Những biểu tượng một thời bị khai tử
Thế kỷ trước đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt phát minh mang tính biểu tượng như radio, tivi, máy tính, điện thoại iPhone… Cũng trong 100 năm đó, nhiều tên tuổi lẫy lừng bị chôn vùi.
Dưới đây là một số sản phẩm, công nghệ, đồ điện tử… từng là biểu tượng làm mưa làm gió thế kỷ trước nhưng cuối cùng phải nhường chỗ cho những công nghệ hoặc đột phá mới hơn.
Năm 1919: Điện thoại quay số
Khi Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại vào năm 1876, có lẽ ông không tưởng tượng nổi nó sẽ phát triển đến thế nào. Năm 1919, công ty Điện thoại American Bell ra mắt dịch vụ toàn quốc dành cho điện thoại quay số, biến nó thành điện thoại đầu tiên do người dùng kiểm soát được sản xuất quy mô lớn.
Đến khi điện thoại bấm số được trình làng vào năm 1963, điện thoại quay số cũng dần mất chỗ đứng.
Ảnh: PIxabay
Năm 1922: Máy hát quay tay Yamaha
Chiếc máy hát quay tay của Yamaha từng là thiết bị tạo cảm hứng cho giải thưởng danh giá Grammy. Cùng với sự phát triển của công nghệ âm thanh trong thế kỷ XX, đặc biệt là phát minh ra radio, máy hát dần cải biến thành máy quay đĩa hát mà chúng ta biết ngày nay.
Ảnh: PIxabay
Năm 1926: Tivi CRT
Nhà sáng chế người Scotland John Lodgie Baird tạo ra được chiếc tivi đầu tiên hoạt động theo nguyên lý ống phóng chùm điện tử (CRT). Sử dụng công nghệ màn hình tivi lâu đời nhất, tivi CRT vẫn còn rất phổ biến cho tới thế kỷ XXI, mãi đến khi LCD và các công nghệ màn hình khác lên ngôi. Sony dừng sản xuất tivi CRT vào năm 2008.
Ảnh: PIxabay
Năm 1927: "Phổi sắt"
Các nhà nghiên cứu y khoa của Trường ĐH Harvard là Philip Drinker và Louis Agassiz Shaw đã phát minh ra "phổi sắt" để hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh bại liệt tại bệnh viện Bellevue ở TP New York - Mỹ. Thiết bị hỗ trợ hô hấp này được dùng rộng rãi trong các đợt bùng phát bại liệt những năm 1940 và 1950 cho tới khi phải rút lui hoàn toàn trước sự ra đời của máy trợ thở.
Ảnh: Cơ quan Quản ly thực phẩm và dược phẩm Mỹ
Năm 1942: Tờ đô-la Hawaii
Sau khi Trân Châu cảng bị tấn công, chính phủ Mỹ lo ngại quân Nhật Bản sẽ chiếm Hawaii và dùng nơi này làm bàn đạp tấn công đất liền Mỹ. Để ngăn chặn kịch bản quân Nhật tịch thu đồng tiền của Mỹ, chính phủ liên bang đã thu hồi tất cả tiền bạc của Mỹ trên hòn đảo và in các tờ tiền với từ "Hawaii" in chồng lên.
Đến tháng 10-1944, nhận thấy mối đe dọa đã qua, chính phủ Mỹ ngừng lưu hành "tiền Hawaii".
Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Mỹ
Năm 1945: Tờ bạc 500 USD
Tờ bạc 500 USD cuối cùng được in vào năm 1945 và ngừng lưu hành vào năm 1969. Trên tờ bạc này in hình Tổng thống William McKinley.
Ảnh: Wikimedia Commons
Năm 1950: Điều khiển từ xa đời đầu
Zenith là hãng tiên phong chế tạo điều khiển tivi từ xa. Mở đầu là điều khiển mang tên Lazy Bones, nối với tivi bằng dây cáp. Người ta thích việc điều khiển được tivi từ xa nhưng nhiều người hay vấp phải sợi dây cáp. Lazy Bones nhanh chóng được thay thế bằng Flash-Matic, điều khiển từ xa không dây đầu tiên, và sau đó là Space Command.
Ảnh: Flickr
Năm 1967: Ổ đĩa mềm
Kỹ sư Alan Shugart sáng chế ra ổ đĩa mềm khi làm việc tại hãng IBM vào năm 1967. Sony là hãng cuối cùng còn sản xuất đĩa mềm trước khi ngừng hẳn vào năm 2011.
Ảnh: Flickr
Năm 1979: Sony Walkman
Rất lâu trước khi đĩa CD, MP3 và nhạc trực tuyến ra đời, Sony Walkman là thiết bị mở đường cho trào lưu nghe nhạc mọi lúc mọi nơi. Hơn 200 triệu máy Sony Walkman đã được bán trước khi Sony cho dòng máy nghe băng cassette truyền thống Walkman "nghỉ hưu" vào năm 2010.
Ảnh: Wikimedia Commons
2001: Điện thoại Sony Ericsson
Sony Ericsson t68 là một trong những dòng điện thoại đi trước thời đại nhất trong kỷ nguyên của nó. Đây là một trong những điện thoại di động đầu tiên có màn hình màu và một nút camera tùy chọn. Tuy nhiên, những nâng cấp không ngừng cùng các tiến bộ trong công nghệ điện thoại đã khiến mẫu t68 "biến mất" gần như ngay lập tức.
T68 được tung ra vào dịp Giáng sinh năm 2001 và phiên bản nâng cấp t68i ra mắt năm 2002.
Ảnh: Wikimedia Commons
2007: iPhone gốc
Khi iPhone được trình làng vào năm 2007, nó có giá 499 USD cho phiên bản 4 GB và 599 USD cho phiên bản 8 GB. Trong năm đầu tiên, iPhone đời đầu bán được hơn 1,9 triệu chiếc.
Ảnh: Wikimedia Commons