Nhóm người đánh ghen, trói và cắt tóc "tình địch" ở Cà Mau có thể đối diện tội danh nào?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Theo luật sư Hùng, nếu hành vi đánh ghen đủ căn cứ vào kết quả giám định, có yêu cầu khởi tố của người bị hại, hành vi đánh ghen gây thương tích thì có thể bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Đó là ý kiến của luật sư Trần Minh Hùng – Giám đốc hãng luật Gia đình, Đoàn LSTP Hồ Chí Minh nêu quan điểm xung quanh việc nhóm người đánh ghen, cắt tóc, nhục mạ "tình địch" xảy ra tại xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đang gây xôn xao dư luận.

Nhóm người đánh ghen, trói và cắt tóc tình địch ở Cà Mau có thể đối diện tội danh nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ đánh ghen được cắt từ clip.

Liên quan đến vụ việc, ngày 22/5, UBND huyện Cái Nước (Cà Mau) đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với UBND xã Đông Hưng xác minh vụ đánh ghen gây phẫn nộ dư luận.

Được biết, chị P. (người bị đánh ghen tàn bạo trong vụ việc trên) đã gửi đơn đề nghị khởi tố vụ án đối với những người đã đánh và làm nhục mình trong rạng sáng 13/5.

Hành vi trói tay chân, đánh đập, nhục mạ có đủ để khởi tố vụ án không thưa luật sư?

Theo nội dung đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh đôi nam, nữ trong tình trạng khỏa thân bị một số đối tượng trói tay chân, đánh đập, cắt tóc rồi nhục mạ trong một căn nhà diễn ra vào lúc 1h sáng ngày 13/5.

Vụ 7 người đánh ghen, trói và cắt tóc tình địch ngay tại nhà ở Cà Mau đối diện mức án nào? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM

Theo luật sư Trần Minh Hùng, những hành vi đánh ghen thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả, hành vi mà có chế tài xử lý khác nhau. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Căn cứ Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người Bị hại thì để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS), Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS) thì cần phải có Đơn yêu cầu của người Bị hại.

Trong trường hợp người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra trước tiên phải xem xét xử lý các đối tượng về Tội làm nhục người khác theo điều 121 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Nhóm người này sẽ đối mặt với mức án nào?

Luật sư Trần Minh Hùng cho biết, theo Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ thì mức xử phạt hành chính đối với hành vi trên là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Về chế tài hình sự: Những hành vi đánh ghen như trên hoặc tương tự có thể bị xử lý về hành vi Làm nhục người khác được quy định tại Bộ Luật Hình sự hiện hành.

Theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, nếu hành vi đánh ghen đủ căn cứ vào kết quả giám định, có yêu cầu khởi tố của người bị hại, hành vi đánh ghen gây thương tích thì có thể bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Cụ thể, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ…

Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.

Mọi hành vi dùng vũ lực để đánh ghen, nhục mạ đều vi phạm pháp luật

Luật sư Trần Minh Hùng cho hay, nếu có căn cứ chứng minh người vợ (chồng) có dấu hiệu vi phạm chế độ hôn nhân gia đình thì chúng ta hoàn toàn có nhiều cách hợp pháp để giải quyết vụ việc như: có thể làm đơn trình báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an giải quyết, xử lý theo pháp luật.

Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 đã có những qui định cụ thể hơn về việc xử lý tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhằm mục đích răn đe, phòng chống các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.

Hành vi dùng vũ lực để đánh ghen, làm nhục người khác cũng không phải là một giải pháp để níu kéo hạnh phúc gia đình, thậm chí nó còn làm trầm trọng hơn quan hệ vợ chồng. Chúng ta sống trong một xã hội văn minh và hoạt động của con người đều phải dựa trên các chuẩn mực về pháp luật, đạo đức xã hội. Nếu bản thân xét thấy quan hệ hôn nhân trầm trọng, vợ chồng không còn tình cảm, tôn trọng nhau, không đạt được mục đích hôn nhân thì có thể giải quyết ly hôn theo qui định của pháp luật.

Trước đó, như thông tin đã đưa trên báo chí, vào khoảng 1h ngày 13/5, chị N.T.D (34 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cùng một nhóm gồm 7 người kéo tới nhà ông T.V.T (ngụ xã Đông Hưng, huyện Cái Nước) để đánh ghen.

Sau đó, chị D. mở cửa xông vào phòng ngủ thì phát hiện chồng mình là anh N.V.Th và chị T.H.P (con gái ông T.) đang ở bên trong, cả hai không mặc quần áo.

Tại đây, chị P. bị chị D. lôi ra khỏi phòng đánh và cắt tóc, dùng lời lẽ nhục mạ P. Trong khi đó, anh Th. cũng bị kéo ra phòng khách.

Nhóm người đánh ghen yêu cầu đôi nam nữ mặc quần áo vào. Anh Th. bỏ trốn về sau đó.

Công an xã Đông Hưng đã đến hiện trường lập biên bản vụ việc.

Chia sẻ