Những “bà hoàng” đình đám của nhạc Việt
Họ có khá nhiều điểm chung, đó là sự xinh đẹp, tài năng và cả những nỗ lực vượt bậc để có thể chạm tay vào thành công.
Chuyện danh hiệu, biệt hiệu của các ngôi sao trong showbiz đã trở thành chuyện xưa như diễm. Có những danh hiệu được công chúng yêu mến dành tặng, lại có những ngôi sao tự phong cho mình danh hiệu không mấy trân trọng. Loạt bài Những ông hoàng, bà chúa showbiz Việt sẽ đem đến những góc nhìn đa chiều về các danh hiệu này!
Tuy nhiên, để đạt đến thành công đó mỗi người trong số họ có những con đường đi riêng, không ai giống ai.
Thanh Lam: Nữ hoàng nhạc nhẹ
Trong số 4 diva nhạc Việt Thanh Lam luôn là cái tên được khán giả nể phục nhất bởi giọng ca đầy nội lực. Chị thành công ở nhiều dòng nhạc khác nhau và dòng nhạc nào cũng có những dấu ấn đặc biệt.
Có thể thấy lứa các ca sĩ sau này như: Mỹ Linh, Tùng Dương hay Đàm Vĩnh Hưng… đều có ít nhiều ảnh hưởng từ chị.
Thanh Lam đến với âm nhạc theo đúng nghĩa là một mối duyên nợ. Năm 9 tuổi chị theo học đàn tỳ bà tại Nhạc Viện Hà Nội nhưng niềm đam mê ca hát lại khiến chị cũng đồng thời tham gia vào các câu lạc bộ ca hát thiếu nhi.
Có thể nói, dấu ấn Thanh Lam được khẳng định qua rất nhiều ca khúc đình đám như: Cho em một ngày, Em và tôi, Ru mãi ngàn năm, Hoa sữa, Chia tay hoàng hôn… Và nhắc đến Thanh Lam không thể bỏ qua những ca khúc nhạc Trịnh đình đám mà chị từng cho ra mắt trong album mang tên Này em có nhớ. Với hơn 10 liveshow lớn nhỏ, hơn 30 đĩa CD, VCD, DVD gia tài âm nhạc của Thanh Lam là niềm ngưỡng mộ đối với bất kì một nghệ sĩ nào.
Danh hiệu Nữ hoàng nhạc nhẹ được các anh chị em đồng nghiệp và báo chí ưu ái dành tặng cho Thanh Lam sau khi chị đạt giải thưởng lớn trong cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991. Cho đến giờ, khi đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSUT thì với Thanh Lam, ngôi vị Nữ hoàng của chị vẫn không thể có ai thay thế.
Thu Minh: Nữ hoàng nhạc dance
Thu Minh bắt đầu nổi tiếng kể từ khi chị đi thi Tiếng hát truyền hình năm 16 tuổi và giành giải nhất. Thế nhưng, con đường âm nhạc của chị lại không hề đơn giản và bằng phẳng như thế.
Ngoài danh hiệu Nữ hoàng nhạc dance, chị từng được ưu ái gọi là "Celine Dion của Việt Nam" hay nổi tiếng là "Chuông gió của làng nhạc Việt" nhờ sở hữu giọng hát nữ cao vút và bay bổng thiên bẩm.
Cho đến hiện tại, nhiều người vẫn tiếc vì sao Thu Minh không được gọi là diva nhạc Việt nhưng với khán giả, chị vẫn là diva thứ 5.
Có thể nói, ngoài nhạc dance Thu Minh còn rất đa dạng và thành công ở nhiều dòng nhạc khác nhau: nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, pop, soul... Thậm chí, cô còn thành công cả ở các thể loại: opera, nhạc jazz, nhạc tân cổ, nhạc cải lương, nhạc vàng...
Đa tài, đa năng, sở hữu một giọng hát khủng nhưng cái tên Thu Minh chỉ thực sự được khẳng định với các ca khúc nhạc dance: Nhớ anh, Chuông gió, Bóng mây qua thềm, Mong anh về... Đặc biệt, album Body Language đã khẳng định vị thế Nữ hoàng nhạc dance không có đối thủ của cô. Những: Đường cong, Bay, Taxi, Xinh... trở thành những bản hit có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ.
