Nhói lòng thưởng Tết giáo viên vùng cao 'không đủ mua cho con chiếc áo mới'
Với những giáo viên vùng cao, thưởng Tết là điều quá xa vời, hầu như không có trong suy nghĩ của các thầy cô.
Càng cận kề Tết Nguyên đán, câu chuyện về thưởng Tết lại càng được quan tâm. Nếu như giáo viên nhiều trường tư thục tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM nhận mức thưởng lên đến vài chục triệu đồng, thì các thầy cô nơi vùng cao không khỏi ước ao và trĩu nặng tâm tư.
Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Lê Thị Quang, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương - một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An chia sẻ, thưởng Tết là điều quá xa vời. Từ ngày lên vùng cao công tác, cô chẳng bao giờ nghĩ tới.
Theo cô Quang, các trường công lập hiện nay chưa có nguồn kinh phí riêng dành cho việc thưởng Tết Nguyên đán. Hầu hết ban lãnh đạo và công đoàn đều cố gắng tiết kiệm chi tiêu từ đầu năm học để thầy cô có chút quà động viên dịp cuối năm.
"Trường Mầm non Xá Lượng có 26 giáo viên và 6 nhân viên. Nếu việc quản lý tài chính nội bộ thực hiện tốt, mỗi giáo viên dự kiến sẽ nhận được khoảng 200.000 đồng/người, nhân viên nhận 100.000 đồng/người. Tổng nhà trường sẽ chi khoảng 6 triệu đồng tiền thưởng Tết Nguyên đán cho toàn bộ nhân sự", cô Quang tính toán.
Năm học trước, trường Mầm non Xá Lượng tặng quà Tết cho giáo viên bằng những hiện vật thiết yếu như: nước mắm, muối, mì chính nhằm động viên tinh thần của thầy cô là chính. Mặc dù còn nhiều thiếu thốn nhưng đội ngũ giáo viên vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và lòng yêu nghề.
"Xa nhà quanh năm, mọi người cũng mong đến Tết để được sum họp, đoàn viên bên gia đình, có chút quà làm niềm vui cho người thân, nhưng thực tế, việc mua cho con chiếc áo mới vào dịp Tết với nhiều giáo viên nơi đây là điều khó thực hiện" , cô Quang nói.
Cô giáo Quàng Thị Xuân, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn - một ngôi trường nằm trong xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết, cô và các giáo viên nơi đây không có khái niệm về việc thưởng Tết hay lương tháng 13.
Theo cô Xuân, dịp Tết Nguyên đán hàng năm, công đoàn trường sẽ hỗ trợ từ 100-200.000 đồng/giáo viên. Nhà trường cũng sẽ chọn ra 1-2 thầy cô có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đề xuất lên huyện để được nhận thêm mức thưởng 500.000 đồng/người.
"Như vậy đã là quý lắm rồi. Chúng tôi vẫn thường động viên nhau có còn hơn không và tự bằng lòng với chính mình", cô Xuân nói.
Cô Hoàng Thị Ngân, giáo viên tiểu học tại Hà Giang cho hay, cảm giác Tết về được nhận thưởng dù chỉ 100-200.000 đồng cũng luôn là niềm ước ao, chưa nói đến tiền triệu. Nhà trường thương giáo viên nghèo nên cũng cố gắng động viên các thầy cô bằng chai nước mắm, túi mì chính, nửa cân cá khô.
"Vài ba nhu yếu phẩm vậy, chúng tôi đã thấy ấm lòng giáo viên lắm rồi. Còn về thông tin thưởng Tết giáo viên, trước giờ tôi chỉ nghe thấy nói trên mạng, chứ không về được tới những lớp học lợp lá, tường vôi này", cô Ngân nói.
Nữ giáo viên mong rằng, thầy cô vùng cao sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa, để những món quà Tết không chỉ là nguồn động viên tinh thần, mà còn tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục vượt qua khó khăn, gắn bó với công việc gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi.
Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có quy định cụ thể nào về việc thưởng Tết hay tháng lương thứ 13 cho giáo viên là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi khoản 3, điều 12 Luật Viên chức 2010 quy định, viên chức được hưởng tiền thưởng theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều này có nghĩa là giáo viên vùng cao thường không có cơ chế thưởng Tết riêng. Việc có thưởng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện ngân sách của đơn vị họ công tác.