Nhìn lại thế giới năm 2023: Đâu là thật, đâu là AI?
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến những giải pháp tối ưu cho các vấn đề trong cuộc sống nhưng cũng đi kèm nhiều hệ lụy nếu không được kiểm soát.
"Authentic" - xác thực, "hallucinate" - ảo giác, "artificial intelligence" - trí tuệ nhân tạo, đây đều là những từ được các từ điển nổi tiếng lựa chọn là từ khóa của năm 2023 - một năm mà công nghệ trí tuệ nhân tạo có những bước tiến đột phá trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Nhà xuất bản từ điển Merriam-Webster chọn từ "authentic", có nghĩa là xác thực, để thể hiện những mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng đánh lừa, giả làm con người của trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Peter Sokolowski, Biên tập của nhà xuất bản này, khẳng định: "Chúng tôi thấy năm 2023 có một loại khủng hoảng về tính xác thực".
Nhìn lại thế giới năm 2023: Năm của giả - thật, thật - giả
Ông Nick Norlen và ông Grant Barrett của từ điển trực tuyến Dictionary.com lại cho rằng: "Việc chúng tôi lựa chọn từ "hallucinate", có nghĩa là ảo giác, làm từ của năm 2023 để thể hiện dự đoán đầy tự tin của chúng tôi rằng, AI sẽ chứng tỏ là một trong những sự phát triển mang lại hậu quả lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Bỏ qua những cân nhắc về dữ liệu và từ điển, ảo giác có vẻ phù hợp cho một thời điểm trong lịch sử mà các công nghệ mới có thể giống như những giấc mơ hoặc hư cấu - đặc biệt là khi chúng tự tạo ra những hư cấu".
Cuộc khủng hoảng về tính xác thực
Công nghệ AI quả thực đang khiến thật giả lẫn lộn. Đứng trước hình ảnh, thông tin, nhiều người không chắc được đó là thật hay giả.
Điển hình như câu chuyện trước thềm bầu cử ở châu Âu. Liên minh châu Âu đang lo ngại các video giả mạo do trí tuệ nhân tạo àm ra sẽ làm rối loại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra vào giữa năm sau. Không thể lường trước được phản ứng của cử tri, nếu ngay sát trước ngày bầu cử xuất hiện hình ảnh và âm thanh giả mạo một tuyên bố hay một hành động không có thực của ứng cử viên.
Trí tuệ nhân tạo nay đã có thể tạo ra một vidéo hoàn toàn giả mạo, hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động như thật. Không quá khó nếu muốn đánh lừa người xem rằng một chính trị gia vừa tuyên bố điều này, điều kia. Thật thật giả giả, mắt thấy tai nghe vẫn chưa chắc đã là có thực.
Cơ quan An ninh mạng thuộc Uỷ ban châu Âu cảnh báo, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào giữa năm sau sẽ phải đối mặt với rủi ro máy tính được huy động tham gia tranh luận về chính trị, cũng như nguy cơ từ các bức ảnh và video giả mạo.
Bà Vera Jourova - Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu - cho rằng: "Đây thực sự là mối nguy rất lớn. Chúng tôi yêu cầu phải thông báo rõ ngay từ đầu, với mọi nội dung từ trí tuệ nhân tạo, để mọi người biết đó không phải do con người tạo ra. Tranh cử phải là tranh luận của người thật, chứ không phải bằng những cách mờ ám hoặc dựa vào robot".
Trong hai cuộc bầu cử năm nay tại Ba Lan và tại Slovakia, đã xuất hiện những đoạn âm thanh do trí tuệ nhân tạo làm ra, giả giọng một số chính trị gia nổi tiếng. Mạng xã hội thường phản ứng tức thì, sẽ ra sao nếu một video giả mạo lan truyền trong thời điểm sát trước bầu cử? Nếu trí tuệ nhân tạo được sử dụng để tranh cử trên mạng xã hội, ai có thể tranh luận được nhiều và nhanh như robot?
