Những bác tài xế "0 đồng", vị cứu tinh đặc biệt của các bệnh nhân muốn rời khỏi Hà Nội trong thời kỳ giãn cách
Hàng ngày tiếp nhận hàng chục lời yêu cầu giúp đỡ, cho đến nay những bác tài của nhóm "Những chuyến xe yêu thương" vẫn luôn sẵn sàng lên đường khi có người bệnh cần trợ giúp.
Những chuyến xe "0 đồng" giữa vùng dịch
Hà Nội đang trong những ngày cùng cả nước chống dịch, thực hiện những quy định của chỉ thị 16 nên những loại hình xe buýt công cộng, xe taxi không hoạt động nữa, xe khách từ các tỉnh cũng buộc phải quay đầu khi đi đến các cửa ngõ Thủ đô. Nghe những thông tin này anh Trần Văn Tuyên (tại Tam Dương, Vĩnh Phúc) đang điều trị ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương vô cùng lo lắng, khi nằm viện điều trị 9 ngày với căn bệnh suy tủy, giờ tưởng như "mắc kẹt" giữa thủ đô.
Thế nhưng may sao được phòng Công tác Xã Hội (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) cho biết vẫn có những chuyến xe "đặc biệt" đang sẵn sàng giúp anh về với gia đình, đó là hàng trăm tài xế trong nhóm "Những chuyến xe yêu thương" từ khi Hà Nội có chỉ thị 16 đã xung phong là những chiếc xe lấy phí "0 đồng" để đưa những bệnh nhân của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương về các điểm chốt phòng dịch tại các cửa ngõ thủ đô, mỗi ngày giúp đỡ cho hàng chục lượt bệnh nhân có thể về với gia đình.
Chia sẻ về nhóm "Những chuyến xe yêu thương", anh Nguyễn Bình Minh (trưởng nhóm) cho biết: "Xuất phát điểm của ý tưởng lập nhóm là vào tháng 6/2020 tôi có bàn với vợ để ra chút thời gian và chi phí đưa đón giúp đỡ các bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi TW về nhà, có những chuyến cách Hà Nội hàng trăm kilomet tới những nơi vùng sâu, vùng xa giúp đỡ được nhiều người khó khăn. Sau đó tôi đã lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè lập nhóm với mục đích giúp đỡ các bệnh nhân khó khăn, cho đến nay đã có khoảng 100 đầu xe phục vụ thường xuyên cho các hoạt động tình nguyện này".
Để có thể nhận được sự trợ giúp của nhóm, người bệnh gặp khó khăn sẽ liên lạc qua phòng Công tác Xã hội của bệnh viện, sau đó từ bệnh viện sẽ gọi điện cho các thành viên quản trị của nhóm, từ đó sẽ phân phối người đi đón bệnh nhân.
Thời điểm dịch và có chỉ thị 16, các bệnh nhân tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương gặp khó khăn khi không có phương tiện đi lại, chính những chuyến xe tình nguyện mỗi ngày bắt đầu từ 6h sáng cho đến khi nào hết nhu cầu từ bệnh nhân, chỉ trong những ngày đầu giãn cách xã hội toàn thành phố Hà Nội đã có hơn 30 chuyến xe đưa các bệnh nhân đến những điểm chốt kiểm soát tại các cửa ngõ vào thành phố để có thể về nhà.
Trong những ngày giãn cách, ai khi không có việc cần thiết đều ở nhà, phần vì quy định không ra đường khi không thật cần thiết, phần vì lo lắng dịch bệnh đang phức tạp. Anh Minh cũng cho rằng việc dịch bệnh ai cũng sợ, nhưng rất may Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã giúp đỡ cho nhóm khi các tài xế được xét nghiệm Covid-19 liên tục 3 ngày 1 lần và hoàn toàn miễn phí, cùng với đó việc đeo khẩu trang, khử khuẩn đều được đảm bảo.
Là người đứng đầu nhóm tình nguyện, cũng là người tiếp nhận một trường hợp đặc biệt ngay từ những ngày đầu, anh Minh kể lại trường hợp cách đây ít ngày: "Khi ấy tôi có nhận thông tin từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thông báo rằng có một bệnh nhân cần giúp đỡ. Khi đó tôi đồng ý và đến trước cổng viện theo giờ hẹn và gọi cho số điện thoại của bệnh nhân thì vô cùng bất ngờ khi đầu dây bên kia lại là 1 bệnh nhi.
