Những bí mật gây sốc của gái bán thân

,
Chia sẻ

14 tuổi, cô đã bị bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông 50 tuổi. Trốn được về Việt Nam, nhưng không được xã hội đón nhận, cô đã nhắm mắt đưa chân vào con đường bán thân.

Nước mắt tuổi thơ ám ảnh cả đời

Vũ Thị Lụa – cô gái đang ngồi trước mặt tôi không hề trang điểm. Đó là khi cô đã vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 – Ba Vì – Hà Nội. Tôi thử hình dung, cô gái có phần hơi đậm người này khi son phấn sẽ trông như thế nào. Chắc hẳn sẽ xinh xẻo hơn, thu hút hơn khuôn mặt nhợt nhạt đang hiện hữu. Thói thường, khi đi làm cái việc này, người ta thường dùng cái tên nào thật kêu như thể chuông ngân để thu hút bạn tình, thế nhưng với Lụa thì khác. Cô tên thật là Vũ Minh Trang, sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Duy Tiên – Hà Nam. Thế nhưng, cô thích mọi người gọi mình là Lụa. Hỏi nhiều lần, Lụa mới bộc bạch: Tên Trang đẹp, nhưng hồi nhỏ, ở nhà bố mẹ vẫn gọi là Lụa nên đi đâu cô cũng thích mọi người gọi mình là Lụa. “Gọi như vậy, thấy bớt cô đơn hơn”.

13 tuổi, Lụa bị lừa bán sang Trung Quốc bởi một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ. Buổi sáng hôm đó, Lụa cùng những đứa bạn cùng xóm đi chăn trâu ngoài đồng. Mấy đứa đang túm tụm ngồi đọc truyện thì có người phụ nữ lạ tới bắt chuyện. Hứa hẹn về món đồ chơi đẹp, về quyển sách mới, về những cuốn vở thơm tho khiến Lụa và chúng bạn háo hức. Cái tuổi còn quá non nớt và mỏng manh để không xiêu lòng trước những cám dỗ mê hoặc. Cho tới khi nghe tiếng xì xồ hoàn toàn xa lạ, thêm giọng người đàn bà nọ “Chúng mày bị bán sang Trung Quốc rồi”, Lụa và hai người bạn gái mới thật sự hốt hoảng, ôm nhau khóc nức nở trong sợ hãi. Lụa bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc, giá cả thế nào cô cũng chẳng biết, chỉ biết cô đã trở thành vợ của một người đàn ông 43 tuổi.
 
Cái nhiệm vụ của Lụa khi ở cùng người đàn ông kia là ban ngày cơm nước, dọn dẹp nhà cửa như người vợ hiền còn ban đêm thì chiều chuộng hắn. Sau đó là những đêm dài khóc lóc van xin “chồng hờ” đừng làm đau mình, xin cho mình trở về với mẹ mà cho tới giờ, khi kể lại, câu chuyện kinh hoàng ấy của 15 năm trước vẫn khiến Lụa thoáng rùng mình, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt. Nhưng những lời cầu xin của Lụa được đáp lại bằng những trận đòn thừa sống. thiếu chết. Hoảng sợ tột cùng, Lụa ấp ủ trong mình ý định chạy trốn khỏi đất nước Trung Quốc, trở về Việt Nam. Trong suốt thời gian ở đây, Lụa có quen một má mì, chuyên dắt gái bán sang Trung Quốc. Lụa kể cho bà ta nghe về cuộc sống địa ngục của mình. Không hiểu lý do gì, hay bởi đôi mắt thê thiết của Lụa đã khiến bà đồng ý đưa Lụa trở về Việt Nam. Sau 5 tháng kinh hoàng, Lụa về lại ngôi nhà thân thuộc của mình. Chính Lụa cũng thừa nhận, như thể tỉnh khỏi cơn ác mộng.
 
Lụa ngỡ tưởng mình trở về, được sống trong bao bọc của mọi người sẽ ấm áp và đầy thương yêu. Thế nhưng, trong đám bạn bè của Lụa – những người mà Lụa coi là thân thiết lại có phần e ngại, dè chừng khi chơi cùng cô. Đặc biệt là đám con trai, có đứa trước kia say mê Lụa, nói yêu Lụa nhưng giờ chúng nhìn Lụa bằng ánh mắt: “Cô đã là vợ người ta rồi, trong mắt tôi, cô chẳng còn giá trị gì nữa”. Thời gian đầu, Lụa chán nản và sợ hãi, cô sống khép kín, về sau bị đám bạn xấu rủ rê lên Hà Nội “làm ăn”. Kiểu nói đầy ẩn ý, Lụa và chúng bạn ngầm hiểu với nhau về công việc mà tương lai họ đang hoạch định sẵn. Sống trong một gia đình nghèo, quẩn quanh với đồng ruộng khiến Lụa sợ hãi. Cô theo chúng bạn, học đòi lên thành phố với giấc mơ đổi đời. Dự định của Lụa là làm một thời gian, tích cóp ít vốn rồi trở về mở cửa hàng. “Tự thân mình phải cứu mình” – suy nghĩ đó đưa đẩy Lụa trở thành gái đứng đường – làm công việc nhiều tủi nhục, lắm đắng cay.
 