Bên cạnh âm nhạc, Thu Minh còn được biết đến với danh hiệu Nữ hoàng Bước nhảy 2011. Năm 2012, trong vai trò HLV The Voice, cô đã đưa Hương Tràm xuất sắc trở thành quán quân đầu tiên một cách thuyết phục.
Giao Linh: Nữ hoàng sầu muộn
Với những khán giả yêu dòng nhạc vàng, nhạc xưa cùng với những Hương Lan, Tuấn Vũ, Chế Linh, Như Quỳnh, Phi Nhung… thì cái tên Giao Linh không thể không nhắc đến. Và mỗi lần nhắc đến cô, khán giả lại nhớ đến biệt danh Nữ hoàng sầu muộn. Biệt danh này được khán giả nhớ đến từ năm 1969 khi cô lần đầu tiên xuất hiện trên đài truyền hình năm 1969 và nó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Chất giọng trầm buồn, da diết quá đặc trưng khiến mỗi lần cô cất tiếng hát trên sân khấu là khán giả cũng thấy ngậm ngùi.
Giao Linh không được cha đồng ý cho theo âm nhạc nhưng lại được mẹ lén mời thầy về nhà dạy nhạc cho cô. Và con đường âm nhạc của cô cứ rộng mở như thế với khá nhiều các giải thưởng đã đạt được.
Giao Linh từng đi diễn nhiều nước trên thế giới để phục vụ cộng đồng người Việt như: Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Úc, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển... Thời gian gần đây, cô hoạt động khá thường xuyên trong nước và liên tục xuất hiện trước khán giả tại các show diễn lớn nhỏ.
Chất giọng buồn của Nữ hoàng sầu muộn đã giúp những ca khúc như: Chuyến tàu hoàng hôn, Tình yêu trả lại trăng sao, Chuyện hẹn hò, Phượng buồn, Ngày xưa anh nói… Cô cũng là người rất thành công khi song ca với Tuấn Vũ các ca khúc: Sầu tím thiệp hồng, Ai nói với em, Phút cuối… Cho đến giờ vị trí của cô trong làng nhạc Việt không thể thay thế.
Hồ Ngọc Hà: Nữ hoàng giải trí
Xuất thân từ nghề người mẫu từng đạt giải lớn, tham gia cả diễn xuất nhưng sự nghiệp của Hà Hồ chỉ thành công khi cô lấn sân sang ca hát.
Từ năm 2004, với album đầu tay 24 giờ 7 ngày, cái tên Hà Hồ bắt đầu được đón nhận trong làng nhạc Việt bởi chất giọng tuy không xuất sắc nhưng lại đầy dấu ấn cá nhân.
Có thể nói, Hà Hồ là tấm gương điển hình cho những nỗ lực không biết mệt mỏi trong làng nhạc.
Không được đánh giá cao về giọng hát nhưng bù lại, cô luôn nỗ lực để hoàn thiện mình và đặc biệt là về vũ đạo. Các sản phẩm âm nhạc về sau này của Hà Hồ được đầu tư vô cùng chỉn chu khiến công chúng ngày càng yêu mến và cảm phục hơn.
Dấu ấn lớn nhất của Hà Hồ đó là năm 2009 với ca khúc Xin hãy thứ tha. Sau đó, liên tục các bản hit như: Tìm lại giấc mơ, Sẽ mãi bên nhau, Muốn nói với Anh, Ngày hạnh phúc… được đón nhận nhiệt liệt. Và liveshow đầu tiên trong sự nghiệp mang tên Hồ Ngọc Hà live concert đã khẳng định vị thế Nữ hoàng giải trí của Hồ Ngọc Hà.
Cái tên Hồ Ngọc Hà cũng được giới chuyên môn, báo chí và khán giả đánh giá cao khi giành nhiều giải thưởng lớn: Cống hiến, Mai vàng, HTV Award, Làn sóng xanh…
Nếu khán giả yêu mến cô cũng không thể quên dấu ấn của Hồ Ngọc Hà trong một số bộ phim như: Hoa cỏ may, 39 độ yêu, Chiến dịch trái tim bên phải.