Nhọc nhằn đường đến mùa thi Đại học
Các cô cậu đã bước chân ra khỏi ghế nhà trường cùng người nhà vẫn chưa hết phần lo lắng, bởi trước mắt họ còn bao khó khăn, vất vả.
Nhọc nhằn chuyện ở - ăn
Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời của con mình, nhiều phụ huynh lặn lội thân cò, cùng con khăn gói "lên kinh ứng thí". Đáp lại nguyện vọng được lên Hà Nội ôn thi để nắm vững kiến thức và ổn định tâm lý thi cử của con, họ nếu không nhờ vả được họ hàng, bạn bè, thì tất tả ngược xuôi để đưa con đi tìm chốn ở, chỗ ăn, rồi tìm "lò" cho con mình luyện.
Những thí sinh có người nhà ở Hà Nội còn có cái
may mắn được đón đưa tận bến xe.
Thời điểm sát mùa thi là những "ngày vàng" đối với các chủ nhà trọ ở Hà Nội. Bằng việc cho thuê trọ ngắn ngày cho học sinh lên ở để ôn thi hay chỉ ở đôi ba ngày trong đợt thi, họ thu về lợi nhuận gấp đôi, gấp ba một tháng phòng thuê thông thường.
Chính vì thế, cứ mùa hè là phòng cho thuê lại ngày một mọc lên như nấm. "Chạy đua vũ trang" cùng giá phòng, các quán cơm bình dân cũng khai trương rầm rộ và cơm canh "đội giá" theo ngày.
Nhưng nhiều phụ huynh khác phải tự mình cùng con lặn lội lên Hà Nội,
đi tìm chỗ ở tại cả những nơi lụp xụp, tồi tàn.
Bác Vương (Nam Định) cho biết:"Có đưa con đi thi mới biết các cháu ở trên thành phố này còn khổ hơn dưới quê nhà bác. Trời nóng như thiêu mà hai bố con ở cái phòng chưa được 9m2, vệ sinh chung thì hết mùi ẩm mốc sang mùi xú uế. Tối về nằm thương con mà nghĩ, biết không học không hết nghèo, chứ không thì cho nó ở nhà làm ruộng, buôn bán còn hơn".
Nơi thì hết phòng. (Ảnh: C.V)
Chỗ thì tồi tàn, ẩm thấp, mất vệ sinh. (Ảnh: Internet)
Còn bác An thì có khá hơn, bác có nhờ được người bạn cũ tìm được một phòng trọ khá tử tế, rộng 15m2. Nhờ có chút quen biết, nên chủ nhà còn cho mượn một chiếc quạt điện để hai bố con sử dụng. Bác chia sẻ: "Hôm nào không cắt điện thì cháu nó học cũng đỡ khổ. Chỉ mỗi chuyện bữa ăn là không ai giúp gì cho được. Ở nhà có cơm canh ngon lành bác gái nấu, giờ ra đây ba bữa nhìn con ăn cơm hàng không tử tế, bác cầm lòng không đặng".
Có khi hai nhà phải ở ghép vì hết chỗ, và
để tiết kiệm chi phí. (Ảnh: Nguyên An)
Có "không đặng" cầm lòng, thì họ vẫn phải cố gắng động viên con chịu đựng, trong khi mình cũng chẳng mấy khá hơn. Thời điểm này, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đã đến kỳ thi Đại học khối A, những thí sinh và người nhà dù có thấy vất vả cũng biết phải bấm bụng mà cố gắng. Cũng chẳng mấy gia đình gặp được chủ nhà tử tế như bác An, lại càng chẳng nhiều nhà có điều kiện sắm sửa vật dụng chỉ để dùng cho vài tuần nơi đất khách.
Gian truân đường củng cố tri thức
Ổn định được nơi ăn, chốn ở, nhiều thí sinh và gia đình cũng phải ngơ ngác trước cả "rừng" những trung tâm luyện thi dán đầy quảng cáo, phát đầy tờ rơi như tung hỏa mù.
Các trung tâm luyện thi mọc lên như nấm,
chỗ nào cũng quảng cáo cô này, thầy nọ, chuyên gia kia.
Và lịch học thì kín mít, dày đặc.
