Những bộ ảnh cảm động về nghị lực của người Việt khiến hàng triệu trái tim thổn thức
Dưới góc nhìn của các nhiếp ảnh gia, nhiều bộ ảnh cảm động về cuộc sống khó khăn và nghị lực đặc biệt của người Việt Nam đã được truyền tải khắp thế giới, khiến hàng triệu người đã phải cảm động khi xem chúng.
Trên thế giới có hàng triệu con người nghèo khổ, hàng triệu hoàn cảnh éo le, nhưng trong số đó, liệu có mấy ai can đảm dám vượt qua khó khăn, đối mặt với thử thách và không bao giờ buông xuôi? Chính vì thế mà những hoàn cảnh, trường hợp ấy thường là những bài học vô giá, dễ đi vào lòng người mà khiến bất cứ ai được nghe, đọc hay chứng kiến qua cũng đều khó có thể nào quên.
Việt Nam từng có rất nhiều câu chuyện về những gia đình, cá nhân đặc biệt, có hoàn cảnh và cuộc sống tưởng chừng như bế tắc. Nhưng đâu đó trong suy nghĩ và cách hành xử của họ sau khi được truyền tải bằng những bộ ảnh cảm động tuyệt đẹp, đã khiến rất hàng triệu người trên thế giới thổn thức và nhận ra vô số giá trị to lớn khác như tình mẫu tử, sự dũng cảm,... ẩn chứa trong cuộc sống đời thật của những con người nhỏ bé ấy.
Cô bé Việt Nam cụt chân từng ám ảnh nhiều người Mỹ
Vào những năm 1968, một trong những câu chuyện từng khiến cả thế giới cảm động, đặc biệt là người Mỹ đã bị ám ảnh đến cùng cực, sau khi xem xong bộ ảnh về hoàn cảnh của một bé gái người Việt Nam bị cụt chân do bom đạn từ máy bay lính Mỹ rơi trúng trong thời chiến.
Nhân vật chính tên là Nguyễn Thị Tròn, 12 tuổi. Khi đó Tròn đi tản cư cùng bố, mẹ của mình đến sống tại làng An Diên, gần căn cứ Khai Khê (thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương hiện nay). Trong ngày định mệnh, Tròn quyết định đi hái rau rừng để mang ra chợ bán. Trước khi đi, Tròn còn hứa với em trai và em gái của mình rằng sẽ mua quà sau khi bán được rau. Không ngờ trong lúc vào rừng, Tròn đã vô tình đến phải khu "Free-fire-zone" - nơi lính Mỹ thời đấy cho rằng tất cả những vật thể di chuyển qua đó đều có thể là địch và hoàn toàn có quyền khai hỏa để tiêu diệt ngay lập tức. Ngay lúc đó đội trực thăng của Mỹ liền xuất hiện và bắn xối xả, khiến đạn găm thẳng vào chân của Tròn. Mãi cho đến khi lính Mỹ tiến đến gần khu vực, họ mới ngỡ ngàng phát hiện đây không phải là kẻ địch, mà chỉ là một cô bé bình thường nên liền đưa Tròn vào trực thăng chở đến bệnh viện ở Củ Chi để cứu chữa.
Đến bệnh viện, Tròn được các bác sĩ tại đây tận tình chăm sóc và giúp em lắp một chân giả. Sĩ quan Mỹ còn đưa khoản tiền tương đương 35 USD để bồi thường cho Tròn sau tai nạn. Nhưng đến gần 1/3 số tiền đó đã được Tròn dùng để trả cho việc truyền máu ở bệnh viện.
Về bản thân Tròn, hàng ngày em vẫn cứ tập đi trên đôi chân không vững ấy, với từng bước từng bước một. Dần dần Tròn học được cách đứng, cách đi, cách chạy và cả đạp xe trước sự ngỡ ngàng của những người thời đó. Bởi với một người như em từng suýt chết trở về, trải qua những cuộc phẫu thuật đầy đau đớn mà cuối cùng vẫn có thể tiếp tục sống một cách vui vẻ là một điều hết sức khâm phục.
Toàn bộ quá trình đó của Tròn đã được một phóng viên người Mỹ tên Larry Burrows ghi nhận lại một cách cận cảnh và chi tiết. Bộ ảnh cảm động ấy đã được mang về Mỹ và đăng trên trang tạp chí LIFE năm 1968. Sau đó, hàng loạt những tờ báo lớn ở nhiều nước khác đã cùng đăng lại và gây xôn xao một thời. Mãi cho đến nay, câu chuyện và những bức ảnh về cô bé một chân Nguyễn Thị Tròn, thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại như một trong những nạn nhân vô tội và nghị lực ở thời chiến.
Tình mẫu tử của người mẹ điên trên cầu Long Biên
Một câu chuyện gần hơn vào năm 2007, cũng đã lấy đi không ít nước mắt của nhiều người, đặc biệt là những người phụ nữ đang làm mẹ. Bài viết và bộ ảnh mang tên "Mùi và Phả" xuất hiện lần đầu trên blog của một phóng viên tên Justin Maxon (SN 1983). Anh từng là tác giả của những câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ cho các tờ báo uy tín thế giới như: TIME, Rolling Stone, Newsweek, Mother Jones Magazine, Fader Magazine, The New York Times, và NPR.