“Đừng nghĩ rằng những người như chúng em không biết khóc. Có khóc đấy chứ! Nhưng nước mắt phải giấu đi, phải chôn chặt” (Ảnh minh họa)

Vỡ tan giấc mộng làm giàu

“Đừng nghĩ rằng những người như chúng em không biết khóc. Có khóc đấy chứ! Nhưng nước mắt phải giấu đi, phải chôn chặt” – Lụa nói như thế. Lụa ở xóm trọ nghèo ở Ngọc Khánh, cùng người bạn cùng quê, cũng làm công việc như mình. Tối tối, hai người lại ra đứng ở đoạn giao lộ giữa Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh để hoạt động. Lụa không thich hoạt động dịch vụ - tức là làm ở các hàng quán, bởi, theo cô “không tự do và thoải mái”.

Là gái đứng đường, những đêm mùa hè, nỗi hành hạ của thời tiết bớt khổ sở. Còn những đêm mùa đông, cái lạnh thấu xương của mùa đông miền Bắc, cái buốt nhói của sương muối, tiếng gió rít gầm gào quay quắt trong tâm trí cô. Nhìn những cặp tình nhân hạnh phúc, âu yếm khoác tay nhau đi lướt qua cô. Ít nhiều, ánh mắt của họ cũng rơi rớt vào cô gái trẻ đứng tựa bên gốc cây trứng cá, không quên cái dè bỉu hay cái cười đầy ẩn ý. Thảng hoặc, xuất hiện cái nhìn cảm thông có phần thấu hiểu. Nhưng Lụa biết, họ chẳng thể hiểu được đâu, vì họ đâu phải là Lụa, vì cảnh huống của họ khác một trời một vực với Lụa. Lụa chạnh lòng nhìn những cặp uyên ương bên nhau, lượn xe đi ngang qua mình như gió thoảng. Những đêm như thế, Lụa thường cả đêm cứ đứng nghĩ miên man.

Lụa bảo, sống ở các vùng đất này, đòi hỏi các cô phải có nhan sắc, có kỹ thuật làm “vui lòng khách đến, đẹp lòng khách đi” thì mới mong tồn tại được. Chẳng thế mà Lụa có rất nhiều khách quen. Họ đến với Lụa lần đầu tiên, do quý mến, do thỏa mãn được dục vọng của mình, họ lại tìm đến cô. Nhưng Lụa bảo, không phải ai Lụa cũng gật đầu chấp thuận đồng ý qua đêm với họ. Có lần, tâm hồn Lụa đang nghĩ lung tung thì bị giật mình bởi tiếng còi xe inh ỏi của một người khách lạ. Hắn ta trạc tuổi 50, dáng người to béo, đặc biệt cái bụng bia kệch cỡm không giấu nổi sau tấm áo khoác. Hắn cợt nhả, buông những lời ong bướm: “Cô em! Giá bao nhiêu qua đêm”. Chỉ riêng nhìn bộ dạng hắn thôi, Lụa cũng đã cảm thấy ngột ngạt, đáng sợ. Lụa trả lời: “5 lít” (năm trăm nghìn). “Gớm! Chỉ là con đĩ thôi mà hét giá ghê quá đấy, nhìn cô em ngon nghẻ, anh thương, 4 lít, được chưa?”. Cuộc trao giá chấm dứt, Lụa lên xe người đàn ông lạ.

Suốt đường đi, gã này không ngừng buông lời xỏ xiên Lụa. Nào rằng, thân là cave mà cũng bày đặt vênh vang… Nhưng lên tới đỉnh điểm là hắn buông lời hỏi: “nhà em có ai cũng làm cái nghề nhơ nhớp này hả?” Lụa im lặng, không nói gì. Nước mắt cứ muốn chảy ra nhưng cục nghẹn nơi cổ họng chặn nó lại. Tới nhà nghỉ, Lụa vờ ngọt nhạt, nựng nịu hắn: “Anh vào tắm đi, rồi đâu sẽ có đó!”. Lão dê xồm hỉ hả chui vào nhà tắm, còn Lụa ở ngoài, giở ví hắn ra, toàn bộ số tiền gần 2 triệu của hắn, Lụa cầm đi sạch. Cô nói vọng vào nhà tắm: “Em xuống mua chai nước suối! Có rất nhiều thú vị đang chờ anh đấy!”. Lụa biến mất, không quên để lại lời nhắn: “Số tiền tôi lấy, coi như tiền đền bù cho sự sỉ nhục danh dự mà anh dành cho tôi”! Tôi hỏi vì sao Lụa hành động như vậy. Cô im lặng giây lát, mới nói: “Chị tin hay không cũng được, những mẩu giấy em viết lại cho hắn chính là câu trả lời rồi mà”.

