Những ai không nên ăn măng tươi?

BS. ĐẶNG XUÂN THẮNG/VTC News,
Chia sẻ

Ăn măng quá thường xuyên và không đúng cách có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Măng có rất nhiều loại như măng tây, măng nứa, măng vầu, măng tre, măng trúc... Về dinh dưỡng, nó chứa hàm lượng calo thấp và rất giàu chất xơ, kali. Nhiều nghiên cứu cho thấy măng giúp giảm Cholesterol phòng ngừa các bệnh lý tim mạch.

Thứ hai, măng giúp phòng ngừa bệnh trĩ, viêm túi thừa và ung thư đại trực tràng. Măng cũng hoạt động như một prebiotic, cung cấp nhiên liệu cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Thứ ba, nó hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim, ung thư, tiểu đường loại 2, trầm cảm và béo phì, hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra, măng giàu Polyphenol có hoạt tính sinh học và nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên tuyệt vời. Chúng có vai trò giảm viêm và điều chỉnh phản ứng miễn dịch để ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính.

Những ai không nên ăn măng tươi? - Ảnh 1.

Ăn măng quá thường xuyên và không đúng cách có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm từ măng được cho là do chế biến măng sai cách. Vì vậy, chúng ta cần nắm rõ phương cách chế biến để tránh sai lầm.

Trong măng tươi chứa một lượng độc chất Cyanide taxiphyllin, goitrogens, một số tannin, oxalat và kim loại nặng, có thể gây hại cho tuyến tụy, hệ thần kinh trung ương và tuyến giáp. Cách tốt nhất là luộc măng trong nước hoặc ngâm nước muối lên men. Rửa măng tươi cũng có thể làm giảm hàm lượng cyanogen. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên tránh ăn măng sống và chưa chế biến.

Ăn măng quá thường xuyên và không đúng cách có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Đặc biệt một số người không nên sử dụng món ăn này để phòng ngừa các rủi ro cho sức khỏe.

Những người không nên ăn măng

Phụ nữ mang thai

Các chuyên gia cho biết, trong măng chứa khá nhiều độc tố, nguy hiểm nhất là glucozit, thành phần này sẽ sinh ra acid xyanhydric. Khi vào dạ dày, glucozit bị phân hủy với tác dụng của men tiêu hóa, chất chua trong dạ dày; sau đó acid xyanhydric sẽ bị đẩy ra ngoài dưới dạng dịch nôn. Nếu acid bị đẩy ra ngoài nghĩa là cơ thể không chịu nổi chất độc.

Trên thực tế, đã có không ít mẹ bầu bị ngộ độc măng ở nhiều mức độ. Các dạng ngộ độc măng như nôn, đau bụng, đau đầu gần giống hiện tượng ngộ độc sắn. Mặc dù, chưa có công trình nghiên cứu nào kết luận bà mẹ mang thai ăn măng sẽ khiến thai nhi nhiễm độc. Nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo, bà mẹ mang thai không nên ăn măng, đặc biệt là măng tươi.

Người bị bệnh thận

Khi bị bệnh thận thì chế độ ăn uống cần được chú ý đặc biệt. Măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận.

Người bị đau dạ dày

Đau dạ dày là một bệnh lý thường chuyển thành mãn tính, hay tái phát nhiều lần khiến không ít người bệnh nản lòng điều trị. Những bệnh nhân bị đau dạ dày phải rất cẩn thận trong việc chọn món ăn hằng ngày. Việc kiêng khem ăn uống vẫn phải thực hiện dù dạ dày của người bệnh đã hồi phục để hạn chế sự tái phát.

Măng là một trong những món ăn cần tránh cho người đau dạ dày vì trong măng chứa nhiều acid cyanhydric (khoảng 230mg trong một kg măng củ). Đây được xem là chất gây hại cho dạ dày nên những người bị đau dạ dày không nên ăn măng.

Người bị bệnh gout

Khi bị bệnh gout, cần phải cẩn trọng với chế độ ăn vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh gout trở nên trầm trọng hơn. Các loại thực phẩm với tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng trúc, hay măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, cho nên bệnh nhân gout cần tránh.

Trẻ em

Phụ huynh không nên để trẻ ăn quá nhiều món ăn chứa nhiều nhựa xơ như quả sung, quả hồng giòn hay măng tươi. Đặc biệt không nên ăn những thực phẩm này lúc đói, vì lúc này thức ăn dễ kết lại với nhau tạo thành khối bã, dẫn đến tắc ruột.

Chia sẻ