Những "bông hồng thép" thể hiện sâu sắc 8 chữ vàng Bác Hồ tặng phụ nữ Việt Nam, niềm tự hào của cả dân tộc

Khánh Hà,
Chia sẻ

"Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang", những phẩm chất đặc biệt ấy đã được thể hiện rõ nét qua cuộc đời và sự nghiệp của những người phụ nữ anh hùng này.

Trong những trang sử hào hùng của đất nước, người phụ nữ luôn chiếm một vị thế quan trọng. Từ những ngày đầu dựng nước, hình ảnh người phụ nữ đã gắn liền với sự kiên cường, mưu trí, không chỉ là hậu phương vững chắc trong mọi công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều người còn trực tiếp tham gia vào chiến trận. Họ là những người mẹ, những người chị, những người vợ anh dũng, không chỉ giữ lửa gia đình mà còn góp sức mình vào các phong trào cách mạng, từ việc tài trợ lương thực, chăm sóc bệnh binh, đến tham gia trực tiếp vào lực lượng vũ trang, thậm chí lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa. 

Qua từng thời kỳ, dù trong hoà bình hay chiến tranh, người phụ nữ Việt Nam vẫn không ngừng vươn lên, khẳng định vai trò của mình trên tất cả các phương diện: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Họ không chỉ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của gia đình mà còn là những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam đã không ngừng khẳng định vị thế của mình với bản lĩnh, trí tuệ và sự kiên cường. Câu chuyện về "4 tấm gương kiên trung" cùng với "8 chữ vàng" Bác Hồ dành tặng là nguồn cảm hứng vô tận, là niềm tự hào của dân tộc. 

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò và vị trí của người phụ nữ trong quá trình "dệt thêu non sông gấm vóc" ngày càng thêm tốt đẹp, rực rỡ. "Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng", "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại",...

Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Quốc tế phụ nữ, Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang". Tám chữ vàng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho thái độ, hành động, là hồn cốt cho nhân cách người phụ nữ Việt Nam. Họ, những người phụ nữ kiên trung, đã không chỉ góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là những bóng hồng làm rạng danh gia đình, cộng đồng. Cùng khắc sâu và phát huy tinh thần ấy, mỗi người phụ nữ Việt Nam hôm nay đang từng bước khẳng định mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, tiếp tục viết nên những trang sử mới, nguyện làm nên những tấm gương kiên trung, vững vàng trước mọi thách thức của thời đại.

Hôm nay, khi ánh nắng mùa thu dịu dàng tỏa sáng khắp dải đất hình chữ S, chúng ta đón mừng 94 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), một dấu mốc thời gian biểu tượng cho sức mạnh, trí tuệ và phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đây là dịp để tri ân và gợi nhớ về những bóng hồng đã đi vào lịch sử, những người phụ nữ điển hình đã thể hiện sâu sắc tám chữ vàng - phần thưởng tinh thần quý giá mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng. Họ như những ngôi sao sáng soi đường chỉ lối cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 1.

ANH HÙNG

Nữ tướng Nguyễn Thị Định

Tấm gương kiên trung đại diện cho hai chữ "Anh hùng" trong 8 chữ vàng của Bác Hồ chính là Nữ tướng Nguyễn Thị Định, còn được gọi là Út Định, Ba Định. Bà sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Bà tham gia cách mạng từ thuở 16 và chỉ trong vòng 2 năm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Cuộc đời của bà Nguyễn Thị Định nhiều thiệt thòi, và đó cũng chính là lý do khiến bà càng thêm động lực gia nhập cách mạng, quyết đánh đuổi kẻ thù. Năm 1940, sau khi sinh con được 3 ngày, bà cùng chồng đều bị địch bắt. Bà bị biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (hiện nay là tỉnh Bình Phước), đành phải gửi con về nhờ gia đình nuôi dưỡng. 