Đến trước một vài trung tâm luyện thi Đại học, chúng tôi gặp không ít cảnh những phụ huynh ngay cả là đi xe máy biển số Hà Nội, nhưng vẫn cùng con toát mồ hôi hột vì không biết học ở đâu, chọn lớp nào. Người biết đường biết lối còn vậy, những cảnh cha con, mẹ con dắt díu nhau từ nơi xa đến còn vất vả và bối rối hơn.
Vị phụ huynh này đã dẫn con mình đi mấy nơi nhưng
chưa dám cho con vào học lớp nào.
Một phụ huynh Hà Nội giấu tên cho biết: "Cô có nhờ người hỏi thăm và tìm hiểu giúp rồi, họ nói trung tâm này dạy được. Nhưng đến nơi, thấy khóa biểu kín mít lớp này lớp nọ, thầy này cô kia "chạy sô" hơn ca sĩ, dù có được người quen chỉ chỗ cũng thấy lo lo". Được biết, cùng lớp với con gái cô, nhiều gia đình chọn việc thuê thầy dạy riêng cho một nhóm 3-4 cháu để đảm bảo chất lượng cho việc ôn tập của con mình. Nhưng "có phải ai cũng có điều kiện đáp ứng được đâu".
Những trung tâm này, nơi nào cũng "đảm bảo chất lượng", khiến sĩ tử không khỏi lúng túng khi chọn chỗ để "gửi thân" chờ ngày lên trường thi.
Những lớp luyện thi "cấp tốc" mọc lên như nấm với lịch học dày đặc. Sau khi được một nhân viên ngồi ở bàn tư vấn phát cho tờ thời khóa biểu, chúng tôi còn nhận được lời đảm bảo chắc nịch:"Các thầy cô ở đây toàn giảng viên có tiếng ở các trường đại học, nên chị cứ yên tâm cho em mình đến đây tham dự. Học ở nhà không có sự cọ xát, đến lúc thi khó mà bình tĩnh và nhanh nhạy khi làm bài lắm".
Những bạn đã đăng ký học thì phải đến sớm và ngồi chờ
để có chỗ ngồi tốt trong lớp học đông đúc, chật như nêm.
Chính vì những lời quảng cáo "đâu đâu cũng giống nhau", thầy nào cũng giỏi, cô nào cũng là chuyên gia này, những phụ huynh lặn lội đường xa cùng con đi tìm chỗ học không khỏi lúng túng và vô cùng lo lắng. Bác Hương (Thái Bình) cho biết: "Hai mẹ con bác đi cả buổi sáng rồi, chỗ này là chỗ thứ 5, mà chưa thấy yên tâm chỗ nào để xin vào học.
Điều kiện gia đình cũng không dư dả nên giờ này mới cho em nó lên tìm chỗ học ôn, nhưng thật tình sao mà khó quá". Sau khi cân nhắc, cô bé và mẹ đã đành "nhắm mắt đưa chân" để điền tên vào phiếu đăng ký và nạp học phí tại trung tâm luyện thi thứ 5 này vì trời đã bước sang buổi ban trưa nắng nóng, và dù có tìm thêm thì chắc cũng "chỉ đến thế mà thôi".
Xét cho cùng, việc đến những trung tâm chật ních người này
cũng chỉ là "liệu pháp tâm lý" giúp các em ổn định tư tưởng
trước ngày thi gần kề.
Những thí sinh áo trắng rời trường thi tốt nghiệp chưa được bao lâu, cái thở ra nhẹ nhõm chưa kịp dứt, thì họ và những người thân đã phải đối đầu ngay với nỗi lo cho kỳ thi Cao đẳng - Đại học đang mở ra trước mắt.
Sau 12 năm dùi mài kinh sử, tấm bằng tốt nghiệp dù có chắc chắn nằm gọn trong tay cùng nụ cười chiến thắng hay còn những con số trên thông báo điểm chưa được hài lòng, họ vẫn phải củng cố tinh thần ngay cho chặng đường đến ngày thi đại học.
Để đến được ngày đó, không chỉ đơn giản là học và thi. Mong rằng các sĩ tử của chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn, vất vả để ôn tập và hoàn thành tốt bài thi của mình, mang nụ cười trở về để không phụ công lao của những người thân luôn một lòng chăm lo và dõi theo họ.