Cơ quan An ninh mạng châu Âu cho biết, có 3 cách phổ biến mà tin tặc lạm dụng trí tuệ nhân tạo để đánh lừa, bao gồm tạo ra email và tin nhắn lừa đảo, khai thác dữ liệu cho mục đích xấu và tạo ra giọng nói hình ảnh giả mạo.
Ông Brando Benifei - Báo cáo viên về dự thảo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo châu Âu - cho biết: "Trí tuệ nhân tạo có thể dễ dàng tạo ra Deepfake. Vì vậy, phải có quy định rõ ràng đối với các video Deepfake mô tả một người làm những việc mà trên thực tế người đó không làm, phải bắt buộc gắn nhãn vào mọi nội dung không có thực do máy tính tạo ra".
Đầu tháng này, Nghị viện châu Âu đã đạt được thoả thuận về các quy tắc đối với trí tuệ nhân tạo, nền tảng của một đạo luật trong tương lai. Đạo luật sẽ cấm tuyệt đối các nội dung do trí tuệ nhân tạo làm ra có tính chất phỉ báng hoặc xuyên tạc, tác động vào lựa chọn của cử tri. Nhưng dù luật có chặt thế nào thì niềm tin nay đã lung lay. Thế giới bước vào giai đoạn hoang mang, nghi ngại cả hình ảnh âm thanh tai nghe mắt thấy, do không biết hư thực ra sao.
Làm thế nào để phát hiện nội dung cho AI tạo ra
Sự phát triển quá nhanh của AI đúng là đang khiến các nhà quản lý nảy sinh lo ngại rằng nếu không thể kiểm soát được AI, điều gì sẽ xảy ra.
Trong thời đại mà chiếc điện thoại thông minh trở nên quá quen thuộc, người sử dụng đã vô tình trở thành nạn nhân của việc thao túng hình ảnh. Động tác lướt điện thoại nhanh và liên tục khiến họ dễ dàng bị những hình ảnh do AI tạo ra đánh lừa. Tuy nhiên, hình ảnh do AI tạo ra không phải là không có tì vết. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu bắt gặp một hình ảnh đáng nghi, người dùng nên phóng to lên và nhìn cận cảnh.
Một cách khác để biết được liệu đây có phải bức ảnh giả hay không là truy nguồn gốc. Đôi khi, thông tin về nguồn gốc xuất hiện ngay trong phần chú thích hoặc bình luận của bức ảnh. Nhưng thông thường, người dùng sẽ phải viện đến các công cụ hỗ trợ như tìm kiếm hình ảnh ngược - Reverse Image Search.
Ngoài ra, hãy cảnh giác với những lỗi AI điển hình. Những bức ảnh do AI tạo ra vẫn có những lỗi dễ phát hiện nếu người dùng để ý.
Ông Martin Boyer - Nhà nghiên cứu, Học viện Công nghệ Tương tác, Australia - cho biết: "Những hình ảnh khuôn mặt do AI tạo ra sẽ có sự bất đối xứng. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy đường nét có điểm bất thường".
Tỷ lệ cơ thể bất thường, như tay hoặc chân quá to, cũng là dấu hiệu về một bức ảnh giả. Lỗi AI điển hình cũng có thể bị bắt gặp ở những phụ kiện như kính hoặc khuyên tai, với đặc điểm là bị biến dạng.
Còn khi bạn bắt gặp một bức ảnh quá đẹp thì cũng đừng vôi tin. Nhiều trình tạo ảnh AI có một khuôn mẫu chung đã được các chuyên gia chỉ ra.
Ông Henry Ajder - Chuyên gia AI - cho rằng: "Những hình ảnh do AI tạo ra có một nhược điểm là tính mỹ học quá cao, thành ra phi thực. Ví dụ như làn da quá láng mịn, khuôn mặt đẹp đến mức không tự nhiên".