Suốt 3 năm bị giày vò ở nhà lao, bà vẫn kiên cường đến cùng cho đến năm 1943, bà lâm bệnh nặng khiến địch phải thả bà về quản lý tại địa phương. Tin dữ đến tiếp khi sức khỏe còn đang yếu ớt, bà hay tin chồng mất ngoài Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cũng trong thời gian này, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh Bến Tre, tham gia trực tiếp giành chính quyền ở TX. Bến Tre (nay là TP. Bến Tre) trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Vào tháng 3/1946, dù còn trẻ nhưng với ý chí kiên định và lòng yêu nước sâu sắc, bà Nguyễn Thị Định đã được chọn vào "Đoàn tàu không số huyền thoại" để báo cáo cho Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình cách mạng phía Nam. Bà đã chèo chống con tàu không số, vận chuyển 12 tấn vũ khí từ miền Bắc đến miền Nam, mở đầu cho sự hình thành của đường Hồ Chí Minh trên biển - một bước ngoặt quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. 

Từ 1947 - 1951, bà giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng như Tỉnh ủy viên, Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc Nam Bộ, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Mỏ Cày. Sau đó, từ 1952 - 1960, bà được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Hội trưởng Phụ nữ tỉnh, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. 

Bà cũng đã tích cực tham gia vào Hội nghị đại biểu các tỉnh tại căn cứ Tam Thường, Hồng Ngự, Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) vào tháng 12/1959 và giữ vai trò chủ chốt trong việc thực thi Nghị quyết 15 cùng chủ trương của Khu ủy Khu VIII thống nhất triển khai với phương châm "Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt".

Bà là nguồn cảm hứng thiêng liêng cho phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960 và dẫn đầu "Đội quân tóc dài" trong chiến lược "Ba mũi giáp công" chống kẻ địch. Từ năm 1961 - 1975, bà Nguyễn Thị Định đã tham gia vào các vị trí lãnh đạo cấp cao của Khu VIII như Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh các lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam và được phong hàm thiếu tướng vào năm 1974, khẳng định vị thế và đóng góp của bà trong lịch sử Việt Nam.

Sau khi đất nước được giải phóng, bà Nguyễn Thị Định tiếp tục để lại dấu ấn sâu đậm với nhiều trọng trách cao cả: Từ Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV - VI, đến Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII. Không chỉ dừng lại ở đó, bà còn đặt nền móng cho sự nghiệp lãnh đạo khi giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba. 

Bà Nguyễn Thị Định còn tích cực thúc đẩy các đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương: Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương "Vì Củng cố hòa bình giữa các dân tộc". Được tặng giải thưởng "Hòa bình Quốc tế Lê Nin". Được Đảng và Chính phủ Cuba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác. Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Năm 1995, sự nghiệp cách mạng của bà được ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cuộc đời cống hiến không mệt mỏi của bà đã khép lại vào ngày 26/8/1992, sau 56 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, để lại một tượng đài bất tử trong lòng dân tộc.

BẤT KHUẤT

Madame Bình "khiêu vũ giữa bầy sói"

Nguyễn Thị Bình, với biệt danh "Madame Bình" hay còn được nhắc đến với danh xưng "Nữ hoàng Việt Cộng", là cháu ngoại nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trên trường quốc tế qua vai trò là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, và đặc biệt qua hình ảnh người Trưởng phái đoàn đàm phán kiên trì, quyết đoán của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Hội nghị Paris trong giai đoạn 1968 - 1973.

Bà đã góp phần làm nên lịch sử, khi là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký Hiệp định Paris năm 1973, mở ra hòa bình cho dân tộc. Sự nghiệp chính trị của bà còn tiếp tục với cương vị Phó Chủ tịch nước từ 1992 đến 2002, khẳng định vai trò và vị thế của người phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Trưởng Phái đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời, vẫn luôn sáng rõ trong tâm trí của những người yêu chuộng Việt Nam, ủng hộ nền hòa bình thế giới.

