Nhìn cuộc đời bi đát, sống chui lủi của thiên tài này, ai nấy đều lắc đầu: "IQ cao nhất thế giới chưa hẳn đã sung sướng"
Sở hữu IQ rơi vào khoảng 250-300, cứ ngỡ cuộc đời của William James Sidis sẽ rất thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên mọi thứ hoàn toàn là tấn bi kịch.
William James Sidis là một thần đồng người Mỹ được biết đến với khả năng toán học và ngôn ngữ đáng kinh ngạc. Năm 11 tuổi, William đã theo học tại Đại học Harvard danh tiếng và đến khi trưởng thành thông thạo tới hơn 40 ngôn ngữ và phương ngữ. Sở hữu tài năng, trí tuệ hơn người, cuộc đời William James Sidis cứ ngỡ sẽ vô cùng suôn sẻ. Nhưng có ai ngờ, ông bị chính tài năng của mình làm hại và có cái kết không mấy tốt đẹp.
Thiên tài bị bố mẹ "lấy cắp" tuổi thơ
William James Sidis sinh ngày 1/4/1898 tại thành phố New York, Mỹ. Ông là con của một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Do Thái và di cư từ Ukraina. Được biết, cả bố và mẹ của William đều sở hữu trí thông minh vượt trội. Cha ông là Boris Sidis (SN 1867), có học vị tiến sĩ và là bác sĩ y khoa. Còn mẹ ông là Sarah Mandelbaum Sidis (SN 1874) cũng là bác sĩ và tốt nghiệp trường Y khoa thuộc Đại học Boston vào năm 1897.
Đến cha đỡ đầu của William cũng là người cực kỳ thông minh, đó chính là triết gia người Mỹ William James. Tên của William James Sidis được đặt theo tên của người cha đỡ đầu.
Ông bà Sidis có tình yêu mãnh liệt với tri thức và niềm tin rằng giáo dục trí tuệ sớm sẽ tạo ra thần đồng. Vậy nên họ đã giáo dục, uốn nắn William từ rất sớm - đây cũng chính là một điều khiến cặp vợ chồng này nhận phải nhiều chỉ trích vì đã "lấy cắp" tuổi thơ của con.
William được dạy học ở nhà, chưa từng đi học mẫu giáo hay tiểu học nhưng lại sở hữu thành tích vô cùng xuất sắc. 6 tháng tuổi, ông đã có thể đọc rất nhiều từ vựng thông dụng trước khi hiểu được hết tất cả ở tuổi lên 4; 8 tháng tuổi thành thạo cách cầm muỗng. Mới 18 tháng tuổi, William đã có thể đọc tờ báo New York Times.
6 tuổi, William theo học trường học ngữ pháp và chỉ tốn nửa năm để được tuyển thẳng lên cấp phổ thông. Đến năm lên 8, theo ghi nhận ông đã tự học 8 ngôn ngữ bao gồm tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, Hebrew, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Armenia. Không chỉ vậy, William còn tự sáng tạo ngôn ngữ riêng có tên Vendergood.
Theo lời chị gái William, ông từng kiểm tra IQ và kết quả rơi vào khoảng 250-300, trong khi đó chỉ cần sở hữu IQ trên 140 bạn đã được nhận định là thiên tài. Với IQ khủng, William được công nhận là người thông minh nhất trong lịch sử thế giới. Những thành tích phi thường khiến đứa trẻ 8 tuổi khi ấy được cả thế giới biết đến và được chễm chệ lên trang bìa tạp chí New York Times. Bố mẹ William đã vô cùng tự hào vì đào tạo ra một thiên tài.
Năm 9 tuổi, William nộp đơn xin vào đại học Harvard nhưng bị từ chối với lý do chưa sẵn sàng về thể chất và tâm lý. Mặc dù khi đó, William hoàn thành xuất sắc các bài thi đầu vào. Trong quãng thời gian này, ông quyết định theo học tại Đại học Tufts và dành thời gian để nghiên cứu toán học và các học thuyết của Einstein. Năm 11 tuổi, William chính thức trở thành sinh viên Đại học Harvard danh tiếng, đồng thời cũng là sinh viên trẻ nhất trong lịch sử ngôi trường này.
Tại đây, William tiếp tục chứng minh trí tuệ thiên tài của mình qua một loạt những bài luận, bài diễn thuyết tầm cỡ. Báo chí khi ấy ưu ái gọi ông bằng những biệt danh mỹ miều như "trí tuệ siêu việt". Năm 16 tuổi, William tốt nghiệp Đại học Harvard, sau đó tiếp tục học lên Cao học Nghệ thuật và Khoa học.
