Nhu cầu suy giảm: Người Việt hết mặn mà với vàng?

Ngọc Linh,
Chia sẻ

Tính đến hết quý 2/2023, nhu cầu vàng tiêu dùng của người Việt giảm tới 9%. Tình trạng độc quyền vàng miếng SJC khiến thị trường vàng Việt Nam “một mình một chợ”, chênh lệch vàng miếng mua vào bán ra cao khiến người Việt không còn mặn mà với vàng.

Lần đầu tiên nhu cầu vàng tiêu dùng giảm 9%

Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng vàng thế giới cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng vàng tại Việt Nam trong quý II chỉ đạt 12,7 tấn, giảm 9% so với quý trước đó.

Nhu cầu suy giảm: Người Việt hết mặn mà với vàng? - Ảnh 1.

Người Việt còn mặn mà với đầu tư vàng?. (Ảnh minh hoạ)

Ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) - nhận định, đà giảm nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam tương tự các thị trường khác thuộc khu vực ASEAN. Sự suy giảm kinh tế Việt Nam trong hai quý liên tiếp đã tác động đến tâm lý thị trường và nhu cầu tiêu thụ trang sức. Nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng cũng bị hạn chế do tính thanh khoản thấp, chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản.

Khảo sát của Tiền Phong tại nhiều phố vàng ở Hà Nội như Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Hà Trung, khách đến mua vàng khá ảm đạm. Trong nửa năm gần đây, thị trường vàng cũng không còn “cơn sốt” giá. Giá vàng dao động tăng giảm trong khoảng 50.000 - 300.000 đồng/lượng (tuỳ theo từng phiên giao dịch). Trong khi đó, chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng. Điều này khiến người mua vàng lỗ nặng ngay khi nắm giữ.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá vàng tháng 7/2023 giảm 0,03% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, chỉ số giá vàng chỉ tăng 1,06%, mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Theo Cty Bảo tín Minh Châu, tại cơ sở kinh doanh vàng, có 55% khách mua vào và 45% khách bán ra. Công ty khuyến nghị, nhà đầu tư và người dân cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đứng đắn nhất.

Nghị định 24 có nên “cởi” siết nhập vàng

Một trong những chính sách tác động tới thị trường vàng Việt Nam là việc Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực và Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng miếng. Sau khi nghị định này có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước gần như không nhập khẩu vàng. Khan hiếm nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến thị trường vàng trong nước “một mình một chợ”.

Sau hơn 10 năm duy trì, trong báo cáo gửi Quốc hội gần đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, năm 2022, NHNN đã tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Báo cáo nêu rõ, các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và chính sách chấm dứt huy động, cho vay vàng của NHNN những năm qua là bước tiến quan trọng để ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

“Các đại biểu cũng thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối. Thời gian tới, NHNN sẽ tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và Hiệp hội kinh doanh vàng và xây dựng Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 trong năm 2023”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa của Nghị định 24 đã đạt được. Tuy nhiên, nghị định này chưa đạt được mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng. Bởi giá vàng miếng SJC quá cao so với giá vàng nhẫn tròn trơn của doanh nghiệp có cùng tuổi vàng 9999. Ông Thịnh kiến nghị, thời gian tới, cơ quan chức năng xem xét việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện nay.

Phiên giao dịch ngày 14/8, giá vàng miếng SJC trong nước quanh mức 67 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tròn trơn 56 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng.

Chia sẻ