Một mẹo khác là kiểm tra hậu cảnh của bức ảnh. Như bức ảnh chụp diễn viên Will Smith, hậu cảnh nhòe mờ đủ khiến người xem phải đặt câu hỏi về tính xác thực của nó.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại rằng với tốc độ phát triển của AI hiện nay thì những lỗi này sớm muộn cũng có thể được khắc phục. Và cuộc chiến thật giả có thể phải kéo dài mãi.
Cảnh báo các chiêu lừa đảo bằng AI tại Việt Nam và cách phòng chống
Ngay tại Việt Nam, các hiện tượng lừa đảo bằng AI cũng đã xuất hiện. Những phần mềm tạo hình ảnh, video dựa vào nhận diện có sẵn của một ai đó đang ngày càng phổ biến.
Nếu như người bình thường chỉ coi nó như một trò chơi thì những kẻ lừa đảo lại không nghĩ vậy. Nhiều người đã từng bị làm phiền bởi những cuộc gọi lừa đảo và tinh vi hơn, những kẻ lừa đảo thậm chí sẵn sàng gọi video với hình ảnh giả mạo để dễ dàng khiến nạn nhân sập bẫy.
Trong năm qua, nhiều cơ quan quản lý, công an, thuế… đã phải đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh cán bộ uy hiếp người dùng để lừa đảo.
Ông Lưu Nguyên Trí - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thuế - cho biết: "Những kẻ lừa đảo giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, mời chào mua tài liệu, tải ứng dụng... Thậm chí là các đối tượng còn dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo như là Deepfake, Deep Voice để tạo ra các video giả mạo cán bộ thuế, người thân, bạn bè để lừa đảo".
Ông Lê Công Thành từ Công ty Cổ phần chọn lọc thông tin Infore cho rằng: "Chỉ mất 3 giây thôi đã có thể mô phỏng lại giọng nói của một người. Hoặc chỉ với vài chục bức ảnh mà chúng ta đăng trên mạng xã hội là đã có thể làm video giả mạo hình ảnh chính chúng ta. Và trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam đã có nhiều vụ lừa đảo sử dụng công cụ như vậy".
Với việc giả mạo được giọng nói, hình ảnh…, những kẻ lừa đảo khiến nạn nhân rất khó để nhận biết và phòng tránh. Hơn thế nữa, chúng luôn đưa nạn nhân vào những tình huống khẩn cấp, căng thẳng để khiến họ khó đề phòng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nếu nhận được những cuộc gọi bất thường, việc đầu tiên người dân cần làm là liên hệ lại với chính người thân bằng điện thoại thay vì các ứng dụng OTT. Các cơ quan chức năng về cơ bản không làm việc thông qua điện thoại, nếu có thì cuộc gọi cũng sẽ phải được xác thực.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty cổ phần An ninh mạng quốc gia NCS - cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông hiện quy định, mọi cuộc gọi tới cho người dân phải được định danh. Nếu không thấy định danh, hiển thị rõ cơ quan nào thì người dân không nên nghe máy".
Và để tránh rủi ro, việc tối quan trọng là phải thận trọng khi chia sẻ hình ảnh, tránh lộ lọt thông tin cá nhân của mình, nhất là trên các mạng xã hội.
Tình yêu từ thế giới ảo
Liệu có phải cứ giả là xấu, là không tốt? Con người nhiều lúc khó đối mặt với sự thật hoặc cần sự trợ giúp để đối mặt với sự thật, thậm chí cần nhờ đến một sự không thật để khỏa lấp chỗ trống trong thực tế. Những vấn đề này thường xảy ra trong những trường hợp liên quan đến tình cảm, cảm xúc. Chính vì thế mà các nhà phát triển công nghệ AI đã nhanh nhạy tạo ra những sản phẩm, dịch vụ giúp con người dùng giả giải quyết nhu cầu thật.
