Những cách "làm dáng" cho nhà bằng tranh do bé vẽ
Lưu trữ và bài trí tranh mà bé đã say mê vẽ sẽ giúp mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng bạn đã biết cách?
Theo các nhà nghiên cứu tâm lý thì chúng ta nên cố gắng khích lệ và tạo điều kiện để trẻ có thể tham gia nhiều vào “công việc sáng tạo” này. Không phải vì kết quả bức vẽ mà là những lợi ích do quá trình này mang lại rất tốt cho sự phát triển tâm lý, tư duy và cảm xúc của trẻ. Nhưng chúng ta phải không chỉ khen ngợi, động viên những đứa trẻ mà còn phải thực hiện những hành động hỗ trợ cho “công việc” của chúng.
Đừng giấu bản vẽ của trẻ trong tủ quần áo, ngăn kéo hay dưới hộc bàn, hãy tạo ra một “phòng trưng bày nghệ thuật” thực sự! Hãy để trẻ biết rằng bạn nâng niu, trân trọng và rất tự hào về chúng như thế nào. Không quan trọng là những đứa trẻ có trở thành tài năng thực sự hay không mà quan trọng hơn, khi lớn lên chúng sẽ thành một người nhiệt tình, biết yêu cái Đẹp. Và hơn hể chúng hiểu được cha mẹ đã yêu thương và ủng hộ chúng như thế nào.
Bài viết này dành riêng cho những bậc cha mẹ quan tâm tới việc hỗ trợ con cái sáng tạo muốn tìm cách bài trí những bức tranh của trẻ như thế nào. Với những gợi ý chúng tôi đưa ra, chắc chắn bạn sẽ có được một lựa chọn thích hợp.
1. Treo những bức tranh lên dây
Chỉ cần một chiếc dây treo chăng ngang trên tường, cộng thêm sự hỗ trợ của những chiếc kẹp là thế giới của bé đã có một không gian rộng rãi để tỏa sáng.
Những chiếc kẹp có hình dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu lại thêm màu sắc rực rỡ, bắt mắt sẽ tô điểm cho bộ sưu tập của bé thêm phần sinh động, tỏa sáng.
Cách bài trí này không ngốn của bạn nhiều diện tích nên bạn dễ dàng tìm được một góc trong nhà để xây dựng góc trưng bày. Nó thích hợp trong phòng trẻ khi chúng có thể tự treo lên những tác phẩm vừa hoàn thành, hơn nữa sống trong không gian đó, sáng tạo và thế giới tâm hồn của bé sẽ được nuôi dưỡng tốt hơn đấy!
Sử dụng chính mặt tường làm khung nền của bộ sưu tập, bạn chỉ cần vài chiếc đinh tán hoặc đinh chóp để gắn tranh lên bề mặt tường. Bạn có thể gắn lên nhiều vị trí khác nhau nhưng để tập trung, đảm bảo thẩm mỹ và tránh làm hư tổn tới bề mặt tường thì bạn có thể cần đến một cái bảng để ghim chúng lên. Nếu được, hãy trang trí thêm cho chiếc bảng bằng những sợi duy băng, dải màu sơn hoặc giấy dán tường… để bộ sưu tập được hỗ trợ một khung nền đẹp mắt nhé!
Giống như cách thức treo trên dây, việc sử dụng những chiếc đinh có mặt chóp dễ thương, bắt mắt giúp cho những bức tranh thêm phần thu hút, ấn tượng.
Đây là cách thức chiếm nhiều không gian hơn, tốn thêm chi phí cho khung ảnh phù hợp với từng bức tranh và bạn sẽ phải tốn công sức hơn trong việc tìm kiếm một góc trưng bày vừa vặn. Nhưng đổi lại, đây là cách thức bài trí trang trọng và nâng niu nhất đối với những tác phẩm của bé.
Việc lồng tranh vào khung giúp bức tranh được bảo quản tốt hơn, màu sắc bền lâu và hình dáng cũng giữ được gần như nguyên vẹn, tránh được những hư hại do ánh sáng, độ ẩm…
Kết hợp khung tranh với các giá lưu trữ hay các chi tiết trang trí khác giúp tạo ra một góc trưng bày độc đáo, quy mô và khá “hoành tráng” như một triển lãm mini. Các bé chắc chắn sẽ rất hài lòng và tự hào vì những gì chúng vẽ ra.
Ngoài những cách thức trên còn rất nhiều cách bài trí sáng tạo khác cho các bậc phụ huynh, đồng thời đây cũng là cách thể hiện cá tính riêng của họ. Đó là hình thức trưng bày trên các giá mở, kệ đỡ, thậm chí là từng “ngôi nhà riêng” độc đáo cho từng bức tranh. Bằng cách này hay cách khác, mỗi người đều cố gắng hỗ trợ hết mức nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi, một mảnh đất màu mỡ ươm mầm phát triển cho những chủ nhân tương lai. Qua đó thể hiện sự trân trọng, quan tâm và tình yêu thương của mình đối với con trẻ.