Hình ảnh một phụ nữ Việt Nam mặc áo dài màu hồng sậm, khoác chiếc măng tô xám cùng chiếc khăn quàng màu đen chấm hoa đứng giữa rừng máy ảnh và biển người vây quanh ngay khi bà vừa bước xuống máy bay được xếp ở trang nhất các tờ báo nổi tiếng ở Paris năm 1968. Với phong thái lịch thiệp, thái độ thân thiện, hòa nhã, tự tin để lại ấn tượng mạnh với những người gặp và báo chí lúc đó, dường như đó là một "cái tát" vào mặt những kẻ nghĩ rằng đó là người từ xứ "An Nam nửa mùa".

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 7.

Chẳng phải tự nhiên, bà Nguyễn Thị Bình lại được "cầm trịch" phái đoàn, đại diện cho hình ảnh của đất nước Việt Nam trên bàn đàm phán. Người ta mến tặng bà những danh xưng mỹ miều, những ca từ đậm màu chính trị như "Nữ hoàng Việt Cộng" "khiêu vũ giữa bầy sói", đều có lý do cả.

Sinh ra và lớn lên từ vùng đất Sa Đéc mến khách, bà Nguyễn Thị Bình có tên khai sinh Nguyễn Thị Châu Sa, được thừa hưởng tinh thần bất khuất và lòng yêu nước từ chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Học tập tại trường Lycée Sisowath danh giá, bà sở hữu nền tảng văn hóa Pháp bậc cao. Từ ngưỡng cửa tuổi 17, sau sự ra đi của mẹ, bà đã nhanh chóng tham gia hành trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. 

Dù phải đối mặt với biến cố gia đình, Nguyễn Thị Châu Sa vững vàng trên con đường cách mạng, từ hoạt động sinh viên tại Sài Gòn cho tới bí danh Yến Sa trong hàng ngũ Việt Minh. Bị giam cầm và tra tấn khốc liệt bởi chế độ thực dân nhưng không khuất phục, bà tiếp tục cuộc đấu tranh sau khi được tự do, kiên định theo đuổi hòa bình, công lý theo Hiệp định Genève và được tôn vinh trong chương trình bồi dưỡng cán bộ, khẳng định ngọn lửa cách mạng không bao giờ tắt trong trái tim người phụ nữ Việt Nam.

Vào năm 1960, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã mở ra một chương mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Đến năm 1962, Nguyễn Thị Bình, với vai trò Ủy viên Trung ương Mặt trận và Phó Tổng thư ký Hội Phụ nữ Giải phóng, trở lại miền Nam, khẳng định vị thế và năng lực trong lĩnh vực đối ngoại. Năm 1963, chuyến thăm Trung Quốc nhận được sự đón tiếp của chính Mao Trạch Đông đã là một dấu mốc quan trọng. Cuối năm 1968 và đầu tháng 1/1969, từng bước thăng tiến qua vị trí Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris, bà Nguyễn Thị Bình chứng tỏ tầm nhìn chiến lược sâu rộng trước khi trở về nước làm cơ sở cho việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Ngày 6/6/1969, khi Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, một lần nữa thể hiện sự tài năng và quyết đoán của mình. Sự kiện này tiếp tục được thể hiện qua những cuộc họp báo tại Hội nghị 4 bên ở Paris, nơi bà được biết đến với biệt hiệu "Madame Bình", và nhất là khi bà đặt bút ký Hiệp định Paris năm 1973, tôn vinh bà là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, một dấu ấn lịch sử trong ngành ngoại giao nước nhà.

Trong suốt gần 5 năm đàm phán ở Hội nghị Paris căng thẳng, "Nữ hoàng Việt Cộng" Nguyễn Thị Bình đã khéo léo chinh phục lòng tin và sự ngưỡng mộ của quốc tế, kể cả từ phía Mỹ. Bà tỏa sáng qua hàng trăm cuộc họp báo, thể hiện sự tự tin, dịu dàng nhưng cũng kiên định, vững chắc. Sự thông thạo ngoại ngữ và trí tuệ sắc bén, cùng với tinh thần linh hoạt, nhã nhặn vốn có của phụ nữ Việt Nam, đã giúp bà thuyết phục được cả những họng kèn truyền thông khó tính nhất.

