Những ánh mắt trẻ thơ ám ảnh cả thế kỷ 20
Có những bức hình dù đã đi vào lịch sử nhưng những câu chuyện đằng sau nó khiến bao thế hệ sau vẫn không thể nào xóa nhòa trong tâm trí.
Chân dung trẻ em luôn là một đề tài được nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng trong các tác phẩm của mình: những bức ảnh con trẻ nô đùa, tới trường hay có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và bè bạn. Nhưng ở nơi nào đó trên hành tinh này, những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi đó lại không hề đơn giản khi các em là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, thiên tai...
Có lẽ, với mỗi nhiếp ảnh gia, khoảnh khắc trẻ thơ đang phải vật lộn với cuộc sống, thậm chí cả với tính mạng của bản thân là những bức hình buồn nhất trong sự nghiệp cầm máy của họ.
Và chắc chắn, những ánh mắt trẻ thơ đó cũng sẽ ám ảnh độc giả trong suốt những năm tháng sau này, dù vài thập kỷ đã lùi về quá khứ.
Bức ảnh cô bé Omayra Sanchez trong thảm họa núi lửa phun trào
Với nhiếp ảnh gia Frank Fournier, đây là một trong những bức ảnh đáng nhớ nhưng cũng gây cho ông nhiều điều phiền muộn trong cuộc đời. Trong bức hình khắc họa một cô bé người Colombia, Omayra Sanchez. Em bị kẹt trong đống đổ nát do núi lửa phun trào.
Người dân Colombia chắc chắn sẽ không thể nào quên vụ phun trào núi lửa vào tháng 12 năm 1985 đã cướp đi mạng sống của gần 23,000 người. Một trong số các nạn nhân đó chính là cô bé Omayra. Em bị kẹt trong đống đổ nát do các tòa nhà sập xuống. Cô bé đã rất kiên cường chống trọi cho dù hy vọng sống rất mong manh. Và trong giây phút đó, nhiếp ảnh gia Frank đã chụp lại được bức hình này.
Tuy nhiên, ông đã nhận được nhiều sự lên án từ cộng đồng khi họ cho rằng đó là bức ảnh "vô nhân tâm". Thay vì tìm cách giúp cô bé, ông chỉ đứng đó và chụp ảnh, để lại cô bé thoi thóp và qua đời chỉ sau đó không lâu.
Ánh mắt của cô bé trong khoảnh khắc đó sẽ mãi ám ảnh bao người và nhắc chúng ta về sự tàn khốc của các thảm họa thiên tai. Cô bé 13 tuổi đó đã ra đi nhưng hình ảnh của em vẫn còn mãi trong tim bao người trên hành tinh này.
Đôi mắt cô bé Afghanistan trong bức tranh "The Afghan Girl"
"The Afghan Girl" (tạm dịch là cô gái Afghanistan) là một trong những bức ảnh nổi tiếng và được sử dụng lại nhiều nhất trong lịch sử nền nhiếp ảnh thế giới. Đôi mắt hút hồn của cô bé là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều trên các diễn đàn yêu nghệ thuật. Nhiều người cũng tò mò rằng, cô gái này còn sống hay đã qua đời?
Lần lại những năm 1984, bức ảnh này được chụp bởi nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic, Steve McCurry và được đăng trên trang bìa của tạp chí 1 năm sau đó. Cô bé bí ẩn này được xác định là một nữ sinh tại trại tị nạn, khu vực Pakistan.
Sau nhiều năm bức ảnh ra đời, nhiếp ảnh gia Steve cùng đoàn làm phim từ National Geographic đã quyết định đi tìm cô bé đó với các manh mối ít ỏi là bức ảnh và thông tin nơi cô bé từng ở. Sau đó, họ đã tìm ra và cô bé trong bức ảnh ngày nào giờ vẫn còn sống. Đôi mắt biết nói đó thuộc về người phụ nữ có cái tên Sharbat Gula và giờ đây, bà đang sống tại khu vực vùng núi Tora Bora, Afghanistan.
Vẫn là ánh mắt sáng đầy buồn thương đó nhưng khuôn mặt và dáng vẻ toát lên vẻ khắc khổ của những người phụ nữ tại đất nước luôn bao trùm trong tiếng bom, tiếng súng nổ. Chiến tranh đã mang tới nỗi đau cho con người nhưng không thể nào đoạt được ánh mắt sáng ngời trên gương mặt.
Anne Frank, đằng sau khuôn mặt vui cười là câu chuyện buồn
Nếu ai đó từng có dịp tới thành phố Amsterdam và đặt chân tới ngôi nhà nơi gia đình Anne Frank từng trú ẩn chắc sẽ không thể nào quên được gương mặt rạng ngời và đầy vui tươi của cô gái trẻ. Nhưng đằng sau đó là một cuộc sống đầy bi kịch và khó khăn cho cả gia đình.
Những năm tháng trốn tránh cuộc truy lùng của Đức Quốc Xã, gia đình cô bé đã sống trong một ngôi nhà tại thành phố Amsterdam dưới sự giúp sức của nhiều người thân, phần lớn là người Do Thái. Ở nơi đó, cô bé đã viết lên cuốn nhật ký của mình và từng có lúc trở thành cuốn sách bán chạy thứ hai sau Kinh Thánh.
Anne Frank đã trở thành biểu tượng của hơn 10 triệu người bị giết với Đức Quốc Xã và đặc biệt hơn là những trẻ em từng là nạn nhân của các cuộc chiến tranh. Bức ảnh cô bé được chụp không lâu sau khi gia đình cô chạy trốn tới Amsterdam vào năm 1942 này sẽ còn sống mãi trong lòng những người yêu quý cô bé và câu chuyện của niềm hy vọng và khát khao cuộc sống yên bình.
Theo Kenh14/Trí thức trẻ