Nhóm 10X Sài Gòn mang robot "bạch tuộc 6 tua" ra biển lớn

,
Chia sẻ

Robot "bạch tuộc 6 tua" sẽ tự động kích hoạt hệ thống hút rác thải sau khi tìm đến đúng tọa độ ngoài khơi mà con người chỉ định. Sáng chế là một bước tiến mới trong việc hỗ trợ người dân thu gom, phân loại và tái chế rác trên đại dương.

Trong 3 ngày, từ 25 đến 27/11, 3 bạn trẻ gồm Hồ Thị Ngọc Diệp (sinh năm 2000, THPT Nguyễn Thượng Hiền), Nguyễn Huỳnh Nguyên Lộc (sinh năm 2000, THPT Năng Khiếu, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) và Nguyễn Ngọc Phương Uyên (sinh năm 2003, Trung học Thực hành Sài Gòn - Đại học Sài Gòn, TP.HCM), đã cùng tham gia tranh tài tại cuộc thi Robotics Quốc tế - World Robot Olympiad (WRO).

Diệp, Lộc và Uyên mang đến cuộc thi con robot được thiết kế theo mô hình chú bạch tuộc 6 tua Hexapus. Tên gọi này được ghép bởi 2 từ Hexagon (lục giác) và Octopus (bạch tuộc). Robot chạy tự động hoàn toàn và hỗ trợ con người dọn rác ở đại dương.

"Lần đầu tiên tham gia một cuộc thi quốc tế, nhóm đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Những lời khen, lời góp ý chân thành từ ban giám khảo và bạn bè quốc tế góp phần giúp chúng em giữ lửa đam mê khoa học. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho những phát minh khác trong tương lai", Nguyên Lộc chia sẻ.

Nhóm 10X Sài Gòn mang robot bạch tuộc 6 tua ra biển lớn - Ảnh 1.

Thầy Cao Xuân Nam (ngoài cùng bên phải) chụp cùng nhóm 10X dự cuộc thi sáng chế quốc tế tại Ấn Độ


Tình yêu sáng chế bắt đầu từ những điều bình dị 

Trong ba bạn trẻ dự cuộc thi sáng chế robot, Lộc là người duy nhất từng có sản phẩm sáng chế khoa học. Hệ thống tối ưu hóa năng lượng mặt trời chính là "đứa con tinh thần" khiến chàng trai 10X tự hào.

Uyên, Diệp và Lộc biết đến nhau khi cùng tham gia lớp "Lập trình sáng tạo Robot" do CLB Robotics của trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, kết hợp cùng Trung tâm Hoa kỳ và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức. Cả ba đều có chung niềm đam mê với các loại máy móc, yêu thích phim ảnh về robot, hay tìm đọc các loại sách báo thuộc lĩnh vực khoa học sáng chế.

Sau khi giành được thứ hạng cao trong cuộc thi "Tài năng robot Robotacon 2016" và vượt qua vòng phỏng vấn tiếng Anh, nhóm vinh dự đại diện Việt Nam tham dự giải đấu quốc tế.

Nhóm 10X Sài Gòn mang robot bạch tuộc 6 tua ra biển lớn - Ảnh 2.

Nhóm 10X Sài Gòn mang robot bạch tuộc 6 tua ra biển lớn - Ảnh 3.

Giám khảo nước ngoài chăm chú lắng nghe nhóm bạn trẻ Việt giới thiệu về robot gom rác đại dương

Cuộc thi WRO năm nay được tổ chức tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, với sự tham gia của hơn 20.000 thí sinh thuộc hơn 400 đội đến từ 51 quốc gia như Malaysia, UAE, Iran, Đức, Nga, Hy Lạp, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc...

Ý tưởng sáng chế robot biết thu gom rác thải được hình thành từ tháng 6. Sau 5 tháng tiếp tục thực hiện và phát triển ý tưởng dưới sự góp ý của thầy Cao Xuân Nam, 3 bạn trẻ tự tin mang Hexapus đi tranh tài.

"Trên đại dương có 5 vùng giao nhau của các dòng hải lưu, nơi mà phần lớn rác thải tập trung. Robot sẽ tự động đi đến địa điểm theo toạ độ mà con người chỉ định ngoài khơi. Tới nơi, nó sẽ tự động kích hoạt hệ thống hút rác thải. Cơ chế hoạt động là hút rác vào 6 ống nằm dưới robot. Khi hút vào, rác sẽ được giữ lại và chứa trong chiếc lưới được mắc phía dưới robot. Chiếc lưới của robot được sử dụng theo nguyên lý trao đổi ion nên có thể lọc các loại dầu gây bẩn nước. Khi rác đầy, robot sẽ tự động bơi vào bờ và được thay chiếc lưới khác", Phương Uyên giới thiệu về cách thức hoạt động của Hexapus.

