Nhức nhối thiếu bãi đỗ xe ngầm: Ai phải chịu trách nhiệm?

Ngọc Mai,
Chia sẻ

Là thành phố duy nhất có quy hoạch bãi đỗ xe ngầm nhưng đến nay Hà Nội mới có một bãi đỗ xe ngầm đi vào hoạt động. Theo các chuyên gia, các chung cư cao tầng đua nhau mọc lên nhưng thiếu bãi đỗ xe ngầm, số hiện có chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Chủ đầu tư thấy lợi nhuận kém nên không đầu tư.

Khổ sở vì không có chỗ đỗ ô tô

Cách đây 10 năm, Hà Nội xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, trong đó có bãi đỗ xe ngầm với nhiều chính sách ưu đãi như thuê đất, cho phép khai thác thêm dịch vụ thương mại...

Tuy nhiên, vì khuyến khích nên các dự án chỉ dừng lại trên giấy. Đến nay, sau nhiều năm, cả Hà Nội mới có duy nhất bãi đỗ xe ngầm tại Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đi vào hoạt động từ năm ngoái trong khi nhu cầu chỗ đỗ ô tô ngày càng lớn, các khu chung cư tại Hà Nội đều quá tải bãi xe.

Nhiều gia đình phải trả thêm tiền để có chỗ đỗ trong chung cư nhưng cũng chỉ sau vài năm tình trạng giành giật nhau từng chỗ đỗ xe liên tục xảy ra, gây bức xúc cho cư dân.

Nhức nhối thiếu bãi đỗ xe ngầm: Ai phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội khổ sở vì thiếu bãi đỗ xe ngầm đặc biệt là tại các khu đô thị Ảnh: Như Ý

Không chỉ khổ vì nơi ở không có chỗ đỗ, việc đi đến cơ quan hay đi đến bất cứ đâu ở Hà Nội để vui chơi, ăn uống… đang là thách thức với người đi ô tô. Chị Nguyễn Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất sợ mỗi lần khách hàng mời ăn trên phố vì phải đi lòng vòng tìm chỗ đỗ xe. Có lần tôi phải gửi xe cách chỗ ăn 1km và bắt taxi để đến nơi hẹn”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, khai thác hiệu quả không gian ngầm là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại, là một trong những thành phần không thể thiếu của đô thị thông minh. Từ năm 2024-2026, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện luật sửa đổi quy định liên quan đến phát triển loại hình công trình này.

Dù xuất hiện đủ loại bất cập trong quy hoạch cũng như đời sống người dân, tính đến năm 2022, Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước có quy hoạch bãi đỗ xe ngầm.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội quy hoạch, với khu vực nội đô lịch sử sẽ tận dụng tối đa các bãi đỗ xe đã có để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nhiều tầng, khuyến khích sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa tiết kiệm quỹ đất.

UBND TP.Hà Nội cũng cho phép bổ sung các bãi đỗ xe ngầm dưới các khu vực vườn hoa, công viên, quảng trường và các công trình công cộng. Theo đó, các quỹ đất chuyển đổi chức năng trong khu vực nội đô phải bố trí bãi đỗ xe ngầm phục vụ nhu cầu bản thân chủ dự án và đáp ứng một phần nhu cầu công cộng.

Cùng với đó, Hà Nội quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 104ha, công trình xây dựng từ 3-4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm đỗ xe và cho phép bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ).

Những vị trí được quy hoạch, thậm chí đã được phê duyệt chủ trương làm bãi đỗ xe ngầm như: Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng); khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình); Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô; Quảng trường Ngân hàng Nhà nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng)... Thế nhưng, đến giờ những dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa được triển khai.

Chờ cơ chế đột phá

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thiếu bãi đỗ xe là vấn đề tồn tại lâu đời và là thách thức với Thủ đô Hà Nội. Thông thường, với mức thu nhập hiện nay của người dân, diện tích bãi đỗ xe phải bằng 3% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, Hà Nội mới chỉ đạt hơn 0,3%. Như vậy, diện tích đất dành cho bãi đỗ xe chỉ đạt được hơn 10% trong khi tốc độ tăng trưởng xe 2 bánh, 4 bánh lên tới 13% hằng năm.

Theo ông Nghiêm, dân số Hà Nội đã vượt ngưỡng dự báo trong khi nguồn vốn ngân sách có hạn nên không thực hiện được những bãi đỗ xe. Việc kêu gọi xã hội hóa cũng bất thành.

“Vì không hài hòa lợi ích nên chủ đầu tư không tham gia. Khó khăn về kỹ thuật công nghệ là một chuyện, nguồn thu của doanh nghiệp không đủ nên họ không mặn mà”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cho biết, điểm cần nhấn mạnh nữa là bản thân UBND TP.Hà Nội đến nay cũng chưa đề cập khai thác sử dụng không gian ngầm thế nào trong khi xây dựng bãi đỗ xe ngầm là xu hướng tất yếu, phù hợp với điều kiện hiện nay của Hà Nội. Trong tờ trình lần cuối dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2013 đã mở tín hiệu cho việc phát triển không gian ngầm. Nếu dự thảo luật được thông qua, thành phố sẽ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho không gian ngầm, trong đó có bãi đỗ xe.

“Nếu được cấp giấy chứng nhận, nhà đầu tư có nhiều quyền lợi như được vay vốn ngân hàng, nhận góp vốn... Đây là bước đột phá cho việc giải bài toán phát triển chỗ đỗ xe ngầm chưa thực hiện được trong thời gian qua”, ông Nghiêm nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng xác nhận việc tại Hà Nội, các bãi đỗ xe hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của xã hội. Hiện tại, các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã bước đầu triển khai công trình ngầm ở một số thành phố lớn, nhưng số doanh nghiệp quan tâm và đủ năng lực thi công các loại công trình này còn ít, kinh nghiệm và năng lực hạn chế.

Về giải pháp, theo ông Hiệp, việc đầu tiên cần làm là Hà Nội phải xây dựng một chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ với các chiến lược phát triển hạ tầng khác của đất nước.

Chia sẻ