Các câu hỏi châm biếm từ phóng viên phương Tây không làm bà nao núng, mà ngược lại, bà đều đáp trả một cách linh hoạt và thông minh. Khi nhà báo hỏi "Bà có ở Đảng Cộng sản không?". Bà nhanh nhẹn trả lời: "Tôi thuộc Đảng yêu nước". "Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?", bà trả lời: "Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược". Nhà báo lại hỏi: "Vùng giải phóng ở đâu?". Bà Bình liền đáp lại: "Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?" - những câu trả lời tinh tế, sâu cay đã in sâu trong tâm trí mọi người.

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 9.

Bà luôn ý thức được mục tiêu quan trọng nhất trong mỗi cuộc đối thoại: Làm sao để người nghe phải ngấm ngầm đồng tình và hiểu sâu sắc về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Và bà biết, như một người phụ nữ khéo léo, mình có thể mở cánh cửa trái tim, để đối tác lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của mình.

Khi ký Hiệp định Paris, bà nhớ về những người đã hy sinh, những đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, và xúc động nghĩ về họ, mắt bà rưng rưng. Ký vào bản Hiệp định là một vinh dự lớn lao, một kỷ niệm sâu sắc không bao giờ phai mờ trong sự nghiệp ngoại giao của bà, là minh chứng cho 18 năm đấu tranh không mệt mỏi của dân tộc Việt Nam.

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 10.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Bình đã đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục, góp phần nâng cao trí thức cho thế hệ tương lai từ 1976-1987. Bà không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong việc chuyển giao giữa các vị trí lãnh đạo mà còn khẳng định vai trò nữ quyền trong chính trường Việt Nam qua cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1987 đến 1992). Bà còn là nhân vật quan trọng trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V và là Đại biểu Quốc hội liên tiếp từ khoá VI đến khoá X.

Năm 1992, bà Nguyễn Thị Bình được vinh dự bầu làm Phó chủ tịch nước, nắm giữ vị trí này trong suốt một thập kỷ, tiếp nối bà Nguyễn Thị Định để trở thành người phụ nữ thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ quốc gia. Dù đã chính thức nghỉ hưu vào năm 2002, bà vẫn tiếp tục cống hiến thông qua việc lãnh đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, sau đó là Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam từ năm 2003. Bà cũng được tôn vinh với tư cách Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam, thể hiện lòng quan tâm sâu sắc đối với những vấn đề xã hội. Năm 2001, bà đã được nhận Huân chương Hồ Chí Minh - một trong những vinh dự cao quý, minh chứng cho những đóng góp phi thường của bà đối với đất nước.

TRUNG HẬU

Nữ anh hùng Trần Thị Lý

Suốt một chặng đường dài bảo vệ hòa bình của dân tộc, lịch sử đất nước ta đã khắc ghi biết bao người phụ nữ anh hùng kiên cường, trung hậu, bất khuất. Và ở đó, cũng lưu tên nữ anh hùng Trần Thị Lý.

Anh hùng Trần Thị Lý (tên thật Trần Thị Nhâm), có bí danh Bích Ngọc, sinh năm 1933 đến từ quê hương Điện Quang, Quảng Nam. Nở rộ sức mạnh và tinh thần yêu nước từ thuở 12, Trần Thị Lý tham gia Thiếu nhi cứu quốc của xã. Sự dấn thân không mệt mỏi, từ những ngày đầu tại văn phòng Thanh niên cứu quốc huyện Điện Bàn, cho tới những nguy hiểm rình rập trong vai trò liên lạc bí mật tại Đà Nẵng, đã khắc họa nên hình tượng một chiến sĩ cách mạng kiên cường, không đầu hàng trước kẻ thù dù bị giam giữ, tra tấn dã man. 

