Nhờ ChatGPT tư vấn chuyện dạy con, xem đáp án thấy ngay... còn khướt mới thay được chuyên gia giáo dục, tâm lý thật
Ở đâu cần ChatGPT có, ở đâu khó ChatGPT lo. Nhưng, liệu có phải vấn đề nào cũng có thể 'trông chờ' vào công nghệ trí tuệ nhân tạo đang khiến hàng triệu người "phát sốt" này?
Những ngày đầu năm trở lại công sở, văn phòng của chị Quyên (Quận 3, TP.HCM) xôn xao về một "trò chơi" mới. Đó chính là ChatGPT - công cụ chatbot có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể về lĩnh vực gì. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình.
Ban đầu, bà mẹ 2 con này vốn dĩ không quan tâm đến chuyện công nghệ, nhưng thấy đồng nghiệp ai cũng háo hức tạo tài khoản, chị cũng tò mò thử. Mới đầu chỉ là vài câu hỏi vô thưởng vô phạt như Nấu món ăn ra sao? Viết bài thơ tặng chồng tên Hùng như thế nào...
Sau, nhớ lại chuyện mới phát hiện đứa con trai lớn đang tuổi dậy thì ở nhà xem phim "đen" mà chưa biết ứng xử ra sao, chị Quyên gõ dòng chữ: "Làm sao khi bắt gặp con xem phim người lớn". ChatGPT đưa ra câu trả lời "chuẩn mực" khiến chị ngạc nhiên:
"Nếu bạn phát hiện con của mình đang xem phim sex, bạn có thể thực hiện các bước sau đây:
Tạo một cuộc trò chuyện với con: Hãy nói chuyện với con của mình về việc xem nội dung này và giải thích về tác động của nó trên sức khỏe tâm lý và cảnh báo về những rủi ro của việc sử dụng internet.
Đặt hạn chế truy cập internet: Bạn có thể sử dụng các công cụ giám sát hoặc hạn chế truy cập để giới hạn việc xem nội dung không phù hợp.
Cung cấp thông tin chính xác: Hãy cung cấp cho con một nguồn thông tin chính xác về giới tính và tình dục, giúp họ hiểu rõ hơn về chủ đề này.
Tìm sự giúp đỡ của chuyên gia: Nếu bạn cảm thấy rắc rối hoặc không biết cách giải quyết vấn đề này, hãy tìm sự giúp đỡ của một chuyên gia hoặc cơ sở y tế tâm thần".
Chị Quyên cho rằng, nội dung ChatGPT đưa ra khá "chung chung", tuy nhiên nếu bạn muốn trò chuyện tiếp và gõ thêm dòng chữ "Cụ thể hơn đi", nó sẽ bổ sung thêm các thông tin chi tiết về vấn đề cần giải đáp. Bà mẹ này đánh giá, câu trả lời này có thể tìm thấy rất nhiều trên Google, dù vậy, với ChatGPT, mọi nội dung cần thiết được cô động khá gọn gàng, dễ đọc người dùng đỡ mất thời gian tìm kiếm.
Một số câu hỏi về vấn đề nuôi dạy con hoặc tâm lý trẻ em được chị Quyên thử nghiệm trên ChatGPT sau đó cũng cho thấy: Nhìn chung công cụ này trả lời đúng trọng tâm, có thể tham khảo và sử dụng. Ngoài ra, đó còn là những câu trả lời súc tích, mạch lạc và với ngôn từ khá chuẩn xác.
Học sinh bị trầm cảm, phải làm sao?
Làm sao khi con chán học?
Với một số câu hỏi, ChatGPT cũng có chút nhầm lẫn. Nếu bạn diễn đạt theo một cách rõ ràng hơn sẽ có câu trả lời như mong muốn. Chẳng hạn với câu hỏi: Làm sao khi con chơi với bạn xấu, nội dung phản hồi của ChatGPT lại xoay quanh chuyện "Làm sao khi con chơi xấu bạn". Ngoài ra, thỉnh thoảng ChatGPT vấp phải một số lỗi lẫn lộn Anh - Việt. Với tiếng Việt, công cụ này đôi lúc mắc lỗi diễn đạt.
ChatGPT có thể cung cấp cho người dùng câu trả lời chi tiết hơn nếu bạn sửa đổi câu hỏi cụ thể hơn. Nếu câu hỏi quá ngắn và quá khó hiểu thì ChatGPT sẽ không thể nắm bắt được ý định và sẽ đưa ra câu trả lời "Xin lỗi, tôi chỉ là trợ lý AI và tôi không biết gì cả".
