Nhộn nhịp sắm cá ngoại để tiễn ông Công ông Táo về Trời
Thị trường đồ lễ cho ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo ở Hà Nội mấy ngày nay đang "nóng lên" vì bên cạnh các mặt hàng truyền thống còn xuất hiện nhiều mặt hàng mới, lạ như cá koi Nhật Bản, cá chép ngũ sắc...
Thị trường cá chép nội ngoại, đồ lễ rộn ràng
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo quân về trời (ông Công ông Táo) dâng tấu với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của các gia đình dưới hạ giới trong một năm qua. Bởi thế, 23 tháng Chạp trở thành một ngày đặc biệt của người Việt Nam, mỗi gia đình Việt đều làm lễ, làm cơm để tiễn đưa ông Táo về trời. Mua cá chép vàng và bộ đồ vàng mã là việc không thể quên với mỗi gia đình Việt trong dịp này.
Giá cá chép năm nay vẫn tương đương năm ngoái, một bộ cá gồm 3 con có giá từ 30.000 - 50.000 đồng, nếu to và đẹp thì giá có thể đắt hơn nhưng không đáng kể. Ở những hàng rong, thì rẻ hơn, sức mua ở các xe bán cá rong lớn hơn vì thường có cá đẹp, khỏe. Dọc chợ cóc Nghĩa Dũng hay chợ Đại Từ (Linh Đàm), cá vàng nhỏ có giá rẻ hơn, từ 5.000 – 10.000 đồng/con, cá chép ngũ sắc 10.000 – 15.000 đồng/con.
Chỉ trong một buổi sáng, chị Xoan - người bán cá trên chợ Hàng Da đã bán được 50 bộ cá (mỗi bộ gồm 3 con dành cho 3 ông về trời) (Ảnh: Hồng Hạnh)
Với suy nghĩ "đổi mới phương tiện" cho ông Công ông Táo, người dân thủ đô nườm nượp mua cá koi. Cá koi hình thức bắt mắt, dù giá có đắt hơn hơn cá vàng thường khá nhiều nhưng trong mấy ngày nay, người mua loại cá này rất đông, nhiều nơi bán cá koi đều kêu "cháy hàng".
Cá koi loai nhỏ (10-15cm) có giá từ 15.000 đồng/con. Loại lớn hơn (20-25cm) dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/con, size 34cm dao động từ 500.000 đồng/con. Anh Chí Nghĩa (người bán cá trên đường Hoàng Hoa Thám) cho hay, những loại cá ngoại này được nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản. Dù giá có nhỉnh hơn 1 chút nhưng rất nhiều người chọn mua. Bên cạnh cá koi, cá ngọc trai có giá 80.000 đồng/cặp cũng được nhiều người lựa chọn.
Cá koi loại bé được bán chạy nhất vì giá không chênh cá thường là bao nhiêu (Ảnh minh họa)
Đến hẹn lại lên, vào dịp này, phố Hàng Mã, một số chợ ở Hà Nội sôi động hơn với các mặt hàng như mũ mã, các loại cá chép phục vụ nhu cầu của nhân dân trong ngày Tết “ông Công, ông Táo”.
Khắp các ngả đường, người bán đồ vàng mã nhộn nhịp chở hàng đi bán (Ảnh: Hồng Hạnh)
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số địa điểm bán đồ hàng mã, cả tuần nay, các mặt hàng cúng lễ được bày bán đỏ rực cả góc phố. Người người qua lại tấp nập đông vui. Theo các chủ cửa hàng, năm nay thị trường đồ cúng lễ đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Nhận định rằng nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng cao nên ngay từ tháng trước, các cửa hàng đã tăng số lượng hàng hóa và nâng tầm mẫu mã lên bậc cao cấp hơn. Do vậy, giá các mặt hàng này năm nay có cao hơn so với năm ngoái khoảng 10% - 15%. Tuy có tăng nhưng việc mua sắm đồ thờ cúng để bày tỏ lòng thành tâm nên ít ai than phiền hay mặc cả, thêm bớt.
Thông thường một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 chú cá chép giấy có giá dao động từ 35.000 - 100.000 đồng, tùy từng loại. Giá cả phụ thuộc vào mẫu mã và kích cỡ sản phẩm. Chẳng hạn, một bộ lễ gồm quần áo, giày, cá chép giấy loại nhỏ có giá khoảng 20.000 - 50.000 đồng. Loại trung bình giá khoảng 60.000 - 80.000 đồng. Còn lại loại to đẹp, có nhiều họa tiết và cầu kỳ, giá vào khoảng trên dưới 100.000 đồng. Đi kèm theo mũ mã, giày dép, quần áo là các mặt hàng như: tiền, vàng kèm theo cũng tăng lên khoảng 3.000 - 5.000 đồng và dao động quanh mức 10.000 - 20.000 đồng/bộ. Bộ comple 25.000 đồng/bộ, bộ sơ mi 20.000 đồng/bộ.
Những đồ trang trí "chuyên biệt" dành cho ngày ông Công ông Táo được bày bán la liệt trên phố Hàng Mã. Được biết, 1 bộ cá "bông" có giá từ 70.000 đồng trở lên (Ảnh: Việt Linh)
Thị trường năm nay còn xuất hiện các mẫu điện thoại như iPhone 6 có giá bán trên dưới 50.000 đồng. Các loại biệt thự cũng được thiết kế đa dạng về mẫu mã, giá dao động từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy loại. Các mặt hàng xe máy, ôtô cũng được coi là mặt hàng hút khách, bày bán với nhiều chủng loại, giá dao động từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng.
Tuy nhiên, theo chị Thảo - một người kinh doanh những mặt hàng này cho biết: “Đồ này chỉ đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng thuộc giới kinh doanh, buôn bán hoặc có địa vị xã hội. Họ coi trọng việc cúng lễ và tặng những món quà đắt tiền cho người đã khuất như một nghi lễ đền ơn, đáp nghĩa. Thông thường, người mua phải đặt hàng trước, chúng tôi mới nhận làm. Đây là mặt hàng cầu kỳ, mất nhiều thời gian chuẩn bị nên chúng tôi không sản xuất đại trà".
Quan niệm “trần sao, âm vậy”
Mặc dù các mặt hàng cho ngày 23 tháng Chạp năm nay giá có phần tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua của người dân không hề giảm so với các năm trước, bởi yếu tố tâm linh luôn là nền tảng đặc trưng của người Việt từ xưa tới nay.
Ngày ông Công, ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau khi tiễn đưa Táo quân, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón 1 cái Tết sum vầy.
Cô Bùi Thị Mẫn, một khách hàng đang chọn đồ chia sẻ: “Tôi tâm niệm 'trần sao âm vậy' nên không chỉ Rằm tháng Bảy mà những ngày Tết, cuối năm hay ông Công, ông Táo tôi đều làm lễ 'tạ ơn' cho những người đã khuất. Với hy vọng ông Công, ông Táo hay những người đã khuất cũng sẽ có một cái Tết no đủ, sung túc. Vì thế đồ thờ cúng dù có đắt hơn thì cũng vẫn phải mua chứ không thể thiếu được”.
Cùng chung quan điểm như cô Mẫn, chị Hà Minh Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Đồ tiễn ông Công, ông Táo cũng như các mặt hàng thờ cúng khác dịp Tết có phần đắt hơn so với năm ngoái, nhưng vì 'nghĩa tử là nghĩa tận', thờ cúng là một việc làm tôn nghiêm, thể hiện cái tâm của người sống với người mất nên việc mua bán đồ thờ có đắt đỏ hơn trước thì cũng không thể bỏ qua”.