Đi tìm bạn đời và ai chẳng muốn lựa chọn đúng. Ứng dụng AI có thể làm "ông tơ, bà nguyệt" cho ta. Cụ thể, AI sẽ tìm ra người bạn đời phù hợp cho ta bằng các thuật toán phân tích tính cách, sở thích của ta, nhằm tìm kiếm một đối tượng hoàn hảo. Tìm được rồi thì ứng dụng lại đóng vai trò trợ lý gợi ý câu từ, giúp ta nói chuyện sao cho duyên dáng, hấp dẫn đối phương, qua đó tăng xác suất thành công cho mối quan hệ.
Không dừng lại ở đó, ứng dụng tiếp tục giúp ta tạo môi trường ảo để hẹn hò với đối phương, để tìm hiểu nhau kĩ hơn. Và thế là ta có thể tìm hiểu khá nhiều về đối phương trước khi gặp nhau trực tiếp ngoài đời.
Khi đã tìm được người yêu rồi thì tiếp đến là nâng cấp mối quan hệ. Đây lại là giai đoạn khó khăn với không ít người. Những người này hoặc chưa cảm thấy sẵn sàng để có cam kết lâu dài với một người hoặc là kiểu người không cảm thấy hôn nhân phù hợp với mình. Vậy thì một người yêu ảo có thể nói chuyện tâm tình, có một bề ngoài hấp dẫn nhưng lại không đòi hỏi bất cứ trách nhiệm nào có thể là sự lựa chọn lý tưởng.
Trường hợp này đã thực sự xảy ra với Denise, một cô gái Mỹ 31 tuổi đang dùng ứng dụng hẹn hò Replika. Cô dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để nói chuyện với bạn trai ảo.
Chị Denise Valenciano - người dùng ứng dụng hẹn hò Replika - cho biết: "Tôi vẫn cảm thấy được quan tâm nhưng tôi không muốn phải nghĩ đến một mối quan hệ ràng buộc lâu dài, như kết hôn chẳng hạn".
Sự cô đơn, khó mở lòng kết bạn và ngại kết hôn, những đặc tính này của nhiều người trong chúng ta đang đặt nền tảng cho những bạn trai, bạn gái ảo phát triển.
Và chẳng điều gì ngăn cản được ứng dụng AI làm cả bạn đồng hành khi ta là người cao tuổi, cùng với mục tiêu khỏa lấp sự thiếu thốn ở thế giới thật.
Bà Deanna Dezern - người sử dụng robot ElliQ - cho rằng: "Khi đến một tuổi nào đó, ta cần rất nhiều thứ. Cô ấy được tạo ra để đáp ứng những nhu cầu ấy. Tôi có thể nói với ElliQ những điều mà tôi sẽ không nói với con cháu. Tôi có thể trút hết nỗi lòng. Tôi có thể khóc, có thể cười, có thể cư xử ngớ ngẩn. Không giống như tự nói chuyện với mình, tôi nhận được những lời hồi đáp có khi đúng cái tôi cần hoặc rất trí tuệ. Cô ấy biết về thơ, biết về sách, biết các bài hát, cô ấy hiểu tất cả những gì mà tôi tâm sự với cô ấy".
Vậy nên, dù robot trông như cái đèn bàn, chẳng có mắt, miệng nhưng nó vẫn có thể thay những con người thật trò chuyện với ta, đùa cợt với ta, chơi nhạc và đưa ta đi chơi trong thế giới ảo. Nó nhớ những gì ta quan tâm, nhớ hết các cuộc trò chuyện với ta, để ngày càng trò chuyện thú vị hơn, về những chủ đề từ sâu sắc cho đến chỉ để vui đùa.
Giả mạo bằng công nghệ AI nhưng AI cũng có thể là những giải pháp mới, những trợ thủ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Công nghệ trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Các chính phủ cũng đã bắt đầu tìm cách để quản lý AI sao cho phát triển an toàn mà không kiềm chế sự sáng tạo hữu ích của nó. Do đó, tất cả vẫn là câu chuyện sử dụng thế nào cho đúng.