một phần diện tích khiến đời sống bớt ngột ngạt. Tuy nhiên, việc những "công trình" này kết cấu không giống nhau, màu sắc mỗi cái một khác, khiến hình ảnh Thủ đô trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Chuồng cọp được dùng để trồng cây cảnh...
... phơi quần áo hay làm nhà kho.
Tuy nhiên những "công trình" này khiến hình ảnh Thủ đô khá nhếch nhác.
Nhiều khi cũng chỉ vì những cái lợi trước mắt mà đôi khi chúng ta phải trả giá bằng những hậu quả không lường trước được. Với việc thiết kế các căn hộ không có ban công nên khi gặp sự cố, người dân chỉ có thể chạy ra cửa chính hướng tới cầu thang chung của chung cư. Việc những lồng sắt "chình ình" bên ngoài đã bịt kín lối thoát hiểm, muốn cứu người đương nhiên phải cắt bỏ rào sắt. Tuy nhiên công việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian dẫn đến việc cấp cứu nạn nhân có thể bị chậm trễ.
Theo quan sát, ở nhiều khu chung cư, chuồng cọp khiến những đường dây điện bị kéo chùng xuống tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến chập điện, cháy nổ. Người dân vẫn từng ngày sống chung với "lũ" nhưng lại vờ quên đi và chấp nhận rủi ro. Đặc biệt có những khu dân cư xây dựng đã lâu năm, kết cấu đã xuống cấp nghiêm trọng nên việc cơi nới thêm lồng chim sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đe dọa tính mạng, đời sống.