Chuyên gia tâm lý nói gì về những màn tư vấn của ChatGPT?
Trước những câu trả lời của ChatGPT trong vấn đề nuôi dạy con và tư vấn tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, hiện đang làm việc tại Phòng tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận định, phản hồi của công cụ chatbot này cơ bản, đúng, thực tế, có thể áp dụng. Đó là các nguyên tắc chung, không sai - có thể phù hợp trong một số trường hợp đơn giản nhưng nếu chỉ như thế thì khó áp dụng vào cho từng trường hợp cá biệt.
Ông Khanh cho rằng: "Thuật toán dựa trên các dữ liệu được cài sẵn và công cụ sẽ trả lời dựa trên những gì nó được cung cấp - dĩ nhiên chỉ là ở mức độ tổng quan, tuy không sai nhưng nó thiếu tính "cá biệt hóa" về cảm xúc của con người trong từng trường hợp.
Bởi vì, cũng là 1 vấn đề đó nhưng với bạn này, có tính cách như thế này, sinh ra trong một gia đình có sự quan tâm với nhau ở mức độ này thì sẽ khác với 1 bạn cũng có vấn đề y như vậy, nhưng tính cách khác sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình có mối quan tâm khác - thì phản ứng và biện pháp cũng sẽ khác".
Nói chung, xét về mặt cảm xúc và tính cách con người thì AI không thay thế được - nó chỉ có thể cung cấp các kiến thức về khoa học kỹ thuật, về những gì do con người cung cấp và cài đặt dựa trên các thông số chung mà thôi.
"Cũng như có phụ huynh hỏi tôi về trẻ chậm nói hay trẻ tự kỷ - dựa trên các kiến thức giáo dục, tôi hoàn toàn có thể đưa ra những lời khuyên chung mà không cần khám hay đánh giá trực tiếp. Nhưng nó có thể đúng với các nguyên tắc chung, chứ có thể là không đúng với 1 trường hợp cá biệt", ông Khanh nói.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng, ngay cả trong Y khoa, bác sĩ cũng phải căn cứ theo tình trạng và thể trạng của bệnh nhân mà cho các toa thuốc có liều lượng khác nhau - chứ không phải cứ bệnh đó thì sẽ uống y một liệu trình như nhau. Vì vậy, nếu 3 phụ huynh cùng đưa ra 1 câu hỏi giống nhau về tình trạng con mình - thì cũng sẽ nhận được 3 câu trả lời giống nhau, trong khi đó phải xử lý 3 trường hợp này khác nhau, theo từng hoàn cảnh. Giống như chứng Tự kỷ - 100 trẻ tự kỷ là 100 trường hợp khác nhau - không thể có 1 giải pháp chung cho 100 bạn.
Với các câu hỏi phụ huynh và học sinh đưa ra ở trên, ông Khanh cho rằng, quy trình xử lý thông thường sẽ là:
Điều đầu tiên là phải quan sát: Quan sát thái độ của đứa trẻ, cách trẻ tương tác với bố mẹ - cách bố mẹ cư xử với con để nhận biết sự quan hệ của họ ở mức nào. Thứ hai là đặt câu hỏi, không phải với trẻ hay thân chủ mà với bố mẹ hay người thân (chỉ khi nào trẻ trên 15 tuổi mới đặt ra các câu hỏi gián tiếp với trẻ) - sau đó có thể áp dụng vài kỹ thuật trắc nghiệm khách quan để nhận biết mức độ cảm xúc của trẻ.
Tiếp tục hỏi về bối cảnh gia đình và những hành vi xảy ra ở nhà. Từ đó mới rút ra những yếu tố để chẩn đoán. Sau đó phải xác định lại xem các yếu tố đó đã đúng và đủ chưa - rồi mới đi đến kết luận. Điều quan trọng: Đó là đề nghị bố mẹ - hay thân chủ đưa ra giải pháp mà họ nghĩ là đúng hay có thể áp dụng được - góp ý với họ về giải pháp đó, chứ không đưa ra giải pháp và yêu cầu thân chủ hay bố mẹ phải áp dụng.
Theo ông Khanh, đó mới là tư vấn hay tham vấn tâm lý - không phải điều trị bằng giải pháp của chuyên gia. Trừ khi nào bố mẹ hoàn toàn bế tắc, người tư vấn sẽ gợi ý một vài giải pháp để họ chọn lựa. Thường là nếu thân chủ hợp tác, họ sẽ đưa ra giải pháp hay chọn lựa 1 giải pháp và cả 2 sẽ bổ sung cho hoàn thiện hơn.