Những bà vợ độc thân

,
Chia sẻ

“Bà vợ” và “độc thân” là hai khái niệm mang tính loại trừ nhưng giờ đây lại đứng chung trong một đối tượng.

Ở bất cứ công viên thiếu nhi, các không gian công cộng của những khu chung cư cao cấp hay khu vui chơi mua sắm cho mẹ và bé ở đô thị nào, ta cũng có thể thấy cảnh những đứa bé đang chơi đùa, bà mẹ trẻ của chúng không tham gia cùng con mà bắc ghế ngồi gần đấy, ơ hờ nhìn tận đâu đâu. Rất ít thấy hình ảnh của người đàn ông - người chồng, người cha kế bên. Với các bà mẹ Việt cũng vậy mà bà mẹ Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản cũng vậy (nếu gần đấy có khu người nước ngoài sinh sống).

Ở những nơi càng sang trọng, đắt đỏ thì những bà mẹ trẻ một mình ngồi trông con chơi với đôi mắt hoang vắng lạnh lẽo càng nhiều. Không chỉ vào những buổi chiều muộn hay buổi tối ngày thường, cả thứ bảy, chủ nhật cũng vậy. Chỉ có mẹ và con.
 

Giống - nhưng không phải “bà mẹ đơn thân”

Họ không phải là những bà mẹ đơn thân mà có chồng hẳn hoi. Thậm chí, nhìn vào dáng vẻ, phục sức của các bà mẹ và những đứa trẻ thì có vẻ chồng họ là người thành đạt, đủ sức cung cấp cho vợ con một cuộc sống vật chất bảo đảm không thua kém ai.

Vào giờ mẹ và bé đi chơi, đi ăn bên ngoài như vậy, người đàn ông của họ có thể vẫn đang cắm mặt ở công sở, đang rong ruổi ở những nẻo đường công tác hoặc cũng ngồi ăn và bàn chuyện ở một nhà hàng, quán nhậu nào đấy với bạn bè, đối tác.

Thường ban đầu mẹ và bé còn chờ đợi người bố tham gia vào những dịp đi ăn, đi chơi bên ngoài, nhưng dần dà, cả mẹ và con phải nhìn nhận một điều, nếu họ cứ chờ đợi, họ sẽ mãi chờ đợi, và thời gian cuộc đời của họ cứ thế mà uể oải chết trong góc nhà. Họ buộc phải làm quen với việc ăn tối không có bố, đi xem phim không có bố, đi công viên không có bố, và sau này, giải quyết vô số công việc trong gia đình, họ tộc, xã hội cũng không có bố. Cho đến khi điều ấy trở thành “tất nhiên” thì khi ấy, người vợ mặc nhiên rơi vào nhóm “những bà vợ độc thân” - có chồng, nhưng vì thời gian biểu của cả hai hiếm khi trùng hợp với nhau, nên họ phải tiến hành một đời sống riêng lẻ, bao gồm cả việc nuôi nấng dạy dỗ con cái, chăm sóc nhà cửa và chu toàn những bổn phận khác trong gia đình lẫn ngoài xã hội. 

Để bớt lẻ loi, những người cùng cảnh sẽ hợp thành những nhóm tự phát gồm toàn những bà vợ độc thân và những đứa con của họ. Tôi biết hai nhóm như thế. Vợ có chồng, con có cha hẳn hoi, và cùng chung sống dưới một mái nhà, chung một sổ hộ khẩu đấy, nhưng: “Chẳng khác mấy sự lẻ loi của những bà mẹ đơn thân được bố đứa trẻ cấp dưỡng cho cả mấy mẹ con”, một chị trong nhóm nói. Những đứa trẻ của những ông bố “luôn luôn bận” này, nhất là những bé trai, đều có một dáng vẻ hoặc nhút nhát thái quá hoặc hiếu động, ngỗ nghịch thái quá.

Những “bà vợ độc thân” từ đâu đến?

Chỉ những ông chồng mới có thể trả lời tường tận câu hỏi này. Những bà vợ độc thân - họ đến từ những người đàn ông lạc lối trong công việc, trong cám dỗ của hai từ “tiền bạc” và “sự nghiệp”. Ban đầu họ cố gắng, họ nỗ lực, họ làm tất cả những việc này là cho vợ con, để dâng tặng cho những người ruột rà thân yêu nhất của họ một đời sống đủ đầy, tốt đẹp hơn - một ý chí xuất phát từ tình thương và ý thức trách nhiệm của người đàn ông trụ cột. Nhưng khi những mục tiêu ấy đã đạt được, những nhu cầu cuộc sống đã được giải quyết, thì mọi thứ đã vào quỹ đạo, họ không thể/không muốn dừng lại. Lúc này, công việc, chức vụ, tiền bạc đã trở thành mục đích tự thân, họ đi trên một con đường riêng mà cứ càng đi, họ càng xa rời khỏi mái ấm gia đình của họ. Đây là lúc người đàn ông đã lạc lối. 

 Điều gì sẽ đến với những đôi mắt hoang vắng của những thiếu phụ trẻ, đẹp và có cuộc sống sung sướng, đầy đủ về vật chất đó, khi mà từ cuộc sống “riêng lẻ” đến cảm giác cô đơn là một con đường rất ngắn? Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ được cung phụng tiền bạc bên cạnh một bà mẹ ơ hờ và ông bố thường xuyên không có mặt trong những sinh hoạt hằng ngày của gia đình? Người bố sẽ không nghĩ đến tình huống này cho đến khi trong gia đình thực sự xảy ra một “sự cố”. Thường thì lúc này người đàn ông bừng tỉnh. Nhưng sự cố thì đã xảy ra rồi.  
 
Theo Thanh niên
Chia sẻ