Từ trong viện đi ra là một cháu nhỏ mới 15 tuổi phải đi từ Hòa Bình ra Hà Nội để chữa bệnh, không người thân đi cùng. Khi ấy mình rất xúc động khi cháu chỉ mới bằng tuổi con mình mà cháu đã bị bệnh tan máu bẩm sinh ngay từ nhỏ, gia đình phải chạy vạy đi làm kiếm tiền chữa bệnh, còn cháu thì tự lo cho bản thân ở Hà Nội mỗi lần xuống điều trị. Chuyến đi 20km đến chốt kiểm soát nằm ở Xuân Mai (Hà Nội), khi ấy tôi chia tay cháu nhỏ, cháu chạy về phía bên kia chốt khi có bố đang chờ để đón về làm tôi nhớ mãi".
Hai thành viên của nhóm "Những chuyến xe yêu thương" là anh Đoàn Văn Khoa và chị Lê Thị Nhung đã đưa gia đình bệnh nhi về nhà tại Thái Bình an toàn. Ảnh: Nhóm những chuyến xe yêu thương
Cùng với đó còn có chuyến xe "nối tiếp" giữa 2 tài xế của nhóm ở 2 địa phương để có thể đưa mẹ con bệnh nhi mắc căn bệnh quái ác là u hốc mắt và liên võng mạc (tại Bệnh viện Nhi Trung ương) về Thái Bình cũng làm nhiều người khâm phục. Khi anh Đoàn Văn Khoa đưa hai mẹ con từ bệnh viện đến chốt kiểm soát giáp với thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Còn chị Lê Thị Nhung sống tại Bắc Ninh đã đưa mẹ con bệnh nhi về tới Quỳnh Phụ, Thái Bình hoàn toàn miễn phí, điều mà trước khi lên xe, người phụ nữ hàng chục năm trời đưa con đi chữa bệnh sẽ xem đây là một việc tử tế mà chị mãi khắc cốt ghi tâm.
Xe vừa mới mua đã mang đi "vác tù và hàng tổng"
Chiếc xe của anh Minh mới mua chưa lâu, nhưng anh kể mới lấy về đã đi chở người bệnh, bạn bè anh có những người nói rằng "cho những người bệnh ngồi lên xe của mình thì chẳng hiểu là như nào", biết đó là những lời có phần chê bai, nhưng anh Minh cũng bỏ qua tất cả. Bởi bản thân cũng đã từng rất vất vả chăm sóc người ốm, hiểu được họ đã khổ đến mức nào, việc tình nguyện lái xe giúp đỡ người yếu thế, không chỉ vì mình có xe, có chút tiền mà còn phải có tâm và hoàn toàn vui vẻ vì điều đó.
"Có những chuyến đi lên Sơn La, Lai Châu chiếc xe của mình là loại gầm thấp vẫn đi cùng các anh em đến tận nhà các bệnh nhân khó khăn, đưa bệnh nhi vượt hàng trăm kilomet xuống Hà Nội chữa bệnh. Nhìn các em nhỏ, hay cả bệnh nhân là người lớn được giúp đỡ kịp thời, những thành viên trong nhóm ai cũng thấy vui vẻ", anh Minh chia sẻ.
Không chỉ là những người tài xế tốt bụng dùng chính những chiếc xe cá nhân của mình để đi giúp đời, họ còn là những mạnh thường quân, giúp đỡ "nóng" những người có hoàn cảnh đặc biệt và kêu gọi cộng đồng giúp sức. Giúp đỡ các bệnh nhân tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương trong những ngày máu đang thiếu hụt, các bác tài cũng cùng nhau đi hiến máu bởi đó là một hành động xã hội vô cùng đáng quý, đặc biệt vào lúc này.
Trong thời gian tới ngoài Bệnh viện Nhi TW và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương các thành viên nhóm cũng mong sẽ giúp đỡ những bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K và các bệnh nhân khó khăn khác khi họ có nhu cầu.