Những bộ phim Việt hay dành cho gia đình (P.1)

Minh Lê,
Chia sẻ

5 bộ phim màn ảnh rộng Việt Nam đáng để bạn xem cùng với gia đình mình.

1. Mẹ vắng nhà

Mẹ vắng nhà vốn là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi. Khi chuyển thể thành phim, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư giữ nguyên hồn cốt, tinh thần và vẫn thu hút được sự yêu mến của mọi người như truyện ngắn cùng tên.


Mẹ vắng nhà không chỉ nêu bật được tình yêu thương của một người mẹ dành cho các con mà còn nói lên lòng trung thành và tình yêu quê hương đất nước của người phụ nữ dũng cảm. Bà mẹ trong Mẹ vắng nhà không chỉ là tấm gương sáng, là niềm tự hào của các con mình mà còn là đại diện tiêu biểu của rất nhiều người mẹ thời chiến.

2. Tướng về hưu

Nhắc đến truyện ngắn Tướng về hưu là người ta nhớ đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tài hoa và thừa nhận tác phẩm này mang lại danh tiếng khó quên cho ông trên văn đàn Việt Nam. Tương tự, bộ phim Tướng về hưu đã đem lại thành công đáng lưu ý cho sự nghiệp đạo diễn của Nguyễn Khắc Lợi.


Bộ phim là câu chuyện đau xót kể về những mối quan hệ tình cảm gia đình đã mất đi trong cơn lốc của thời mở cửa, một vị tướng rời quân ngũ trở về gia đình và hoàn toàn lạc lõng trong đời sống đang thay đổi với những giá trị bị đảo lộn hàng ngày và bị đồng tiền chi phối mạnh mẽ.

Tuy nói về sự biến đổi, chuyển giao từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường những năm 80 nhưng phim vẫn là bài học nhân văn sâu sắc cho những ai là con trai, con dâu, con rể, con gái…, giúp họ thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với bậc sinh thành ở bất cứ thời đại nào.

3. Đời cát

Vì hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, ông Cảnh lưu lạc nơi xứ người và có con với một người phụ nữ. Họ sẽ là gia đình hạnh phúc nếu ông Cảnh không áy náy với người vợ đầu tiên của mình – người đã đợi chờ ông suốt bao nhiêu năm tháng.


Gặp lại người vợ đầu, ông Cảnh cố gắng nhen nhóm lại chút tình nghĩa vợ chồng, nhưng dường như tình yêu ở bà Thoa đã lụi tàn theo tuổi tác và thời gian. Chỉ đến khi người vợ hai khăn gói vào thăm ông Cảnh, chung sống dưới một mái nhà, bà Thoa mới đánh thức lòng ghen trong mình.

Chứng kiến sự hạnh phúc của chồng khi bên người vợ hai, bà Thoa đã cố gắng kìm nén những cơn “bão lòng”, sự cô đơn để hy sinh cho chồng. Hình ảnh bà Thoa mua vé đẩy ông Cảnh lên tàu về sống với vợ hai khiến cho người xem phim Đời Cát rưng rưng xúc động.

Đời cát đã đánh trúng nỗi lòng của biết bao thế hệ phụ nữ là vợ, là mẹ trong thời chiến ác liệt. Họ thủy chung đợi chờ chồng không một tiếng than mặc cho những mất mát bủa vây trong cuộc đời.

4. Áo lụa Hà Đông

Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh là câu chuyện xúc động kể về hành trình vượt lên những đói nghèo, mất mát của cặp vợ chồng anh chàng gù và cô vợ tên Dần. Đức hy sinh của người vợ đã làm lay động con tim hàng triệu khán giả hâm mộ điện ảnh. Dần đi từ gian khó, sự khinh rẻ của mọi người để vươn lên trở thành hình mẫu tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam luôn sống có niềm tin và khát vọng tương lai.


Áo lụa Hà Đông cũng là bộ phim nêu bật được tình cảm gia đình đầm ấm. Từ tình vợ chồng son sắt cho đến tình cha con, tình mẫu tử sâu sắc. Nỗi đau mất mát của Dần khi chứng kiến cảnh mất con khiến người người rơi lệ, bởi sau những tang thương quá khứ, cô Dần lại bước tiếp cảnh đời éo le mất mát.

Đọng lại trong tâm trí người xem vẫn là hình ảnh gia đình Gù – Dần dù nghèo khó nhưng luôn ngập tràn yêu thương.

5. Cánh đồng bất tận

Cánh đồng bất tận là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm văn học này đã chinh phục nhiều độc giả bởi cái nhìn dữ dội nhưng cũng đầy tính nhân văn. Khi được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể thành phim, Cánh đồng bất tận cũng ăn khách không kém.

Sống giữa sự cay nghiệt, lạnh lùng của người cha, Nương và Điền luôn dè chừng nhưng vẫn kính trọng và thương ông. Chúng khát khao tình cảm gia đình thực sự dù đã nếm trải bao cay đắng từ thuở ấu thơ. Nhưng rốt cuộc cái chúng nhận được lại là sự tàn nhẫn đến ghê người của ông Võ – người cha nát rượu mang nỗi hận với đàn bà.


Xem Cánh đồng bất tận, khán giả thấy được nỗi khát khao hơi ấm gia đình đến mức quặn lòng mà không đạt được của lũ trẻ mới lớn. Đến cả cô gái điếm Sương dù nay đây mai đó nhưng ước mơ lớn nhất vẫn là một tổ ấm bình yên để đi về.

Chia sẻ