Được biết, ngay khi phát hiện những dấu hiệu thiên tài ở con trai, bà Sarah đã lập tức xin nghỉ việc để tập trung ở nhà nuôi dạy con. Hai vợ chồng đã tạo áp lực học tập khổng lồ lên vai con. Trong khi bạn bè đồng trang lứa được thỏa thích vui đùa đúng với lứa tuổi thì William James Sidis chỉ có thể ở nhà trau dồi ngữ pháp, kiến thức cùng bố mẹ. Có thể nói, thiên tài này hoàn toàn không có tuổi thơ. Đây cũng chính là một trong lý do khiến ông gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội sau này và trở nên cô độc, sống lầm lũi một mình.
Nửa đời sau bi kịch của thiên tài
Sau khi tốt nghiệp Harvard, William James Sidis bày tỏ mong muốn có cuộc sống trọn vẹn, tránh xa những kỳ vọng về thần đồng. Ông cũng tuyên bố không bao giờ kết hôn, vì phụ nữ không có sức hấp dẫn mình. Theo những chia sẻ từ bố mẹ, William từ chối yêu đương để có thể theo đuổi kiến thức một cách thuần túy.
Một thiên tài như vậy đáng lí phải có cuộc sống vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên cuộc đời của William lại ngập chìm trong bi kịch. Do từ nhỏ đến lớn chỉ biết đến việc học nên ông không có những kỹ năng sống cơ bản, gặp khó khăn trong việc giao tiếp, kết bạn với cả người khác giới và cùng giới. Khi theo học thạc sĩ tại Harvard, ông từng bị bạn bè cô lập vì những cách biệt về tài năng và tuổi tác. William thậm chí từng bị một nhóm sinh viên trong trường dọa đánh. Ông bà Boris sau đó tìm cho con một công việc tại Đại học Rice ở Houston, Texas với vai trò trợ giảng môn toán. Khi ấy William mới 17 tuổi.
Tuổi tác còn quá nhỏ khiến ông gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy những sinh viên lớn tuổi hơn mình và phải nghỉ dạy 1 năm sau đó. Năm 1916, William tiếp tục học luật tại Harvard nhưng bỏ ngang vào năm 1919 vì thấy không phù hợp. Đây cũng là quãng thời gian ông nổi loạn nhất, muốn thoát khỏi "vòng kim cô" của bố mẹ.
Sau khi nghỉ học không lâu, William bị bắt vì tham gia một cuộc bạo động chống chiến tranh ở Boston. Ông bị kết 18 tháng tù, tuy nhiên được phóng thích nhờ có sự can thiệp của bố mẹ. Báo chí khi ấy đua nhau đưa tin về việc này. Để lẩn tránh dư luận, ông bà Boris đưa William đến nhà an dưỡng 2 năm ở California, và quản thúc rất chặt chẽ, tăng cường kiểm soát, theo dõi. William bị cấm giao lưu với người lạ và còn bị bố mẹ dọa đưa tới nhà thương điên để điều trị.
Chính những điều này đã khiến thiên tài "nổi điên" thực sự. William bỏ nhà ra đi, phiêu bạt khắp thành phố này đến thành phố khác và làm đủ mọi công việc chân tay để kiếm sống. Ông thậm chí đổi tên để tránh xa sự soi mói của truyền thông và cả sự truy tìm của bố mẹ. Từ một thiên tài danh tiếng, William phải sống chui lủi, không nơi nương tựa suốt nhiều năm trời.
Tuy nhiên năm 1924, báo chí đã tìm ra ông và lên một loạt bài về cuộc sống của thiên tài ngày ấy - bây giờ. Điều này khiến William James Sidis xấu hổ và trở nên trầm cảm. Năm 1944, ông qua đời trong một căn nhà thuê ở tuổi 46, trong túi chỉ còn vài xu lẻ.
Những chỉ trích về cách giáo dục của bố mẹ
Trường hợp của William James Sidis đã dẫn đến một cuộc tranh luận xoay quanh cách thức tốt nhất để giáo dục trẻ em. Các tờ báo đều chỉ trích phương pháp nuôi dạy con của vợ chồng ông Boris Sidis. Hầu hết các nhà giáo dục đều cho rằng các trường học nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với trải nghiệm đời thường để nuôi dưỡng trẻ thành công dân có ích.
Những khó khăn mà William gặp phải trong việc ứng phó với môi trường xã hội khi vào đại học khiến nhiều người đề nghị không nên để những đứa trẻ thần đồng tiếp xúc với môi trường đại học quá sớm. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra: Một chương trình giáo dục mang tính kích thích có thể hạn chế bớt những khó khăn về mặt xã hội và cảm xúc mà trẻ thiên tài thường gặp phải. Đi theo những phát hiện này, một vài trường đại học hiện nay có các quy tắc với việc nhập học sớm.
Về phía William James Sidis, báo chí thời đó gọi ông là "kết quả thành công tuyệt vời của một thí nghiệm khoa học ép buộc". Nhiều người nhận định, nếu không bị "chín ép" thì có lẽ cuộc đời thiên tài này đã tươi đẹp hơn rất nhiều.