Nhộn nhịp sắm lễ ông Công ông Táo

,
Chia sẻ

Từ sớm nay, các khu chợ đã đông nghịt người. Người mua vây kín hàng bánh chưng, thịt lợn, giò lụa, vàng mã, cá chép để mua cúng tiễn ông Táo về trời.

 Người Hà Nội tấp nập sắm lễ ngày 23 ông Công ông Táo như chẳng hề có cuộc khủng hoảng toàn cầu, kinh tế khó khăn.

6h30 sáng nay, chị Minh ở số nhà 8 Tổ 41 Nam Đồng đã có mặt ở chợ để sắm đồ lễ cho ngày ông Công ông Táo. Theo đúng phong tục, lễ tiễn ông Táo sẽ được thực hiện vào buổi chiều tối.

Từ tối qua 22 tháng Chạp, chị Minh đã lên danh sách những thứ cần mua ngay trong ngày như 3 bộ quần áo, mũ, dép và cá chép cho ông Táo, tiền vàng, hương... Những thứ khác như hoa quả, cá chép sống, chim, xôi, gà... là những thứ mua vào sáng sớm ngày 23.

7h sáng tại chợ Nam Đồng, Hà Nội. Ảnh: Hồng Anh.

Tết Táo quân được coi như cái lễ bắt đầu tuần Tết Nguyên đán nên gia đình nào cũng cố gắng lo cho đầy đủ. Ngoài khoanh giò, chiếc bánh chưng xanh, quần áo cho ông Công ông Táo, quan Thần linh là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ, chị Minh còn mua thêm tiền vàng, hoa quả, cá chép... Chị quan niệm, mỗi năm mới có một ngày Táo quân về trời báo cáo tình hình làm ăn của gia chủ dưới hạ giới nên dù khó khăn cũng phải sắm cái lễ cho thật sung túc.

Tại chợ Nam Đồng, Hà Nội ngay từ sáng sớm, hàng nào cũng đông nghịt khách nhưng giá cả không vì thế mà leo thang. Giò vẫn giữ giá 7.000 đồng một lạng, bánh chưng có giá 10.000-15.000 một chiếc, thịt lợn thăn đắt hơn chút ít với khoảng 60.000 đồng một kg. Mặt hàng được nhiều người mua nhất vẫn là quần áo mũ, tiền vàng và cá chép.

Mũ Táo quân cỡ lớn bán chạy. Ảnh:Hồng Anh.

So với năm ngoái, giá cả có nhích hơn chút ít. Trong đó, mỗi bộ quần áo gồm cả mũ và giày cho Táo quân giá khoảng 35.000 đồng một bộ loại nhỏ, 45.000-50.000 cho bộ loại lớn, đắt hơn năm ngoái từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng.

Tết Táo quân năm nay trùng với ngày Chủ nhật nên các gia đình được nghỉ, thoải mái kéo đi mua sắm. Ngay từ sáng sớm nay không khí tại chợ Thành Công, Bà Đoàn Thị Điểm, Ngọc Hà đã bắt đầu nóng lên. Các bà nội trợ kéo đến đây đông nghịt, ai cũng cố chọn một bộ trang phục thật đẹp cho gia đình nhà Táo và chư vị thần linh.

Bà Hân, chủ ki-ốt vàng mã ở chợ Đoàn Thị Điểm cho biết ngay từ sáng qua nhiều gia đình đã tấp nập đến để mua hàng. Năm nay do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá cả cũng nhích lên chút ít. 10.000 đồng một bộ ông Táo loại thường, hàng gấm (giấy màu bóng) thì phải 20.000 đồng. "Nếu muốn hàng xịn, hàng đẹp thì đắt lắm, chợ này không bán được, chỉ có trên Hàng Mã thôi", bà cho biết.

Theo khảo sát của VnExpress.net, hàng bán đồ âm phủ tại các chợ cũng như bán rong chỉ có quần áo bằng giấy màu thô, còn trên con phố Hàng Mã, Lương Văn Can thì có đủ loại từ "hàng chợ" đến "hàng hiệu". Một bộ đồ ông thần bếp làm bằng giấy màu bóng trên phố Hàng Mã được bán đến 50.000 đồng thậm chí cả trăm nghìn đồng tùy vào chất liệu giấy và nhu cầu của người mua. Khách mua thường là những bà, những cô nhà khá giả, muốn làm lễ cầu kỳ.

5 giờ chiều ngày 17/1 tại một cửa hàng phố hàng Mã. Ảnh: Thanh Bình.

Hôm qua, các cửa hiệu bán đồ thờ cúng ở phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Đào chứng kiến một ngày nhộn nhịp nhất. 2h chiều, chị An - chủ cửa hiệu ở phố Hàng Mã cho hay, ngay từ tuần trước, các mặt hàng như mũ, áo, cá chép, vàng tiền... đã được bày bán, nhưng phải đến sát ngày lễ tức là 22 Tết mới là ngày cao điểm. Người dân Hà thành ở khắp nơi đổ về đây để mua hàng.

Điểm khác biệt so với năm ngoái là chỉ những đồ dùng cần thiết cho ngày ông Công ông Táo như mũ mão, quần áo, cá chép giấy... là bán chạy. Những mặt hàng như ôtô xe máy, biệt thự, nhà lầu năm nay ít được hỏi mua, lý do được chị An giải thích là do thời buổi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tính toán kỹ hơn các khoản chi tiêu của mình.

Theo nhiều gia đình ở Hà Nội, nét đẹp nhất của ngày 23 tháng Chạp là tục phóng sinh. Cá chép sống loại nhỏ sau khi cúng ông Táo được đem ra hồ hoặc sông lớn chỗ nước sâu và sạch để thả. Có người cẩn thận hơn thì mua chim sẻ về để phóng sinh. Anh Quân - nhân viên một công ty viễn thông ở Hà Nội cho biết: "Năm nào tôi cũng được vợ giao cho nhiệm vụ mua cá, sau khi cúng xong thì đưa ra sông Hồng thả. Năm nào ra đến cầu Thăng Long, tôi cũng gặp một số người bạn cũng đang làm công việc tương tự".

Theo tập tục hằng năm, ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng Chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm tiễn đưa "ông Táo".

Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (chuyện cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...

Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa Táo quân, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.

29 Tết cúng rước ông bà, người Việt Nam rước luôn ông Táo trở lại nhà để cùng gia đình đón năm mới, vui xuân.

Theo Hồng Anh - Thanh Bình
Vnexpress
Chia sẻ