Những năm tháng cùng đồng đội hoạt động trên quê hương, đồng chí Lý bị thực dân Pháp cùng tay sai địa phương vây bắt, đưa về giam tại đồn Vân Ly - Gò Nổi. Tháng 6/1956, đồng chí Lý bị địch bắt lần thứ 2, bị giam cầm và tra tấn vô cùng dã man nhưng chị vẫn kiên quyết không khai, bảo vệ đến cùng bí mật của Đảng và cơ sở cách mạng. Sau đó, chị được tự do. Chẳng bao lâu sau, đồng chí Lý lại bị bắt lần thứ 3 trong lúc làm nhiệm vụ vào tháng 6/1957. 

Địch sử dụng những hình thức tra tấn như "điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung" nhưng tinh thần thép của người con yêu nước trong chị không hề nao núng. Lúc sinh thời, chị Lý kể:

"Lần thứ ba tôi bị bắt trong một đợt tố cộng của địch ở địa phương tôi, và cũng là lần mà tôi phải chịu sự tra tấn tàn bạo nhất. Chúng giam tôi ở Hội An, trong một nhà lao chật ních những người kháng chiến.

Hai tên công an lưu động của chính quyền Ngô Đình Diệm tên là Sáng và Lợi từ Sài Gòn đặc phái đến nhà lao Hội An cùng với bọn công an của quận như các tên: Lịch, Chanh, Khánh, Lương, Thôi, Tre…liên tục tra tấn tôi hàng tháng trời. Chúng tuyên bố: Dùng phương pháp tra tấn Mỹ để đánh cho tiệt đường con cái, đánh cho tàn phế, đánh chết không đền mạng. Chúng lột trần tôi, căng người tôi lên một miếng ván, đổ nước xà phòng và một thứ nước bẩn thỉu nhất vào mồm, vào mũi tôi, rồi thay nhau đi giày đinh giẫm lên bụng, lên ngực tôi. Máu và nước ộc ra, tôi chết ngất nhiều lần. 

Chúng lấy móc sắt xiên ngang bàn chân tôi treo ngược lên xà nhà, dùng điện quay vào vú, vào cửa mình tôi, lấy dao xẻo tùng mảng thịt ở đùi non, ở vú, ở bắp chân, ở cánh tay tôi, lấy thước thọc mạnh vào âm hộ tôi, bứt từng mảng tóc tôi và nắm tai tôi lôi đi hàng chục thước, rồi nung kìm sắt đỏ cặp vào các bắp thịt tôi, rứt ra từng miếng cháy xèo xèo… Cứ thế, những hình thức tra tấn kéo dài hàng tháng trời, thân hình tôi đầy những vết thương. Mục đích của bọn tra tấn là bắt tôi phải nhận là "thân cộng", là hoạt động chống lại "Chính phủ quốc gia", phải vu cáo những người kháng chiến cũ…" - trích báo Quảng Nam.

Đến tháng 10/1958, đồng chí Lý bị đánh đập, tra tấn đến kiệt sức, quân địch tưởng rằng chị sắp chết nên ném chị ra ngoài bãi bên cạnh nhà lao. Đồng chí Lý đã được cơ sở đưa về nhà chăm sóc rồi tổ chức đã đưa ra miền Bắc để cứu chữa các vết thương man rợ trên người chị.

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 12.

Báo Dân Trí từng có bài viết đưa tin, giữa năm 1958, Bệnh viện Việt-Xô tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: "Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê Miền Nam, cân nặng: 26kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục".

Người ta thường nói phụ nữ là để yêu thương, nhưng hãy tưởng tượng mà xem, bị hành hạ, tra tấn tàn bạo, có ai mà không xót xa cho một người con gái trung hậu, gan dạ đến như vậy. Và cũng chính nỗi đau róc xương xẻ thịt ấy đã khiến nhà thơ Tố Hữu bật khóc khi vào thăm chị Lý.

