Nhộn nhịp sắm Tết ở TPHCM

Uyên Phương,
Chia sẻ

Ngay trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023, người dân TPHCM tranh thủ vừa vui chơi, vừa sắm Tết. Nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi được tung ra dịp này.

Hàng Tết phong phú

Chọn mua đủ các loại hàng Tết từ hạt dưa, hạt điều, mứt gừng, mứt bí, sôcôla, thạch rau câu đến lạp xưởng, bánh chưng, giò chả… tại khu vực bánh mứt tại trung tâm thương mại Aeon (quận Bình Tân), chị Lê Thị Châu (42 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: “Đa số các loại thực phẩm đều có chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 15.000-20.000 đồng/kg nên tôi mua làm quà biếu Tết và để dành trong nhà dùng dần. Mình cứ lo Tết hàng hóa tăng giá nhưng không ngờ lại rẻ hơn khá nhiều, hàng hóa lại có bao bì mang phong vị Tết bắt mắt”.

Tại các siêu thị Go!, Coop Mart, Satra, Emart… trong 2 ngày cuối tuần vừa qua luôn tấp nập khách đến chọn mua hàng Tết. Chờ gần 30 phút mới đến lượt thanh toán, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (ngụ đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp) cho hay: “Tôi cứ nghĩ nhiều người đi chơi Tết nên siêu thị vắng nhưng không ngờ lại đông khách từ sáng sớm. Năm nay sản phẩm Tết phong phú, giá cả bình ổn nên yên tâm mua sắm. Do kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định nên thu nhập giảm, tôi chỉ sắm Tết vừa đủ chứ không xông xênh như mọi năm. Hy vọng qua năm mới mọi chuyện sẽ tốt hơn”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, Sở đang tiếp tục phối hợp các hệ thống phân phối, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán, tăng khuyến mãi. “Kiểm soát giá và giữ giá theo giá bình ổn. Trước và trong Tết một tháng, chúng tôi đã thực hiện công tác giữ giá đó. Các DN bình ổn không được tăng giá trong 2 tháng trước và sau Tết”, ông Vũ nói.

Tại chợ truyền thống như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bến Thành (quận 1)…, tiểu thương cũng phấn khởi hơn khi có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện, giá thực phẩm Tết tại chợ bình ổn, trong đó các loại mứt bí, gừng giá từ 90.000-120.000 đồng/kg, nho khô loại lớn 180.000 đồng/kg, hạt dẻ lớn 320.000 đồng/kg, hạt hướng dương 80.000 đồng/kg, hạt dưa 150.000 đồng/kg… Các loại khô cá dứa, cá lóc, cá sặc… giá chỉ từ 250.000-350.000 đồng/kg...

Cẩn thận kiểm đếm, cân ký đủ các mặt hàng chả lụa, khô bò, lạp xưởng…, sắp xếp vào túi nhựa chuẩn bị giao cho khách, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cho biết, dù khách đến chợ ít nhưng bù lại họ đặt hàng qua điện thoại, qua mạng lại tăng lên. "Thời buổi khó khăn nhưng người dân vẫn cố gắng sắm sửa Tết cổ truyền đủ đầy để mong một năm sung túc, hanh thông. Do đó, mình không tăng giá hàng Tết để hỗ trợ người dân”, bà Hạnh nói.

Cắt lợi nhuận, chia sẻ khó khăn

Thắt lưng buộc bụng, tái cơ cấu, loại bỏ các chi phí không cần thiết là cách được nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt ở quận 12 (đang cung ứng cho thị trường khoảng 700.000-1 triệu quả trứng/ngày), nói rằng, dù chi phí đầu vào tăng đến 40%, nhưng từ nay tới Tết Nguyên đán, thực phẩm thiết yếu bán ra không những không tăng giá mà còn có thể giảm tới 20%. “Chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, chúng tôi không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận. Công ty còn song song thực hiện bình ổn thị trường cho người tiêu dùng bằng nhiều chương trình khuyến mãi, vừa bình ổn thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho các nông trại, trang trại chăn nuôi để nông dân yên tâm sản xuất”, ông Thiện nói.

Nhộn nhịp sắm Tết ở TPHCM - Ảnh 1.

Người dân tranh thủ sắm Tết ngay trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023 ảnh: U.P

Mùa Tết này, Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (Đồng Nai) chọn phương án chế biến sâu thịt heo. Do hạn chế được khâu trung gian nên sản phẩm được bán với giá bình ổn. “Mình làm tươi sống nên giá thành quay trở về vị trí giá ban đầu ngay tại thời điểm xuất phát nên không bị đội chi phí lên. Đó là cách để tôi có thể cạnh tranh với thị trường và để người dân có thể mua với mức giá thấp nhất”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty Hương Vĩnh Cửu, nói.

Theo các DN bình ổn thị trường, vào 2 ngày cuối năm, DN sẽ đồng loạt khuyến mãi sâu nhằm giúp người dân mua sắm Tết muộn nhưng vẫn mua được hàng hóa an toàn chất lượng, trong đó tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm với mức giảm tới 30%. “Các chương trình khuyến mại tập trung vào dịp cuối năm không chỉ là cơ hội để người tiêu dùng thoải mái mua sắm, mà còn giúp các DN quảng bá được sản phẩm tốt hơn”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, nhận định.

Chia sẻ