Bài viết bắt đầu vào năm 2007, khi đó Justin chỉ còn đang là một sinh viên. Anh đến Việt Nam du lịch bằng số tiền tiết kiệm được sau khi hoàn thành một dự án chụp ảnh về những người vô gia cư ở New Orleans sau cơn bão Katrina. Vô tình một hôm lang thang quanh Hà Nội, Justin phát hiện một người phụ nữ mặc mỗi chiếc quần soọc, ôm theo đứa trẻ đứng ở cầu Long Biên. Với Justin cảnh tượng này khá là kỳ lạ, anh cho rằng: "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì giống như thế. Đó là một điều khá lạ lẫm ở đất nước của tôi. Vì thế tôi đã tò mò và quyết định đi theo hai mẹ con họ để khám phá mối liên hệ giữa tình mẫu tử".
Sau nhiều lần cố gắng tiếp xúc, Justin mới biết được người phụ nữ ấy tên là Lê Thị Mùi (42 tuổi), và cậu bé tên là Trần Văn Phả (5 tuổi). Cả hai mẹ con đã sống trong hoàn cảnh vô gia cư liên tục 5 năm qua vì chồng đã chết, và bỏ lại gia đình sau khi mắc căn bệnh AIDS vì hút heroin. Bản thân cô lại mắc trong người căn bệnh tâm thần và bị lây nhiễm HIV. Trong cảnh túng quẫn, không tiền, không bạc nên cô Mùi đành mang theo đứa con lang thang nay đây mai đó. Dù mỗi ngày cô phải đối mặt với rất nhiều thử thách như sợ bị công an bắt, sợ không thể tồn tại và cả đứa con trai bé bỏng với tương lai tươi sáng đang dần biến mất.
Justin kể, thói quen của cô Mùi vào mỗi sáng đó là dắt bé Phả đi dạo cầu Long Biên tập thể dục, còn cô thì ngồi thẫn thờ ngắm dòng sông Hồng cứ trôi. Tối đến hai mẹ con lại ngủ bụi trên một con phố gần Ga Long Biên. Sống khó khăn là thế, nhưng những lúc cô Mùi không lên cơn điên loạn thì sẽ lang thang dọc theo bờ sông tìm nhặt ống tiêm bị quăng bừa bãi. Cô bỏ hàng giờ mỗi ngày để làm những việc đó với niềm tin rằng "tôi đang giúp mọi người xung quanh bằng cách của mình".
Nhìn cô Mùi và bé Phả tuy không có gì, nghèo đói, khổ sở, nhưng chẳng hiểu sao cả hai mẹ con lúc nào cũng quấn quýt lấy nhau. Cô Mùi có khi lên cơn điên loạn, nhưng vẫn nghĩ về đứa con, vẫn biết cách chăm sóc và không hại con bao giờ. Chính những điều kỳ diệu về tình mẫu tử đó, những hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng vô tận đó đã khiến Justin cảm động và anh dành hẳn một vài viết và một chùm ảnh thật đẹp về "Mùi và Phả". Bài viết đã được "share" đi khắp nơi, lan từ California đến tận Việt Nam và rất nhiều người đã đi tìm gặp "Mùi và Phả" để được giúp đỡ cho họ.
"Mùi và Phả" đã được mang đi trưng bày tại triển lãm tại Chobi Mela ở Bangladesh, Lodz tại Ba Lan, New York ở Dumbo và Slovenia, sau đó còn được trình chiếu tại Liên hoan LookBetween ở Charlottesville, Ngày nhiếp ảnh ở Istanbul và Liên hoan Ảnh Bursa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng nhờ "Mùi và Phả" mà sự nghiệp chụp ảnh của Justin ngày càng phát triển và thành công vang dội. Anh bắt đầu trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Các bức ảnh của anh chụp được các chuyên gia tại Mỹ đánh giá rất cao và thường xuyên nhận được các giải thưởng về nhiếp ảnh lớn của thế giới.
Vài năm sau, nhờ sự ảnh hưởng từ bài viết của Justin mà cuộc sống của "Mùi và Phả" đã cải thiện hơn. Cô đã có một người chồng thật sự yêu thương mình, và sinh một cô con gái kháu khỉnh. Đây có thể xem là một kết cục đẹp cho tình mẫu tử thiêng liêng.
Cậu bé khóc trong đau đớn vì sự nghèo của y tế xã
Tuy không phải là một bộ ảnh do người nước ngoài thực hiện, nhưng bộ ảnh mang tên "Cấp cứu tuyến xã" do nhiếp ảnh gia Đoàn Kỳ Thanh thực hiện vào năm 2012 cũng đã gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc, khiến người xem phải suy ngẫm nhiều về cuộc sống y tế quá "nghèo nàn" trong một xã hội hiện đại như ngày nay, khiến con người của những vùng sâu vùng xa chịu không ít thiệt thòi.
Bộ ảnh được thực hiện trong một lần vô tình tác giả đang trên đường vào Huế công tác, nhìn thấy bé Luân (12 tuổi) đang được bố hối hả chở bằng xe đạp đến trạm cấp cứu gần đó nên đã bám theo. Như người bố kể, Luân cùng ông vào rừng làm việc thì bị một vết chém khá sâu vào chân phải. Ngay lập tức ông đã mang Luân đến trạm xá để cứu chữa. Trớ trêu sao ngay lúc đó trạm xá đã hết chỉ khâu y tế, và do nằm ở nơi hẻo lánh, nghèo nàn nên đến cả thuốc tê hay thuốc mê cũng không có. Buộc lòng các y sĩ tại đây phải tiến hành khâu sống 12 mà hoàn toàn không có thuốc gây tê nào cho Luân.
Cậu bé đã nằm trên giường nhăn nhó, ôm chặt lấy lưng bố và khóc như muốn ngất vì quá đau đớn. Chính những khoảnh khắc, hình ảnh này do Kỳ Thanh ghi nhận lại đã khiến biết bao người phải rùng mình và suy ngẫm thật nhiều về điều kiện sống hiện nay của người miền núi và vùng quê xa xôi.