Lụa bảo, mỗi ngày cô tiếp khoảng 20 khách, riêng khách đêm thì lợi nhuận thu được cao hơn hẳn. Một đêm đi khách, may mắn gặp người xông xênh, cho cô hẳn 5 triệu, nhưng cũng có người đội lốt đại gia, nhưng trong túi chỉ có vỏn vẹn vài đồng. Và để có thể chịu đựng được áp lực, cường độ công việc căng thẳng như thế, hầu hết các cô cave đều tìm đến với ma túy và trở thành con nghiện lúc nào, chính các cô cũng chẳng hay. Lụa cũng không nằm ngoài điều đó. Làm cái công việc nhục nhằn, bán thân nuôi miệng, lại nuôi thêm cả con ma trắng tàng hình trong người quả không hề đơn giản.

Lụa bảo với tôi: “Nói ra có khi chị chẳng thể tin được, nhưng nhiều lần vì quá cô đơn khi đợi khách, em đã nói chuyện với một người bạn”. Tôi hỏi người bạn đó là ai? Bạn trai của Lụa à? Lụa lắc đầu buồn bã: “Không chị ạ! Đó là cây đèn đường! Thật ngớ ngẩn đúng không?”. Tôi im lặng hồi lâu: “Ngày đêm, em đứng ở đây, cây đèn đường đó chứng kiến cuộc sống của em. Và đặc biệt hơn, đèn đường không biết nói, nhưng chỉ sự im lặng đó thôi cũng là chia sẻ rồi”, Lụa cười – cái cười gượng gạo không chỉ bởi đôi môi khô nẻ do thời tiết khắc nghiệt.

Ai cũng có phút lắng lòng như thế

Nghe có vẻ kỳ khôi, nhưng là chuyện thật mà Lụa trực tiếp người trong cuộc. Một lần, đang đứng đợi khách, có người đàn ông giàu có, đi ô tô ngang qua chỗ Lụa. Ông ta gọi Lụa lên xe. Cuộc thỏa thuận, ngã giá diễn ra chóng vánh mà đặc biệt, Lụa nói giá cao ngất trời, ông ta cũng đồng ý. Đến khách sạn, không như những tên khách lao vào cô như con hổ đói, ông ra chỉ im lặng và câu nói đầu tiên từ khi bước chân vào phòng khách sạn khiến Lụa không khỏi ngỡ ngàng: “Chỉ cần cô ngồi im lặng và lắng nghe câu chuyện của tôi”. Ông ta kể về cuộc đời mình, về gia đình vô cùng giàu có của mình, về người vợ ngoại tình và hai đứa con trai nghiện hút. Lẽ ra, gia đình đó phải cực kỳ hạnh phúc, nhưng gió đổi chiều, vật chất không thiếu bất cứ thứ gì nhưng bước chân vào nhà chẳng khác nào một nghĩa địa cô quạnh. Bất ngờ hơn, ông ta bật khóc ngon lành như một đứa trẻ. Sau hồi kể chuyện, ông ta đưa cô bọc tiền và lặng lẽ bước ra khỏi phòng khách sạn. Cô cầm bọc tiền nặng trĩu mà cứ nghĩ suốt đường về. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cô gặp người đàn ông trung niên đó.

Lụa lại tiếp tục đứng đợi khách ở nơi quen thuộc vẫn đứng. Cô bảo: “Sau lần nói chuyện với người đàn ông đó, thấy mình rất khác, như thể chín chắn hơn rất nhiều. Đứng nhìn dòng người tấp nập, vội vã bước đi, nhưng đằng sau đó là những số phận, những cuộc đời riêng mà chẳng ai có thể biết được họ buồn hay vui, đau khổ hay hạnh phúc, chỉ có họ - người trong cuộc mới thấu”.

Lụa nói chuyện, bộc lộ là người phụ nữ thông minh và khá chín chắn. “Trước kia em lông bông lắm, nhưng sau lần gặp người đàn ông lạ và sau 3 tuần bị Công an bắt thì em nghĩ ngợi lung lắm”.

Có đêm “chập chờn cơn tỉnh cơn mê”, ánh đèn đường vàng vọt… cây cột đèn đơn  độc, trơ chọi… người đàn ông Trung Quốc… người đàn ông trung niên giàu có bất hạnh… tất cả lùng bùng trong giấc mơ của Lụa. Quá khứ có lẽ vẫn đang nhức nhối trong lòng Lụa, nhưng cứ sau cơn mê sảng đó, ngày mai, chỉ ngày mai thôi, bầu trời lại sáng, lại soi sáng con đường trở về của những cô gái lạc lối như Lụa!
 
Theo Cảnh sát toàn cầu
Chia sẻ