Nhóm 10X Sài Gòn mang robot bạch tuộc 6 tua ra biển lớn - Ảnh 4.

Nhóm của Lộc đang chuẩn bị "bể bơi" cho robot thể hiện tài năng

Đầu năm nay, hai chàng trai người Úc đã giới thiệu phát minh "máy hút rác đại dương" tên là Seabin. Nó được ví như chiếc thùng rác đặc biệt có khả năng hút mọi loại rác thải trôi nổi trên biển, từ chai nhựa, túi nilon tới giấy, dầu, xăng hay các chất tẩy rửa.

So với sáng chế này, sản phẩm của nhóm 3 bạn trẻ có "dấu ấn" riêng. Lộc nói: "Robot của các bạn người Úc hoạt động chủ yếu ở khu vực gần bờ biển. Robot của nhóm mình hoạt động ở các vùng giao nhau của các dòng hải lưu ngoài khơi xa, nơi rác thải tập trung rất nhiều!".

Cuộc thi WRO bao gồm 3 bảng thi đấu chính: Regular, Advanced và Open Category. Việt Nam tham gia ở bảng Regular và Open Category. Tại bảng Open Category, Việt Nam có 3 đội tham gia. Nhóm của Lộc nằm trong số đó.

"Tại bảng Open Category, nhóm mình chưa giành được giải. Tuy vậy, chúng mình đã học hỏi được rất nhiều về lập trình sáng tạo robot,  khoa học kỹ thuật mà trước giờ chưa từng được tiếp xúc. Nhóm đã gặp gỡ nhiều bạn bè có chung niềm đam mê đến từ các nước trên thế giới. Trong đó, có những nước rất mạnh về Khoa học kỹ thuật như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Iran... và học hỏi được rất nhiều điều thú vị", Nguyên Lộc chia sẻ.

Chuyện dở khóc, dở cười trong cuộc thi

Theo lời Lộc, trong ngày chuẩn bị cho kì thi Robotacon, nhóm của cậu là đội duy nhất bị thiếu bàn để trưng bày nên phải ở lại đến 7 giờ tối để sắp xếp. Đó lại là ngày trời mưa tầm tã, đường ngập nặng nên cả ba về được nhà lúc 10 giờ đêm.

Trong giai đoạn đầu làm robot, do chưa mua được bể bơi mini, nhóm của Lộc đã tự dùng thùng carton, túi nilon dán kín lại để dùng tạm.

Khi robot được thử nghiệm vận hành, nhiều lần nó suýt bị chìm. Cả nhóm phải thử đi thử lại mới có thể nổi được. Điều đặc biệt là phải bảo vệ các thiết bị điện tử tránh nước. Những sự cố nho nhỏ ấy nhiều phen khiến các bạn sợ hết hồn.

Thầy Cao Xuân Nam (Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), người đồng hành cùng nhóm dự cuộc thi quốc tế về robot năm nay, đánh giá cao tinh thần sáng tạo cùng sự nỗ lực không ngừng của cả 3 em trong quá trình sáng chế robot gom rác thải.

Nhóm 10X Sài Gòn mang robot bạch tuộc 6 tua ra biển lớn - Ảnh 5.

Thầy Cao Xuân Nam (thứ 2 từ trái qua) đánh giá cao nỗ lực của học trò

Thầy Nam chia sẻ: "Với mục tiêu để các em phát huy tối đa khả năng sáng tạo và tự lập, tôi chỉ đóng vai trò tư vấn về ý tưởng, đặt câu hỏi trên ý tưởng các em đề xuất để các em tự nhận thấy điểm yếu và điểm mạnh robot của mình và nghiên cứu cách khắc phục".

Trong tương lai, nhóm đặt mục tiêu tham gia các kì thi khoa học kĩ thuật và tin học trẻ để học hỏi thêm từ các bạn trẻ có chung đam mê.

"Nếu bạn thực sự có niềm đam mê thì hãy cố gắng theo đuổi nó tới cùng. Nếu bạn có một ý tưởng, đừng ngại ngần mà hãy bắt tay vào thực hiện ngay ý tưởng đó. Vì biết đâu, các bạn sẽ thay đổi thế giới.

Mình biết con đường này sẽ rất khó khăn, nhưng nếu quyết tâm thì sẽ thực hiện được. Điều quan trọng, các bạn phải không ngừng học hỏi, cải tiến ý tưởng để chúng hoàn hảo nhất, như câu nói của Steve Jobs: "Stay hungry, stay foolish" (dịch: Hãy luôn khao khát, hãy cứ dại khờ!).

Chúc các bạn thành công với những ý tưởng của mình!", Nguyên Lộc nhắn gửi đến bạn trẻ yêu khoa học.

Chia sẻ