Nhìn xuống chân mà thấy 4 dấu hiệu này thì cần đi khám sớm, không nên chần chừ
Mới đây, một bác sĩ chỉ ra 4 dấu hiệu cảnh báo bệnh tật ở bàn chân, nếu thấy thì nên đi khám sớm.
Trong mùa hè, bạn nhìn thấy bàn chân của mình nhiều hơn so với mùa đông. Không còn tất và giày, những đôi dép hay sandal sẽ giúp bạn được quan sát bàn chân kỹ hơn.
Mới đây, một bác sĩ cho biết bàn chân của chúng ta có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về sức khỏe tổng thể.
Từ các vấn đề tim mạch đến bệnh tiểu đường, có nhiều bệnh có thể được phát hiện qua bàn chân. Đó là nhận định của Babak Ashrafi, bác sĩ đa khoa tại hệ thống phòng khám online Superdrug Online Doctor, Anh.
Bác sĩ Ashrafi cho biết: "Bàn chân của bạn phản ánh sức khỏe của các cơ quan và hệ thống nội tạng, cung cấp manh mối về sức khỏe tổng thể. Sức khỏe bàn chân có thể tiết lộ từ các vấn đề về tuần hoàn đến các bệnh toàn thân, khiến việc xem xét bàn chân trở thành một phần thiết yếu trong đánh giá sức khỏe định kỳ".
4 dấu hiệu ở bàn chân có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe
1. Thay đổi màu sắc
Bác sĩ Ashrafi cho biết: "Bàn chân đổi màu có thể chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Bàn chân có màu xanh hoặc tím thường là dấu hiệu của cảm lạnh. Tuy nhiên, nó cũng có thể cho thấy tuần hoàn kém hoặc các vấn đề về tim mạch. Bệnh mạch máu ngoại biên do tiểu đường hoặc hút thuốc lá gây ra có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tuần hoàn, gây tắc nghẽn mạch máu ở chân và bàn chân".
"Bàn chân đỏ có thể do phản ứng dị ứng, đặc biệt là khi kèm theo ngứa, sưng hoặc phát ban. Nó cũng có thể liên quan đến nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm mô tế bào, có thể do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết nứt nhỏ trên da. Các dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng bao gồm mẩn đỏ, viêm, đau, tiết dịch hoặc có mùi. Hãy đi khám nếu bạn lo lắng".
2. Sưng
Bác sĩ Ashrafi cho biết: "Sưng là triệu chứng phổ biến của chấn thương ở bàn chân hoặc mắt cá chân. Hãy gác chân cao, chườm đá hoặc băng nén để giúp giảm sưng".
"Phù nề là thuật ngữ y học chỉ hiện tượng sưng tấy xảy ra khi dịch bị mắc kẹt trong cơ thể, thường ảnh hưởng đến chân hoặc bàn chân. Điều quan trọng là phải được chẩn đoán để điều trị kịp thời. Tình trạng phù nề tạm thời thường có thể được cải thiện bằng cách giảm lượng muối ăn vào và tập thể dục vừa phải".
"Nếu không được điều trị, chứng phù nề có thể gây sưng tấy ngày càng đau đớn hơn, cùng với việc đi lại khó khăn. Sưng tấy dai dẳng, cùng với các triệu chứng khác như khó thở, mệt mỏi và nhịp tim nhanh hoặc không đều, có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn như suy tim, vì tim yếu đi và dần dần không thể bơm máu như bình thường".
3. Tê và ngứa ran
Bác sĩ Ashrafi giải thích: "Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở bàn chân đôi khi xảy ra khi bạn ở một tư thế quá lâu". Tuy nhiên, cảm giác ngứa ran hoặc tê dai dẳng ở bàn chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường, một loại tổn thương thần kinh xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường do lượng đường trong máu cao, đặc biệt nếu nó ảnh hưởng đến cả hai chân. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn lo lắng.
4. Thay đổi ở da và móng
"Móng tay dày, màu vàng có thể là dấu hiệu nhiễm nấm và có thể điều trị tại nhà bằng các phương pháp điều trị chống nấm. Gót chân khô, nứt có thể là kết quả của việc bạn phải đứng lâu, đặc biệt là trên sàn cứng và mang giày dép không êm ái", bác sĩ Ashrafi cho biết thêm.
"Trong một số trường hợp, gót chân khô, nứt có thể là dấu hiệu của tuyến giáp hoạt động kém hoặc suy giáp".
(Theo Mirror)