Bài thơ nổi tiếng Người con gái Việt Nam của ông cũng là dành cho đồng chí Trần Thị Lý.

"Em là ai? Cô gái hay nàng tiên

Em có tuổi hay không có tuổi

Mái tóc em đây, là mây hay là suối

Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

Thịt da em hay là sắt là đồng?"

... "Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi em đã sống!

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!"

... "Từ cõi chết, em trở về, chói lọi

Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi

Em trở về, người con gái quang vinh

Cả nước ôm em, khúc ruột của mình".

- Trích Người con gái Việt Nam -

Có lẽ những nỗi đau, thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua đã là ngọn lửa thôi thúc tinh thần bất khuất, khiến Trần Thị Lý trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí và lòng yêu nước sâu sắc, đáng được tôn vinh là Anh hùng.

Trong thời gian dưỡng bệnh tại Hà Nội, đồng chí Lý có cảm tình với một thương binh đồng hương tên Tuấn - là một kỹ sư vô tuyến. Hai người đã có một đám cưới giản dị vào mùa xuân năm 1978. Nhưng do di chứng tra tấn nặng nề, đồng chí Lý đã mất khả năng sinh con, hai người có nhận một người con gái nuôi.

Năm 1992, những vết thương hiểm nghèo của đồng chí Lý tái phát và chị đã qua đời tại Bệnh viện C, Đà Nẵng. Ngày 2/2/1992, với những cống hiến của mình, đồng chí Trần Thị Lý được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tấm gương kiên cường, trung hậu, bất khuất của đồng chí Trần Thị Lý không chỉ là nguồn cảm hứng cho thơ ca, phim ảnh mà tên của đồng chí còn được đặt cho một cây cầu lớn bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, cũng là một trong những cây cầu biểu tượng của thành phố Đà Nẵng: Cầu Trần Thị Lý.

ĐẢM ĐANG

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Suốt

Mẹ Nguyễn Thị Suốt (1908-1968), thường gọi thân thiết là Mẹ Suốt. Mẹ là nữ Anh hùng Lao động trong Chiến tranh Việt Nam. Trong dòng sông lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, hình ảnh Mẹ Suốt lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964-1967 khiến bất cứ ai cũng phải rưng rưng xúc động.

Mẹ Suốt sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo tại Quảng Bình. Từ nhỏ, Mẹ Suốt đã phải đi ở đợ suốt 18 năm. Sau Cách mạng Tháng Tám, Mẹ Suốt mới lấy chồng và làm nghề chèo đò kiếm sống. 

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 8.

Đồng Hới là vị trí đầu tiên Mỹ chọn làm nơi trọng điểm đánh phá nhằm làm hao nhụt ý chí xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam của dân ta, đồng thời cũng hòng phá hủy mảnh đất xinh đẹp bên bờ sông Nhật Lệ.

Lúc này, Mẹ Suốt đã 60 tuổi. Đi theo tiếng gọi của quê hương, đồng bào, Mẹ Suốt xung phong nhận việc chèo đò qua sông Nhật Lệ, hết mình hoàn thành nhiệm vụ "Phòng cháy chữa cháy, cấp cứu tải thương và giao thông đi lại".

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 9.

Trải qua ngày Tết Ất Tị năm 1965, Đồng Hới - thị xã yên bình, bất ngờ chịu sự tàn phá dữ dội từ hơn 160 cuộc không kích của quân Mỹ. Cả làng chài bé nhỏ Bảo Ninh, nơi Mẹ Suốt sinh sống cũng kiên cường đứng lên chiến đấu. Dù máy bay bắn phá, bom rơi đạn lạc, sục xuống dòng sông đục ngầu những cột nước dữ dội, Mẹ Suốt vẫn một mình chèo đò giữa mưa bom, bão đạn, vừa chuyển đạn ra tàu chiến vừa giữ vững tuyến liên lạc giữa Đồng Hới và Bảo Ninh. Sau trận chiến kinh hoàng ấy, những chuyến đò của Mẹ Suốt vẫn tiếp tục đón đưa cán bộ, bộ đội, người dân qua đôi bờ trong những năm tháng đánh Mỹ đầy cam go. Ước tính tổng cộng mỗi năm Mẹ Suốt qua lại đến 1400 chuyến.

