Những cái hại khi bạn nói xấu sếp
Nói xấu dường như là món “khoái khẩu” không dễ “từ chối” của các nhân viên ở mọi lĩnh vực. Song điều đó có nên? Câu trả lời sẽ có ở bài viết này.
Theo một điều tra của website Badbossology.com, phần lớn các nhân viên đều mất từ 10h trở lên mỗi tháng cho việc phàn nàn hoặc lắng nghe người khác phàn nàn về các sếp của mình. Thậm chí có những người mất khoảng 20h hoặc nhiều hơn thế cho việc này.
Tất nhiên, kết quả cuộc điều tra nói trên đã cho thấy tại sao các nhà quản lý cần được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng hơn để có thể thay đổi hành vi của họ. Nhưng điều này lại đặt ra vấn đề, tại sao những người làm công ăn lương cũng cần phải được đào tạo để thay đổi cách ứng xử nơi công sở. Mọi nhân viên cần hiểu rằng, vì quyền lợi tốt nhất của mình, có rất nhiều lý do để họ không nên tham gia vào những cuộc “buôn dưa lê” về sếp, ngay cả khi họ có một ông/bà sếp thực sự tồi tệ.
Khi bạn nói xấu sếp:
- Trước hết bạn tốn thời gian
Bạn có thể làm được bao nhiêu việc hữu ích khác với 10 đến 20 giờ dùng để nói xấu sếp mỗi tháng. Ngay cả khi bạn không tôn trọng sếp thì bạn vẫn có thể làm việc để nâng cao trình độ của mình. Nếu bạn có nhiều thời giờ rảnh rỗi thế, sao bạn không học hỏi thêm một vài kỹ năng mới. Bằng cách này, rất có thể bạn sẽ tìm được công việc tốt hơn và biết đâu, cũng có một người sếp mới cũng nên.
- Bạn tự hạ thấp chính mình
- Bạn làm ảnh hưởng tới uy tín công ty mình
Những câu chuyện của bạn có thể sẽ được truyền đến tai những người khác. Nếu các nhà quản lý của công ty tồi như vậy thì có gì đảm bảo sản phẩm của công ty đó sẽ tốt đây? Tại sao người khác lại phải bỏ ra những đồng tiền mà họ rất vất vả mới kiếm được để mua sản phẩm của công ty bạn?
- Bạn bị coi là một kẻ đạo đức giả
Khi bạn nói xấu sếp sau lưng, người được nghe những lời đó có thể sẽ nghĩ, “Người này sẽ nói gì về mình sau lưng nhỉ?” Hiển nhiên là những lời bình luận chủ quan và phiến diện của bạn không được chuyển trực tiếp tới sếp của bạn. Vậy thì tại sao những người nghe bạn nói có thể tin rằng bạn sẽ đối xử với họ tôn trọng hơn so với sếp của bạn?
- Bạn đang thể hiện rõ mình là người thiếu dũng cảm
Nếu đúng là sếp của bạn đang cư xử không tốt ở công ty, vậy tại sao bạn không dám nói thẳng với ông/bà ta? Câu trả lời chắc chắn là: vì bạn đang sợ. Vấn đề ở chỗ, có thể vị sếp đó cũng đang đe doạ bạn, một vấn đề lớn hơn nữa, có thể là bạn không đủ dũng cảm để nói ra những gì bạn cho là đúng.
- Bạn đang gây ức chế cho chính mình và người khác
Có hàng triệu điều sai trái đang tồn tại trên thế giới này. Vẫn có những người bị đói. Những vụ giết người vẫn xảy ra. Hàng triệu người phải sống trong nghèo khổ. Nếu bạn muốn nói về những chủ đề tiêu cực như vậy thì tại sao lại chọn nói về sếp của mình làm gì? Sao bạn không dành cả ngày trời để nói về sự tồi tệ của cuộc sống? Một kế hoạch tốt hơn là hãy làm tốt nhất những gì bạn có thể trong hoàn cảnh hiện tại của mình.
- Bạn sẽ không thể thăng tiến trong sự nghiệp của mình
Một điều chắc chắn sẽ xảy ra là vài lần trong số vô vàn những cuộc nói xấu sếp của bạn sẽ bị chính sếp nghe thấy hoặc bị ai đó truyền tới tai sếp. Liệu bạn có muốn tiến cử ai đó đã dành khoảng 20h mỗi tháng để nói xấu mình không?
Để không còn nói xấu người khác
Có một cách hết sức đơn giản giúp bạn có thể hạn chế được việc đưa ra những bình phẩm tiêu cực về người khác nói chung và về sếp nói riêng là: Trước khi nói ra điều đó, hãy hít thở thật sâu. Sau đó, bạn hãy tự hỏi mình 4 câu đơn giản sau: Lời nói đó có giúp gì cho công ty tôi không? Lời nói đó có giúp gì cho những khách hàng của công ty tôi không? Lời nói đó có giúp gì cho người đang nói chuyện với tôi không? Lời nói đó có giúp gì cho người mà tôi đang nói tới không? Nếu câu trả lời cho cả 4 câu hỏi đó là “Không, không, không và không” thì bạn cần hiểu rằng: Đừng nói ra điều đó.
Theo Dân trí