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 10.

Sau Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV tháng 1/1967, Bác Hồ gặp mặt đoàn Quảng Bình. Trong buổi gặp này có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tiếp đó, Bác Hồ còn gặp riêng 5 nữ anh hùng của "đất lửa" Quảng Bình, gồm: Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Thị Khíu, Trần Thị Lý, Trương Thị Diên, Nguyễn Thị Kim Huế. Đại tướng tặng Mẹ Suốt rất nhiều quà gửi về biếu bà con, đơn thuần là bánh kẹo, thuốc lá. Đại tướng cũng tặng riêng Mẹ một tấm lụa để may áo. Tấm vải lụa ấy trân quý với Mẹ Suốt nhường nào, Mẹ cất thật kỹ chẳng chịu may.

Mẹ Suốt, với những chiến công vang dội, đã được vinh danh là Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước vào đầu năm 1967, và mãi mãi là biểu tượng của lòng quả cảm, của tinh thần cách mạng không khoan nhượng. Một năm sau, Mẹ Suốt hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Khi Mẹ mất vào năm 1968, con cháu cũng gửi theo tấm vải lụa Mẹ được Đại tướng tặng lúc sinh thời.

Mẹ Suốt là biểu tượng cho sự "Đảm đang" - là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng và trung dũng. Dù trong thời bình, "Bến đò Mẹ Suốt" vẫn là nơi người dân tự hào và biết ơn Mẹ. Tượng đài Mẹ Suốt giờ đây đứng sừng sững tại Đồng Hới, là điểm đến tưởng niệm, là niềm tự hào, khắc sâu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong trái tim nhân dân Quảng Bình và toàn thể đất nước. 

4 tấm gương kiên trung với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam - Ảnh 11.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng sáng tác bài thơ về Mẹ Suốt thế này:

"Lặng nghe mẹ kể ngày xưa

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh

Mênh mông sông biển, lênh đênh mạn thuyền

Sớm chiều, nước xuống triều lên

Cực thân từ thuở mới lên chín mười

Lớn đi ở bốn cửa người

Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua

Lấy chồng, cũng khổ con ra

Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!

Nghĩ mà thương mẹ cha sinh

Thương chồng con lại thương mình xót xa

Bây chừ sông nước về ta

Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào

Bây giờ biển rộng trời cao

Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!

Ông nhà theo bạn "xuất quân"

Tui nay cũng được vô chân "sẵn sàng"

Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng gió tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!

Kể chi tuổi tác già nua

Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...

Gan chi gan rứa, mẹ nờ?

Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?

Chẳng bằng con gái, con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò...

Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:

Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?

Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu

Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!

Nghe ra, ông cũng vui lòng

Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:

"Coi chừng sóng lớn, gió to

Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!"

Vui sao, câu chuyện ơn tình

Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say...".

"Tứ nữ anh hùng" - Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Suốt, đã hoá thân thành tám chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu dành tặng: "Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang". Mỗi người, một số phận riêng biệt, ngọn lửa tài năng rực rỡ, và một hoàn cảnh đời sống đặc thù; nhưng tất cả đều hướng về một lý tưởng chung cao cả - vì nước, vì dân, vì hòa bình và độc lập tự do của dân tộc. Họ là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời không chỉ cho người phụ nữ Việt Nam mà còn cho cả dân tộc, là minh chứng sống động cho tinh thần đảm đang, trung hậu, anh hùng và bất khuất của người phụ nữ trong mỗi giai đoạn lịch sử. Họ là những vì sao sáng mãi trong bầu trời cách mạng Việt Nam, là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Chia sẻ